Phần giải quyết vấn đề của các diễn ngôn xã luận cũng có chức năng triển khai vấn đề đã được đề cập đến ở phần mở bài. Ở phần này người viết sẽ tiếp tục đưa ra những thông tin chứng minh, những phân tích, đánh giá, bình luận về vấn đề trên nhiều mặt. Tất cả những nội dung đó được sắp xếp theo một trình tự nhất định, hợp logic nhằm cung cấp cho người đọc cái nhìn toàn diện, đúng đắn về vấn đề.
a. Đặc điểm kết cấu hình thức
- Về hình thức, phần giải quyết vấn đề cũng được trình bày thành nhiều đoạn văn.
Số lượng đoạn văn tương đối lớn: trung bình là từ 7 đến 9 đoạn/bài; bài ít nhất có 5 đoạn; nhiều nhất có 12 đoạn.
Về mỗi đoạn văn của phần này, dung lượng thay đổi khá linh hoạt: đa phần các đoạn gồm nhiều câu và dài khoảng 200 đến 500 chữ, cá biệt có đoạn dài gần 1000 chữ (đoạn 2 bài Nguồn gốc mọi thắng lợi của nhân dân ta, số 7581, 3/2/1975) nhưng cũng có đoạn chỉ là một câu, dài dưới 30 chữ (Ví dụ:
“Cuộc đấu tranh thần thánh của nhân dân ta để giải phóng hoàn toàn đất nước đã giành thắng lợi cực kì vĩ đại. Cuộc chiến tranh thực dân mới của đế quốc Mỹ đã thất bại hoàn toàn.” (Thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta, số 7667, 1/5/1975). Dung lượng của đoạn văn dài hay ngắn phụ thuộc vào nội dung vấn đề trình bày và ý đồ mục đích của tác giả.
- Một điểm dễ nhận thấy nữa xét ở đặc điểm hình thức các diễn ngôn xã luận 1975 là các đoạn văn trong bài cũng như trong phần giải quyết vấn đề không đánh số thứ tự từ đầu đến cuối mà chỉ đánh số thứ tự và gạch đầu dòng ở những đoạn, những dòng đề ra những nhiệm vụ, những kế hoạch, yêu cầu cấp bách.
Ví dụ: Trường hợp sử dụng số thứ tự để đánh dấu ở đầu đoạn: “Đòi hỏi cấp bách của nhân dân ta là:
1 – Chính phủ Mỹ phải thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ điều 1, điều 4 và điều 9 của Hiệp định Pari về Việt Nam, phải thật sự tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam.
2 – Phải xóa bỏ chính quyền Sài Gòn, công cụ của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, xóa bỏ bộ máy chiến tranh, bộ máy kìm kẹp đàn áp nhân dân hiện nay ở miền Nam Việt Nam. Chính quyền đó, bộ máy chiến tranh và bộ máy kìm kẹp đàn áp đó còn tồn tại ngày nào, dù dưới nhãn hiệu gì, thì nhân dân miền Nam Việt Nam vẫn còn phải chịu đau thương, khổ nhục. ”
(Đồng bào và chiến sỹ miền Nam nhất định xóa bỏ hoàn toàn bộ máy chiến tranh và bộ máy ngụy quyền Sài Gòn, hoàn thành triệt để sự nghiệp giải phóng thiêng liêng của mình, Số 7763, 27/4/1975)
“Đối với ngành giáo dục phổ thông, những nhiệm vụ cụ thể hàng đầu là: - Xóa nạn mù chữ trong nhân dân lao động, trước hết là trong cán bộ và thanh niên; mở lớp bổ túc văn hóa cho những người đã biết đọc và biết viết. Đây là nhiệm vụ cấp thiết số 1 nhằm đảm bảo điều kiện văn hóa cho đông đảo nhân dân thực hiện vai trò làm chủ nhà nước;
- Phát triển mạnh và đều khắp mạng lưới trường học phổ thông để thu hút toàn thể các thế hệ trẻ tới trường học, từ các lớp cấp 1 cho đến các ban cấp 3”
(Miền Nam xây dựng sự nghiệp giáo dục mới, số 7738, 12/7/1975)
b. Đặc điểm kết cấu nội dung
Kết cấu nội dung chính là kết cấu nằm ở chiều sâu của văn bản. Nó chính là sơ đồ được vẽ ra dựa trên cách thức sắp xếp hệ thống luận điểm, luận cứ cùng với cách vận dụng các phương pháp lập luận ở mỗi văn bản tùy vào yêu cầu cụ thể của từng luận đề và sở trường, dụng ý của từng tác giả. Ta chỉ có thể nhận thấy và hiều về nó khi có sự xâm nhập sâu vào văn bản.
Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy phần giải quyết vấn đề của các diễn ngôn xã luận báo Nhân Dân đều được triển khai theo mô hình hình chữ nhật. Đặc điểm của mô hình này là các nội dung quan trọng được phân bố đều trong toàn bộ kết cấu nội dung. Các luận điểm được trình bày theo trật tự logic của vấn đề, tức triển khai theo các mặt, các khía cạnh của vấn đề. Mô hình này tỏ ra khá phù hợp với thể loại báo chí chính luận này.
Mô hình cấu trúc: hình chữ nhật
Cấu trúc này có thể quan sát rõ trong diễn ngôn xã luận với tiêu đề “Miền Nam xây dựng sự nghiệp giáo dục mới” (Số 7738, 12/7/1975). Diễn ngôn đề cập đến việc xây dựng sự nghiệp giáo dục mới ở miền Nam sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, đất nước được hoàn toàn giải phóng. Sự nghiệp giáo dục mới đòi hỏi phải đề ra và thực hiện một cách toàn diện, nhất quán những chủ trương và chính sách, kế hoạch và chương trình, phương châm và phương pháp cũng như những nguyên tắc và hình thức tổ chức, quản lí đúng đắn. Mỗi nội dung được thể hiện một cách cụ thể, tách biệt, rõ ràng:
“Những nhiệm vụ và công tác: Đối với giáo dục phổ thông (xóa nạn mù chữ, xây dựng ngành mẫu giáo…); Đối với các ngành giáo dục đại học và chuyên nghiệp (đảm bảo người dạy và người học có tư tưởng tốt, sửa đổi từng bước cơ cấu cho phù hợp với tình hình mới…).
Chương trình và nội dung giảng dạy: đảm bảo tính toàn diện gồm các
mặt: chính trị và đạo đức cách mạng, văn hóa và khoa học, kỹ thuật, lao động, thể chất….
Phương châm cơ bản: kết hợp học tập với lao động sản xuất, lý luận
đi đôi với thực tiễn, trường học găn liền với xã hội….
Về tổ chức và quản lí: kiên quyết cải tạo cơ sở giáo dục cũ, mọi trường
học đều đặt dưới sự chỉ đạo và kiểm tra chặt chẽ của chính quyền cách mạng…” Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy một số mô hình khá phổ biến trong phong cách báo chí như mô hình tam giác xuôi (nội dung được triển khai từ những luận điểm, chi tiết kém quan trọng đến những chi tiết quan trọng hơn, trọng tâm thông tin đặt ở cuối bài), mô hình kim cương (văn bản đề cập đến nhiều vấn đề, nhiều mảng riêng biệt, nhưng những thông tin mang tính trọng tâm được tập trung vào giữa bài), hay mô hình tam giác ngược (trọng tâm thông tin tập trung ở đầu bài viết) hầu như hiếm khi xuất hiện trong các diễn ngôn xã luận. Trong phạm vi tư liệu của chúng tôi, các diễn ngôn xã luận giai
đoạn 1975 đều đề cập đến những vấn đề lớn của đất nước, như diễn biến của từng chiến dịch tại từng địa phương, cuộc tổng tiến công trong chiến dịch Hồ Chí Minh, những vấn đề kinh tế, xã hội đặt ra khi đất nước được hoàn toàn giải phóng…với rất nhiều sự kiện, chi tiết quan trọng, có quan hệ gắn bó chặt chẽ, ràng buộc lẫn nhau, không thể coi thông tin nào là quan trọng hơn. Do vậy, việc trải đều trọng tâm thông tin ra toàn bộ diễn ngôn phải chăng là phù hợp hơn.
Tính nhất thể và tính khả phân là hai phạm trù quan trọng nhất của mọi văn bản, cho phép phân biệt một văn bản hoàn chỉnh với một chuỗi câu hỗn độn, sắp đặt cạnh nhau một cách ngẫu nhiên, đồng thời cũng cho phép phân chia một văn bản ra thành những bộ phận nhỏ hơn, có sự thống nhất nhất định bằng những chủ đề con, cùng nhau góp phần tạo nên chủ đề chung của toàn văn bản. Do vậy, đối với những văn bản có dung lượng (độ dài) lớn có thể phân chia thành các chương, mục, đoạn văn, câu. Về mặt nội dung, mỗi diễn ngôn mang một chủ đề nhất định, chủ đề ấy lại bao gồm nhiều chủ đề con tương ứng với các bộ phận trong diễn ngôn. Chủ đề con có thể trùng với chương, trùng với mục, trùng với đoạn văn hoặc trùng với phát ngôn. Chủ đề của một diễn ngôn hoàn chỉnh với chủ đề của các phần nhỏ có quan hệ gián tiếp chứ không phải là phép cộng đơn thuần của các chủ đề bộ phận.
