Phép nối

Một phần của tài liệu Phân tích diễn ngôn xã luận trên báo Nhân dân năm 1975 (Trang 71)

Phép nối là việc tạo ra các kiểu quan hệ ngữ nghĩa – logic giữa các câu có quan hệ nghĩa với nhau bằng các phương tiện từ ngữ có tác dụng nối. Các từ ngữ thuộc phương thức nối không làm thành một bộ phận trong mệnh đề tức là không phải là thành phần cú pháp trong mệnh đề đó và thường đứng ở đầu câu.

Theo Halliday, hệ thống liên kết nối gồm 3 kiểu lớn là: chi tiết hóa, mở rộng, tăng cường. Mỗi kiểu lớn này gồm có một số kiểu nhỏ và nối tiếp trong một số bậc, làm thành hệ thống phép nối [14, tr.586-587]. Áp dụng quan điểm này vào nghiên cứu hệ thống liên kết nối trong tiếng Việt, tác giả Diệp Quang Ban đã chỉ ra các kiểu nối như: kiểu bổ trợ, kiểu nghịch đối, kiểu chuyển đổi, kiểu nguyên nhân, …

Xuất phát từ cơ sở lí thuyết trên, chúng tôi đã khảo sát phép nối trong các diễn ngôn xã luận báo Nhân Dân (1975) và kết quả thu được như sau:

Xã luận thường sử dụng các kiểu nối là:

+ Kiểu biểu đạt quan hệ bổ trợ với các liên từ và từ nối kết: và, bên cạnh.

Ví dụ:

Bên cạnh những thành tích, chúng ta còn có những thiếu sót và nhược điểm” (1975 – Một năm lao động sản xuất có tiến bộ, số 7896, 18/12/1975) “Vì sao quân ngụy sụp đổ nhanh chóng? Không phải do thiếu viện trợ của Mỹ. Súng đạn của địch quá nhiều nhưng không thành một sức mạnh… Và nguyên nhân trực tiếp của sự sụp đổ không tài nào cứu vãn nổi của quân ngụy là âm mưu của Mỹ phá hoại Hiệp định Pari, kéo dài chiến tranh, chống

lại nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc, hoàn thành độc lập và dân chủ.”

(Một tháng bằng mấy chục năm, số 7643, 7/4/1975) + Kiểu biểu đạt quan hệ nghịch đối với các liên từ và từ nối kết: nhưng, trái lại, thế nhưng, tuy nhiên, còn.

Ví dụ:

Trước đây, bọn Lon Non sống nhờ hai cái vòi dưỡng khí mong manh: những đoàn tàu ngược dòng sông Mê-công và những chuyến máy bay vận tải đỗ xuống sân bay Po-chen-tông. Thế nhưng từ hơn sáu mươi ngày nay cái vòi đường sông đã bị thít chặt lại rồi.”

(Chế độ Lon Non đang giãy chết, số 76161, 1/3/1975) “Một tháng tiến công và nổi dậy của chiến sĩ và đồng bào ta ở miền Nam tạo ra những thay đổi cực kì quan trọng. Cuộc tiến công đưa lại những kết quả hết sức tốt đẹp… Trái lại, ngụy quân, ngụy quyền lâm vào một tình thế suy sụp đột ngột, mất thăng bằng, rối loạn và tan rã. … Chưa cam tâm chịu thất bại, đế quốc Mỹ tiếp tục tăng cường dính líu về quân sự. … Nhưng tình thế của đế quốc Mỹ, của ngụy quân, ngụy quyền là không tài nào cứu vãn nổi.”

(Một tháng bằng mấy chục năm, số 7643, 7/4/1975)

+ Kiểu diễn đạt quan hệ nhân quả với các từ quan hệ: chính vì vậy, trên cơ sở đó, do đó, vì thế.

Ví dụ:

Gắn liền với những thành tựu của khoa học là việc cải tiến và sử dụng những năng lượng mới, những chất liệu, công cụ mới để đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa, tự động hóa… trong các ngành sản xuất, giải phóng hàng triệu lao động chân tay, tạo ra sản phẩm vật chất ngày càng dồi dào cho xã hội. Trên cơ sở đó, nền kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa phát triển nhanh hơn cả về chiều rộng và chiều sâu.

Những thành tựu to lớn và rực rỡ trên đây của các nước xã hội chủ nghĩa khẳng định ưu điểm của nền kinh tế kế hoạch hóa… Chính vì vậy, các nước xã hội chủ nghĩa không ngừng chú trọng hoàn thiện cơ cấu và phương pháp quản lí sản xuất, kinh doanh, trước hết là nâng cao tính khoa học của việc đặt các kế hoạch chung và từng ngành, ngắn hạn và dài hạn.”

