6. Kết cấu của khóa luận
1.2.1.1. Cơ quan nhà nước
Trong thực tiễn và trong khoa học, thuật ngữ “Cơ quan nhà nước” đã được đề cập đến và giải thích theo nhiều cách khác nhau.
Trong tiếng Pháp có từ “établissement public” được hiểu: “CQNN là một pháp nhân công quyền, chịu trách nhiệm tiến hành một trong các hoạt động của các đơn vị hành chính địa phương thay cho nhà nước, cho tỉnh, cho xã nhưng chịu sự kiểm tra của cấp đó. [29,tr80]
Theo một số tài liệu của các nhà khoa học Việt Nam, thuật ngữ CQNN được giải thích như sau:
- “CQNN là một bộ phận cấu thành bộ máy nhà nước, là một tổ chức chính trị có tính độc lập tương đối về cơ cấu tổ chức bao gồm một nhóm công chức được nhà nước giao cho những quyền hạn và nhiệm vụ nhất định”. [9,tr53]
- “CQNN là một bộ phận cấu thành bộ máy nhà nước. Đó là tổ chức nhà nước có tính độc lập tương đối, có thẩm quyền và thành lập theo quy định của pháp luật, nhân danh nhà nước thực hiện nhiệm vụ và chức năng nhà nước bằng những hình thức và phương pháp đặc thù”. [8,tr161-162]
- “CQNN là một bộ phận cấu thành nhà nước bao gồm nhiều người, hoặc một người thay mặt nhà nước đảm nhiệm một phần hay một công việc (nhiệm vụ), hoặc tham gia thực hiện các chức năng của nhà nước” [7,tr224]
Từ các quan niệm trên đây, có thể rút ra một số đặc điểm cơ bản của CQNN như sau:
1. CQNN là một tổ chức (Chính phủ, Bộ, UBND….) hoặc một người nằm trong bộ máy nhà nước (Chủ Tịch nước, Tổng thống, Vua….) thay mặt nhà nước đảm nhiệm một phần hay một công việc, một nhiệm vụ hoặc tham gia thực hiện các chức năng của Nhà nước;
2. CQNN được thành lập và được trao một loại quyền lực chính trị đặc biệt – quyền lực nhà nước để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do nhà nước quy định;
3. Thẩm quyền của CQNN có những giới hạn về không gian và thời gian, về đối tượng chịu sự tác động của nó. Đó là giới hạn pháp lý và chúng được quy định bởi pháp luật; [6,tr154]
4. Trong khuôn khổ thẩm quyền của mình, CQNN hoạt động một cách độc lập, chủ động, sáng tạo và chỉ chịu sự ràng buộc của pháp luật, chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Thẩm quyền của CQNN là hành lang pháp lý cho cơ quan ấy vận động, nhưng việc thực hiện thẩm quyền của CQNN không chỉ là quyền mà là nghĩa vụ của nó; [5,tr82]
5. Các CQNN đều có thẩm quyền được pháp luật quy định chặt chẽ, được quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với mọi cơ quan, tổ chức khác hoặc mọi công dân trong phạm vi lãnh thổ hoặc ngành, lĩnh vực mà cơ quan đó phụ trách; Ban hành các quyết định cá biệt có hiệu lực thi hành đối với từng cơ quan, tổ chức, người có chức vụ hoặc từng công dân cụ thể;
6. CQNN không trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, các giá trị văn hóa, tinh thần cho xã hội, nhưng tác động của nó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với quá trình đó;
7. Về cơ cấu, CQNN có tính độc lập tương đối với các tổ chức khác trong việc thực hiện thẩm quyền mà pháp luật trao cho. Bản thân nó lại bao gồm những bộ phận khác nhau bảo đảm tính chuyên nghiệp trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ nhưng hợp thành một thể thống nhất thực hiện mục tiêu chung. [8,tr162]
Từ những điểm trên có thể hiểu: CQNN là một bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước (bao gồm cán bộ, công chức và những công cụ, phương tiện..) có tính độc lập tương đối, có thẩm quyền và thành lập theo quy định của pháp luật, nhân danh Nhà nước và thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước. [28,tr82]