Fomat chương trình

Một phần của tài liệu Nghiên cứu quy trình sản xuất các chương trình trò chơi truyền hình (Gameshows dành cho 3 đối tượng tiêu biểu Đồ Rê Mí, Rung chuông vàng và Vui, Khỏe, Có ích (Trang 36)

Đối với mỗi chương trình TCTH yếu tố tiên quyết để sản xuất chính là format chương trình. Những người làm chương trình phải có trong tay một bản format cụ thể và chi tiết về chương trình TCTH mà mình định sản xuất để bắt đầu đưa chương trình này vào kế hoạch sản xuất. Đối với các Đài Truyền hình hiện nay thì việc đưa vào sản xuất một chương trình mới nói chung và một chương trình TCTH mới nói riêng cần phải là một quá trình lâu dài, cụ thể và phải trải qua nhiều khâu làm việc. “Format” bản thân là một từ chuyên môn của nước ngoài để chỉ một văn bản ghi lại hoàn chỉnh các yếu tố cần và đủ để tạo nên một chương trình truyền hình (bao gồm các loại chương trình truyền hình như âm nhạc, nghệ thuật, trò chơi, du lịch …). Khi về đến Việt Nam, việc chuyển ngữ từ “format” sao cho sát nghĩa, đúng và đầy đủ các yếu tố như nguyên mẫu của nó là rất khó nên hiện nay chúng ta vẫn sử dụng từ nguyên bản format để chỉ khung xương đầu tiên khi bắt tay vào thực hiện một chương trình truyền hình.

Theo tác giả tự thu thập từ nhiều nguồn khác nhau cũng như hình thành trong suốt quá trình làm việc trong môi trường truyền hình, tác giả đề xuất cách hiểu “format” là một văn bản được triển khai từ ý tưởng của một hoặc nhiều người khác nhau về một chương trình, format bao gồm thứ tự diễn ra chương trình, đối tượng mà chương trình hướng tới, loại hình mà chương trình triển khai (là trò chơi hay truyền hình thực tế hay du lịch phiêu lưu…). Đồng thời format cũng là nơi triển khai các ý tưởng một cách cụ thể nhất bằng hình ảnh và ngôn ngữ để từ đó những người tham gia sản xuất có thể lên kịch bản khung ban đầu cho chương trình.

Format dành cho chương trình TCTH chính là những ý tưởng đầu tiên về một TCTH mới, đối tượng khán giả của chương trình là ai, những người tham gia chơi trong TCTH ở độ tuổi nào, người lớn, trẻ nhỏ, người già hay đối tượng khu biệt, là nam hay là nữ, người Việt Nam hay người nước ngoài. Chương trình TCTH này bao gồm những phần thi nào, thi về kiến thức đời

sống xã hội hoặc thi về vận động thể thao hoặc phối kết hợp giữa nhiều loại hình khác nhau. Luật chơi của TCTH này ra sao, tính điểm thế nào và phần thưởng mà người thắng cuộc dành được là gì … Format cũng là nơi người thực hiện đề ra mục tiêu của chương trình là gì, phương pháp thực hiện và lợi ích đạt được hoặc hiệu quả hướng đến cuối cùng của chương trình là gì? Format chính là bước đầu tiên của mỗi TCTH, nếu thiếu format thì TCTH không thể thực hiện được.

Hiện nay, format của các chương trình TCTH đã đang và sẽ được sản xuất của các Đài nước ta được chia thành hai loại, cụ thể:

- Format mua bản quyền của nước ngoài để sản xuất - Format do người Việt sáng tạo để thực hiện sản xuất  Format mua bản quyền nước ngoài

