Câu cảm thán là loại câu thể hiện rõ nét nhất ý nghĩa tình thái vì đây là những câu được tạo lập với mục đích bộc lộ tình cảm, cảm xúc của người nói/viết đối với vấn đề được đề cập tới. Trong tiếng Việt, câu cảm thán thường có các từ như ôi, ôi chao, trời ơi,…; các phó từ chỉ mức độ có ý nghĩa tình thái cao; các trợ từ cuối câu như quá, lắm, ghê, thật, thay,…; hay biện pháp đảo trật tự từ để tạo câu cảm thán; …
Kết quả khảo sát cho thấy có đến hơn một nửa số diễn ngôn (69/120 diễn ngôn) có sử dụng câu cảm thán. Chúng có thể được quy thành những dạng như sau:
- Sử dụng các phó từ chỉ mức độ có ý nghĩa tình thái cao:
Câu cảm thán sử dụng phó từ chỉ mức độ để biểu thị ý nghĩa tình thái chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số câu cảm thán chúng tôi thu được qua khảo sát. Những phó từ xuất hiện với tần số cao là: rất, hết sức, cực kì, vô cùng, chưa
từng có, càng, ngày càng. Khi những phó từ này được kết hợp với các tính từ tạo thành thành phần vị ngữ trong câu, câu sẽ thể hiện rất rõ thái độ đánh giá của người viết đối với sự việc, hiện tượng được nói đến. Đó thường là sự đánh giá cao, cao hơn mức bình thường (rất, càng, ngày càng), thậm chí đến mức coi như không thể hơn được nữa (hết sức, cực kì, vô cùng, chưa từng có) đối với những thắng lợi của ta và sự thất bại, bản chất xấu xa của địch. Mối quan hệ liên nhân mà dạng câu này đã thực hiện được là ghi nhận và động viên, khích lệ những chiến công mà quân và dân ta đã đạt được.
Ví dụ:
“Những cố gắng lao động của nhân dân ta trong năm 1975 là rất to lớn. Những thành quả lao động là rất quan trọng”
(1975 – Một năm lao động sản xuất có nhiều tiến bộ, số 7896, 18/12/1975) “Phấn khởi trước những thắng lợi và thành tích trên của miền Bắc, chúng ta càng phấn khởi thắng lợi mới, to lớn của đồng bào và chiến sỹ miền Nam trong cuộc chiến đấu trừng trị mọi hành động chiến tranh đầy tội ác của địch, bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ Hiệp định Pa-ri.”
(Những con số hùng hồn, số 7549, 2/1/1975)
“Mâu thuẫn xã hội và giai cấp trong các nước tư bản đang ngày càng
sâu sắc, ngày càng có tính bùng nổ dữ dội”
(Khủng hoảng sâu sắc của chủ nghĩa tư bản, số 7567, 20/1/1975)
“Từ miền Nam anh hùng, tin thắng lợi dồn dập truyền đi khắp nước. Đồng bào và chiến sỹ từ Nam chí Bắc vô cùng phấn khởi nghe bản tin thông cáo mới nhất của Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng: Mười lăm ngày nổi dậy và tiến công, quân và dân tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Công Tum, Phú Bồn và Quảng Trị đã hoàn toàn giải phóng quê hương mình. Sau tỉnh Phước Long, cả vùng Tây Nguyên rộng lớn, toàn bộ tỉnh Quảng Trị và nhiều quận lị ở nhiều địa phương khác đã về tay nhân dân. Đây là thắng
lợi rất vẻ vang của đồng bào và chiến sĩ các địa phương nói trên, là thắng lợi
rất to lớn, chưa từng có của đồng bào và chiến sỹ miền Nam, của quân và nhân dân cả nước ta. … Đối với địch, đây là thất bại cực kỳ nặng nề của cả Mỹ lẫn tập đoàn Thiệu, là đòn trời giáng vào chiến tranh thực dân mới của
Mỹ với Thiệu làm công cụ.” (Thắng lợi rất to lớn, số 7626. 21/3/1975)
“Mấy chục năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, phụ nữ Việt Nam đã hăng hái tham gia các cuộc vận động cách mạng sôi nổi, liên tục diễn ra trên đất nước ta. Từ cuộc cách mạng tháng Tám đến cuộc kháng chiến chống Pháp; từ cuộc vận động cải cách ruộng đất đến cuộc vận động cải tạo xã hội chủ nghĩa; từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến phong trào thi đua lao động, sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, phụ nữ nước ta đã giữ một vai trò hết sức quan trọng.”
