Chúng tôi nhận thấy có 3 bình diện không gian mang tính chất đặc thù được hiện thực hóa bằng ngôn từ xuất hiện trong các diễn ngôn xã luận được khảo sát là:
- Nước Việt Nam ta; trên đất nước ta; tại Việt Nam; đất nước ta; non sông, đất nước ta,… Những yếu tố ngôn ngữ này có cùng quy chiếu là địa phận, lãnh thổ của nước ta; xuất hiện trong 87/120 diễn ngôn được khảo sát. Không đơn thuần là không gian diễn ra các sự kiện chính trị, xã hội, những thời khắc chuyển giao có tính chất lịch sử, chúng còn hàm chứa ý nghĩa khẳng định chủ quyền dân tộc, thể hiện lòng tự tôn dân tộc, ý thức dân tộc – một điều vô cùng quan trọng trong hoàn cảnh đất nước đang có giặc ngoại xâm.
Ví dụ: “Nước Việt Nam ta kéo liền một dải gần một nghìn bảy trăm ki lô mét (theo đường chim bay), từ 8,5 đến 23,2 độ vĩ Bắc. ”
(Khả năng phát triển của nông nghiệp nước ta, số 7873, 25/11/1975)
- Từ miền Bắc là từ chỉ không gian xuất hiện ở 89/120 các diễn ngôn (đặc biệt là ở các xã luận trước thời điểm 30/4). Miền Bắc – vùng đất đã được giải phóng từ 1954 của chúng ta chính là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt năm 1975, nơi đây đã diễn ra những hoạt động hết sức sôi nổi như xây dựng kinh tế, phát triển công nông nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
Ví dụ:
“Đối với miền Bắc nước ta, Mỹ nhiều lần dùng máy bay, tàu chiến xâm phạm vùng trời, vùng biển, thoái thác thực hiện điều 21 của Hiệp đinh Pa-ri về việc đóng góp vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng lại.”
(Thắng lợi rất to lớn, số 7626, 21/3/1975) - Ngược lại với miền Bắc, miền Nam là phần lãnh thổ còn đang bị đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu xâm lược, chiếm đóng. Đây chính là nơi diễn ra rất nhiều những sự kiện chính trị, quân sự, đấu tranh chống lại sự lấn chiếm của Mỹ ngụy trước thời điểm 30/4 và sau đó là công cuộc khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh của đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Miền Nam xuất hiện trong 106/120 diễn ngôn được khảo sát.
Ví dụ:
“Một tháng tiến công và nổi dậy của chiến sĩ và đồng bào ta ở miền Nam tạo ra những thay đổi cực kì quan trọng. Cuộc tiến công đã đưa lại những kết quả hết sức tốt đẹp: loại khỏi vòng chiến đấu gần 50% lực lượng các loại của địch, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược và các phương tiện chiến tranh khác…”
(Một tháng bằng mấy chục năm, số 7643, 7/4/1975) Hai yếu tố ngôn ngữ chỉ không gian miền Bắc và miền Nam nếu tồn tại độc lập ở các diễn ngôn khác thì yếu tố giải thích (của đâu) có thể là cần thiết. Song trong các bài xã luận, khi đề cập đến những vấn đề chung của đất nước thì sự mạch lạc giữa diễn ngôn với bối cảnh bên ngoài văn bản cho phép hiểu một cách rõ ràng các khái niệm này (miền Bắc, miền Nam của Việt Nam) mà không cần giải thích.
Ví dụ:
“Miền Bắc đã tập trung rất cao chưa từng có cả về sức người lẫn sức của để phục vụ cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau ngày 30/4/1975, miền Bắc lại một lần nữa dồn sức người, sức của để cùng với miền Nam giải quyết các vấn đề cấp bách sau chiến tranh, ổn định kinh tế và đời sống nhân dân.”
(Thi đua với miền Nam anh hùng, số 7637, 1/4/1975)
* Tiểu kết
Khảo sát 120 diễn ngôn xã luận đăng trên báo Nhân Dân 1975, một trong những mục tiêu mà chúng tôi đặt ra là cố gắng miêu tả đặc điểm cấu trúc tổng thể của các diễn ngôn và miêu tả đặc điểm cấu trúc của từng phần cụ thể về cả phương diện hình thức và nội dung, kết quả như sau:
Cấu trúc tổng thể của các diễn ngôn, về cơ bản đều tuân theo mô hình cấu trúc của các loại hình văn bản có mô hình thông dụng nói chung và cấu trúc của một bài báo nói riêng. Tất cả các diễn ngôn đều bao gồm 2 phần lớn
là tiêu đề và phần nội dung chính. Phần nội dung chính lại bao gồm 3 phần nhỏ là: nêu vấn đề, giải quyết vấn đề và kết luận.