Từ khi TCTH bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ năm 1996 cho tới nay, rất nhiều các chương trình TCTH do các Đài sản xuất đều được mua format nước ngoài. Lý do đơn giản cho việc mua và sản xuất các chương trình TCTH theo format nước ngoài bởi trên thế giới, nhiều nước đã sản xuất TCTH được hàng trăm năm và thu được thành công rực rỡ còn nước ta khi mới bắt đầu sản xuất TCTH còn rất non trẻ, vì vậy việc mua format nước ngoài tuy có tốn kém song lại đảm bảo về mặt thành công, từ đó nhanh chóng gây ấn tượng và thu hút đông đảo khán giả theo dõi, yêu mến loại hình mới mang tên TCTH này. Kể từ khi TCTH xuất hiện cho tới nay, các trò chơi nổi danh và nhiều khán giả biết đến được Đài THVN mua bản quyền là “Trò chơi liên tỉnh 1997” được mua bản quyền của Đài Truyền hình Pháp TF1. “Chiếc nón kỳ diệu” được mua bản quyền từ chương trình “Wheel of Fortune” của Mỹ, “Ai là Triệu phú” mua bản quyền từ “Who wants to be a millionaire” của Anh, “Rung chuông vàng” được mua bản quyền của “Ring the golden bell” của Hàn Quốc và bên cạnh đó còn rất nhiều các chương trình khác cũng được mua bản quyền như “Hãy chọn giá đúng”, “Hành khách cuối cùng”, “Ô cửa bí mật” … Có những format mua bản quyền được chúng ta Việt hóa và sản xuất

rất thành công nhưng cũng có những format gặt hái được nhiều thành công ở nước ngoài song sau khi được mua bản quyền về Việt Nam lại không đạt được thành công như mong đợi. Nguyên nhân bởi lẽ có sự khác việt về văn hóa, về thuần phong mỹ tục giữa các quốc gia trên khắp thế giới. Việt Nam vẫn là một đất nước Á Đông toàn phần nên có đôi nét còn kín đáo và chưa được cởi mở, phóng khoáng như văn hóa Tây Âu. Bên cạnh đó, những người chơi tham gia TCTH chính là điểm cốt yếu làm nên thành công cho chương trình lại cũng có sự khác biệt rất rõ nét về mặt nhận thức, tính cách và ứng xử. Nếu như phương Tây người dân có nét ứng xử tự nhiên, cởi mở và vô cùng phóng khoáng thì văn hóa phương Đông tạo cho con người nét tính cách kín đáo, e lệ và cái nhìn khá khắt khe về ứng xử. Điều này lý giải vì sao một format đạt được thành công vang dội ở nước ngoài khi về Việt Nam đôi khi lại bị đánh giá là lố lăng, không thuần phong mỹ tục.

Một yếu tố nữa cần phải chú trọng khi mua format nước ngoài về sản xuất là chúng ta nhất thiết phải đảm bảo yếu tố bản quyền từ tất cả các khâu như: luật chơi, người chơi, sân khấu, âm thanh, ánh sáng … và sự đảm bảo này được phía bán format giám sát một cách chặt chẽ. Ví dụ như chương trình “Trò chơi liên tỉnh 1997” được mua format của Pháp và đem về Việt Nam sản xuất song thời kỳ đó, truyền hình của chúng ta còn chưa vững mạnh, TCTH lại càng non trẻ nên đã có một đội ngũ sản xuất người Pháp lên tới 22 người gồm đạo diễn, tổ chức sản xuất, trợ lý sản xuất, nhóm quay phim, nhóm biên tập, nhóm đạo cụ, nhóm âm thanh – ánh sáng sang nước ta để đứng ra sản xuất chương trình này với sự tham gia sản xuất của ekip Việt Nam gồm 10 người với các chức danh như trợ lý biên tập, hậu cần, thư ký, trọng tài, phiên dịch … Thực sự không thể phủ nhận vai trò hữu ích của các chuyên gia nước ngoài đã khiến cho “Trò chơi liên tỉnh 1997” đạt được thành công rực rỡ, tạo nên tiếng vang cho loại hình TCTH còn rất mới mẻ thời bấy giờ.