(Giỏi việc nước, đảm việc nhà, phấn đấu thực hiện nam nữ bình đẳng, số 7613, 8/3/1975)
- Đảo trật tự từ để tạo câu cảm thán:
Ví dụ: “Trước đây, nhân dân ta tưng bừng mở hội tiễn thanh niên lên đường ra tiền tuyến giết giặc, cứu nước. Ngày nay, chúng ta lại hân hoan
đón tiếp những chiến sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ chiến đấu trở về, với tất cả
tấm lòng quý mến và tinh thần trách nhiệm.” (Một công tác lớn sau chiến tranh, số 7905, 27/12/1975)
“Từ miền Nam anh hùng, tin thắng lợi dồn dập truyền đi khắp nước. … Cả nước ta dạt dào niềm vui trước thắng lợi vang dội của đồng bào và chiến sĩ miền Nam”
(Thắng lợi rất to lớn, 7626, 21/3/1975) Đảo trật tự từ cũng là một cách rất hữu hiệu để biểu thị ý nghĩa tình thái. Các ví dụ trên cho thấy trật tự từ thường được đảo theo hướng tính từ lên trước động từ (tưng bừng mở hội, hân hoan đón tiếp, …), tính từ lên trước danh từ (dạt dào niềm vui). Việc tính từ được đảo lên trước như vậy có tác dụng nhấn mạnh
tới trạng thái của sự việc, hiện tượng và cảm xúc trước những sự việc, hiện tượng ấy của người viết đồng thời có sức lan tỏa mạnh mẽ tới người đọc, khiến người đọc cảm thấy như được hòa cùng không khí chung của thời đại, từ đó hình thành ý thức, trách nhiệm với nhân dân, đất nước.
- Sử dụng cấu trúc câu trần thuật kết hợp với dấu câu cảm thán: Ví dụ:
“Mùa xuân này, tin vui thắng lớn nở như hoa. Buôn Ma Thuột, tỉnh lỵ lớn nhất Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng! Lần lượt tỉnh này đến tỉnh khác, và Huế, một trong hai trung tâm chính trị lớn nhất miền Nam, rồi Đà Nẵng, quân cảng lớn nhất của Mỹ - ngụy trên bờ biển Đông và căn cứ liên hợp quân sự lớn thứ hai của chúng ở miền Nam, đã về tay nhân dân! Chỉ trong một thời gian ngắn, 13 tỉnh hoàn toàn giải phóng!”
(Thi đua với miền Nam anh hùng, số 7637, 1/4/1975)
“Đế quốc Mỹ muốn che đạy tội ác sao được!”
(Chính quyền Pho phải từ bỏ ngay những kế hoạch tội ác!, số 7645, 9/4/1975)
“Thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam, lập lại hòa bình trong độc lập, tự do, hòa giải và hòa hợp dân tộc, chấm dứt mọi nỗi khổ đau của đồng bào ta đã đến! Các lực lượng vũ trang giải phóng anh hùng, đồng bào Sài Gòn, Gia Định và các nơi khác hãy anh dũng tiến lên, hoàn thành sự nghiệp thiêng liêng của mình, vĩnh viễn chấm dứt cuộc đời nô lệ.”
( Đồng bào và chiến sĩ miền Nam nhất định xóa bỏ hoàn toàn bộ máy chiến tranh và bộ máy Ngụy quyền Sài Gòn, hoàn thành triệt để sự nghiệp giải phóng thiêng liêng của mình, số 7663, 27/4/1975)
Những câu cảm thán dạng này, người viết sử dụng với hai mục đích thông tin và biểu cảm. Hai mục đích này có vị trí, vai trò như nhau chứ không thiên về mục đích biểu cảm như những câu cảm thán sử dụng phó từ chỉ mức độ hay cấu trúc tung hô. Những ví dụ trên cho thấy rất rõ điều này: “Buôn Ma Thuột, tỉnh lỵ lớn nhất Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng!” đã thông báo một
cách chính thức cho toàn thể nhân dân được biết rằng Buôn Ma Thuột đã hoàn toàn giải phóng, kèm theo đó là niềm vui sướng, tự hào được thể hiện một cách kín đáo nhưng không kém phần thiết tha, mãnh liệt qua hình thức dấu câu cảm thán (!). Hay “Đế quốc Mỹ muốn che đạy tội ác sao được!”
khẳng định Mỹ không thể che đạy, giấu giếm những tội ác mà chúng đã gây ra, đồng thời thể hiện thái độ mỉa mai, căm hờn qua cụm từ “sao được!”.
- Sử dụng cấu trúc có tính chất tung hô: Ví dụ:
“Hoan hô các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng anh hùng sau gần hai tháng chiến đấu hết sức anh dũng, …
Hoan hô đồng bào miền Nam anh hùng, sau ba mươi năm chiến đấu kiên cường đã đánh thắng bọn thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, …
Hoan hô đồng bào Sài Gòn – Gia Định, những người con yêu quý của thành phố Hồ Chí Minh quang vinh, …
…
Hoan hô thành phố Hồ Chí Minh quang vinh! Hoan hô miền Nam anh hùng!