Diễn ngôn xã luận thường lấy chủ đề chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội làm nội dung phản ánh, đáp ứng yêu cầu thông tin và chỉ đạo đường lối đầy đủ, chính xác, kịp thời về mọi mặt đời sống xã hội trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cho toàn thể nhân dân.
Về cấu trúc cú pháp, tiêu đề có kết cấu là ngữ bao gồm danh ngữ và động ngữ có tỷ lệ cao hơn so với tiêu đề có kết cấu mệnh đề, chiếm 68,3%. Điều này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu ngắn gọn của việc đặt tiêu đề và trực tiếp xuất phát từ mục đích hướng tới nêu chủ đề/đề tài, mô tả, định danh sự kiện, nhấn mạnh những sự kiện, hành động, nhiệm vụ trọng tâm được đề cập đến trong văn bản xã luận. Bên cạnh đó, tiêu đề xã luận cũng chứa đựng rất nhiều yếu tố biểu cảm (sử dụng tính từ, phép tu từ so sánh, cấu trúc cảm thán,…) làm tăng tính truyền cảm và thuyết phục với người đọc.
Cấu trúc phần nội dung chính được chia thành 2 dạng: cấu trúc đóng và cấu trúc mở. Dạng có cấu trúc đóng tức là cấu trúc có phần kết luận, chiếm 93,3%. Dạng có kết cấu mở, tức không có phần kết luận, chỉ chiếm 6,7%. Nó cho thấy vấn đề đưa ra luôn được giải quyết triệt để, thấu đáo.
Phần nêu vấn đề được chia làm 3 kiểu, trong đó kiểu nêu vấn đề rồi cung cấp thông tin chứng minh, đưa ra lời bình luận tổng quát là kiểu mở bài phổ biến nhất, chiếm 56,7%. Điều này minh chứng cho tính chất định hướng nhận thức cho người đọc của xã luận.
Phần giải quyết vấn đề: Các xã luận đều lựa chọn sử dụng mô hình cấu trúc hình chữ nhật (từ đầu đến cuối văn bản, chỗ nào cũng có những nội dung quan trọng) với 3 kiểu triển khai nội dung (cấu trúc tuyến tính, cấu trúc có chủ đề xuyên suốt và cấu trúc phái sinh). Trong đó, cấu trúc có chủ đề xuyên suốt chiếm tỷ lệ lớn nhất, chiếm 46,9%. Kiểu mô hình này thể hiện tính chất
cô đọng, hàm súc của xã luận – một thể loại báo chí chính luận mang tính chất mẫu mực cả về nội dung, tư tưởng lẫn văn phong.
Phần kết luận của xã luận rất đa dạng, bao gồm 5 cách khác nhau, xuất hiện nhiều nhất là cách: bình luận và nêu phương hướng nhận thức, kêu gọi hành động và cách bình luận tổng quát, cùng chiếm 28,6%. Tất cả các cách kết luận đều thể hiện tính chất định hướng dư luận và kêu gọi nhân dân hành động vì sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc.
Đặc điểm nổi bật của liên kết trong các diễn ngôn xã luận là sự nổi trội trong việc sử dụng phương thức liên kết từ vựng (lặp từ, phối hợp từ ngữ). Điều này có thể lí giải là vì giữa người viết và người đọc có chung phông nền văn hóa, đồng quan điểm, chí hướng nên dễ dàng để có thể cảm nhận được tính chất logic của diễn ngôn dựa trên cơ chế liên tưởng về nghĩa giữa các từ ngữ trong các câu/đoạn văn; đồng thời góp phần tạo nên tính chất cô đọng, hàm súc cho văn bản. Diễn ngôn xã luận cũng có những yếu tố ngôn ngữ chỉ không gian, thời gian rất đặc thù liên quan trực tiếp tới cuộc kháng chiến chống Mỹ (1945 - 1975), thời điểm năm 1975 (trước và sau ngày 1/5) và không gian diễn ra mọi sự kiện lịch sử ấy chính là miền Bắc, miền Nam và nói chung là đất nước ta. Đây chính là căn cứ để người đọc lí giải thông điệp mà mỗi xã luận gửi gắm.
Những kết quả phân tích như trên cho thấy cấu trúc của xã luận ổn định, chặt chẽ song cũng rất linh hoạt, sắc bén. Nhìn chung, xã luận thành công trên cả hai phương diện hình thức thể hiện và hiệu quả tác động.