Trên cơ sở này, Cấu trúc thông tin của một diễn ngôn hoặc cấu trúc thông tin của từng bộ phận của một diễn ngôn có thể được sơ đồ hóa nhằm thể hiện phương thức tổ chức thông tin của diễn ngôn hoặc của các bộ phận. Chúng tôi áp dụng phương thức phân tích cấu trúc thông tin của Moskanskaja [11] để mô tả phương thức tổ chức thông tin của diễn ngôn trên cơ sở hai thông số T (teme) – diễn đạt điều đã biết hoặc đã được xuất hiện ở phần diễn ngôn đứng trước và R (reme) - biểu thị thông tin mới xuất hiện. Kết cấu T – R là cấu trúc thông tin có thể của một câu hoặc của một đơn vị trên câu (theo thuật ngữ của Moskanskaja là Chỉnh thể cú pháp phức hợp). Về cơ bản, có thể thấy một số dạng cấu trúc thông tin cơ bản sau:
* Dạng 1: Cấu trúc tuyến tính
Theo cấu trúc này, mỗi đoạn văn hoặc mỗi câu tiếp sau là kết quả của sự phát triển chủ đề trên cơ sở cái mới của đoạn văn/phát ngôn trước. Chủ đề của các đoạn văn/phát ngôn khác nhau là không trùng nhau. Chúng là những vấn đề riêng biệt, thể hiện sự phát triển của chủ đề chính hoặc chủ đề con. Như vậy, cả xã luận là một chuỗi móc xích rất nhiều sự kiện cùng hướng tới thể hiện chủ đề con và các chủ đề con kết hợp với nhau làm sáng tỏ chủ đề lớn.
Dạng kết cấu này có thể hình dung theo sơ đồ như sau: T1 – R1
T2 – R2
T3 – R3
Tn - Rn Ví dụ 1:
“Không có con đường nào khác, đồng bào và chiến sĩ ta ở miền Nam phải chiến đấu để hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước (1). Sau gần hai tháng tiến công và nổi dậy long trời lở đất, đồng bào và chiến sỹ ta đã đập nát tan tành bộ máy chiến tranh và bộ máy đàn áp của địch ở hai quân khu của chúng, loại khỏi vòng chiến đấu trên ba mươi vạn quân địch, giải phóng hoàn toàn 20 tỉnh, 16 thị xã và 5 thành phố (2). Thắng lợi đó tạo nên một cục diện mới hết sức tốt đẹp (3). Lực lượng mọi mặt của nhân dân ta đã mạnh áp đảo so với lực lượng của địch (4). Trái lại, ngụy quân, ngụy quyền bị đánh gãy từng mảng, đang tan rã và sụp đổ (5). Tình thế của chúng đã tuyệt vọng (6).
Chưa cam chịu thất bại, đế quốc Mỹ lại âm mưu đưa một số người mới ra cầm đầu ngụy quyền để hòng đánh lừa dư luận (7). Nhưng đây cũng chỉ là một vở kịch cũ dích, dù rằng một số đào kép mới vừa được đưa ra sân khấu
vào lúc dã đám (8). …” (Đồng bào và chiến sỹ miền Nam nhất định xóa bỏ hoàn toàn bộ máy chiến tranh và bộ máy ngụy quyền Sài Gòn, hoàn thành triệt để sự nghiệp giải phóng thiêng liêng của mình, số 7663, 27/4/1975)
Ở ví dụ trên có 8 câu ứng với 8 thông tin. Các phát ngôn tiếp sau được sản sinh trên cơ sở kế thừa một yếu tố thông tin nào đó trong phát ngôn đứng trước. Sự liên hệ này được thể hiện một cách trực tiếp bởi vì thông tin mới của phát ngôn trước trở thành thông tin cũ của phát ngôn sau và chúng cùng quy chiếu tới một đối tượng nhất định. Chúng ta có thể hình dung qua cách tóm lược như sau:
Đồng bào, chiến sĩ ta – phải chiến đấu
tiến công và nổi dậy – đập nát … thành phố
Thắng lợi đó – tạo cục diện mới
Ta áp đảo – so với địch Ngụy – sụp đổ
…
Một điều nữa là, trường hợp chúng tôi trích dẫn trên bao gồm hai đoạn văn nối tiếp nhau. Hai đoạn văn này xét về mặt triển khai nội dung cũng tuân theo cấu trúc thông tin dạng 1, tức là theo phương pháp lập luận móc xích:
Đoạn 1: Ta đánh – địch tan rã, sụp đổ, lâm vào tình thế tuyệt vọng.