Tổ quốc Việt Nam vĩ đại muôn năm!
Các lực lượng vũ trang vô địch của nhân dân ta muôn năm! Đảng lao động Việt Nam vĩ đại muôn năm!”
(Thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta, số 7667,1/5/1975) “Nối tiếp những chiến công rực rỡ trong cuộc tiến công và nổi dậy mãnh liệt của đồng bào và chiến sỹ miền Nam anh hùng, ngày 1-4 Phú Yên hoàn toàn giành lại quyền làm chủ. Từ giữa lòng thị xã Tuy Hòa đến tất cả các huyện Tuy Hòa, Tuy An, Đông Xuân, Sơn Hòa, Song Cầu, Phú Đức, Hiếu Xương, đâu đâu cũng phấp phới cờ sao của chính phủ cách mạng. Quân và dân Phú Yên nô nức khí thế xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Hoan hô Phú Yên giải phóng!”
(Tỉnh Phú Yên và thị xã Tuy Hòa hoàn toàn giành quyền làm chủ, số 7639, 3/4/1975)
Cấu trúc “Hoan hô + Danh từ/ mệnh đề” hoặc “Danh từ + muôn năm”
thể hiện sự reo vui, tán thưởng, ngợi ca trực tiếp Đảng, quân và dân - những con người đã làm nên chiến thắng, viết nên trang sử vàng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của cả dân tộc. Câu cảm thán có cấu trúc tung hô thường xuất hiện trong những xã luận có chủ đề quân sự.
Số lượng câu cảm thán trong mỗi xã luận không phải là nhiều, thường chỉ từ 1 đến 5 câu nhưng nó đã góp phần quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ liên nhân giữa người viết (Đảng, Nhà nước) với người đọc (nhân dân) cho diễn ngôn xã luận. Quan hệ liên nhân được thể hiện qua câu cảm thán ở chỗ: người viết đã thay mặt Đảng, Nhà nước biểu thị cảm xúc vui mừng, ghi nhận và đánh giá cao đối với những thành tích, thắng lợi mà quân và dân ta đã đạt được trên tất cả các mặt trận từ chính trị, quân sự đến kinh tế, văn hóa, xã hội đồng thời thể hiện thái độ khinh bỉ, căm thù, không dung thứ, nhân nhượng trước những hành động và tội ác của địch đã gây ra cho nhân dân ta; từ đó động viên, khích lệ kịp thời, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho nhân dân ta tiến lên giành thêm nhiều thắng lợi mới.
* Tiểu kết
Như vậy, ở chương 3 này, chúng tôi đã đi tìm hiểu đặc điểm liên nhân của các diễn ngôn xã luận báo Nhân Dân (1975) thông qua một số phương tiện ngôn ngữ có tính chất đặc thù như: lớp từ xưng hô, câu cầu khiến, câu cảm thán, câu có tính chất khẩu hiệu nhằm làm rõ mối quan hệ giao tiếp giữa người viết với người đọc và bước đầu đánh giá về hiệu quả tác động của những diễn ngôn này trong bối cảnh lịch sử 1975.
Lớp từ xưng hô cho thấy: Diễn ngôn xã luận là loại diễn ngôn mang tính chất phi cá thể khi làm lu mờ đi dấu ấn của người tạo lập văn bản. Người viết thường được ẩn mình hay nói đúng hơn là gộp mình vào với người đọc
trong những đại từ như: chúng ta, ta,… và ở cuối diễn ngôn thì luôn kí tên tờ báo (NHÂN DÂN) chứ không kí tên cá nhân người chắp bút; Đồng thời việc sử dụng các từ xưng hô như vậy cũng thể hiện sự khôn ngoan của người viết khi rút ngắn được khoảng cách, tạo nên sự thân mật, gần gũi, thống nhất giữa người viết và người đọc tạo thuyết phục, lôi cuốn người đọc theo định hướng nhận thức và hành động của tờ báo, của Đảng và Nhà nước đã đưa ra.
Câu cầu khiến (cả trực tiếp lẫn gián tiếp) cho thấy rất rõ mối quan hệ giao tiếp giữa người viết và người đọc xã luận. Người viết với tư cách là đại diện cho tiếng nói của Đảng và Nhà nước nên có vai giao tiếp cao hơn người đọc và có quyền đưa ra các hành động ngôn từ có tính chất yêu cầu, đề nghị, mong muốn (hãy/phải/cần + V) người đọc thực hiện một nhiệm vụ, công việc, phương hướng, hành động, … nào đó theo chủ trương, đường lối chung đã được xác định. Người đọc nói chung và các đối tượng được đề cập cụ thể có trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện những yêu cầu đó.
