Sử dụng câu mang tính chất khẩu hiệu

Một phần của tài liệu Phân tích diễn ngôn xã luận trên báo Nhân dân năm 1975 (Trang 99)

Một trong những cách để biểu thị ý nghĩa tình thái nữa mà diễn ngôn xã luận sử dụng là dùng những câu mang tính chất khẩu hiệu. Đó là những câu ngắn gọn, mang nội dung tuyên truyền cổ động để tập hợp quần chúng, để tỏ quyết tâm hoặc để đấu tranh.

Kết quả khảo sát cho thấy câu mang tính chất khẩu hiệu xuất hiện ở 26/120 diễn ngôn, chiếm 21,6% và đó đều là những diễn ngôn thuộc hai chủ đề chính trị, quân sự (Thắng lợi rất to lớn, số 7626, 21/3/1975; Thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta, số 7667, 1/5/1975; Đồng bào và chiến sĩ miền Nam nhất định xóa bỏ hoàn toàn bộ máy chiến tranh và bộ máy Ngụy quyền Sài Gòn, hoàn thành triệt để sự nghiệp giải phóng thiêng liêng của mình, số 7663, 27/4/1975; Một tháng bằng mấy chục năm, số 7643, 7/4/1975; Chính quyền Pho phải từ bỏ ngay những kế hoạch tội ác!, số 7645, 9/4/1975; …).

Ví dụ:

Thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam, lập lại hòa bình trong độc lập, tự do, hòa giải và hòa hợp dân tộc, chấm dứt mọi nỗi khổ đau của đồng bào ta đã đến! Các lực lượng vũ trang giải phóng anh hùng, đồng bào Sài Gòn, Gia Định và các nơi khác hãy anh dũng tiến lên, hoàn thành sự nghiệp thiêng liêng của mình, vĩnh viễn chấm dứt cuộc đời nô lệ.

Không có gì quí hơn độc lập, tự do! Nhân dân ta nhất định thắng!

Đế quốc Mỹ và Ngụy quyền tay sai nhất định hoàn toàn thất bại!” (Đồng bào và chiến sĩ miền Nam nhất định xóa bỏ hoàn toàn bộ máy chiến tranh và bộ máy Ngụy quyền Sài Gòn, hoàn thành triệt để sự nghiệp giải phóng thiêng liêng của mình, số 7663, 27/4/1975)

Ở ví dụ trên, chúng ta nhận thấy có 3 câu mang tính chất khẩu hiệu. “Không có gì quí hơn độc lập, tự do!” nêu lên một chân lí mà cả nhân loại đã đúc rút và thừa nhận: tự do là thứ quý giá nhất; mỗi con người, mỗi dân tộc có quyền được hưởng tự do nhưng đồng thời vẫn luôn phải đấu tranh để giành và giữ nó. Đưa ra chân lí đó trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đang bước vào những ngày tháng cuối cùng, can go và ác liệt nhất, có tác dụng một lần nữa nhắc nhở, khắc sâu, hướng người đọc (toàn thể nhân dân) vào mục tiêu cuối cùng của cuộc kháng chiến từ đó khơi dậy ở họ ý thức và quyết tâm hành động, chiến đấu để đi đến thắng lợi cuối cùng. “Nhân dân ta nhất định thắng./ Đế quốc Mỹ và Ngụy quyền tay sai nhất định hoàn toàn thất bại!” biểu thị lòng quyết tâm và sự tin tưởng tuyệt đối của người viết vào chiến thắng cuối cùng của nhân dân và sự thất bại tất yếu của kẻ thù, do đó cũng đã truyền được cảm hứng mạnh mẽ và tiếp thêm cho nhân dân ta niềm tin để tiến lên trên con đường cách mạng.

Ví dụ:

Lịch sử của dân tộc Việt Nam đang trải qua những giờ phút lớn lao. Cách mạng đang tiến lên với nhịp điệu một ngày bằng mấy chục năm. Cả nước ta hãy cùng nhau xốc tới.

Tiến lên toàn thắng ắt về ta!”

(Một tháng bằng mấy chục năm, số 7643, 7/4/1975) Câu khẩu hiệu “Tiến lên toàn thắng ắt về ta!” khi đọc lên, bằng cách ngắt nhịp có thể thấy nó được chia làm hai vế. Với vế thứ nhất “Tiến lên”

người viết đã thay mặt Đảng, Nhà nước thể hiện vai trò lãnh đạo khi đưa ra một mệnh lệnh, một lời hiệu triệu kêu gọi, thúc giục quân và dân ta tiến lên chiến đấu trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975; còn với vế thứ hai “toàn thắng ắt về ta!” tác giả đã biểu thị niềm tin tuyệt đối vào chiến thắng tất yếu của dân tộc ta trong cuộc chiến cuối cùng này giúp nhân dân có thêm động lực để chiến đấu. Câu kết mang tính chất khẩu hiệu trên của diễn ngôn không chỉ góp phần giúp diễn ngôn đạt được mục đích tạo lập của nó

mà còn thể hiện rất rõ mối quan hệ liên nhân: người viết có vị thế giao tiếp cao hơn người đọc, có vai trò lãnh đạo nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Như vậy, câu mang tính chất khẩu hiệu thường là những câu ngắn gọn (câu tỉnh lược thành phần chủ ngữ hoặc là câu đơn); có nhịp điệu nhanh, mạnh, dứt khoát, hùng hồn; nội dung tuyên truyền cổ động để tập hợp quần chúng, để tỏ quyết tâm, niềm tin hoặc để kêu gọi đấu tranh. Số lượng câu mang tính chất khẩu hiệu xuất hiện trong một xã luận không nhiều và thường thuộc về phần kết, nằm ở cuối diễn ngôn. Với đặc điểm cấu trúc, nội dung và vị trí như vậy, câu mang tính khẩu hiệu có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra một phần kết cô đọng, hàm súc, ấn tượng, âm hưởng hùng tráng, thôi thúc, giục giã, lôi cuốn… Người viết xã luận thực sự đã tác động đến được cả nhận thức và tình cảm của người đọc. Điều đó đồng nghĩa diễn ngôn xã luận đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Một phần của tài liệu Phân tích diễn ngôn xã luận trên báo Nhân dân năm 1975 (Trang 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)