Phối hợp từ ngữ là dùng những từ ngữ khác với từ ngữ đã cho theo một cách liên tưởng nào đó, tạo ra được xu thế đồng hiện của hai yếu tố trong một văn bản. Những từ ngữ có khả năng đồng hiện trong một tình huống sử dụng có thể dựa trên 4 kiểu liên tưởng về nghĩa là: Quan hệ về loại, quan hệ về đặc trưng, quan hệ định vị và quan hệ nhân – quả.
a. Quan hệ về loại: là quan hệ giữa các loại nhỏ với loại lớn nằm trong quan hệ cấp loại, bên cạnh nó còn có quan hệ chỉnh thể cũng góp phần chỉ loại. Trong quan hệ về loại, các sự vật, hiện tượng thuộc cùng một loại cùng xuất hiện trong một văn bản như những đề tài bộ phận bên trong một lớp lớn, cho dù yếu tố chỉ loại lớn hơn không xuất hiện bên trong văn bản đang xét.
b. Quan hệ về đặc trưng: Mỗi sự vật có đặc trưng riêng. Những đặc trưng này có thể là dấu hiệu hình thức, những năng lực, chức năng (công dụng, hoạt
động) tiêu biểu giúp nhận diện được vật. Các câu có thể liên kết với nhau thông qua việc nêu vật ở câu này và nêu đặc trưng của vật ở câu khác.
c. Quan hệ định vị: Là quan hệ trong không gian, thể hiện giữa từ ngữ chỉ ra khoảng không gian nào đó với từ ngữ chỉ ra vật, việc xuất hiện trong đó, tạo thành mối quan hệ giải thích nghĩa cho nhau. Trên cơ sở đó, những câu chứa những từ ngữ tương ứng với nhau như thế có quan hệ liên kết với nhau.
d. Quan hệ nguyên nhân: Quan hệ nguyên nhân nói ở phép phối hợp từ ngữ là trường hợp không sử dụng những phương tiện ngữ pháp chỉ quan hệ nguyên nhân thuộc phép nối (vì, bởi vậy, cho nên,…) mà là trường hợp các từ ngữ chứa ở những câu khác nhau có ý nghĩa liên hội được với nhau theo quan hệ nguyên nhân – hệ quả (đói – chết). Điều kiện là: sự việc là nguyên nhân phải xuất hiện trước sự việc là hệ quả, phải tồn tại cho đến khi sự việc là hệ quả xuất hiện, phải là điều kiện cần cho sự việc là hệ quả xuất hiện và là điều kiện đủ trong trường hợp cụ thể đó để cho sự việc hệ quả xuất hiện.
Kết quả khảo sát cho thấy cả 4 kiểu quan hệ trên đều xuất hiện ở diễn ngôn xã luận.
* Quan hệ về loại Ví dụ:
“Nước Việt Nam ta kéo liền một dải gần một nghìn bảy trăm ki lô mét, từ 8,5 đến 23,2 độ vĩ Bắc. Địa hình nhiều vẻ, từ những đồng bằng xấp xỉ mặt biển đến những cao nguyên và triền núi cao hai, ba nghìn mét, cây cỏ bốn mùa xanh tốt. Sông, ngòi đưa phù sa thường xuyên bồi đắp ruộng đồng. Bờ biển dài hơn 3200 ki lô mét. Vùng biển giàu hải sản. Rừng có nhiều gỗ quý và lâm sản có giá trị. Khí hậu chia làm nhiều vùng, thay đổi theo độ cao và từ Nam ra Bắc: khí hậu nhiệt đới có pha lẫn nhiều yếu tố á nhiệt đới và ôn đới. Tự nhiên ấy, khí hậu ấy cộng thêm sức lao động sáng tạo của nhân dân ta dưới chế độ xã hội tiên tiến là nguồn tài nguyên vô cùng quý báu của tổ quốc
ta. Đó là những điều kiện đủ để cho chúng ta tiến lên xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó nghề nông, nghề cá, nghề rừng đều phát triển.”