Câu mang tính chất khẩu hiệu thường là những câu ngắn gọn; có nhịp điệu nhanh, mạnh, dứt khoát; nội dung tuyên truyền cổ động để tập hợp quần chúng, để tỏ quyết tâm, niềm tin hoặc để kêu gọi đấu tranh; thường nằm ở phần kết diễn ngôn. Với đặc điểm cấu trúc, nội dung và vị trí như vậy, câu mang tính khẩu hiệu có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra một phần kết cô đọng, hàm súc, ấn tượng, âm hưởng hùng tráng, thôi thúc, giục giã, lôi cuốn người đọc vào công việc chung của dân tộc.
Quan hệ liên nhân được thể hiện qua câu cảm thán ở chỗ: người viết đã thay mặt Đảng, Nhà nước biểu thị cảm xúc vui mừng, ghi nhận và đánh giá cao đối với những thành tích, thắng lợi mà quân và dân ta đã đạt được từ đó động viên, khích lệ kịp thời, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho nhân dân ta tiến lên giành thêm nhiều thắng lợi mới.
Có thể thấy, mối quan hệ liên nhân của diễn ngôn xã luận rất đặc biệt, người viết với người đọc có quan hệ gần gũi, thân mật, chân tình nhưng cũng
rất quyền uy theo cách người viết đinh hướng nhận thức, đưa ra phương hướng hành động, người đọc có nhiệm vụ thực hiện. Tuy vậy, người đọc không hề thấy có sự áp đặt bởi cả họ và người viết đều có chung mục đích, lí tưởng, lợi ích.
KẾT LUẬN
Sử dụng các thao tác phân tích diễn ngôn, chúng tôi đã khảo sát và bước đầu đưa ra một số nhận định đề đặc điểm liên giao và liên nhân của diễn ngôn xã luận báo Nhân Dân (1975).
Về kết cấu của diễn ngôn, chúng tôi mô tả cụ thể cấu trúc của từng phần: tiêu đề, nội dung chính với 3 phần nêu vấn đề, giải quyết vấn đề và kết luận. Những kết quả thu được cho thấy cấu trúc của diễn ngôn xã luận thuộc khuôn hình mềm dẻo. Mặc dù vẫn tuân theo cấu trúc 3 phần nhưng ở mỗi phần lại có sự biến hóa linh hoạt cả về nội dung và hình thức thể hiện. Đây là những diễn ngôn đã đạt đến trình độ xuất sắc trong nghệ thuật lập luận.
Về những phương tiện ngôn ngữ có tính chất đặc thù đảm nhiệm chức năng thông tin, chúng tôi chú ý tới cách triển khai nội dung ở phần giải quyết vấn đề, các phương thức liên kết và những yếu tố thể hiện đặc thù của ngữ cảnh. Diễn ngôn xã luận thường sử dụng kết cấu thông tin duy trì chủ đề nhằm làm nổi bật thông tin về sự kiện, hiện tượng…, từ đó đưa ra sự định hướng trong nhận thức và phương hướng hành động cho người đọc. Liên kết trong xã luận được tạo ra phần nhiều dựa trên cơ chế liên tưởng về nghĩa giữa các yếu tố ngôn ngữ trong văn bản (phép lặp từ vựng, phép phối hợp từ ngữ với 4 kiểu quan hệ: quan hệ về loại, quan hệ đặc trưng, quan hệ định vị và quan hệ nhân quả) do người viết và người đọc đều có chung những hiểu biết về lịch sử, xã hội và cùng chung quan điểm, lí tưởng. Bên cạnh đó, những yếu tố ngôn ngữ đặc thù của ngữ cảnh bao gồm yếu tố chỉ không gian (miền Nam, miền Bắc, đất nước ta,…), yếu tố chỉ thời gian (30 năm nay, khi cả dân tộc bước vào một cuộc cách mạng vĩ đại, trong những năm chiến tranh chống Mỹ,…) cũng là một thông số giúp người đọc giải mã thông điệp được gửi gắm trong diễn ngôn.
Về những phương tiện ngôn ngữ có tính chất đặc thù đảm nhiệm chức năng tác động (chức năng liên nhân), chúng tôi lại quan tâm tới cách sử dụng
lớp từ xưng hô, câu cầu khiến, câu cảm thán, câu có tính chất khẩu hiệu. Lớp từ xưng hô rất đặc thù với hai đại từ ta, chúng ta chỉ chung, đồng nhất cả người viết lẫn người đọc tạo ra mối quan hệ gần gũi, thân mật. Các kiểu câu cầu khiến, câu cảm thán, câu có tính chất khẩu hiệu lại thể hiện tính chất quyền uy