7. Kết cấu luận văn
2.4.1. Những ưu điểm
2.4.1.1. Về bộ máy TCQL di tích và DVDL
Trong những năm qua, thực hiện Quyết định số 1706/2001/QĐ- BVHTT ngày 24/07/2001 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020, việc quản lý và phát huy giá trị của DTLSVH trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Quyết định số 51/2008/QĐ- UBND ngày 16/12/2008 của UBND thành phố Hà Nội về việc phân cấp quản lý nhà nước các DTLSVH trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là quyết định số 11/2011/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 2/3/2011 đã cụ thể hóa quyền hạn và trách nhiệm trong việc quản lý các DTLSVH nói chung và TCQL các DVDL nói riêng. Hầu hết các DTLSVH trên địa bàn đã có cơ quan (Ban, trung tâm) hoặc tổ chức quản lý trực tiếp, đặc biệt là những DTLSVH đã được xếp hạng Quốc gia, cấp tỉnh/thành phố. Theo đó, UBND cấp có thẩm quyền tùy theo điều kiện cụ thể của di tích được giao, đã thành lập bộ máy tổ chức phù hợp với nhiệm vụ và chức năng, đã phát huy tác dụng trong việc quản lý và phát huy giá trị các di tích. Đặc biệt, ở những di tích có điều kiện khai thác giá trị phục vụ du lịch như di tích VM-QTG, khu DTPCT, di tích
Nhà tù Hỏa Lò…, bộ máy TCQL di tích đã dần trở nên hoàn thiện, đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu phát triển du lịch, kinh tế của thủ đô. Trong cơ cấu bộ máy quản lý di tích như Trung tâm Hoạt động VHKH VM-QTG, Khu DTPCT đã có những phòng, ban chuyên cung ứng một loại hình DVDL như phòng Thuyết minh Nghiệp vụ (Trung tâm Hoạt động VHKH VM-QTG) hoặc phòng Thông tin-Giáo dục (Khu DTPCT). Ngay cả những ở những di tích chưa có nhiều du khách tham quan, nhưng bộ máy quản lý đã có những phòng, ban chức năng này như phòng Thông tin Tuyên truyền (Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa – Thành cổ). Ngoài những phòng chuyên môn cung cấp những dịch vụ chuyên nghiệp, các bộ phận khác của bộ máy cũng tham gia vào việc TCQL các DVDL như phòng Hành chính tổng hợp tham gia vào việc quản lý dịch vụ bán vé tham quan, hệ thống bảng, biển chỉ dẫn, hay quản lý dịch vụ chụp ảnh, bán đồ lưu niệm. Bộ máy TCQL những di tích này đã làm cho di tích thực sự sống lại, trở thành những điểm du lịch có hiệu quả cả về mặt văn hóa - xã hội, lẫn kinh tế, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chính trị, đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Trung tâm Hoạt động VHKH VM-QTG, Khu di tích Phủ chủ tịch hàng năm đón tiếp hàng triệu khách tham quan, thuyết minh cho hàng ngàn đoàn khách trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều đoàn khách cao cấp của Đảng và Nhà nước như các nguyên thủ, chủ tịch các chính đảng các nước. Số lượng khách tới tham quan ngày càng tăng theo các năm đã chứng tỏ hiệu quả hoạt động của bộ máy, hiệu quả của việc phát huy giá trị các di tích.
