Đối với Ngân hàng thương mại

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Một số giải pháp nhằm hạn chế rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Nhị Chiểu (Trang 37)

2. Sự cần thiết hạn chế rủi ro tín dụng trong hoạt động của NHTM

2.1.Đối với Ngân hàng thương mại

Tín dụng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản có của ngân hàng, vì vậy nếu RRTD xảy ra sẽ làm giảm tài sản và giảm lợi nhuận. RRTD xảy ra sẽ làm phát sinh các khoản nợ khó đòi, vốn bị ứ đọng dẫn đến làm giảm vòng quay vốn của ngân hàng. Thêm vào đó, ngân hàng còn phát sinh thêm một số khoản chi phí để quản lý, giám sát và thu nợ. Mặc dù ngân hàng có thể thu được khoản tiền lãi phạt nhưng thực tế khoản này rất khó thu đủ và cũng không thể bù đắp được đủ các chi phí ngân hàng đã bỏ ra. Ngân hàng vẫn phải chi trả tiền lãi cho nguồn vốn huy động, trong khi có một bộ phận tài sản của ngân hàng không thu được lãi và không chuyển được thành tiền, không thể quay vòng và đang bị tồn đọng dưới hình thức nợ quá hạn. Kết quả là lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị giảm sút.

Mặt khác, RRTD xảy ra nhiều sẽ làm giảm khả năng thanh khoản của ngân hàng. Khi đó, ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc cân đối dòng tiền ra (trả lãi, gốc tiền gửi, cho vay, đầu tư mới ...) và dòng tiền vào (tiền gửi, tiền thu nợ gốc và lãi cho vay,...) tại các thời điểm trong tương lai. Ngân hàng vẫn phải trả lãi cho các khoản tiền gửi tiết kiệm nhưng lại không thu hồi được tiền vốn từ các hợp đồng cho vay. Sự mất cân đối này sẽ làm giảm khả năng thanh khoản và gia tăng nguy cơ rủi ro thanh khoản đối với ngân hàng.

Hơn nữa, RRTD xảy ra còn làm giảm uy tín và hình ảnh của ngân hàng. Khi ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn cao, các thông tin này sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng (Trung tâm thông tin tín dụng - CIC, báo chí, truyền hình...) và do đó sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động khác của ngân hàng như: hoạt động huy động vốn, hoạt động đồng tài trợ, cung cấp các dịch vụ khác, ... Đây cũng là cơ hội tốt để các đối thủ cạnh tranh giành giật lấy thị trường và khách hàng.

Thêm vào đó, RRTD còn khiến cho ngân hàng đứng trước nguy cơ phá sản. RRTD xảy ra kéo theo khả năng ngân hàng gặp rủi ro thanh khoản, ngân hàng bị mất khả năng chi trả. Nếu trong trường hợp khách hàng không tin tưởng và đến rút vốn ồ ạt mà ngân hàng không có sự chuẩn bị trước để đáp ứng nhu cầu rút vốn quá lớn, NHTW không can thiệp kịp thời thì ngân hàng sẽ bị mất khả năng thanh toán và dẫn đến bị sụp đổ.

2.2. Đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế

Hoạt động của một ngân hàng trong một quốc gia có liên quan đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức kinh tế, xã hội và cá nhân trong nền kinh tế. Do vậy, nếu một ngân hàng có kết quả hoạt động xấu, thậm chí dẫn đến mất khả năng thanh toán và phá sản thì sẽ có những tác động dây chuyền ảnh hưởng xấu đến các ngân hàng và các bộ phận kinh tế khác.

Khi ngân hàng gặp khó khăn thì việc cung cấp vốn cho doanh nghiệp sẽ bị hạn chế, tốc độ luân chuyển vốn chậm gây ngừng trệ các hoạt động kinh tế khác. Do một lượng vốn lớn nằm tồn đọng trong các khoản nợ khó đòi nên ngân hàng không

đủ vốn để cấp cho các dự án khả thi khác. Điều này làm sẽ làm cho sản xuất đình đốn và nền kinh tế phát triển chậm lại. Ngân hàng có mối quan hệ chặt chẽ với nền kinh tế, là kênh thu hút và bơm tiền cho nền kinh tế. Vì vậy, RRTD gây nên sự phá sản một ngân hàng sẽ làm cho nền kinh tế bị rối loạn, hoạt động kinh tế bị mất ổn định, quan hệ cung cầu bất ổn, lạm phát, thất nghiệp, tệ nạn xã hội gia tăng, tình hình an ninh – chính trị không ổn định...

