Tài chính

Một phần của tài liệu Nghiên cứu quy trình sản xuất các chương trình trò chơi truyền hình (Gameshows dành cho 3 đối tượng tiêu biểu Đồ Rê Mí, Rung chuông vàng và Vui, Khỏe, Có ích (Trang 58)

Tài chính là nền tảng vật chất để triển khai một quá trình sản xuất TCTH cụ thể. Những chương trình TCTH tại VTV3 – Đài THVN đều được cấp cho số tiền sản xuất nằm trong khuôn khổ gọi là chi phí sản xuất từ phía Đài, bên cạnh đó với một số chương trình sẽ có nhà tài trợ hoặc công ty truyền thông hợp tác để tăng thêm số chi phí sản xuất, tạo điều kiện cho quá trình sản xuất được tốt hơn. Thông thường, chủ nhiệm chương trình sẽ làm dự toán chương trình, bản dự toán này mang tính chất thống kê và liệt kê các chi phí dự kiến cần có cho sản xuất chương trình TCTH bao gồm chi phí sản xuất trực tiếp, công tác phí dự kiến, định mức dành cho các BTV và các bộ phận khác như quay phim, kỹ thuật. một chương trình TCTH cần rất nhiều khoản chi phí (bảng 2.5), mỗi khoản chi phí đều được chủ nhiệm đề xuất dựa trên việc lấy báo giá thực tế, dựa vào kinh nghiệm sản xuất thực tế để tạo ra bảng dự toán hoàn chỉnh gồm từ 30 – 60 đầu mục chi phí tùy theo từng chương trình TCTH. Bảng dự toán này sau khi được chủ nhiệm đề xuất và đạo diễn thông qua sẽ được gửi lên Phòng Kế toán, từ phòng Kế toán cho sự chỉnh sửa, bổ sung hoặc cắt giảm hợp lý sẽ chuyển tới Ban Tài chính, Ban Tài chính sẽ kiểm tra, đánh giá và dựa vào giá cả thực tế để duyệt các khoản chi phí được đề xuất. Thông thường nhiệm vụ của những người làm tài chính là kiểm soát chi phí và tiết kiệm chi phí tối đa nên sau khi tham khảo báo giá thị trường cũng như các đầu mục cụ thể, dự toán ban đầu sẽ bị cắt giảm đi ít nhiều chi phí sản xuất. Với tùy từng trường hợp cụ thể mà người làm chủ nhiệm quyết định đấu tranh hay không cho dự toán của mình, và cũng với từng trường hợp cụ thể việc đấu tranh đạt được hiệu quả hay không. Dự toán sau khi được các cấp lãnh đạo thông qua và ký duyệt, chủ nhiệm chương trình bắt đàu có thể làm thủ tục xin tạm ứng sản xuất, thủ tục này tuy không phức tạp song đòi hỏi người làm chủ nhiệm phải là một người có uy tín và kinh nghiệm bởi lẽ số

tiền được tạm ứng cho chi phí sản xuất mỗi đợt lên tới hàng trăm triệu đồng và số tiền này cần được chi trả cho chính xác các bộ phận đang cần kinh phí để triển khai. Người làm chủ nhiệm chính là người đứng ra chịu trách nhiệm trước lãnh đạo về chi phí sản xuất và bất cứ phát sinh nào về chi phí, đây cũng là người phụ trách giải quyết tất cả các giấy tờ liên quan để hoàn ứng chi phí sản xuất.

Hầu hết các chương trình TCTH hiện nay đều có tài trợ thêm bên ngoài chi phí của Đài THVN, phần tài trợ thêm này được chi dùng vào các mục đích hỗ trợ việc ăn - ở - đi lại cho người chơi, catxe mời khách cũng như người nổi tiếng tham gia vào chương trình và một số chi phí phát sinh khác khi nội dung cụ thể có yêu cầu (ví dụ như thuê thêm máy móc, nhân công biểu diễn hoặc các phần trang trí đạo cụ hiện đại mà dự toán không được duyệt hoặc khi lên dự toán còn chưa phát sinh).

Với ĐRM việc lên dự toán thường bao gồm khoảng gần 60 đầu mục từ chi phí sân khấu, âm thanh, ánh sáng cho tới chi phí ăn ở đi lại của thí sinh, chi phí làm nhạc, thuê địa điểm tập luyện, thuê đạo cụ phục vụ tập luyện … cho tới các mục về thiết kế phục trang, trang điểm làm tóc, khách mời, ban giám khảo, đội phụ họa … Bên cạnh các chi phí ấy là chi phí về khen thưởng, định mức biên tập, quay phim, kỹ thuật … Dự toán của ĐRM là một bảng biểu hết sức đồ sộ với rất nhiều đầu mục chi phí nhỏ mà đòi hỏi người làm dự toán phải kiểm soát được hết đầu mục dựa theo yêu cầu của đạo diễn và nội dung chương trình.

RCV cũng có một bảng dự toán tương tự về vấn đề định mức, sân khấu, âm thanh, ánh sáng. Tuy nhiên RCV có sự khác biệt về các khoản công tác phí mỗi khi nhóm sản xuất đi sản xuất ở xa, chi phí đi lại dành cho các trường đại học ở xa cũng như chi phí về ban cố vấn, chi phí cho nội dung câu hỏi … VKCI hiện chỉ đang thực hiện ghi hình tại trường quay nên giảm thiểu nhiều chi phí đi xa, người chơi chủ yếu cũng ở Hà Nội và các vùng lân cận do lý do tuổi tác không thể di chuyển nhiều. VKCI cũng có bảng dự toán bao gồm các

đầu mục về định mức cho ekip, chi phí quà tặng, chi phí hậu cần, chi phí bồi dưỡng cho người chơi. Các chương trình TCTH nói chung còn luôn có thêm một khoản chi phí là Tạp chi, mục chi phí này được sử dụng với các chi phí phát sinh như ăn uống, thuê mướn hoặc mua sắm đạo cụ, phục trang cũng như các khoản phát sinh theo yêu cầu kịch bản khác đều được đưa vào khoản này. Bên cạnh đó, mỗi dự toán cho chương trình TCTH luôn có một khoản chi phí phát sinh dự phòng để dùng đến trong các trường hợp đặc biệt như phát sinh thêm ngày ghi hình vì điều kiện thời tiết, phát sinh thêm máy móc do yêu cầu đặc biệt của kịch bản hoặc phát sinh thêm nhân sự, người chơi theo nội dung của chương trình.

Có thể thấy rằng, tài chính là vấn đề sống chết đối với mỗi chương trình, việc lên dự toán và đấu tranh cho dự toán của chương trình là một việc làm vô cùng khó khăn bởi lẽ người làm chủ nhiệm phải dự đoán trước được những đầu mục chi phí phải có, tham khảo và hoàn tất chi phí trong dự toán trước khi đi vào công đoạn sản xuất TCTH. Công việc này có vai trò quan trọng nên cần người có kinh nghiệm, uy tín và cẩn thận đảm trách để tránh những sơ xót hoặc hậu quả đáng tiếc trong quá trình chi phí sản xuất chương trình TCTH.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu quy trình sản xuất các chương trình trò chơi truyền hình (Gameshows dành cho 3 đối tượng tiêu biểu Đồ Rê Mí, Rung chuông vàng và Vui, Khỏe, Có ích (Trang 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)