của tiêu đề
Cách thức diễn đạt đánh giá hoặc thái độ biểu cảm trong tiêu đề vốn là một phương thức rất ít được sử dụng trong một số thể loại báo chí để đảm bảo tính khách quan trong khi phản ánh sự kiện. Tuy vậy, trong diễn ngôn xã luận, việc xuất hiện các yếu tố từ ngữ thể hiện sự đánh giá hoặc thái độ biểu cảm lại thường được lựa chọn như một thủ pháp nhằm thu hút sự quan tâm của người đọc đồng thời tăng giá trị tác động tới tình cảm, thái độ của người đọc.
Với 120 tiêu đề được khảo sát, chúng tôi nhận thấy có tới 79 tiêu đề có chứa đựng các yếu tố biểu cảm, chiếm 65,8 %. Yếu tố này được thể hiện dưới dạng thức các tính từ làm định tố cho các danh từ trong tiêu đề có kết cấu danh ngữ, hoặc trong các trạng tố của các tiêu đề có kết cấu động ngữ. Bên cạnh đó loại tiêu đề là những mệnh đề có giá trị tu từ, cấu trúc so sánh hay cảm thán cũng là những hiện tượng thường thấy. Điều này cho thấy, bên cạnh chức năng thông tin, tác giả xã luận còn rất quan tâm tới chức năng biểu cảm của tiêu đề. Sự biểu cảm ấy được tạo ra bằng nhiều cách khác nhau như sau:
- Tiêu đề sử dụng các tính từ giàu giá trị biểu cảm: Ví dụ:
Lá phiếu của lòng phấn khởi và tin tưởng (số 7642, 6/4/1975)
Những con số hùng hồn(số 7549, 2/1/1975)
Thắng lợi rất to lớn(số 7626, 21/3/1975) …
- Tiêu đề sử dụng cấu trúc cảm thán:
Ví dụ: Thừa Thiến Huế đã hoàn toàn giải phóng! (Số 7632, 27/3/1975) - Tiêu đề sử dụng cấu trúc cảm thán kết hợp với tung hô:
Ví dụ: Hoan hô Quảng Nam anh hùng! (số 7635, 30/3/1975), Hoan hô thắng lợi vĩ đại của nhân dân Cam-pu-chia! (số 7654, 18/4/1975)
- Tiêu đề sử dụng cấu trúc cầu khiến kết hợp với cảm thán: Ví dụ: Chính quyền Pho phải từ bỏ ngay những kế hoạch tội ác! ( số 7645, 9/4/1975) - Tiêu đề sử dụng phép tu từ so sánh:
Ví dụ: Một tháng bằng mấy chục năm ( số 7643, 7/4/1975) - Tiêu đề sử dụng phép tu từ ẩn dụ:
Ví dụ: Chế độ Lon Non đang giãy chết ( số 7616, 11/3/1975)
Trong số 6 cách tạo ra tính biểu cảm cho tiêu đề trên thì cách sử dụng tính từ là thông dụng nhất, có lẽ là vì vừa dễ đặt mà lại phù hợp với nhiều ngữ cảnh. Năm cách còn lại xuất hiện với tần số không nhiều. Tuy nhiên, hiệu quả của những cách thức tạo ra tính biểu cảm này lại không phụ thuộc vào số lần xuất hiện của chúng:
Việc sử dụng các tính từ (phấn khởi, tin tưởng, vĩ đại, vô địch, hùng hồn, to lớn…) cũng như lối nói so sánh đã mang lại cho người đọc ấn tượng sâu sắc về tầm vóc, vị thế lớn lao của các sự kiện và những thành tích mà quân và dân ta đã đạt được.
Cách sử dụng cấu trúc cảm thán, cảm thán kết hợp với tung hô giúp biểu thị niềm vui sướng, hân hoan, ngợi ca những chiến thắng trên mặt trận quân sự; cầu khiến kết hợp với cảm thán như ở ví dụ 4 mang lại một hiệu quả tác động kép cho tiêu đề: vừa đưa ra một mệnh lệnh yêu cầu chính quyền Pho
phải chấm dứt ngay lập tức những kế hoạch xâm lược mà chúng đang và sẽ thực hiện ở nước ta, vừa chỉ rõ những kế hoạch ấy của chúng là những kế hoạch tội ác, xâm hại nghiêm trọng tới chủ quyền của đất nước Việt Nam và nhân quyền của con người Việt Nam.
Tiêu đề sử dụng phép tu từ ẩn dụ xuất hiện chỉ 1 lần/120 tiêu đề được khảo sát nhưng hiệu quả của nó thì không ai có thể phủ nhận: cụm từ “đang giãy chết” cho thấy rõ tình trạng khó khăn, sa sút, kiệt quệ, thất thế của chế độ Lon Non (tại Cam - pu - chia), đồng thời cho thấy rõ thái độ mỉa mai của chúng ta đối với Mỹ và bọn tay sai.
Như vậy, bên cạnh chức năng thông tin tiêu đề xã luận còn thể rất rõ lập trường, tư tưởng, tình cảm, thái độ của tờ báo đối với những vấn đề, sự kiện… được đề cập tới trong bài, từ đó góp phần định hướng nhận thức, tình cảm cho người đọc.