CHƢƠNG 3:
CÁC YẾU TỐ NGÔN NGỮ TẠO HIỆU QUẢ TÁC ĐỘNG (CHỨC NĂNG LIÊN NHÂN) TRONG DIỄN NGÔN XÃ LUẬN
TRÊN BÁO NHÂN DÂN NĂM 1975
Chức năng liên nhân là một chức năng hết sức quan trọng của diễn ngôn xã luận. Như trên đã nói, diễn ngôn xã luận mang đầy đủ các đặc tính của hai phong cách là phong cách chính luận và phong cách báo chí. Do vậy,
khác với một số thể loại diễn ngôn thuộc phong cách báo chí như tin tức, phóng sự …, nơi tính khách quan là yêu cầu hết sức cần thiết thì yêu cầu đối với xã luận lại là phải thể hiện được ý chí, thái độ, quan điểm chính trị của Đảng và Nhà nước trước mọi vấn đề của thời cuộc. Ở chương này, luận văn tập trung khảo sát các phương phức và yếu tố ngôn ngữ thực hiện chức năng liên nhân, chủ yếu tạo hiệu quả tác động mang tính điển hình của diễn ngôn xã luận trên tư liệu báo Nhân Dân năm 1975.
3.1. Cách sử dụng từ xƣng hô mang tính điển hình
Từ xưng hô là những từ được dùng để chỉ ra hay quy chiếu đến người hoặc vật tham gia vào quá trình giao tiếp. Xét về mặt từ loại chúng có thể là danh từ hoặc đại từ. Việc lựa chọn sử dụng danh từ xưng hô hay đại từ xưng hô ở một ngôi nhất định nào đó là một trong những minh chứng rất rõ ràng trong và cho việc thiết lập mối quan hệ liên nhân mà người viết muốn đạt tới.
Trong phạm vi tư liệu khảo sát, chúng tôi nhận thấy không xuất hiện các danh từ xưng hô và đại từ xưng hô chỉ ra hay quy chiếu đến người nói/viết (ngôi một), chỉ có các từ ngữ xưng chỉ ra/ quy chiếu đến người nghe/đọc (ngôi hai) và đối tượng được nói đến (ngôi ba). Cụ thể như sau:
- Trong tất cả các diễn ngôn xã luận được khảo sát, không hề thấy xuất hiện các từ ngữ xưng hô dùng để quy chiếu cụ thể đến người viết. Người viết hoàn toàn ẩn đi, không giống như các thể loại báo chí khác như phóng sự, phỏng vấn…người viết luôn hiện diện, khẳng định vị trí quan trọng của mình như một nhân chứng thông qua chủ ngữ ngôi thứ nhất “tôi” hoặc “chúng tôi”. Có thể giải thích rằng những gì được trình bày, nhìn nhận, đánh giá trong diễn ngôn xã luận là sản phẩm trí tuệ của toàn bộ Ban Biên tập báo Nhân Dân, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và cả dân tộc trong những ngày tháng can go, ác liệt chứ không phải là ý kiến, quan điểm chủ quan của riêng cá nhân người viết. Chính vì vậy mà uy tín, sự thuyết phục của xã luận là rất lớn. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, ở xã luận, vai trò của tác giả chỉ là ẩn đi chứ
không phải là không có. Nó được thể hiện một cách gián tiếp thông qua các từ ngữ xưng hô quy chiếu đến quân ta (ta, chúng ta: bao hàm cả người viết và người đọc), qua quá trình tạo lập diễn ngôn và hiệu quả tác động cuối cùng mà diễn ngôn đạt được sau khi đã được người đọc tiếp nhận.
- Các danh từ xưng hô và đại từ xưng hô được dùng để quy chiếu tới đối tượng được nói đến là:
+ Trường hợp đối tượng được nói đến là quân ta thì thường dùng một số từ/tập hợp từ sau: Ta, chúng ta, người Việt Nam ta, nhân dân ta, quân đội ta, đồng bào và chiến sĩ ta, mỗi người chúng ta, cả nước ta, những người con ưu tú của dân tộc ta, dân tộc ta,…
Điểm đáng lưu ý là các cụm từ đều có yếu tố “ta” với ý nghĩa chỉ tất cả mọi người, trong đó bao gồm cả những độc giả của tờ báo. Bên cạnh đó, những cụm từ có “đồng bào” cũng thấy xuất hiện nhiều như: đồng bào Miền Nam, đồng bào Miền Bắc, đồng bào ta, đồng bào hai miền…
Ví dụ:
“Ba mươi năm nay cuộc sống của người Việt Nam ta đã lần lượt diễn ra những thay đổi cách mạng sâu sắc…Lời chúc đầu năm gửi đồng bào miền Bắc là lao động và công tác có năng suất và hiệu suất cao nhất để hoàn thành vượt mức kế hoạch kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế…”
(Lời chúc đầu năm, số 7589, 11/2/1975) “Do thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta và thất bại nặng nề của đế quốc Mỹ xâm lược, Hiệp định Pari đã được kí kết…”
(Đồng bào và chiến sĩ miền Nam nhất định xóa bỏ hoàn toàn bộ máy chiến tranh và bộ máy Ngụy quyền Sài Gòn, hoàn thành triệt để sự nghiệp giải phóng thiêng liêng của mình, số 7663, 27/4/1975)
Từ những danh từ và đại từ được thống kê như trên chúng ta có thể thấy chúng được khuôn vào hai loại cấu trúc chính là: Danh từ + ta và Đồng bào + danh từ bên cạnh hai đại từ rất đặc biệt là ta và chúng ta.