Đoạn 2: Thua nhưng Mỹ chưa cam chịu – bày ra âm mưu mới…
Như vậy, cấu trúc thông tin dạng 1 xuất hiện ở xã luận không chỉ cấp độ phát ngôn mà còn ở cấp độ đoạn văn.
* Dạng 2: Cấu trúc có chủ đề xuyên suốt
Đặc trưng của cấu trúc có chủ đề xuyên suốt là: các đoạn văn hay các câu nối tiếp nhau của xã luận có cùng chủ đề, tức là cùng nói về một đối tượng.
Có thể mô hình hóa dạng cấu trúc thông tin này theo sơ đồ sau: T1 – R1
T2 – R2
T3 – R3
Tn - Rn
Ví dụ 1: Cấu trúc thông tin dạng 2 xuất hiện ở cấp độ đoạn văn:
“Chỉ riêng lời tuyên bố ngắn của Pho trong buổi họp báo ngày mùng 6-3 đã chứa ít ra là 5 điều phi lý:
Pho nói “viện trợ quân sự của Mỹ là nhân đạo”… Chỉ cần có đôi chút lương tri là có thể thấy rõ: thêm súng đạn cho bọn Lon Non là tội ác, là kéo dài chiến tranh thực dân mới, là tiếp tục cuộc tàn sát đối với nhân dân Cam- pu-chia. …
Pho rêu rao viện trợ quân sự là nhằm thực hiện một “cố gắng hòa bình”. Đây là điều phi lí thứ hai. … Hòa bình thật sự trong độc lập và tự do của đất nước Cam-pu-chia chỉ có thể có khi Mỹ từ bỏ sự ủng hộ cho chế độ Lon Non bán nước hại dân và thối nát đến tận xương tủy…
Pho ba hoa: nếu để mất Campuchia thì “bạn bè của Mỹ sẽ mất niềm tin vào Mỹ”. Chính nhân dân Mỹ đã mất hết niềm tin ở chính phủ Hoa Kỳ vì bốn đời tổng thống của nước họ liên tiếp lao vào con đường sai lầm và tội ác ở Việt Nam và Đông Dương. Chỉ có chấm dứt thật sự chính sách xâm lược, tôn trọng thật sự quyền tự do và quyền tự quyết của nhân dân Đông Dương, Pho mới có thể nghĩ đến việc khôi phục lòng tin của người Mỹ.
Pho còn đi xa hơn nữa trong sự phi lí khi cho rằng “nhân dân Mỹ sẽ cảm thấy xấu hổ sâu sắc vì đã bỏ rơi bạn bè”…
Pho còn dựng nên con ngáo ộp về “một cuộc tàn sát quy mô lớn” nếu các lực lượng kháng chiến Campuchia thắng lợi. …
Điều phi lí cuối cùng cũng là to nhất của Pho, là sự ngụy biện rằng: quốc hội Mỹ cứ thông qua khoản tiền 222 triệu đô la viện trợ quân sự là mọi việc đều ổn cả và chế độ Lon Non sẽ sống sót….”
(Chế độ Lon Non đang giãy chết, số 7616, 11/3/1975) Trong ví dụ trên, tất cả các đoạn văn triển khai thuộc phần thân của diễn ngôn đều cùng nói về một đối tượng: “Pho”. Đối tượng này là xuất phát điểm, là phần thông tin cũ mở đầu cho tất cả các đoạn văn.
Ví dụ 2: Cấu trúc thông tin dạng 2 xuất hiện ở cấp độ phát ngôn:
“Chính quyền Pho định mưu tính thứ gì, sự thật đã quá rõ ràng. Chúng nêu chiêu bài “nhân đạo” để kiếm cơ xin thêm viện trợ quân sự, tiếp tục hành động tội ác tệ hại nhất là kéo dài chiến tranh thực dân mới. Chúng vin cớ “di tản” để dồn nhân dân miền Nam vào những phần đất mà chúng còn bám được, hòng vơ vét sức người sức của. Độc ác hơn nữa, chúng mưu toan lôi kéo chính phủ một số nước và một số tổ chức quốc tế tham gia cưỡng ép hàng triệu người Việt Nam di cư sang Mỹ và một số nước khác nhằm phục vụ những mưu đồ đen tối sau này. …” (Chế độ Lon Non đang giãy chết, số 7616, 11/3/1975)
4 phát ngôn trong phần ví dụ trên đều có chủ đề là “chính quyền Pho” –
“chúng”. Các thông tin mới được phát triển xoay quanh chủ đề này.
Cấu trúc thông tin dạng 2 được vận dụng trong rất nhiều diễn ngôn xã luận cả cấp độ đoạn văn và phát ngôn. Có thể kể ra đây như: Lời chúc đầu