Giáo dục HVĐĐ là một mặt quan trọng và nó quyết định thành công của giáo dục đạo đức cho trẻ. HVĐĐ là kết quả của quá trình giáo dục đạo đức và có mối quan hệ mật thiết với giáo dục ý thức và giáo dục thái độ đạo đức. HVĐĐ chỉ có thể hình thành được bằng con đường rèn luyện, thực hành trong các tình huống của cuộc sống, bằng việc làm, cách cư xử thực tế, thực tiễn trong những hoàn cảnh thực.
Thật vậy, nếu chỉ thiên về “dạy ý thức”, giảng giải thế nào là đúng sai, cần làm như thế nào cho phù hợp đạo đức… trẻ có thể biết các chuẩn mực đạo đức nhưng chưa thể có hành động đạo đức và không thực hiện hành động đạo đức thì con người chưa có đạo đức.
Con người chỉ có thể là con người xã hội, trong đó các cá nhân, ở những mức độ khác nhau, đều được xã hội hoá. Họ sống, làm việc, hành động theo
những qui tắc ứng xử đã hình thành trong xã hội. Như thế, chúng ta có thể nói rằng, mỗi cá nhân đã tiếp nhận một hệ thống các qui tắc và các thước đo văn hoá của xã hội và thể hiện chúng trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Những thước đo này về bản chất là những tiêu chuẩn lý tưởng mang tính chất qui ước mà mỗi cá nhân cần phải tuân theo.
Nhưng tri thức đạo đức và niềm tin đạo đức mới chỉ là một trong những yếu tố định hướng con người thực hiện HVĐĐ. Muốn GDHVĐĐ cho trẻ, chúng ta cần phải xây dựng cho trẻ những động cơ đạo đức vững bền.
Động cơ đạo đức là nguyên nhân bên trong đã được con người ý thức, nó trở thành động lực chính làm cơ sở cho những hành động của con người trong mối quan hệ giữa người này với người khác và với xã hội, biến hành động của con người thành hành vi đạo đức. Như vậy, động cơ đạo đức vừa bao hàm ý nghĩa về mặt mục đích, vừa bao hàm ý nghĩa về mặt nguyên nhân của hành động.
- Động cơ với tư cách là mục đích của hành vi đạo đức sẽ quy định chiều hướng tâm lý của hành động, quy định thái độ của cá nhân đối với hành động của mình.
- Động cơ với tư cách là nguyên nhân của hành động sẽ trở thành động lực tâm lý, có tác dụng phát huy mọi sức mạnh tinh thần hay vật chất của con người, thúc đẩy con người hành động theo những tri thức và niềm tin đạo đức, nó trở thành động lực chính làm cơ sở cho những hành động của con người, biến hành động của con người thành HVĐĐ.
Một trong những yếu tố tham gia vào việc tạo ra động cơ đạo đức là thái độ tích cực của bản thân trẻ trong mối quan hệ với mọi người trong xã hội. Thái độ này là tình cảm đạo đức. Chính tình cảm đạo đức khơi dậy những nhu cầu đạo đức, thúc đẩy trẻ hành động một cách có lương tâm, có đạo đức trong mối quan hệ giữa mình với mọi người, ngoài ra nó còn thúc đẩy và điều chỉnh HVĐĐ của các em.
Nếu chúng ta chỉ cung cấp cho trẻ hệ thống tri thức đạo đức, hình thành cho trẻ niềm tin, tình cảm và động cơ thì cũng chưa đủ để tạo nên HVĐĐ. Muốn GDHVĐĐ cho trẻ chúng ta còn cần phải rèn luyện cho các em có ý chí, nghị lực, có khả năng biến sự hiểu biết, niềm tin, tình cảm của mình thành HVĐĐ.
HVĐĐ không chỉ dừng lại ở mức độ thực hiện một thiện chí nào đó nhờ sự thúc đẩy của nghị lực, mà nó phải được trở thành những hành động tự động hóa, trở thành thói quen đạo đức. Song muốn tạo cho trẻ những thói quen đạo đức, bắt buộc chúng ta phải tổ chức cho trẻ luyện tập các hoạt động sống đa dạng, phong phú, tạo điều kiện để trẻ có thể rèn luyện các HVĐĐ của mình.
Chúng ta có thể hiểu: Giáo dục hành vi đạo đức là quá trình tổ chức, yêu
cầu, khuyến khích trẻ tham gia, thực hiện lặp đi, lặp lại nhiều lần những thao tác, hành động đạo đức trong học tập, sinh hoạt, trong cuộc sống với ý thức và thái độ đạo đức đúng đắn từ đó có thói quen đạo đức bền vững.