Cách kết hợp các danh từ với ta, đồng bào hay dùng ta, chúng ta một cách độc lập trong việc gọi tên người được nói đến hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên mà mang một ý nghĩa nhất định. Tìm hiểu nghĩa của những từ này chúng ta sẽ thấy:
Theo từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên (2006):
Ta đ. 1 (cũ). Từ dùng để tự xưng khi nói với người khác, thường với tư
cách người trên. Ta báo để các ngươi biết. 2 (vch.). Từ dùng để tự xưng khi nói
thân thiết với người ngang hàng hoặc khi tự nói với mình. Mình về, mình nhớ ta chăng, Ta về ta nhớ hàm răng mình cười (cd.). 3 từ dùng để chỉ gộp chung mình
với người đối thoại với ý thân mật, gần gũi (hàm ý coi nhau chỉ như một). Em ơi chua ngọt đã từng, non xanh nước bạc, ta đừng quên nhau. Dân tộc ta. 4. (hay t.; dùng phụ sau danh từ.). Từ người Việt Nam dùng để chỉ cái của dân tộc, của đất nước mình; phân biệt với Tây, Tàu. Tết ta, quần áo ta. 5 (kng.; dùng phụ sau một số d. hoặc đ. chỉ người). Từ dùng trong đối thoại để chỉ người đã được nói đến trước đó với ý không coi trọng. Ông ta, hắn ta.
Chúng ta đ. Tổ hợp người nói dùng để chỉ bản thân mình với người
đối thoại.
Đồng bào d. 1 Từ dùng để gọi những người cùng một giống nòi, một dân
tộc, một tổ quốc với mình nói chung, với hàm ý có quan hệ thân thiết như ruột thịt. Đồng bào cả nước. 2 Từ dùng để gọi nhân dân nói chung, không phải là
quân đội hoặc không phải là cán bộ. Không đụng đến tài sản của đồng bào.
Cách dùng lặp đi lặp lại các đại từ, danh từ xưng hô như trên trong các diễn ngôn xã luận đã tạo ra được hiệu quả tác động rất lớn: Thứ nhất, các từ ngữ xưng hô này không chỉ quy chiếu đến người đọc mà còn bao hàm luôn cả người viết trong đó vì vậy khoảng cách giữa người tạo lập và người tiếp nhận diễn ngôn được rút ngắn lại, trở nên thân thiết gần gũi, tình cảm như ruột thịt; Thứ hai, những từ ngữ xưng hô này khiến cho người đọc hiểu rằng những nhận thức và hành động được đưa ra trong diễn ngôn là nhận thức và hành
động của cả dân tộc, từ đó mỗi cá nhân phải có trách nhiệm thực hiện; Thứ ba, nó đã tạo ra một sự phân biệt, đối lập rõ nét về thái độ và tình cảm đối với quân ta và đối với kẻ thù. Tiếng gọi nhân dân ta, đồng bào ta, nước Việt Nam ta… tha thiết, thiêng liêng, yêu quí, tự hào bao nhiêu thì những tiếng như bọn Thiệu, bọn, chúng… lại thể hiện thái độ căm ghét.
+ Trường hợp người được nói đến là địch thì thường dùng:
Tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu,Thiệu, tên bán thân bất toại Lon – Non, chính quyền Pho, bọn Lon – Non, Pho, bọn Thiệu, chế độ Lon – Non, Mỹ, bọn đế quốc, địch, Mỹ -Thiệu, đế quốc Mỹ, Mỹ và tay sai, ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu, chúng, bọn Nguyễn Văn Thiệu, quân ngụy, ngụy quân, ngụy quyền, chủ nghĩa thực dân Hoa Kì…