Tổng quan về thương mại dịch vụ và thương mại dịch vụ du lịch

Một phần của tài liệu Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về du lịch trong bối cảnh hội nhập (Trang 28)

5. Kết cấu của luận văn

1.2.2.1.Tổng quan về thương mại dịch vụ và thương mại dịch vụ du lịch

Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là tập hợp đầu tiên và duy nhất những quy định đa biên điều chỉnh thương mại dịch vụ trên thế giới. GATS phân chia tất cả các ngành dịch vụ của nền kinh tế thành 12 ngành và 155 phân ngành. Dịch vụ du lịch và các dịch vụ lữ hành thuộc nhóm 9 trong Danh mục Phân loại ngành dịch vụ MTN.GNS/W/120 (W/120). Trong đó ngành Du lịch được chia thành 4 phân ngành, 3 phân ngành đầu tiên được đưa vào Danh mục Phân loại sản phẩm trung tâm tạm thời của Liên hợp quốc (CPC) gồm: A.Khách sạn - nhà hàng (bao gồm dịch vụ cung cấp thức ăn, đồ uống) (CPC 641- 643); B.Dịch vụ đại lý lữ hành và điều hành tour (CPC 7471); C. Dịch vụ hướng dẫn du lịch (CPC 7472); D. Dịch vụ khác (Chưa có phân loại chi tiết). Các hoạt động du lịch là một phần của các hoạt động dịch vụ chung, chủ yếu là các dịch vụ giao thông, nhưng cũng bao gồm một số dịch vụ kinh doanh, dịch vụ phân phối và các dịch vụ thể thao, văn hóa, giải trí…

Theo CPC, Dịch vụ khách sạn và lưu trú khác - CPC 641 được chia thành CPC 6411 (dịch vụ khách sạn), CPC 6412 (dịch vụ nhà nghỉ) và CPC 6419 (các dịch vụ lưu trú khác như dịch vụ căm trại, nhà trọ…); Dịch vụ phục vụ đồ ăn - CPC 642 được chia thành CPC 6421 (dịch vụ nhà hàng), CPC 6422 (dịch vụ tại các cơ sở tự phục vụ thức ăn), CPC 6423 (Dịch vụ cung cấp thực phẩm và CPC 6429 (các dịch vụ khác), CPC 6423 (các cơ sở cung cấp thức ăn nhanh); Dịch vụ phục vụ đồ uống

trong nhà hàng - CPC 643) được phân thành CPC 6431 (các dịch vụ phục vụ đồ uống không kèm theo dịch vụ giải trí) và CPC 6432 (các dịch vụ phục vụ đồ uống kèm theo dịch vụ giải trí); Dịch vụ đại lý lữ hành và điều hành tour - CPC 7471 được phân chia thành ba loại: hãng lữ hành (r 67811), điều hành tour-chương trình du lịch (r 67812) và dịch vụ thông tin du lịch (r 67813). Dịch vụ hướng dẫn du lịch (CPC 7472) không chia thành các phân ngành nhỏ [42].

Ngoài ra, GATS còn đưa ra những nguyên tắc pháp lý chung buộc các nước thành viên phải tuân thủ. Các nguyên tắc này một mặt thúc đẩy tự do hóa và mở cửa thị trường thương mại dịch vụ thông qua việc thúc đẩy các nước thành viên hoàn thiện hệ thống luật pháp quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế, mặt khác, các nguyên tắc này tạo sự cân bằng về quyền và nghĩa vụ của các nước thành viên, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho các nước đang và kém phát triển có cơ hội tham gia vào thương mại dịch vụ quốc tế. Một số nguyên tắc cơ bản được quy định trong GATS như sau:

- Nguyên tắc đãi ngộ tối huệ quốc được hiểu là nếu một quốc gia dành cho một quốc gia thành viên một sự đối xử ưu đãi nào đó thì cũng phải dành sự ưu đãi đó cho tất cả các quốc gia thành viên khác. Ví dụ, nếu Việt Nam cho phép hướng dẫn viên du lịch là người Hàn Quốc được hành nghề tại Việt Nam thì đồng thời phải chấp nhận hướng dẫn viên người Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan… cũng như hướng dẫn viên của các quốc gia thành viên WTO khác hành nghề tại Việt Nam [5].