* Cơ chế hình thành hành vi đạo đức ở trẻ
Theo tác giả Ngô Công Hoàn, trong quá trình họat động và giao tiếp, trẻ lĩnh hội được các chuẩn mực hành vi đạo đức xã hội. Sự lĩnh hội này diễn ra theo cơ chế nhập tâm, bắt chước, học tập có ý thức.
- Cơ chế nhập tâm: Về bản chất là sự huy động hoạt động tích cực của các
giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác, vị giác… tiếp nhận những thông tin bắt nguồn từ đối tượng, phương tiện, công cụ và các điều kiện hành động… để hình thành các biểu tượng tương đối chính xác về các đối tượng, phương tiện… thỏa mãn nhu cầu của trẻ. Cơ chế nhập tâm được thực hiện theo phương thức phản xạ, nhờ đó trẻ tích lũy được nhiều bieur tượng về các sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan.
- Cơ chế bắt chước: Khi đã có một vốn biểu tượng nhất định, cùng vớisự phát triển thể chất, đặc biệt là hệ thần kinh, trẻ có khả năng bắt chước hành vi của người lớn. Hành vi bắt chước càng tích cực và thường xuyên khi được người lớn động viên, khuyến khích kịp thời. Nhờ đó trẻ từ 6 tuổi trở lên đã hình thành một số năng lực người: năng lực hợp tác với những người xung quanh; năng lực làm chủ một số hành vi xúc cảm, biểu cảm; năng lực thể hiện “cái tôi”… Để phát triển và hoàn thiện các năng lực này là quá trình hoạt động tích cực của cá nhân suốt cả đời người.
- Cơ chế học tập bằng quan sát xã hội: Khi ý thức và tự ý thức được hình
thành, cùng với sự hình thành và phát triển của tình cảm và ngôn ngữ. Ngôn ngữ được sử dụng như là phương tiện để lĩnh hội các chuẩn mực hành vi đạo đức.
* Các yếu tố tâm lý quy định HV và thói quen đạo đức ở trẻ
Trên góc độ nhìn nhận trẻ em như một chủ thể của hành vi đạo đức, các yếu tố tâm lí quy định hành vi và thói quen đạo đức ở các em thường được nhắc đến nhiều nhất là tri thức đạo đức, tình cảm đạo đức, tính sẵn sàng hành động có đạo đức, nhu cầu tự khẳng định…
+ Tri thức đạo đức: Tri thức đạo đức là sự hiểu biết, nhận thức đúng đắn
của học sinh về những chuẩn mực đạo đức quy định hành vi của các em trong quan hệ với người khác, với cộng đồng, từ đó các em có thái độ và hành vi tự giác, tự nguyện tuân thủ chúng. Tri thức đạo đức cho học sinh biết được các em phải làm gì, làm như thế nào cho phù hợp trong những vai trò, vị thế của mình trong mối quan hệ với người khác, với cộng đồng, với xã hội. Nó là nguyên nhân của hành vi đạo đức ở các em.
+ Niềm tin đạo đức: Việc hiểu biết về chuẩn mực và quy tắc đạo đức chưa
hoàn toàn đảm bảo để có hành vi đạo đức ở học sinh. Muốn có hành vi đạo đức còn cần có sự tin tưởng nào đó ở các em về lợi ích của các chuẩn mực đạo đức đối với con người và xã hội. Sự tin tưởng này chính là niềm tin đạo đức.
Niềm tin đạo đức là cơ sở để làm bộc lộ những phẩm chất ý chí của các em trong khi hành động.
+ Tình cảm đạo đức: Tình cảm đạo đức là những thái độ rung cảm của học sinh đối với hành vi của người khác và của chính mình trong quá trình quan hệ với người khác, với xã hội và với bản thân.
Tình cảm đạo đức là biểu hiện của niềm tin đạo đức ở các em. thúc đẩy các em hành động một cách có đạo đức trong quan hệ với người khác, với cộng đồng và với xã hội. Tình cảm đạo đức là một trong những động cơ thúc đẩy và điều chỉnh hành vi đạo đức của học sinh. Đặc biệt, các rung cảm tích cực có tác dụng khơi dậy những nhu cầu đạo đức lành mạnh và thúc đẩy các em thực hiện những hành vi đạo đức cao cả.
+ Tính sẵn sàng hành động có đạo đức: Tính sẵn sàng hành động có đạo đức là sự chuẩn bị sẵn về mặt tâm lí ở học sinh để có hành vi đạo đức. Sự sẵn sàng tâm lí có ảnh hưởng tích cực tới việc thực hiện hành động. Nó chẳng những
giúp cho học sinh chủ động sử dụng tri thức và kinh nghiệm trong hành động, mà còn giúp các em phát huy các phẩm chất nhân cách, duy trì sự tự kiểm tra hành động và cải tổ hành động của mình khi có khó khăn, trở ngại. Tính sẵn sàng hành động có đạo đức bao gồm xu hướng đạo đức của nhân cách, các phẩm
chất ý chí và phương thức hành vi cá nhân.
