Như đã được đề cập ở trên, triển khai về mỹ thuật sân khấu, âm thanh, ánh sáng và trang phục đều được đạo diễn chương trình làm việc trực tiếp hoặc do biên tập viên nhận sự chỉ đạo trực tiếp của đạo diễn làm việc với những bộ phận có trách nhiệm liên quan.
Việc lên market sân khấu sao cho phù hợp và thể hiện trọn vẹn nội dung, tinh thần của chương trình được đạo diễn và họa sĩ làm việc rất kỹ càng với nhau để thống nhất về kiểu dáng, hình khối, cách thức đặt tên – logo của chương trình, cách thức bố trí các mảng sân khấu, bố trí đạo cụ lớn trên sân khấu, về màu sắc về hình ảnh có trên sân khấu. Từ những ý tưởng ban đầu đó, họa sĩ sẽ lên market và bản phối cảnh thông qua đạo diễn để đi đến market sân
khấu cuối cùng được sự ký duyệt của lãnh đạo. Market sân khấu đã có, tổ mỹ thuật sẽ dựa trên market để tiến hành công việc sản xuất sân khấu. Tổ mỹ thuật sẽ phân công họa sĩ thiết kế chịu trách nhiệm chính và các thành viên khác lo về phông bạt, đóng hình khối, chịu trách nhiệm về đạo cụ di chuyển, theo sát sân khấu, chỉnh sửa hỏng hóc cũng như lắp đặt hoàn thiện sân khấu trong suốt thời gian ghi hình. Sau khi ghi hình, tổ mỹ thuật lại có trách nhiệm bảo quản, sửa chữ hư hỏng và chuẩn bị lắp đặt cho lần ghi hình tiếp theo của chương trình. Hiện nay, tổ mỹ thuật thuộc Trung tâm sản xuất chương trình Đài THVN nhân lực khá ít ỏi nhưng phải đảm trách rất nhiều chương trình khác nhau không chỉ riêng các chương trình trò chơi, vì vậy mỗi chương trình phải có kế hoạch sớm, làm việc cụ thể chi tiết về nội dung, thời gian sản xuất để tổ mỹ thuật có thể phân công nhân sự phối hợp đạt hiệu quả cao nhất có thể.
Kỹ thuật âm thanh, ánh sáng tùy theo yêu cầu cụ thể của từng chương trình mà xem kỹ thuật thuộc Đài có đáp ứng được hay không. Trong trường hợp không đáp ứng được, các chương trình sẽ được cho phép đấu thầu hoặc bộ phận phụ trách phía Đài đấu thầu rồi bàn giao đơn vị phối hợp lại cho nhóm sản xuất. Thông thường các bộ phận về kỹ thuật âm thanh và ánh sáng phối hợp với chương trình theo đúng format ban đầu đã được trao đổi kỹ bởi việc lắp đặt dàn đèn theo hệ thống là không hề đơn giản. Trong quá trình ghi hình, kỹ thuật âm thanh và ánh sáng sẽ nhận lệnh trực tiếp từ đạo diễn để có sự điều chỉnh phù hợp theo từng phần trong quá trình ghi hình.
Ngoài vấn đề kỹ thuật về âm thanh ánh sáng, mỗi chương trình còn có riêng cho mình một biên tập viên âm nhạc, phụ trách toàn bộ các vấn đề liên quan đến âm nhạc trong chương trình. Người BTV âm nhạc này thường là nhạc sĩ, có khả năng sáng tác bài hát riêng cho chương trình (ví dụ ca khúc trong Đường lên đỉnh Olympia hay Chúng tôi là chiến sĩ) đồng thời phụ trách về các bài hát biểu diễn, các bài hát sử dụng trong chương trình sao cho hay và phù hợp.
Trong 3 chương trình được lựa chọn khảo sát thì RCV và VKCI đều tuân thủ nguyên tắc hoạt động với kỹ thuật âm thanh, ánh sáng như đã nêu trên, chỉ riêng ĐRM là một sân chơi âm nhạc dành cho thiếu nhi nên vấn đề âm nhạc và âm thanh hết sức được chú trọng. Đạo diễn chương trình luôn luôn làm việc trực tiếp với nhạc sĩ để chọn bài, chọn nhạc, làm nhạc, nghe thử và chọn bản cuối để cho thí sinh biểu diễn trên sân khấu. Bộ phận kỹ thuật âm thanh cũng luôn phải đảm bảo chất lượng thu âm tốt nhất suốt thời gian diễn ra chương trình bởi lẽ đây là chương trình ca nhạc, cần phải đảm bảo âm thanh truyền tải trung thực và hay nhất đến với khán giả.
Về phục trang cũng không phải là khó khăn với các chương trình TCTH bởi lẽ theo đúng tính chất và mục tiêu hướng đến ở mỗi chương trình mà có sự chuẩn bị về phục trang khác nhau. Có những chương trình phục trang được chuẩn bị đồng loạt và phát cho người chơi như Vườn cổ tích hay Rung chuông vàng nhưng cũng có những chương trình mà người chơi tự chuẩn bị phục trang dưới sự hướng dẫn của BTV như VKCI, Ai là triệu phú hay Chúng tôi là chiến sỹ. Bên cạnh đó lại có những chương trình khá cầu kỳ về mặt phục trang, tiêu biểu như ĐRM luôn luôn có đội ngũ thiết kế phục trang riêng theo yêu cầu của đạo diễn và ekip thực hiện chương trình.
Nhìn chung, vấn đề chuẩn bị về sân khấu, kỹ thuật âm thanh – ánh sáng, âm thanh và phục trang cho các chương trình TCTH thường đạt được sự thỏa thuận nhanh và phối hợp cao từ các bộ phận. Điều cần phải lưu ý duy nhất là phải thông báo kế hoạch từ trước để các bộ phận ấy phân công, sắp xếp nhân sự sao cho đạt hiệu quả cao nhất.