Gia đình và vai trò của gia đình trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ

Một phần của tài liệu Giáo dục hành vi đạo đức cho trẻ từ 6 đến 11 tuổi trong gia đình hiện nay (Trang 33)

* Gia đình

GĐ là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học.

Gia đình là một tổ chức đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hóa – xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, qua hệ nuôi dưỡng và giáo dục... giữa các thành viên.

+ Gia đình là cầu nối giữa cá nhân và xã hội.

Gia đình là môi trường đầu tiên có ảnh hưởng rất quan trọng đến sự hình thành và phát triển tính cách của mỗi cá nhân. Và cũng chính trong gia đình, mỗi cá nhân sẽ học được cách cư xử với người xung quanh và xã hội.

Gia đình là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc những công dân tốt cho xã hội. Sự hạnh phúc của gia đình là tiền đề hình thành nên nhân cách tốt cho những công dân của xã hội. Vì vậy, muốn xây dựng xã hội thì phải chú trọng xây dựng gia đình. Hồ Chủ Tịch nói: “Gia đình tốt thì xã hội tốt, nhiều gia đình tốt cộng lại thì làm cho xã hội tốt hơn”.

Thế nhưng, các cá nhân không chỉ sống trong quan hệ gia đình mà còn có những quan hệ xã hội. Mỗi cá nhân không chỉ là thành viên của gia đình mà còn là thành viên của xã hội. Không thể có con người bên ngoài xã hội. Gia đình đóng vai trò quan trọng để đáp ứng nhu cầu về quan hệ xã hội của mỗi cá nhân.

Ngược lại, bất cứ xã hội nào cũng thông qua gia đình để tác động đến mỗi cá nhân. Mặc khác, nhiều hiện tượng của xã hội cũng thông qua gia đình mà có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đối với sự phát triển của mỗi cá nhân về tư tưởng, đạo đức, lối sống.

Hiện nay, GĐ tồn tại dưới nhiều hình thức, tuỳ theo mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu mà có thể phân gia đình thành: gia đình truyền thống; gia đình hiện đại; gia đình hạt nhân (hai thế hệ chung sống, bố mẹ và con cái.); gia đình mở rộng (có từ ba thế hệ trở lên); gia đình pha trộn (xây dựng lại các cặp vợ chồng); gia đình độc thân (một mẹ nuôi con,…);… Xét theo đẳng cấp, theo hình thái kinh tế xã hội có: gia đình nông thôn; gia đình công nhân; gia đình trí thức; gia đình tư sản;…

Tóm lại, trong phạm vi đề tài nghiên cứu của chúng tôi, nội hàm của khái niệm gia đình được xác định như sau:

- GĐ là tổ chức cơ bản, gắn bó của mỗi cá nhân. Mọi người được sinh ra từ trong gia đình, chịu ảnh hưởng sâu sắc của gia đình bởi sự chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ từ lúc thai nhi trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành.

- Các thành viên trong GĐ có thể thuộc nhiều thế hệ, được gắn bó với nhau không chỉ huyết thống, mà còn những truyền thống, nề nếp gia phong, tạo nên bản sắc văn hoá, truyền thống đạo đức của gia đình.

- Gia đình là môi trường đầu tiên có ảnh hưởng rất quan trọng đến sự hình thành và phát triển tính cách của mỗi cá nhân. Và cũng chính trong gia đình, mỗi cá nhân sẽ học được cách cư xử với người xung quanh và xã hội.

* Vai trò của gia đình và các bậc cha mẹ trong GDHVĐĐ đối với trẻ từ 6 đến 11 tuổi

Gia đình là nơi con người sinh ra, lớn lên và hình thành nhân cách của mình. Với những ưu thế vượt trội, gia đình (mà trực tiếp là các bậc cha mẹ) có vai trò quan trọng trong GDHVĐĐ đối với trẻ. Bởi trong 3 thiết chế: gia đình, nhà trường và xã hội thì gia đình là trung tâm xuất phát điểm của giáo dục con người.

Trẻ em sống trong gia đình được các thành viên trong gia đình hiểu biết về nhiều mặt: nhu cầu, hứng thú, xu hướng phát triển, cá tính, những điều kiện bên trong… Từ đó, xác định được mục tiêu giáo dục đạo đức phù hợp, thực tế và linh hoạt đảm bảo cho việc đạt kết quả có thể hình dung trước được. Cũng từ đó mà lựa chọn nội dung và phương pháp thích hợp.

