Tiêu đề là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời nhưng cũng có tính độc lập tương đối với phần nội dung chính của bài báo nên yêu cầu chung cho một tiêu đề là vừa phải đảm bảo truyền tải được nội dung chính của bài viết đồng thời lại phải hấp dẫn để thu hút được người đọc. Tiêu đề của xã luận không phải là một ngoại lệ. Để thực hiện yêu cầu, chức năng đó, tiêu đề của xã luận có đặc điểm về mặt cú pháp như sau:
Cấu trúc cú pháp của các tiêu đề xã luận được khảo sát không có kiểu cấu trúc là một từ, chỉ có kiểu cấu trúc là ngữ bao gồm danh ngữ, động ngữ và kiểu cấu trúc mệnh đề. Cụ thể chúng tôi có bảng số liệu sau:
Kiểu cấu trúc Số lượng Tỷ lệ
Danh ngữ 40 33,3 %
Động ngữ 42 35%
Mệnh đề 38 31,7%
Tổng số 120 100 %
Bảng 2.2: Bảng số lượng và tỉ lệ các kiểu cấu trúc cú pháp của tiêu đề
Có thể thấy, tỉ lệ xuất hiện của 3 kiểu cấu trúc trên ở tiêu đề là khá đồng đều, sự chênh lệch là không đáng kể. Trong đó:
- Kiểu tiêu đề có kết cấu động ngữ chiếm tỉ lệ cao nhất: 35%. Thông thường do yêu cầu là tiêu đề của bài báo nên kiểu cấu trúc danh ngữ mới là kiểu cấu trúc đắc dụng cho việc đặt tiêu đề của tất cả các thể loại báo chí, nhưng với thể loại xã loại thì cấu trúc động ngữ lại được ưu tiên hàng đầu trong quá trình sử dụng. Chúng tôi có thể dẫn ra đây rất nhiều tiêu đề có cấu trúc dạng này như:
Phát triển lực lượng công nhân kĩ thuật trong thời kì mới
( số 7715, 20/6/1975)
Đưa công tác kế hoạch hóa kinh tế quốc dân tiến lên bước mới
( số 7825, 8/10/1975)
Hãy dấy lên phong trào lao động sôi nổi
(Số 7688, 23/5/1975)
Mang lá cờ bách chiến bách thắng của Người đến đích cuối cùng (Số 7684, 19/5/1975)
Cố gắng góp phần giảm bớt khó khăn của các gia đình thương binh, liệt sĩ
Những tiêu đề xã luận có kết cấu động ngữ nhấn mạnh vào sự kiện, hành động, công việc, nhiệm vụ trung tâm mà Đảng và Nhà nước kêu gọi quân, dân và các tổ chức xã hội thực hiện. Từ đó tác động trực tiếp tới cảm quan, nhận thức và hành động của người đọc, khơi dậy sự đồng thuận của toàn xã hội trước những quan điểm, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục đích kêu gọi hành động của xã luận.
- Kiểu tiêu đề có kết cấu danh ngữ chiếm tỉ lệ cao thứ hai: 33,3%. Tiêu đề thuộc dạng này có giá trị nêu chủ đề/đề tài hoặc mô tả, định danh sự kiện. Ví dụ:
Mười chính sách xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng mới giải phóng (Số 7640, 4/4/1975)
Quốc hội của thời kì xây dựng đất nước
( số 7698, 3/6/1975)
Một phương hướng tốt tăng nhanh nguồn thực phẩm
(Số 7611, 6/3/1975)
Lá phiếu của lòng phấn khởi và tin tưởng
(số 7642, 6/4/1975) …
Kiểu tiêu đề này có tác dụng gây ấn tượng mạnh mẽ, giúp cho người đọc nắm bắt được tinh thần chung và ghi nhớ nội dung chính của diễn ngôn. Với thể loại xã luận, danh ngữ vẫn là một trong những kiểu cấu trúc tiêu đề đắc dụng.
- Kiểu tiêu đề có kết cấu mệnh đề: Ví dụ:
Chế độ Lon Non đang giãy chết (số 7616, 11/3/1975)
Đồng bào và chiến sỹ miền Nam nhất định xóa bỏ hoàn toàn bộ máy chiến tranh và bộ máy ngụy quyền Sài Gòn, hoàn thành triệt để sự nghiệp giải phóng thiêng liêng của mình (số 7663, 27/4/1975)
Quảng Ngãi thắng lợi hoàn toàn (Số 7633, 26/3/1975) …
Cấu trúc thông báo (mệnh đề) không phải là cấu trúc đắc dụng của tiêu đề báo chí nhưng với xã luận nó lại xuất hiện với tỷ lệ khá cao (31,7 %), cho dù có thấp hơn và là thấp nhất so với hai kiểu cấu trúc danh ngữ và động ngữ. Có thể lí giải điều này là vì đặc trưng của xã luận là chức năng thông tin, tuyên truyền, chỉ đạo, cổ vũ, động viên nên nội dung bài viết thường được chuyển tải rất rõ ràng ở tiêu đề. Và đương nhiên, cấu trúc mệnh đề sẽ là một sự lựa chọn thường xuyên mặc dù đó không phải là phương án lựa chọn tối ưu cho việc đặt tiêu đề một bài báo.