- Nguyên tắc đối xử quốc gia được hiểu là đối với các ngành dịch vụ đã cam kết, mỗi thành viên phải dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của bất cứ thành viên nào sự đối xử không kém thuận lợi hơn so với dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ tương tự trong nước. Ví dụ, Việt Nam có bất cứ ưu đãi nào dành cho doanh nghiệp du lịch trong nước thì cũng phải dành những ưu đãi đó cho các doanh nghiệp du lịch của các nước đã cam kết GATS kinh doanh du lịch trên lãnh thổ Việt Nam. Nguyên tắc này nhằm dỡ bỏ và hạn chế sự phân biệt đối xử đối với người cung cấp dịch vụ nước ngoài, tạo điều kiện cho họ tiếp cận thị trường trong nước [5].

- Nguyên tắc minh bạch hóa hệ thống chính sách là nguyên tắc chung yêu cầu mỗi thành viên phải thông báo tất cả các biện pháp ảnh hưởng tới thương mại dịch vụ và các thông tin liên quan khác. Nguyên tắc này thể hiện ở việc đáp ứng các yêu

cầu sau: Các nước thành viên tham gia GATS phải công bố, ấn hành một cách công khai rộng rãi tất cả các văn bản pháp lý, cam kết quốc tế có liên quan hoặc tác động trực tiếp đến thương mại dịch vụ; Các nước thành viên phải có nghĩa vụ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về thông tin liên quan đến thương mại dịch vụ khi các nước thành viên khác có yêu cầu. Phải thành lập cơ quan chuyên cung cấp thông tin để đáp ứng yêu cầu trên trong thời gian 2 năm kể từ khi tham gia Hiệp định; Các nước thành viên phải có nghĩa vụ thông báo khẩn trương và ít nhất mỗi năm một lần cho Hội đồng Thương mại dịch vụ của WTO về việc ban hành hoặc sửa đổi bất kì luật, thể chế, hướng dẫn hành chính có tác động đến thương mại dịch vụ thuộc các cam kết cụ thể theo Hiệp định này (trừ các thông tin bí mật); Các nước thành viên không được phép áp dụng những yêu cầu về chuyên môn, về chất lượng dịch vụ, về giấy phép… mà những yêu cầu này làm vô hiệu hóa các nguyên tắc pháp lý hoặc làm nguy hại đến việc thực hiện các cam kết cụ thể…[5]

- Nguyên tắc tự do hóa từng bước thương mại dịch vụ: Do sự phát triển giữa các quốc gia không đồng đều, nên khi tham gia vào thị trường toàn cầu các nước có thể thỏa thuận mở cửa thị trường từng bước phù hợp thực tiễn phát triển của đất nước mình. Điều này có lợi cho các nước đang và chậm phát triển trong quá trình tham gia vào thương mại dịch vụ toàn cầu.

- Về nguyên tắc tiếp cận thị trường (Market Access), GATS đưa ra 4 phương thức tiếp cận như sau [42]:

Phƣơng thức 1: Cung cấp qua biên giới (cross border) được hiểu là dịch vụ được cung cấp từ lãnh thổ của một nước sang lãnh thổ của một nước khác. Người tiêu dùng không di chuyển vẫn ở tại lãnh thổ cư trú. Người cung cấp dịch vụ không di chuyển. Ví dụ, các cuộc điện thoại quốc tế cung cấp thông tin, tư vấn du lịch qua điện thoại, dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ vận tải đường ống, một hãng tàu biển Việt Nam cung cấp dịch vụ vận chuyển khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam.

Phƣơng thức 2: Tiêu dùng ở nước ngoài (abroad consumption): Người cư trú của một nước tiêu dùng dịch vụ trên lãnh thổ của một nước khác. Người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tại một nước khác. Người tiêu dùng dịch vụ ở ngoài lãnh thổ cư trú. Người cung cấp dịch vụ không di chuyển. Ví dụ, du khách Hoa Kỳ đi du lịch ở Việt Nam theo tour du lịch do doanh nghiệp lữ hành Việt Nam

tổ chức, đi du lịch ra nước ngoài chữa bệnh, du lịch quốc tế, dịch vụ du học, sửa chữa tàu biển tại nước ngoài…

Phƣơng thức 3: Hiện diện thương mại (commercial presence): Người cư trú tại một nước thiết lập cơ sở cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ của nước khác. Các cơ sở cung cấp dịch vụ này gọi là hiện diện thương mại, bao gồm chi nhánh, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài lập chi nhánh hoặc công ty con hoặc văn phòng đại diện tại một nước nhằm cung ứng dịch vụ tại nước đó... Ví dụ, doanh nghiệp lữ hành Việt Nam mở chi nhánh tại Nhật Bản để khai thác nguồn khách; một nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư xây dựng một khách sạn tại Việt Nam thông qua hình thức liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài.