Trong đó, xu hướng đạo đức của nhân cách là cơ sở đầu tiên, cơ bản để có hành động đạo đức ở học sinh, còn các phẩm chất ý chí (tính mục đích, tính quả quyết, tính kiên nhẫn…) vừa là điều kiện cần thiết để các em hành động đến cùng theo xu hướng đạo đức của mình, vừa là cơ sở để hiện thực hoá xu hướng đạo đức, chuyển nó thành hành động đạo đức và các phương thức hành vi là yếu tố làm cho hành động đạo đức được triển khai đầy đủ, trọn vẹn và thuận lợi.
+ Nhu cầu – nền tảng của hành vi đạo đức:
Tác giả Ngô Công Hoàn cho rằng, HVĐĐ cũng như hành vi xã hội được hình thành từ những nhu cầu cơ bản của con người.
Nguồn gốc của HVĐĐ ở trẻ trước hết được hình thành từ quá trình thỏa mãn các nhu cầu cơ bản. Trước hết phải là những nhu cầu sinh học, tiếp theo là những nhu cầu có nguồn gốc xã hội như nhu cầu giao tiếp, nhu cầu gắn bó, nhu cầu nhận thức, nhu cầu xúc cảm, nhu cầu an toàn. [84]
Sự phát triển liên tục của nhu cầu phụ thuộc vào độ phức tạp của hoạt động, sự phong phú của đối tượng thỏa mãn nhu cầu. Xã hội càng phát triển, chất lượng cuộc sống càng được nâng cao thì nhu cầu của con người cũng phong phú và đa dạng. Do vậy, hành vi đạo đức càng được phát triển về hình thức và nội dung.
Ngoài những nhu cầu nói trên ở trẻ thì nhu cầu tự khẳng định là sự cần thiết khẳng định mình là một thành viên xã hội, thành viên một tập thể, là mong muốn được mọi người thừa nhận. Nhu cầu tự khẳng định của học sinh tiểu học biểu hiện ở mong muốn được mọi người tôn trọng, được thừa nhận, được khen ngợi; mong muốn được giúp đỡ người khác và được người khác giúp đỡ…
Nhu cầu tự khẳng định có liên quan mật thiết với tự đánh giá các phẩm chất, khả năng và hoạt động của bản thân. Tự đánh giá giữ vai trò rất quan trọng
trong xu hướng đạo đức của học sinh. Nếu có được sự tự đánh giá đúng đắn (phù hợp với khả năng thực tế của bản thân), nhu cầu tự khẳng định được thoả mãn thì rất thuận lợi cho sự phát triển tâm lí và đạo đức của trẻ.
Ngược lại, nếu sự tự đánh giá không thích hợp (thấp hơn hoặc cao hơn khả năng thực tế của bản thân) thì đều sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm lí và đạo đức của trẻ. Nhu cầu tự khẳng định và tự đánh giá là các yếu tố giữ vai trò điều khiển và điều chỉnh hành vi đạo đức của trẻ.
Theo Piaget, trẻ từ 5 đến 7 tuổi, trẻ em tin rằng các quy tắc hành vi, ứng xử đạo đức là tuyệt đối bắt buộc phải tuân thủ nhưng đến 8 tuổi, trẻ nhận ra rằng các quy tắc đó mang tính tương đối, do người ta tạo nên để giúp con người có các mối quan hệ hài hòa với người khác. Lúc này chúng đã có khả năng “thương thuyết” “mặc cả”. Còn Kohnberg thì cho rằng 2 giai đoạn đầu trong 6 giai đoạn phát triển đạo đức là rất phổ biến ở trẻ lứa tuổi tiểu học. Đó là định hướng (hành vi đạo đức) theo kiểu tuân thủ, vâng lời, nghe lời người có uy quyền (giai đoạn 1) và định hướng công cụ (ngoan để được cha mẹ yêu thương, thầy cô hài lòng). Như vậy để giúp trẻ hình thành hành vi, thói quen đạo đức thì trong gia đình cha mẹ cần giúp các em hiểu các quy tắc, chuẩn mực ứng xử trong xã hội đồng thời khơi dậy những rung cảm tốt đẹp băng những bài học thực tiễn cũng như trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Cần khơi dậy ở trẻ những động cơ đạo đức chân chính thúc đẩy trẻ thực hiện hành vi đạo đức.