2.4.1.2. Về tổ chức, quản lý các dịch vụ du lịch
- Dịch vụ phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu
Dịch vụ phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu đã được chú trọng tổ chức ở hầu hết các di tích, nhất là các di tích tiêu biểu. Ở di tích VM-QTG và DTPCT, dịch vụ này đã đáp ứng cơ bản nhu cầu tìm hiểu, tham quan của du
khách với chất lượng cao, để lại trong lòng du khách những tình cảm tốt đẹp. Các dịch vụ như trông giữ xe đạp, xe máy, dịch vụ bán vé tham quan, hay hệ thống bảng, biển chỉ dẫn tham quan, hệ thống đường dạo cho du khách được tôn tạo, tờ gấp thông tin giới thiệu về di tích đều được đầu tư, góp phần đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách. Đặc biệt, dịch vụ thuyết minh, giới thiệu di tích đã được tổ chức tốt với chất lượng cao, thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu ở mọi cấp độ, của mọi đối tượng khách, từ các nguyên thủ quốc gia cho đến các nhà nghiên cứu, từ trẻ em cho đến người già, người dân tộc thiểu số.... Việc thuyết minh ngày một chuyên nghiệp, trình độ ngày một nâng cao ở mọi thuyết minh viên được thể hiện ở những nhận xét, khen ngợi của du khách sau mỗi buổi tham quan. Trong năm 2009, Di tích VM-QTG đã đón tiếp trên 1.691.500 lượt khách tham quan, trong đó 40% là khách quốc tế. Thuyết minh cho 46 đoàn khách ngoại giao từ Bộ trưởng đến Tổng thống như Quốc vương Malaixia, Nữ hoàng Đan Mạch, Tổng thống Bungari, Tổng thống Srilanca và 17 đoàn bộ trưởng. Thuyết minh cho 1.176 đoàn khách trong và ngoài nước, 213 đoàn học sinh, sinh viên, đoàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, lão thành cách mạng… Năm 2010, số đoàn được nghe thuyết minh là 69 đoàn ngoại giao cấp nhà nước, 1.354 đòan khách quốc tế và trong nước [33], [34]. Sau 40 năm hoạt động (1969-2009), DTPCT đã đón tiếp hơn 50 triệu lượt khách tham quan, trong đó có hàng trăm đoàn khách là nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ các nước [14]. Năm 2010, Khu Di tích Phủ Chủ tịch đón tiếp được trên 2.253.000 lượt khách tham quan trong đó có 929.900 lượt người khách nước ngoài, 1.324.100 lượt người khách trong nước. Tổng số đoàn khách được nghe giới thiệu là 3.081 đoàn với 93.508 lượt người [13].
Bảng 2.1: Số lượt khách đến tham quan tại các di tích tiêu biểu
Năm Di tích VM-QTG Khu DTPCT Khu di tích HTTL
2008 1.263.000 2.380.000 70.000
2009 1.691.574 2.194.000 10.000
2010 1.534.000 2.253.000 540.000
(Nguồn: [13],[14],[32],[33],[34]) - Dịch vụ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng
Cơ bản đã TCQL theo quy định về quản lý và bảo vệ di tích, ngăn chặn được nhiều hành vi thái quá trong hoạt động tín ngưỡng như đốt nhiều hương, vàng mã trong di tích, thực hành tín ngưỡng không đúng thể loại di tích (Lễ phật, hầu đồng trong Văn Miếu), đặc biệt tại VM-QTG, đã hình thành nên nếp tín ngưỡng, họat động văn hóa: dâng hương theo truyền thống được đông đảo du khách noi theo, đặc biệt là các đoàn học sinh, sinh viên và các đơn vị tổ chức hoạt động tại di tích.
Dịch vụ đồ lưu niệm đã được đầu tư, cải tiến theo hướng chuyên biệt hóa, nhiều sản phẩm lưu niệm được tạo ra mang dấu ấn của di tích như ở di tích VM-QTG có mô hình Khuê Văn các, bia tiến sĩ, các chữ thư pháp cầu may được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau cho. Ấn phẩm văn hóa như sách hướng dẫn, giới thiệu di tích, bưu ảnh cảnh kiến trúc di tích được đầu tư, xuất bản; bút, dây đeo chìa khóa, áo phông in hình Khuê Văn các, hình nhà sàn, hay tên địa danh được đặt làm riêng biệt cho từng nơi. Vé tham quan cũng được đầu tư in hình biểu tượng của từng di tích. Những sản phẩm đó phần nào tạo nên dấu ấn cho từng di tích, đem lại hiệu quả truyền thông và kinh tế.
Dịch vụ chụp ảnh lưu niệm được tổ chức ở những di tích có nhiều khách tham quan đã đáp ứng phần nào nhu cầu lưu giữ kỷ niệm của du khách,
thời gian đáp ứng nhu cầu ngày càng được rút ngắn với chất lượng cao hơn là những cố gắng của những nhà TCQL dịch vụ này.
- Các dịch vụ khác
Ở những di tích có hoạt động du lịch đều như VM-QTG hay DTPCT, các nhà quản lý đã cố gắng tổ chức những dịch vụ nhằm gợi mở và đáp ứng nhu cầu cho du khách, như tổ chức biểu diễn văn hóa tại các di tích để tăng doanh thu, đồng thời quảng bá văn hóa ra khắp đất nước và thế giới. Dù chỉ một vài bài hát dân tộc hay bản nhạc trình bày bằng nhạc cụ truyền thống cũng làm cho du khách bớt được mệt mỏi khi phải đi bộ tham quan, lấy lại được cảm hứng với chuyến đi. Dù phải trả tiền phí thưởng thức, nhưng những tiếng vỗ tay của du khách đã chứng tỏ mức độ thỏa mãn của du khách.