Phƣơng thức 4: Hiện diện thể nhân (presence of natural person): người cư trú của một nước di chuyển sang nước khác để cung cấp dịch vụ. Người cung cấp dịch vụ cử đại diện hoặc các cá nhân rời khỏi một nước để sang cung ứng dịch vụ tại một nước khác. Ví dụ: chuyên gia du lịch, nhà tư tư vấn, quản lý du lịch, hướng dẫn viên du lịch của doanh nghiệp nước ngoài được cử đến Việt Nam hoạt động.

Việc tìm hiểu các vấn đề về thương mại dịch vụ có ý nghĩa hết sức quan trong đối với hoạt động QLNN trong lĩnh vực du lịch vì bên cạnh việc tuân thủ những quy định chung của Việt Nam, hoạt động quản lý phải tuân thủ và phụ thuộc vào những quy định và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

1.2.2.2.Tác động của TCH tới du lịch

Cũng giống như các ngành kinh tế khác, du lịch chịu ảnh hưởng và có nhiều thay đổi dưới các tác động của quá trình TCH. Bên cạnh đó, với những đặc thù riêng của ngành dịch vụ có tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao; hoạt động du lịch mang tính quốc tế cao thể hiện ở đặc trưng di chuyển và tiêu dùng du lịch qua biên giới; hoạt động du lịch phụ thuộc và bị ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố chính trị, ngoại giao, văn hoá, môi trường, an ninh, hay các chính sách xuất nhập cảnh và nhập cư… do đó những tác động của quá trình TCH tới hoạt động du lịch càng mạnh mẽ. Đặc biệt thể hiện ở những khía cạnh sau:

Thứ nhất, TCH làm tăng lượng khách du lịch trên toàn cầu đồng thời mở rộng phạm vi thị trường khách.

TCH thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, mức sống của người dân nói chung và các nước công nghiệp phát triển không ngừng được cải thiện. Những tiến bộ của khoa học công nghệ được ứng dụng trong các hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch đã thúc đẩy nhu cầu đi du lịch của con người. Du lịch trở thành hoạt động giải trí quan trọng và ngày càng phổ biến. Lượng khách du lịch trên toàn cầu đã không ngừng tăng lên. Năm 1995 toàn thế giới có khoảng 563 triệu lượt khách quốc tế thì theo dự báo của UNWTO tới năm 2010 toàn thế giới đạt khoảng 1 tỷ lượt khách, tới năm 2020 ước tính sẽ là 1,6 tỷ lượt khách [45]

TCH và xu thế HNKTQT làm gia tăng các hoạt động giao lưu, thương mại quốc tế đối với hàng hoá, dịch vụ, tiền tệ (bao gồm đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) và sự di chuyển của con người giữa các quốc gia, khu vực và trên toàn cầu. Sự liên kết, hợp tác, giao lưu giữa các quốc gia tạo ra những sự thuận lợi cho quá trình dịch chuyển của con người (bao gồm khách du lịch thuần túy và khách công vụ ).

Các quy định liên quan đến chính sách nhập cư, hải quan, xuất nhập cảnh đối với người và phương tiện… cũng được nới lỏng tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển tự do của các dòng khách du lịch giữa các quốc gia, trong khu vực, liên khu vực và trên toàn cầu. Chính những yếu tố này khiến lượng khách trên toàn cầu không ngừng tăng lên và thị trường khách du lịch được mở rộng.

Sự tham gia vào quá trình TCH và mở cửa HNKTQT, thúc đẩy sự hình thành quan hệ hợp tác song phương; hợp tác khu vực (ASEAN, NAFTA, EU), hợp tác liên khu vực (ASEM, APEC) hoặc tham gia các tổ chức mang tính toàn cầu (WTO). Trên cơ sở những mối quan hệ hợp tác này, nhiều lĩnh vực, ngành nghề có điều kiện phát triển mạnh mẽ, trong đó có du lịch. Thị trường du lịch được mở rộng. Lượng khách du lịch quốc tế không ngừng tăng lên nhờ các cam kết hợp tác giữa các nước như tăng cường trao đổi khách giữa hai quốc gia, trong khu vực, liên khu vực, thậm chí toàn cầu. Sự di chuyển khách du lịch trong khu vực được thuận lợi hơn nhờ chính sách nới lỏng thủ tục xuất nhập cảnh đối với người và phương tiện vận chuyển, chính sách miễn visa hoặc áp dụng visa chung trong một khu vực…