Hiện nay, các chương trình mua format nước ngoài của chúng ta được tiến hành bằng cách các đạo diễn cũng như trưởng nhóm biên tập tìm kiếm và

lựa chọn các format hay và phù hợp, tìm đầy đủ các tài liệu nghiên cứu sau đó mới đưa ra kế hoạch mua format. Sau khi format đã được mua, thỏa thuận giữa 2 bên đạt được, sẽ có một ekip bao gồm đạo diễn, quay phim, biên tập, tổ chức sản xuất và chủ nhiệm được sang nước nắm bản quyền format để tận mắt chứng kiến quá trình sản xuất chương trình của họ, từ đó học hỏi một cách nghiêm túc các khâu sản xuất (kịch bản, sân khấu, âm thanh, ánh sáng, luật chơi, người chơi, giải thưởng …) từ đó đảm bảo sản xuất chương trình đúng theo format. (ví dụ một chương trình có nhiều nước giữ bản quyền format, cùng một format những mỗi nước có cách triển khai sân khấu, âm thanh, ánh sáng … khác biệt đôi chút vì thế nếu chọn mua format của nước nào thì ekip truyền hình sang nước đó để học tập cách triển khai format cụ thể). Phía bán bản quyền sẽ thông qua băng ghi hình chương trình trong nước gửi về định kỳ hoặc cử người sang giám sát quá trình sản xuất để đảm bảo được format của chương trình luôn luôn đúng và đạt yêu cầu.

Hiện nay trên sóng của VTV3 – Đài THVN đang tiếp tục sản xuất các chương trình theo format bản quyền nước ngoài như “Ai là triệu phú”, “Hãy chọn giá đúng”, “Trò chơi âm nhạc”, “Chiếc nón kỳ diệu”, “Trẻ em luôn đúng”, “Ai thông minh hơn học sinh lớp 5”.

Format do người Việt sáng tạo

Do việc mua bản quyền format nước ngoài khá đắt đỏ và tốn kém cũng như từ khả năng và niềm đam mê của những người làm truyền hình, rất nhiều format TCTH Việt được ấp ủ, ra đời, đưa vào sản xuất và đến nay đã đạt được những thành công nhất định. Việc xây dựng một format chương trình Việt 100% không hề là một chuyện đơn giản. Trước hết, những người xây dựng format cần phải có ý tưởng thật tốt về một khung chương trình diễn tiến ra sao, bao gồm những phần thi diễn ra thế nào, đối tượng người chơi là ai, giải thưởng ra sao, mục tiêu mà chương trình hướng đến... Từ những ý tưởng ban đầu ấy, người làm format phải trình bày một cách rõ ràng và mạch lạc để được thông qua bởi những người đứng đầu, chịu trách nhiệm sản xuất. Sau

khi format được thông qua, những người làm format tiếp tục phải triển khai các vấn đề về mỹ thuật sân khấu, âm thanh trong chương trình, các khâu dự toán chương trình cũng như quá trình tổ chức sản xuất. Khi đã có đầy đủ các yếu tố này, một format hoàn chỉnh sẽ được ra đời và bắt đầu được đưa vào kế hoạch sản xuất. Ngay từ khi mới xuất hiện, TCTH tại Việt Nam đã có một chương trình thành công rực rỡ chính là SV96, đây là chương trình thu hút rất nhiều khán giả thời bấy giờ bởi nét dí dỏm, thông minh và đầy nhiệt huyết của lứa sinh viên những năm 1995 – 1996. Sau khi đạt được thành công với SV96, VTV3 – Đài THVN bắt đầu tự tin hơn và cho ra mắt hàng loạt chương trình format Việt như “Bảy sắc cầu vồng”, “Ở nhà chủ nhật”, “Từ ánh mắt đến trái tim”, “Vườn cổ tích” sau này là “Đường lên đỉnh Olympia”, “Hành trình văn hóa” … Format Việt có ưu điểm so với các format mua bản quyền ở chỗ nó được tạo ra bởi người Việt nên nắm bắt tâm lý người Việt rất tốt, hầu hết các format đều đánh trúng tâm lý của người xem truyền hình nước ta từ kiến thức đến cách thức các trò chơi và cách thức tham gia chơi.