(Khả năng phát triển của nông nghiệp nước ta, số 7873. 25/11/1975). Trong ví dụ trên chúng ta có thể nhận ra hai tuyến phối hợp từ ngữ theo quan hệ về loại: tuyến 1: các từ đồng bằng, cao nguyên, triền núi, sông, ngòi, bờ biển, vùng biển, rừng là những từ biểu thị các khái niệm đồng loại và là những loại nhỏ khác nhau xét trong mối quan hệ với loại lớn là điều kiện tự nhiên; tuyến 2: gồm các yếu tố ngôn từ: cây cỏ bốn mùa xanh tốt, phù sa thường xuyên bồi đắp, giàu hải sản, nhiều gỗ quý và lâm sản có giá trị, nhằm chỉ ra quan hệ đồng loại trong đặc điểm, tính chất của điều kiện tự nhiên nước ta. Hai tuyến triển khai như trên có tác dụng chứng minh nước ta có đủ điều kiện để phát triển nông nghiệp. Như vậy, đoạn văn trên có sự liên kết chặt chẽ giữa các câu do phối hợp từ ngữ theo kiểu quan hệ liên tưởng về loại.
* Quan hệ về đặc trưng Ví dụ:
“Năm 1974 là năm khủng hoảng sâu sắc của chủ nghĩa tư bản thế giới. Đặc điểm nổi bật nhất của tình hình này là trong nhiều nước tư bản chủ nghĩa, suy thoái hoặc trì trệ kinh tế diễn ra đồng thời với lạm phát trầm trọng. … Với sự tan vỡ của câu chuyện “thần kỳ kinh tế”, Nhật Bản đàg bị giày vò trong cơn suy thoái nặng nề nhất từ chiến tranh thế giới thứ hai. Ở Canada, cũng như ở Tây Âu, Bắc Âu, cả ở Cộng hòa liên bang Đức, tốc độ phát triển kinh tế rõ ràng chậm lại… Cùng một lúc, ở hàng loạt các nước tư bản phát triển, sản xuất công nghiệp giảm sút liên tục, cả những ngành then chốt nhất. Nạn thiếu vốn đầu tư trở thành phổ biến. Ở nhiều nước, số nhà máy bị đóng cửa, số công ty và ngân hàng phá sản vượt qua những kỷ lục trước đây. Trong toàn thế giới tư bản, đội quân thất nghiệp đông hơn 14 triệu người. …”
Các từ ngữ suy thoái, trì trệ kinh tế, lạm phát, tốc độ phát triển kinh tế chậm lại, sản xuất công nghiệp giảm sút liên tục, thiếu vốn đầu tư, nhà máy bị đóng cửa, công ty và ngân hàng bị phá sản, thất nghiệp chỉ ra đặc trưng của khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản thế giới vừa được chỉ ra ở câu đầu đoạn. Những câu trong đoạn văn này liên kết với nhau trên cơ sở quan hệ hiện tượng – đặc trưng.
* Quan hệ định vị Ví dụ:
“Nối tiếp những chiến công rực rỡ trong cuộc tiến công và nổi dậy mãnh liệt của chiến sĩ và đồng bào miền Nam anh hùng, ngày 1-4 Phú Yên hoàn toàn giành lại quyền làm chủ. Từ giữa lòng thị xã Tuy Hòa đến tất cả các huyện Tuy Hòa, Tuy An, Đông Xuân, Sơn Hòa, Sông Cầu, Phủ Đức, Hiếu Xương, đâu đâu cũng phấp phới cờ sao của chính phủ cách mạng. Hoan hô Phú Yên giải phóng! Chúc chiến sĩ và đồng bào Phú Yên giành nhiều thắng lợi trong việc xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp.” (Phú Yên và thị xã Tuy Hòa hoàn toàn giành quyền làm chủ, số 7639, 3/4/1975)
Phú Yên ở đây chính là không gian hành chính lớn bao chứa các đơn vị hành chính nhỏ hơn là thị xã Tuy Hòa, các huyện Tuy Hòa, Tuy An, Đông Xuân, Sơn Hòa, Sông Cầu, Phủ Đức, Hiếu Xương; đồng thời cũng là không gian sinh sống và chiến đấu của chiến sĩ và đồng bào Phú Yên. Như vậy, quan hệ giữa các yêu tố này là quan hệ định vị trong không gian. Trên cơ sở đó, nghĩa của những câu này liên kết với nhau.
