Lặp từ ngữ là sử dụng trong câu sau từ ngữ đã được dùng ở câu trước, theo kiểu lặp y nguyên như vốn có, trên cơ sở đó liên kết chúng với nhau. Kết quả khảo sát cho thấy phép lặp từ ngữ không chỉ xuất hiện mà còn xuất hiện dày đặc ở tất cả 120 diễn ngôn.
Ví dụ 1:
Diễn ngôn “Lời chúc đầu năm” (số 7589, 11/2/1975): Toàn diễn ngôn có 19 câu thì cụm từ lời chúc đầu năm được lặp lại 4 lần (tức là ở 4 câu), cụm từ lời chúc năm mới của chúng ta được lặp lại 2 lần (2 câu), cụm chủ vị
chúng ta chúc lặp lại 2 lần (3 câu), cụm từ lời chúc được lặp lại 2 lần (2 câu), và nếu tính riêng từ chúc thì nó được lặp lại 12 lần.
Ví dụ 2:
“Là Đảng của giai cấp công nhân nhưng Đảng là bộ phận tiên phong của giai cấp, là bộ phận giác ngộ nhất, tiên tiến nhất về chính trị, tư tưởng và là bộ phận có tổ chức chặt chẽ nhất, có kỷ luật nhất, có năng lực hoạt động thực tiễn giỏi nhất. Mỗi tổ chức của Đảng phải là một lực lượng tiên phong trên các lĩnh vực hoạt động cụ thể, trong những cuộc chiến đấu vừa lãnh đạo, vừa nêu gương tốt đối với mọi người tham gia hoạt động và chiến đấu. Sức mạnh của Đảng không phải là sức mạnh của từng người riêng rẽ mà là sức mạnh tập thể của tập thể đoàn kết nhất trí chung quanh cương lĩnh, đường lối chính trị, thế giới quan của Đảng, sinh hoạt theo những nguyên tắc đã định, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số, toàn đảng phục tùng trung ương trên cơ sở sinh hoạt dân chủ luôn luôn được bảo
đảm và cải tiến. Sinh hoạt của Đảng, kể cả sinh hoạt của tổ chức cơ sở và các cơ quan lãnh đạo phải là trường học cao nhất không gì thay thế được, để nâng cao trình độ chính trị, năng lực hoạt động, phẩm chất, đạo đức, tính tổ chức, kỉ luật của người cộng sản. Sinh hoạt của một tổ chức Đảng là thước đo quan trọng sức mạnh của nó.”
(Nguồn gốc mọi thắng lợi của nhân dân ta, số 7581, 3/2/1975) Ở ví dụ trên, từ Đảng được lặp lại 7 lần tạo nên sự liên kết chặt chẽ của 5 câu trong đoạn văn.
Như vậy, có thể thấy hiệu quả của việc sử dụng phép lặp là giúp cho chủ đề được duy trì trong toàn đoạn văn hoặc văn bản. Bên cạnh đó, nó còn có tác dụng khẳng định, nhấn mạnh, khắc sâu chủ đề, khiến thông điệp mà văn bản truyền đạt đọng lại và biến thành suy nghĩ, hành động ở người đọc. Việc sử dụng phép lặp đã góp phần giúp cho diễn ngôn xã luận cùng một lúc đã thực hiện được cả chức năng thông tin và chức năng tác động.