Dịch vụ vệ sinh được tổ chức, quản lý tốt ở các di tích có đông khách tham quan như DTPCT hay di tích VM-QTG là một ưu điểm trong việc tổ chức các DVDL.
2.4.2. Những hạn chế và vấn đề đặt ra trong việc TCQL các DVDL tại các DTLSVH trên địa bàn Hà Nội
2.4.2.1. Những hạn chế về bộ máy TCQL và vấn đề đặt ra
Hạn chế cơ bản nhất trong cơ cấu bộ máy TCQL của các trung tâm, BQL di tích là thiếu bộ phận chuyên nghiệp, thiếu nhân sự có hiểu biết về du lịch để TCQL các DVDL.
Mặc dù hầu hết các DTLSVH trên địa bàn đã có cơ quan (Ban, trung tâm) quản lý trực tiếp, đặc biệt là những DTLSVH đã được xếp hạng Quốc gia, cấp tỉnh/thành phố, nhưng về cơ cấu tổ chức của các ban, trung tâm này vẫn chưa phù hợp với định hướng phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch, vẫn còn nặng về việc quản lý và bảo tồn di tích. BQL ở những di tích có quy mô nhỏ, ở xa trung tâm, như các đình, chùa…thường không có
DVDL trong những ngày lễ hội, ngày sóc, vọng… Ngay cả ở những di tích có hoạt động du lịch thường xuyên, thu hút nhiều du khách như đền Ngọc Sơn, đền Quán Thánh…BQL chủ yếu làm nhiệm vụ bán vé tham quan và bảo vệ di tích. Hoạt động phục vụ khách du lịch như thuyết minh dù có nhưng mờ nhạt, các dịch vụ khác như chụp ảnh, trông xe, bán đồ lưu niệm do tư nhân đảm nhiệm. Ở các di tích tiêu biểu, cấp quốc gia như di tích VM-QTG hay Trung tâm HTTL, DTPCT, các BQL cũng chưa có phòng, ban chuyên trách TCQL toàn bộ DVDL. Chính vì thế, việc TCQL các DVDL do nhiều bộ phận khác nhau đảm nhiệm, gần như tất cả các phòng ban của Trung tâm hay của Khu tham gia thực hiện dịch vụ như bộ phận duy tu, môi trường, phòng thuyết minh, phòng hành chính tổng hợp, bộ phận bảo vệ. Nhân sự phục vụ du lịch phần lớn không có chuyên môn, hiểu biết về du lịch và phục vụ du lịch (Phòng Thông tin –Tuyên truyền Trung tâm Bảo tồn di tích Thành cổ-Cổ loa, phòng Thuyết minh Nghiệp vụ của Trung tâm hoạt động VHKH VM-QTG không có ai tốt nghiệp đại học chuyên ngành du lịch). Hơn nữa, do chưa chú trọng đến việc quảng bá thu hút khách nên các Trung tâm không có bộ phận tiếp thị cũng như làm thị trường. Khách mua các dịch vụ hoàn toàn theo nhu cầu nảy sinh khi đến di tích theo chương trình du lịch hoặc theo nhu cầu tìm hiểu. Chính điều này đã giải thích cho thực trạng “thừa di tích nhưng thiếu điểm du lịch” hoặc nhiều di tích không được khai thác cho mục đích du lịch, chưa thành tài nguyên du lịch thực sự. Cũng do chưa có bộ phận chuyên trách quản lý nên nhiều dịch vụ được thả lỏng cho tư nhân đảm nhiệm, thiếu sự quản lý về chuyên môn, việc kinh doanh dịch vụ mạnh ai nấy làm khiến cho các dịch vụ trong cùng di tích cạnh tranh nhau không lành mạnh, hoặc các dịch vụ ở các di tích khác nhau trong cùng một chương trình tham quan lại giống nhau về nội dung, khiến cho tính hấp dẫn của dịch vụ giảm. Nhiều dịch vụ do thiếu kiến thức chuyên môn lại không phối hợp chặt chẽ với bộ phận khác nên đã vi phạm về nội dung di tích hoặc nguyên tắc bảo tồn….
