Mỗi thể loại diễn ngôn đề mang những đặc điểm riêng. Đặc điểm này bị quy định bởi nhiều yếu tố, từ nhân tố người viết, người đọc đến nhân tố ngữ cảnh quy định hoàn cảnh ra đời của sản phẩm ngôn ngữ đồng thời cũng là cơ sở để quy chiếu các thông tin chưa tường minh trong diễn ngôn và một số nhân tố khác. Sau đây, chúng tôi sử dụng mô hình giao tiếp của R.Jakobson để phân tích kỹ hơn đặc điểm của diễn ngôn xã luận khi thực hiện hai chức năng cơ bản là chức năng thông tin (liên giao) và chức năng liên nhân.
NGỮ CẢNH
NGƯỜI VIẾT DIỄN NGÔN XÃ LUẬN NGƯỜI ĐỌC
KÊNH
MÃ
- Người viết diễn ngôn xã luận rất đặc biệt ở chỗ không phải là một cá nhân (như ở những thể loại văn bản khác: phóng sự, thơ, truyện, …) mà là cả tập thể Ban Biên tập tờ báo. Cả Ban Biên tập tờ báo nhóm họp, thảo luận, rồi thống nhất về quan điểm, ý kiến cũng như cách thức biểu đạt của bài xã luận sao cho có thể truyền tải tốt nhất thông điệp tới người đọc, nhằm đạt được hiệu quả giao tiếp. Sau cùng, một thành viên thay mặt Ban Biên tập chắp bút hoàn thiện văn bản. Riêng với báo Nhân Dân - cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam thì người viết không chỉ đại diện cho tờ báo mà còn đại diện cả cho Đảng, Nhà nước đưa ra những chủ trương, chính sách, phương châm hành động trước các vấn đề chính trị, xã hội quan trọng. Như vậy, yếu tố cá nhân của người viết bị lu mờ và xã luận trở thành loại văn bản mang tính chất phi cá thể. Biểu hiện hình thức đầu tiên, rõ nét của đặc điểm này chính là tên tác giả của các xã luận luôn được kí là NHÂN DÂN.
- Người đọc hay đối tượng mà xã luận hướng tới các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Đối tượng hướng tới của xã luận không được thể hiện hiển ngôn trong diễn ngôn giống như Lời kêu gọi, một loại hình khác của diễn ngôn xã luận. Một bài xã luận, dù đề cập đến chủ đề nào cũng hướng tới tất cả mọi người, thuộc mọi tầng lớp xã hội. Người đọc tùy thuộc vào mức độ quan tâm đến chủ đề để quyết định chọn đọc hoặc không. Tuy vậy, các bài xã luận đề cập đến các vấn đề chính trị, xã hội, quân sự, quốc tế lớn thường thu hút sự quan tâm của hầu hết người dân.
- Ngữ cảnh: Ngữ cảnh để các diễn ngôn xã luận này ra đời chính là bối cảnh lịch sử, xã hội thế giới và đặc biệt là tình hình chính trị, xã hội nước ta ở thời điểm 1975. Có thể thấy, 1975 là một năm khá đặc biệt: Trên thế giới, hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa ngày càng lớn mạnh với những thành tích về kinh tế, chính trị, xã hội. Đồng thời với đó là sự thất thế, khủng hoảng của chủ nghĩa Tư bản, chủ nghĩa Đế quốc mà tiêu biểu là đế quốc Mỹ ở nhiều nơi. Trong nước, tình hình chính trị, xã hội tạm chia thành hai giai đoạn, trước và sau thời điểm 30/4. Từ đầu năm đến 30 tháng 4 là những ngày tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Miền Nam nói riêng, cả nước nói chung đang phải tập trung tất cả tinh thần, lực lượng và sức mạnh để chống lại những âm mưu, hành động tàn ác của Ngụy quyền Sài Gòn mà sau lưng chính là bàn tay tiếp sức của đế quốc Mỹ. Nhân dân miền Nam anh hùng đã chiến đấu, giành được thắng lợi, giải phóng ở nhiều vùng như Phú Yên, Tuy Hòa, Tây Nguyên….Mỗi chiến dịch, diễn biến của mỗi trận đáng, thắng lợi của quân ta, thất bại của quân Mỹ Ngụy đều là những thông tin chính trong những bài xã luận của giai đoạn này. Trong điều kiện đó, đồng bào và nhân dân cả nước với nhiều tầng lớp, giai cấp tích cực thi đua lao động, sản xuất để chi viện cho chiến trường miền Nam…
Sau 30 tháng 4, cả nước, đặc biệt là miền Nam bước vào công cuộc khôi phục kinh tế, chính trị, xã hội và khắc phục hậu quả chiến tranh: nhiều chính sách đền ơn đáp nghĩa được thi hành đối với các thương binh, liệt sĩ, các gia đình có công; phát triển toàn diện các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, y tế… Trước những sự kiện, tình hình, biến động lớn trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, thời khắc chuyển giao lịch sử,… như trên, đều có sự hiện diện kịp thời của các diễn ngôn xã luận trước, trong và sau khi sự kiện diễn ra. Ngữ cảnh với sự kiện, tình hình, không gian, thời gian chính là cơ sở để giải thích nội dung của các diễn ngôn xã luận trên báo Nhân Dân 1975.