Thứ hai, toàn cầu hóa thúc đẩy sự phát triển của hoạt động cung ứng du lịch, người tiêu dùng dịch vụ du lịch được hưởng lợi hơn nhờ các cam kết tự do hóa, mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa và dịch vụ

Những cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, cắt giảm thuế quan… giữa các quốc gia làm giảm thế độc quyền, tạo ra những cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng dịch vụ du lịch được cung cấp những hàng hóa, dịch vụ cấu thành trong sản phẩm du lịch như dịch vụ vận tải, viễn thông, tài chính, ngân hàng… ở mức giá hợp lý, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, chi phí rẻ hơn, chất lượng phục vụ tốt hơn ở trong nước và tại nước ngoài…

Đặc biệt, Hiệp định Thương mại dịch vụ (GATS) được thực thi với những yêu cầu mở cửa thị trường dịch vụ trên các lĩnh vực có ảnh hưởng quan trọng đối với du lịch là: dịch vụ vận tải (vận tải biển, hàng không), viễn thông, dịch vụ tài chính, ngân hàng và nới lỏng các chính sách tác động đến sự di chuyển của con người (ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận thị trường du lịch và thị trường lao động).

Cụ thể, trong lĩnh vực vận tải hàng không, các cam kết “mở rộng bầu trời” và sự hình thành liên minh các hãng hàng không làm giảm sự độc quyền của nhiều hãng hàng không quốc gia. Dịch vụ hàng không được đa dạng hóa, linh hoạt về chuyến bay, tuyến bay. Các tuyến bay mới được hình thành, tăng khả năng tiếp cận của nhiều điểm đến. Giá dịch vụ hàng cạnh tranh nhờ tiết kiệm chi phí, chất lượng phục vụ tốt. Sự xuất hiện của nhiều hãng hàng không giá rẻ và máy bay vận chuyển cỡ lớn đã tạo ra những chuyển biến tích cực đối với du lịch. Sự mở cửa thị trường hàng không ở nhiều quốc gia là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của ngành Du lịch.

Trong lĩnh vực lữ hành và khách sạn, phương thức kinh doanh thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Những tiến bộ của khoa học công nghệ như bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, mạng Internet, hệ thống phân phối toàn cầu (GDS) và hệ thống đặt chỗ máy tính hoá (CRS) trở thành những kênh phân phối dịch vụ du lịch hữu ích. Các nhà cung ứng dịch vụ du lịch thông qua những công cụ này xúc tiến quảng bá về dịch vụ của mình, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đối với du khách, các công cụ này còn giúp họ tìm kiếm các thông tin về chương trình du lịch, các nhà cung ứng dịch vụ, giá cả dịch vụ du lịch một cách thuận tiện....

Các cam kết trong thương mại dịch vụ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch thông qua những quy định mang tính quốc tế về tiêu chuẩn nghề nghiệp chung. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh với thị trường khu vực, quốc tế, các quốc gia phải chú trọng đào tạo theo

tiêu chuẩn quốc tế cho lao động ngành du lịch. Nhờ đó, chất lượng dịch vụ du lịch ở nhiều quốc gia tiến tới tiêu chuẩn chung của quốc tế, người tiêu dùng du lịch được hưởng chất lượng dịch vụ cao, mang tính chuyên nghiệp hơn.

Thứ ba, TCH làm tăng sự cạnh tranh nhưng đồng thời tăng khả năng liên kết trong phát triển du lịch

TCH thúc đẩy việc mở cửa, tự do hoá trong lĩnh vực du lịch. Điều này đặt ngành Du lịch mỗi quốc gia trong môi trường cạnh tranh gay gắt ở 3 góc độ: cạnh tranh điểm đến; cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch; cạnh tranh về nguồn nhân lực du lịch ở cả thị trường trong nước và quốc tế.

Nhận thức được vai trò và những lợi thế cạnh tranh của du lịch trong cơ cấu kinh tế, nhiều quốc gia đã xác định phát triển du lịch như một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. Nhiều chính sách phát triển du lịch được ban hành nhằm thu hút khách du lịch, thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp vào du lịch. Nhiều điểm du lịch mới được hình thành cạnh tranh với những điểm du lịch đã phát triển. Du khách ngày càng có nhiều điểm đến để lựa chọn. Chính vì thế, sự cạnh tranh ở góc độ điểm đến ngày càng gay gắt hơn giữa các địa phương trong cùng một quốc gia, giữa quốc gia với quốc gia, giữa khu vực với khu vực.

Một phần của tài liệu Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về du lịch trong bối cảnh hội nhập (Trang 28)