Nguyên nhân của hạn chế này là do nhận thức, định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước về việc phát huy giá trị các DTLSVH trong hoàn cảnh mới chưa được đầy đủ, chưa thấy hết được tiềm năng của những di tích này khi khai thác phục vụ du lịch. Điều này thể hiện ở ngay tên gọi của BQL di tích (Trung tâm hoạt động VHKH VM-QTG; Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa-Thành Cổ). Một nguyên nhân nữa cũng không kém phần quan trọng là sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa và du lịch, mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp du lịch chưa chặt chẽ dù các bộ phận này đã được tổ chức trong một cơ quan quản lý là Sở VHTT&DL. Công ước quốc tế về du lịch văn hóa của ICOMOS năm 1999 đã xác định mục tiêu trong việc bảo tồn, phát huy di tích là “Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích đối thoại giữa những người chịu trách nhiệm về di sản và những người kinh doanh du lịch …”. Nguyên nhân khách quan của vấn đề này là do việc quản lý các di tích trước kia thuộc thẩm quyền của ngành văn hóa, nên vấn đề bảo tồn và tôn tạo di tích thường được coi trọng, còn vấn đề phát huy giá trị của di tích mới được đưa ra bàn thảo trong những năm gần đây trong các cuộc hội thảo của ngành văn hóa nên giới hạn chủ yếu ở các nhà nghiên cứu văn hóa có chuyên môn sâu về bảo tồn, tôn tạo di tích. Sự tham gia của các nhà quản lý du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch còn quá ít.
Hạn chế này làm sinh vấn đề sắp xếp, điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức của bộ máy quản lý của các Trung tâm, các BQL các di tích để cho việc TCQL các dịch vụ được thống nhất không chỉ trong từng di tích mà còn giữa các di tích nằm trong một tuyến, chương trình du lịch, đạt hiệu quả mong muốn.
2.4.2.2. Hạn chế trong tổ chức, quản lý các DVDL và vấn đề đặt ra
Việc TCQL các DVDL tuy đã cố gắng nhưng còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa chủ động trong nhiều tình huống dẫn đến những giải pháp mang tính tình thế, như việc bán vé tham quan, việc bảo vệ an toàn cho du khách,
bảo vệ môi trường cảnh quan di tích trong những ngày lễ, tết, trong mùa lễ hội thường không đảm bảo, không đáp ứng được nhu cầu du khách. Dịch vụ trong những ngày này thường không đảm bảo chất lượng, còn mang tính chộp giựt.. cụ thể ở từng dịch vụ như sau:
- Dịch vụ phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu: Mặc dù dịch vụ phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu đã được chú trọng tổ chức ở hầu hết các di tích đặc biệt là ở các di tích tiêu biểu như VM-QTG hay DTPCT, nhưng việc tổ chức các dịch vụ này vẫn còn nhiều bất cập và thiếu thống nhất. Trước hết, việc trông giữ xe đạp, xe máy ở nhiều điểm còn khoán cho tư nhân nên việc thực hiện còn tùy tiện cả về giá cả lẫn chất lượng. Người trông giữ xe dù có cam kết với BQL di tích thực hiện quy chế, nhưng họ thường tăng giá vé, để xe lộn xộn, bắt chẹt khách trong những ngày lễ. Dù là chuyện nhỏ, nhưng đã khiến cho nhiều khách tham quan không thấy hài lòng với Ban quản lý di tích.
Việc bán vé tham quan cũng còn nhiều bất cập: Nhiều di tích không tổ chức bán vé tham quan, nhất là ở các cơ sở tôn giáo do chưa thống nhất trong việc quản lý di tích giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở tôn giáo. Tại những di tích có tổ chức bán vé tham quan, quầy bán vé bố trí tùy tiện, thường đặt ở trước cửa ra vào, nên đôi khi phá vỡ cảnh quan di tích, cản trở sự ra vào của du khách, như ở đền Ngọc Sơn, đền Quan Thánh… Việc bán vé tham quan trong những ngày lễ, tết thường bị chậm so với nhu cầu khách nên cản trở lượng du khách vào tham quan. Ở những nơi không bán vé tham quan, trong những ngày lễ hội, thường xảy ra hiện tượng “quá tải”, lượng du khách vào di tích quá đông, khiến cho mọi quy định, nguyên tắc, mọi cố gắng trong việc giữ trật tự, an toàn đều vô hiệu. Hệ thống bảng, biển chỉ dẫn tham quan, tờ gấp thông tin giới thiệu về di tích chưa thống nhất, khoa học: Nhiều di tích