* Quan hệ nhân quả Ví dụ 1:
“(Vì) Chưa cam tâm chịu thất bại, (nên) đế quốc Mỹ tiếp tục tăng cường dính líu về quân sự. (Nên) Tổng tham mưu trưởng lục quân Mỹ vội vã đến Sài Gòn để bố trí kế hoạch chống giữ ở những khu vực còn lại. (Nên) Mỹ thiết lập cầu hàng không cấp tốc đưa thêm vũ khí, đạn dược vào miền Nam nước ta cho bọn tay sai kéo dài chiến tranh…”
Ở đây, chúng ta thấy một loạt các sự kiện hệ quả được kích hoạt từ sự kiện nguyên nhân đầu tiên: chưa chịu thất bại → tiếp tục tăng cướng dính líu quân sự → bố trí kế hoạch chống giữ ở những khu vực còn lại → thiết lập cầu hàng không cấp tốc đưa thêm vũ khí, đạn dược vào miền Nam nước ta cho bọn tay sai kéo dài chiến tranh. Và rõ ràng các sự kiện này có sự nối tiếp nhau về mặt thời gian. Sự kết hợp giữa yếu tố thời gian và nhân quả khiến các câu có mối quan hệ logic chặt chẽ với nhau không thể tách rời. Có thể làm bộc lộ rõ hơn quan hệ nhân quả giữa các câu này bằng cách thêm vào quan hệ từ vì, nên.
Trong 4 kiểu quan hệ liên tưởng này, quan hệ đặc trưng, quan hệ về loại và quan hệ định vị xuất hiện khá đều đặn ở hầu hết các diễn ngôn thuộc mọi chủ đề chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội trong những đoạn phân tích, bình luận… Ít gặp hơn cả là quan hệ nhân quả. Thực ra quan hệ nhân quả giữa các sự kiện không phải là loại quan hệ hiếm gặp trong các diễn ngôn xã luận nhưng nhân quả theo kiểu liên tưởng ở phép phối hợp từ ngữ giữa các câu thì không xuất hiện nhiều bởi vì hầu hết các sự kiện có quan hệ nhân quả với nhau đều được tác giả trình bày gọn trong một câu ghép (một đặc trưng xét về cấu trúc cú pháp của câu ở xã luận là thường dùng câu ghép, câu nhiều thành phần), có thể có hoặc không có từ chỉ quan hệ nhân quả; hoặc là chúng vẫn được tách ra, trình bày thành hai câu đứng liền nhau nhưng có từ chỉ quan hệ nhân quả ở câu thứ hai (như vậy, trường hợp này lại được xét trong phép nối).
Từ những kết quả khảo sát được như trên về liên kết trong các diễn ngôn xã luận báo Nhân Dân (1975), chúng tôi đi đến kết luận: Phép liên kết từ vựng với 2 phép nhỏ là lặp từ vựng và phối hợp từ ngữ (quan hệ về loại, quan hệ đặc trưng, quan hệ định vị và quan hệ nhân quả) là phương thức chính, có tính đặc trưng tạo nên tính liên kết cho các diễn ngỗn; Cũng chính vì liên kết được tạo nên phần nhiều do cơ chế liên tưởng về nghĩa giữa các yếu tố ngôn ngữ thuộc các câu khác nhau trong đoạn văn, văn bản như vậy nên phép nối – một phương thức liên kết khá phổ biến ở nhiều thể loại văn bản lại xuất hiện
rất ít trong các xã luận. Nói cách khác, sự thiếu hụt về liên kết khi ít sử dụng phép nối đã được khỏa lấp bằng phép liên kết từ vựng; Việc sử dụng các phương thức liên kết như trên đã góp phần tạo nên âm hưởng hùng hồn, trang trọng, anh thép và tăng tính hấp dẫn, thuyết phục cho các xã luận.