Ví dụ như 7 sắc cầu vồng dành cho đối tượng là các em học sinh PTTH ngay khi các chương trình dành cho nhóm đối tượng này là chưa có. Chương trình lựa chọn 7 môn học cùng các kiến thức rất phù hợp với độ tuổi của các em. Cách thức thể hiện cũng như các phần thi cũng rất ngắn gọn, dễ hiểu và có đất cho các em thể hiện mình một cách thoải mái nhất. Điều này đánh trúng tâm lý còn e dè, ngại ngùng của nhiều em tham gia cuộc thi bởi lẽ các em chưa được tiếp xúc và va chạm nhiều. 7 sắc cầu vồng đã được toàn bộ khán giả yêu quí và các chuyên gia đánh giá cao về một chương trình trò chơi kiến thức dành cho đối tượng chuyên biệt. Nối tiếp thành công của “7 sắc cầu vồng”, “Đường lên đỉnh Olympia” ra đời mang theo nhiều nét đổi khác song vẫn đặc biệt chú ý vào tâm lý của đối tượng học sinh PTTH. Cho tới nay, “Đường lên đỉnh Olympia” đã sản xuất tới năm thứ 13 và chưa hề có dấu hiệu bị nhàm chán. Có thể nói đây là chương trình có format Việt được duy trì sản xuất lâu nhất trong tất cả các chương trình TCTH của VTV3 – Đài THVN.

Việc xuất hiện yếu tố format Việt đã khiến cho TCTH trở nên phong phú và nhiều màu sắc hơn, những người sản xuất chương trình cũng được chủ động làm việc hơn. Đặc biệt là khán giả khi tham gia chơi hoặc xem một chương trình theo format Việt 100% cũng ít khi phải suy nghĩ đến các yếu tố không phù hợp (ví dụ như yếu tố phải cắt tóc trong Hành khách cuối cùng hay phải chuẩn bị trang phục rườm rà theo yêu cầu của Ô cửa bí mật). Chính vì nhiều ưu điểm của mình mà hiện nay, các chương trình format Việt vẫn luôn được chào đón nồng nhiệt, tuy nhiên ekip sản xuất các chương trình format Việt vẫn luôn phải chú ý sao cho việc sản xuất chương trình tránh bị “đầu voi đuôi chuột” hoặc luôn phải đổi mới nhiều chi tiết nội dung trong format để không bị nhàm chán cho khán giả. Hiện nay, trên sóng của VTV3 – Đài THVN đang có một số chương trình tiêu biểu được sản xuất theo format Việt như “Đường lên đỉnh Olympia”, “SV 2012”, “Đồ Rê Mí”, “Vui, khỏe, có ích”, “Chúng tôi là chiến sĩ”.

Dựa trên những phân tích trên có thể thấy rằng việc sản xuất một chương trình TCTH thì yếu tố đầu tiên và không thể thiếu được chính là format chương trình. Chương trình thành hay bại format có thể quyết định tới 50%, 50% còn lại sẽ phụ thuộc vào những yếu tố khác như kịch bản, người chơi, giải thưởng … Trong 2/3 chương trình được chọn khảo sát trực tiếp trong phạm vi luận văn này, “Đồ Rê Mí” và “Vui khỏe có ích” là 2 chương trình format Việt 100% và đều được sản xuất tới 6 - 8 năm, trong mỗi năm đều có sự thay đổi đôi chút về mặt nội dung để tạo sự mới mẻ và hấp dẫn hơn. Còn “Rung chuông vàng” là format được mua bản quyền từ Hàn Quốc có tên “Ring the golden bell”, chương trình được duy trì sản xuất đúng với format gốc và mọi thay đổi đều phải thông qua đơn vị nắm bản quyền. Hiện nay RCV đã tạm ngừng sản xuất sau sinh nhật 5 tuổi để chuyển sang SV 2012 nhằm tạo sự đổi mới cho đối tượng tham gia là sinh viên trên toàn quốc.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu quy trình sản xuất các chương trình trò chơi truyền hình (Gameshows dành cho 3 đối tượng tiêu biểu Đồ Rê Mí, Rung chuông vàng và Vui, Khỏe, Có ích (Trang 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)