CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HUY ĐỘNG VỐN TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI PHÚC TIẾN
2.2.2. Chính sách huy động vốn của công ty
Là công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại là chủ yếu, nhu cầu bổ sung vốn hoạt động của công ty rất cao. Hơn nữa, quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty ngày càng mở rộng. Vì vậy, trong những năm qua, Công ty Cổ phân Sản xuất và Thương mại Phúc Tiến luôn chú trọng đến công tác huy động vốn, và đã có những chính sách huy động vốn nhất định nhằm đảm bảo hiệu quả huy động vốn, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh.
Dựa trên vốn điều lệ và nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh từng giai đoạn, công ty đã xác định việc vay vốn như thế nào, quy mô và cách thức huy động vốn ra sao. Cụ thể: căn cứ vào mục tiêu tăng trưởng sản lượng tiêu thụ hàng quý, hàng năm, công ty đề ra kế hoạch nhập hàng cho từng giai đoạn, tính toán sản lượng tồn kho và vòng quay vốn lưu động, từ đó xác định lượng vốn cần bổ sung cho từng giai đoạn. Chủ trương huy động vốn của công ty là đảm bảo cân đối hài hòa giữa cơ cấu vốn vay và vốn chủ sở hữu, tập trung chủ yếu vào việc phát hành cổ phiếu và vay vốn ngân hàng. Trong đó, vốn vay ngân hàng thông qua hợp đồng tín dụng được khai thác tối đa. Điều này được thể hiện trong Nghị quyết Hội đồng quản trị số 68/NQ - HĐQT – PHT, ngày 10/12/2009, về chủ trương tăng cường nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh giai đoạn 2010-2015. Theo đó, vay ngắn hạn ngân hàng là chủ yếu, mở rộng quan hệ với các ngân hàng lớn, giảm tối đa các khoản chi phí ngầm đối với nhân viên ngân hàng cũng như hạn chế các chi phí phát sinh
trong quá trình lập hồ sơ vay vốn, nhằm tiết kiệm chi phí huy động vốn, đảm bảo hiệu quả huy động vốn.
Ngoài ra, để tăng cường huy động vốn cũng như giảm thiểu chi phí huy động vốn, công ty còn đề ra chủ trương huy động vốn từ cán bộ công nhân viên và gia đình của họ. Theo đó, công ty đã ra thông báo số 77/TB-TGĐ- PHT, ngày 08/08/2011 về chủ trương huy động nguồn tiền gửi và mượn giá trị tài sản nhà đất, nhằm huy động khoản tiền nhàn rỗi của cán bộ công nhân viên và mượn giá trị tài sản nhà đất của họ để làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng.
Tóm lại, chính sách huy động vốn của công ty trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa được cụ thể. Vì vậy, công ty cần hoàn thiện các chính sách huy động vốn trong thời gian tới để đảm bảo hiệu quả hoạt động huy động vốn ngày càng cao.