GDĐĐ là giáo dục toàn diện cả về ý thức đạo đức, tình cảm đạo đức, hành vi và thói quen đạo đức. Việc rèn luyện HVĐĐ là hoàn toàn phù hợp với tình huống cụ thể trong hoạt động sống của trẻ. Các tình huống được diễn ra thường xuyên, lâu dài và liên tục trong các điều kiện hết sức khác nhau ở gia đình.

Khẳng định vai trò của gia đình cũng có nghĩa khẳng định vai trò của các thành viên trong gia đình đối với việc GDHVĐĐ đối với trẻ. Có thể khẳng định, trong gia đình, tất cả các thành viên (ông bà, anh chi em, cô dì, chú bác…), cũng như các yếu tố thuộc về gia đình (truyền thống, văn hóa, kinh tế… của gia đình) đều tham gia vào quá trình GDHVĐĐ đối với con trẻ. Tuy nhiên, mỗi thành viên, mỗi yếu tố đều có những ảnh hưởng đến trẻ ở những mức độ khác nhau, theo những nội dung khác nhau và tùy thuộc rất nhiều vào từng giai đoạn phát triển của trẻ. Trong những điều kiện bình thường thì trong số những người thân, cha mẹ có vai trò quan trọng hàng đầu vì cha mẹ là người sinh ra con trẻ, yêu thương con trẻ hết mực và hiểu con mình hơn ai hết. Điều này đã được chứng minh qua nghiên cứu khoa học. Mặc dù có các điều kiện về vật chất, những quan hệ với những người thân khác và xã hội tương tự thì sự phát triển về nhân cách của trẻ sống xa bố mẹ vẫn có sự khác biệt với trẻ sống cùng bố mẹ. Chính cha mẹ là người đầu tiên, quyết định mục tiêu sẽ nuôi dạy con mình trở thành người như thế nào trong gia đình, nhà trường xã

hội; quyết định con mình có được đi học hay không? kết bạn với những ai? Và phương pháp giáo dục đạo đức nào phù hợp…

Vấn đề vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục HVĐĐ của trẻ nhỏ cũng được quan tâm nghiên cứu ở nhiều nước. Trong văn bản của 2 diễn đàn cấp quốc tế gần đây nhất về gia đình: “Tuyên bố Hà Nội” (diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 28 đến 30 tháng 4 năm 2004) và “Gia đình trong giai đoạn chuyển giao” (diễn ra tại Canberra, Australia, từ ngày 1 đến ngày 2 tháng 12 năm 2005) vấn đề vai trò của cha mẹ trong việc GDHVĐĐ của trẻ nhỏ được đề cập rất sâu sắc. Tại hai diễn đàn này, các nước tham gia thuộc 05 châu trên thế giới đã khẳng định: “Gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội, có vị trí và vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng, hình thành nhân cách của mỗi người” [21.119]

Các nhà khoa học cũng đã có nhiều nghiên cứu, phân tích sâu về sự khác biệt giữa vai trò người cha và người mẹ trong quá trình GDĐĐ cho trẻ. Nhà tâm lý học Raul Gurarendi, tác giả cuốn “Back to the family” đã rút kinh nghiệm từ 100 gia đình thành công ở Mỹ viết rằng: “cha là người có vai trò độc nhất, có sức mạnh đặc biệt để nâng đỡ con cái” [38. 152]. Hai tác giả Trần Đại Vĩ và Ngô Khu (Trung Quốc) phân tích kỹ hơn vai trò của từng lực lượng giáo dục là cha hay mẹ trong từng nội dung giáo dục cụ thể và đối tượng giáo dục. Họ quan niệm: “Cha mẹ là tấm gương của con cái. Nhưng với con trai thì sự tác động, dạy dỗ của người cha là vô cùng quan trọng. Con trai chỉ mang tính cách, bản lĩnh đàn ông khi được sự giáo dục, dạy dỗ của cha mẹ, trong đó vai trò của người cha là đặc biệt quan trọng” [38.9]

Một phần của tài liệu Giáo dục hành vi đạo đức cho trẻ từ 6 đến 11 tuổi trong gia đình hiện nay (Trang 33)