Tóm lại, rủi ro tín dụng của một ngân hàng xảy ra sẽ gây ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau: nhẹ nhất là ngân hàng bị giảm lợi nhuận khi phải trích lập dự phòng, không thu hồi được lãi cho vay, nặng nhất khi ngân hàng không thu được vốn gốc và lãi vay, nợ thất thu với tỷ lệ cao dẫn đến ngân hàng bị lỗ và mất vốn. Nếu tình trạng này kéo dài không khắc phục được, ngân hàng sẽ bị phá sản, gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Chính vì vậy, đòi hỏi các nhà quản lý ngân hàng phải hết sức thận trọng và có những biện pháp thích hợp nhằm giảm thiểu RRTD.

3. Kinh nghiệm về hạn chế RRTD của các tổ chức tín dụng quốc tế

3.1 Kinh nghiệm quản trị rủi ro tín dụng của các ngân hàng Thái Lan

Sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997-1998, một loạt các thay đổi cơ bản trong quản trị rủi ro tín dụng đã được các ngân hàng Thái Lan triển khai nhanh chóng và triệt để. Một số nét đặc trưng của quá trình đó là:

Một là, tách bạch, phân công rõ chức năng các bộ phận và tuân thủ các khâu trong quy trình giải quyết các khoản vay. Trên cơ sở đó xây dựng mô hình tổ chức triển khai dịch vụ tín dụng theo nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm thành 2 bộ phận: bộ phận tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và bộ phận thẩm định.

Hai là, tuân thủ nghiêm ngặt các vấn đề có tính nguyên tắc trong tín dụng. Một số ngân hàng Thái Lan trước đây chỉ quan tâm đến tài sản thế chấp, không quan tâm đến dòng tiền của khách hàng vay, đã dẫn đến có lúc nợ xấu lên đến 40% (năm 1997-1999). Hiện nay, các ngân hàng đã quan tâm và thực hiện triệt để các nguyên tắc tín dụng. Trên cơ sở báo cáo tài chính và các nguồn thông tin, ngân hàng xác định vòng chu chuyển dòng tiền và vòng thu hồi vốn đầu tư, tiến hành dự báo rủi ro

trong tương lai, các phương án và khả năng khắc phục.

Ba là, giám sát khoản vay. Công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay được tăng cường, trên cơ sở thông tin thu thập được để đánh giá xếp loại khách hàng và có biện pháp xử lý kịp thời các tình huống rủi ro. Tại Trụ sở chính có 2 bộ phận: bộ phận tác nghiệp và bộ phận tái xét. Bộ phận tác nghiệp giám sát sự thay đổi những rủi ro của từng khoản vay và có hành động thích ứng kịp thời nhằm đảm bảo tất cả các điều khoản và điều kiện của khoản vay phải được tuân thủ. Bộ phận tái xét: quy định cụ thể phương pháp tái xét phải thực thi theo quy định của NHTW Thái Lan. Bộ phận quản lý rủi ro tín dụng quản lý danh mục tín dụng, thường xuyên cập nhật các báo cáo kinh doanh cho danh mục tín dụng, báo cáo xếp hạng tín dụng, các khoản vay có vấn đề và danh mục khoản vay cần giám sát, khoản nợ không hoạt động.

Bốn là, thực hiện nguyên tắc cho điểm khách hàng.Các Ngân hàng Thái Lan hiện đang áp dụng cho điểm khách hàng để quyết định cho vay đối với khách hàng. Hạng tín dụng được xếp loại theo các hạng từ AAA (chất lượng cao, rủi ro thấp, khả năng trả nợ cao nhất), AA, A,BBB,… đến D (nguy cơ vỡ nợ). Hiện nay, các ngân hàng Thái Lan đang áp dụng việc cho điểm khách hàng theo các mô hình điểm số Z và mô hình điểm số tín dụng tiêu dùng.

Năm là, tuân thủ thẩm quyền phán quyết tín dụng. Tuỳ theo mức vốn vay, thẩm quyền phán quyết tín dụng được phân cấp cho giám đốc chi nhánh, hoặc trình hội đồng tín dụng, hội đồng quản trị,…

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Một số giải pháp nhằm hạn chế rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Nhị Chiểu (Trang 37)