- Kênh tiếp xúc của xã luận là đường kênh báo chí và mối quan hệ tâm lí giữa người viết và người đọc đều đồng nhất, cùng quan điểm, tâm huyết trước các vấn đề chính trị, xã hội diễn ra trong suốt năm 1975.
- Mã hay chính là thứ ngôn ngữ mà xã luận sử dụng để giao tiếp trong trường hợp này là tiếng Việt – Tiếng mẹ đẻ của mỗi người dân Việt Nam. Nếu đi sâu hơn nữa xã luận thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận, một phong cách ngôn ngữ đặc thù, thích hợp để trình bày và nêu quan điểm trước các vấn đề chính trị, thời sự của đất nước.
Đặc điểm mô hình giao tiếp của diễn ngôn xã luận như trên chính là cơ sở để người viết tạo lập và người đọc hiểu nội dung xã luận. Và cũng từ đó, chúng tôi nghiên cứu tìm ra đặc điểm cấu trúc, cách thức triển khai thông tin, phương thức liên kết, các phương tiện ngôn ngữ đặc thù để đạt được mục đích và hiệu quả tác động của diễn ngôn xã luận.
* Tiểu kết
Trong chương 1, chúng tôi đã trình bày một số cơ sở lý luận cơ bản liên quan trực tiếp đến việc triển khai đề tài như: lược sử của đường hướng Phân tích diễn ngôn với 3 giai đoạn phát triển tính từ những năm 60 của thế kỉ XX cho đến nay (giai đoạn 1, chủ yếu tập trung vào sản phẩm ngôn ngữ dưới dạng viết dưới tên gọi ngữ pháp văn bản; giai đoạn 2, khái niệm phân tích diễn ngôn bắt đầu được sử dụng nhưng đối tượng nghiên cứu vẫn bao gồm cả văn bản – dạng viết khác với diễn ngôn – dạng nói; giai đoạn 3, chủ yếu tập trung nghiên cứu dạng thức nói, dưới tên gọi phân tích diễn ngôn); làm rõ những khái niệm cần yếu liên quan như: diễn ngôn trong sự phân biệt với văn bản (quá trình và sản phẩm), phân tích diễn ngôn (giai đoạn sau của phân tích văn bản), diễn ngôn xã luận với tư cách vừa là một thể loại diễn ngôn chính luận vừa là một thể loại thuộc phong cách báo chí (mang đặc điểm vừa chặt chẽ trong lập luận, thuyết phục trong cách diễn đạt vừa cập nhật và luôn gắn bó chặt chẽ với ngữ cảnh); đồng thời làm rõ những nét khái quát nhất về diễn
ngôn xã luận trên báo Nhân Dân (1975) và mô hình giao tiếp cụ thể của chúng với các thông số người viết, người đọc, ngữ cảnh, kênh, mã ngôn ngữ.
Những gì đã trình bày sẽ là cơ sở lí thuyết để chúng tôi đạt được mục đích nghiên cứu là tìm ra những đặc điểm liên giao tiếp và liên nhân của diễn ngôn xã luận trên báo Nhân Dân (1975) – một thể loại diễn ngôn chính luận điển hình. Từ đó, chúng tôi hi vọng sẽ góp thêm một tiếng nói có ý nghĩa cho ngành khoa học còn khá non trẻ này ở Việt Nam.
CHƢƠNG 2:
CÁC PHƢƠNG THỨC NGÔN NGỮ ĐẶC THÙ ĐẢM NHIỆM CHỨC NĂNG THÔNG TIN CỦA DIỄN NGÔN XÃ LUẬN