(Những thành tích đầy sức thuyết phục và cổ vũ, số 7561, 14/1/1975) “Điều kiện tự nhiên nước ta cho phép phát triển nghề cá nhanh. Chăn nuôi gia súc , gia cầm vừa qua tuy có tiến bộ nhưng còn lâu mới đáp ứng đủ nhu cầu về đạm động vật trong bữa ăn hằng ngày. Do đó, nhanh chóng phát triển vững chắc nghề cá theo hướng tiến lên sản xuất lớn, vừa cung cấp nguồn đạm cho đời sống nhân dân, vừa góp phần tăng tích lũy để tái sản xuất mở rộng là phương hướng đúng.”

(Cá đi trước thịt, góp phần nâng cao sức khỏe của nhân dân, số 7601, 24/2/1975)

+ Kiểu biểu thị quan hệ không gian, thời gian, thường dùng các từ ngữ chỉ thời điểm: trước đây; rốt cuộc; trong khi đó; cùng một lúc; từ trước đến nay, từ nay về sau; đến nay, đồng thời, trong khi ấy…

Ví dụ:

Ở vùng Mỹ, ngụy tạm thời chiếm đóng, ngay tại sào huyệt của chúng ở Sài Gòn, phong trào đấu tranh của các tầng lớp đồng bào đòi lật đổ Thiệu và các phe cánh, đòi thi hành Hiệp định Pa-ri, thực hiện hòa bình, độc lập, dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa hợp dân tộc đang phát triển mạnh mẽ. Tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu bị cô lập chưa từng thấy. Trong khi đó, do hậu quả của chiến tranh xâm lược Việt Nam, cuộc khủng hoảng toàn diện của nước Mỹ ngày càng trầm trọng, gây ảnh hưởng xấu trực tiếp đến việc tiến hành cuộc chiến tranh thực dân mới hiện nay của đế quốc Mỹ ở miền Nam. … Địch ra sức tăng cường quân địa phương, mưu toan dùng bọn này giữ vai trò chính trong việc giữ gìn “an ninh lãnh thổ”, lấn đất, giành dân, để dành phần cơ

động cho các sư đoàn chủ lực. Rốt cuộc, quân địa phương ở nhiều nơi tỏ ra suy yếu, bất lực, quân chủ lực phải làm nhiệm vụ của quân địa phương mà cũng không làm nổi.

(Những con số hùng hồn, số 7549, 2/1/1975) Trong 4 kiểu nối trên thì kiểu biểu đạt quan hệ bổ trợ ít được sử dụng nhất, 3 kiểu còn lại là nghịch đối, nguyên nhân và không gian, thời gian xuất hiện với tần số ngang bằng nhau góp phần tạo nên sự mạch lạc trong tư duy và cách trình bày vấn đề của người tạo lập diễn ngôn xã luận.

Phép nối được sử dụng để góp phần tạo nên tính liên kết trong các xã luận. Tuy nhiên, đây không phải là phương thức liên kết chính, không được sử dụng phổ biến như ở các thể loại diễn ngôn khác. Bằng chứng là, phép nối chỉ xuất hiện ở 76/120 diễn ngôn được khảo sát; hơn nữa ở ngay những diễn ngôn có sử dụng phép nối thì tần số xuất hiện của nó cũng rất thấp, cao nhất là 4 lần (Những con số hùng hồn, số 7549, 2/1/1975; Khủng hoảng sâu sắc của chủ nghĩa tư bản, số 7567, 20/1/1975; Một cuộc cách mạng vĩ đại và vô địch, số 7776, 19/8/1975; …), còn đa phần chỉ là từ 1 đến 3 lần (Những thành tích đầy sức thuyết phục và cổ vũ, số 7561, 14/1/1975; Đồng bào và chiến sỹ miền Nam nhất định xóa bỏ hoàn toàn bộ máy chiến tranh và bộ máy ngụy quyền Sài Gòn, hoàn thành triệt để sự nghiệp giải phóng thiêng liêng của mình, số 7663, 27/4/1975; …). Sự thiếu hụt về liên kết do ít sử dụng phép nối chắc chắn sẽ được bù lấp bằng việc sử dụng một phương thức liên kết khác. Chúng tôi đi tìm câu trả lời khi tiếp tục khảo sát một phương thức liên kết khác trong diễn ngôn xã luận là phương thức liên kết từ vựng.

Một phần của tài liệu Phân tích diễn ngôn xã luận trên báo Nhân dân năm 1975 (Trang 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)