Dựng phim/dựng băng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu quy trình sản xuất các chương trình trò chơi truyền hình (Gameshows dành cho 3 đối tượng tiêu biểu Đồ Rê Mí, Rung chuông vàng và Vui, Khỏe, Có ích (Trang 83)

 Dựng phim về mặt nội dung: một chương trình ghi hình được ghi lại toàn bộ diễn tiến kéo dài từ 90 – 180 phút (đôi khi cũng có những chương trình ghi hình kéo dài tới 200 – 250 phút) nhưng thời lượng phát sóng cho phép với các chương trình TCTH chỉ từ 45 – 55 phút là tối đa (thời lượng trung bình của các chương trình TCTH là 45 – 50 phút, ngoài ra còn dành thời lượng cho quảng cáo, khung phát sóng thông thường cả nội dung và quảng cáo là 60 phút) nên phải có quá trình cắt gọt nội dung, chắt lọc và dựng lại các nội dung cần thiết sao cho liền mạch và hợp logic. Qúa trình cắt ghép về nội dung được các BTV thực hiện bao gồm công đoạn xem băng theo time code để chắt lọc ra nội dung cơ bản và hình ảnh cơ bản muốn lấy trong toàn bộ quá trình ghi hình. Sau khi xem băng, thời lượng nội dung mà BTV nạp vào phòng hậu kỳ khoảng 60 – 100 phút. Từ thời lượng này, BTV cùng kỹ thuật dựng hậu kỳ tiếp tục cắt ghép, chắt lọc để tạo nên 45 – 50 phút của chương trình hoàn chỉnh. Đây cũng chính là quá trình cắt bớt lời dẫn của MC, cắt bớt phỏng vấn người chơi, phỏng vấn khán giả sao cho chương trình vẫn hay, vẫn thể hiện trọn vẹn được nội dung mà vẫn đảm bảo về thời lượng. Các BTV cũng phải thực hiện các chức năng của báo chí trong quá trình biên tập chương trình, bỏ đi các vấn đề nhạy cảm chưa được định hướng của người chơi, cắt đi những phần nội dung chưa phù hợp để từ đó tạo thành những nội dung mang tính định hướng, đúng đắn và phù hợp với các chính sách, nội dung của Đảng và Nhà Nước. Đây cũng là công đoạn cho thêm các phóng sự bên lề, các phóng sự nội dung hoặc phóng sự người chơi theo nội dung kịch

bản đã được lên sẵn. Nhiệm vụ của BTV dựng hậu kỳ là phải biên tập lại một chương trình từ 90 – 180 phút thành một chương trình hoàn chỉnh từ 45 – 50 phút mà vẫn giữ nguyên tinh thần cũng như nội dung của chương trình. Thông thường, mỗi BTV lại có một cách biên tập khác nhau nhưng tất cả đều phải đảm bảo về nội dung, theo đúng định hướng ban đầu của chương trình. Phải đảm bảo về tính hấp dẫn của chương trình dành cho khán giả.

 Dựng phim về mặt hình ảnh: Các BTV là người chịu trách nhiệm về mặt logic hình ảnh trong chương trình, quá trình biên tập phải đảm bảo các hình ảnh diễn ra logic với nhau, chọn nhiều góc máy không trùng hợp trong một trường đoạn hình ảnh. Hình ảnh được chọn cũng phải thể hiện tốt nhất vấn đề được đề cập tới trong nội dung chương trình. Các BTV cũng sử dụng máy lẻ làm các cảnh trám hoặc làm các cảnh chú thích làm rõ chi tiết nội dung. Phần việc của các kỹ thuật dựng hậu kỳ là xử lý hình ảnh sao cho đạt chất lượng cao nhất, đảm bảo chất lượng hình ảnh theo yêu cầu chung của Đài THVN.

 Dựng phim về mặt âm thanh: về mặt kỹ thuật âm thanh, kỹ thuật viên hậu kỳ phải là người có trách nhiệm cao nhất bởi lẽ đây không thuộc chuyên môn của các BTV. Kỹ thuật hậu kỳ phải chỉnh âm thanh sao cho tiếng nền, tiếng MC và tiếng người chơi hài hòa với nhau. Các loại âm thanh trong chương trình đồng đều ở một mức tiếng, không bị mất tiếng và không bị vỡ tiếng. Đường tiếng phải chia thành các kênh đảm bảo phát sóng theo yêu cầu chung của Đài THVN.

 In băng phát sóng: sau khi chương trình được dựng hoàn chỉnh trong phần mềm dựng phim chuyên nghiệp, các kỹ thuật hậu kỳ có trách nhiệm xuất phần nội dung ấy thành một file hoàn chỉnh (bởi với các chương trình TCTH phần dựng hậu kỳ bao gồm rất nhiều các đường hình và đường tiếng riêng biệt) có định dạng theo chuẩn của Đài THVN. File hoàn chỉnh này sẽ được dùng đầu in băng in vào băng Betacam với các tiêu chuẩn về âm thanh và hình ảnh đúng tiêu chuẩn. Sau khi đã in băng betacam (băng này được gọi là băng phát sóng), BTV có trách nhiệm mang băng này đi duyệt qua các cấp về mặt nội dung để chỉnh sửa rồi tiếp tục in băng cuối cùng để kịp phát sóng.

Qúa trình dựng phim/dựng băng giống như quá trình “làm đẹp” cho con người. Nếu thiếu quá trình này thì các chương trình truyền hình nói chung và TCTH nói riêng không thể thực hiện phát sóng được bởi lẽ sóng truyền hình là hạn chế, khán giả là thượng đế. Những gì mà truyền hình mang đến cho khán giả phải là tốt nhất, vì thế ngoài các chương trình truyền hình trực tiếp đã được tính toán kỹ lưỡng thì các chương trình truyền hình còn lại đều phải thực hiện công tác hậu kỳ để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh về nội dung, hình ảnh, âm thanh để có thể phát sóng được. Qúa trình dựng phim/dựng băng thường mất từ 3 – 5 ngày tùy theo chương trình.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu quy trình sản xuất các chương trình trò chơi truyền hình (Gameshows dành cho 3 đối tượng tiêu biểu Đồ Rê Mí, Rung chuông vàng và Vui, Khỏe, Có ích (Trang 83)