Quy mô và mức độ nghèo đói ở mỗi nước phụ thuộc vào hai yếu tố: Thu nhập bình quân đầu người và mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập. Với bất kỳ mức thu nhập bình quân đầu người nào, việc phân phối càng bất công bằng bao nhiêu thì số người nghèo đói sẽ càng nhiều hơn bấy nhiêu. Tương tự, với bất kỳ sự phân phối nào, mức thu nhập bình quân càng thấp thì mức độ nghèo đói sẽ càng cao. Như vậy, phạm vi nghèo đói tuyệt đối là sự kết hợp của thu nhập đầu người thấp và phân phối không đồng đều. Điều này có ý nghĩa quan trọng làm cơ sở để các nước đang phát triển có được những lựa chọn chính sách toàn diện cho giảm nghèo đói. Nếu chỉ tập trung vào việc nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế với hy vọng tăng thu nhập quốc dân sẽ cải thiện mức sống cho những người nghèo thì chưa đủ mà phải tấn công trực tiếp vào tình trạng nghèo đói bằng các chính sách và kế hoạch tập trung vào chống đói nghèo trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Để có thể trực tiếp tấn công vào nghèo đói phải hiểu biết các nhóm nghèo đói là ai và đặc điểm kinh tế của họ là gì. Điều khái quát có thể nhận thấy là trong số các nhóm nghèo đại bộ phận là sống ở khu vực nông thôn và chủ yếu là tham gia vào hoạt động nông nghiệp. Họ là những nông dân thiếu các phương tiện sản xuất, đặc biệt là đất đai. Ở thành thị, người nghèo thường tập trung ở khu vực phi chính thức, nơi mà họ nhận được thu nhập là do lao động tự tạo việc làm (những người buôn bán nhỏ, bán hàng rong, trẻ đánh giầy…). Họ là những người không có vốn hoặc vốn rất ít và trình độ giáo dục thấp. Hầu hết các nước đang phát triển, số phụ nữ có thu nhập thấp thường nhiều hơn so với nam giới. Do vậy, những gia đình nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thường nằm trong số nhóm người nghèo nhất trong xã hội.
Nguyên nhân của sự nghèo đói: rất khác nhau giữa các nước, các nền kinh tế, các nhóm xã hội và các nhân tố dùng để đo sự nghèo đói cũng rất khác nhau, nhưng chủ yếu tập trung vào các yếu tố sau:
- Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên: đa số dân tộc thiểu số sinh sống trong vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa bị cô lập về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ xã hội, điều kiện đi lại và giao lưu thương mại khó khăn, khó tiếp cận với kỹ thuật tiên tiến, thiếu các thông tin cần thiết cho cuộc sống…. Là nguyên nhân chủ yếu của nghèo đói.
- Dân trí, trình độ học vấn thấp cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo đói. Trình độ học vấn thấp thì ít có cơ hội kiếm được việc làm với thu nhập cao và ổn định. Trình độ học vấn thấp ảnh hưởng đến các quyết định có liên quan đến sinh đẻ, giáo dục, nuôi dưỡng con cái…có ảnh hưởng không những đến thế hệ hiện tại mà cả thế hệ trong tương lai.
- Nguyên nhân về nhân khẩu học, mà ở đây là quy mô hộ gia đình cũng là yếu tố tác động đến đói nghèo. Người nghèo không có kiến thức cũng như điều kiện tiếp cận với các biện pháp sức khoẻ sinh sản. Đông con vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của nghèo đói.
- Các dịch vụ công cộng của chính phủ chưa được cung cấp công bằng giữa các vùng và các tầng lớp dân cư cũng là nguyên nhân của nghèo đói.
- Nguồn lực nghèo nàn, do nghèo đói nên hộ không có khả năng đầu tư vào nguồn nhân lực, nguồn vốn nhân lực thấp lại cản trở hộ thoát nghèo.
- Sức khoẻ cũng là yếu tố quan trọng, sức khoẻ kém là nhân tố chính đẩy con người vào nghèo đói. Họ nghèo do hai nguyên nhân gây ra từ sức khoẻ kém: một là mất đi thu nhập từ lao động do sức khoẻ yếu không làm được, hai là phải chi phí cao để chữa bệnh đã làm ảnh hưởng đến các chi tiêu khác của hộ gia đình.
- Người nghèo dễ bị tổn thương bởi những khó khăn, những biến động bất thường xảy ra. Họ có thu nhập thấp nên họ ít có khả năng chống chọi với những biến cố xảy ra trong cuộc sống khiến cho họ đã nghèo đói lại càng trở nên nghèo đói hơn. - Nghèo đói trong chừng mực nhất định có liên quan đến sự bất bình đẳng, như chênh lệch thu nhập và phúc lợi giữa các cá nhân, giữa các hộ gia đình. Đó là tác động của các chính sách cải cách trong quá trình phát triển kinh tế.
Ở Việt Nam, cũng có nhiều nguyên nhân dẫn tới đói nghèo của các hộ dân. Theo số liệu điều tra của Bộ Lao động Thương binh và xã hội năm 2004, tình trạng đói nghèo ở Việt Nam do các nguyên nhân chủ yếu sau: Thiếu vốn sản xuất: 79%; thiếu kiến thức sản xuất: 70%; thiếu thông tin thị trường: 35%; ốm đau bệnh tật: 32%; không có đất sản xuất: 29%; đông con: 24%; không tìm được việc làm: 24%; rủi ro bất thường trong cuộc sống: 5,9%; gia đình có người mắc tệ nạn xã hội: 1%.
1. GS. Vũ Thị Ngọc Phùng, (2005), Giáo trình Kinh tế phát triển, NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội.
2. E.Wayne Nafziger, (1998), Kinh tế học của các nước đang phát triển, NXB Thống kê, Hà Nội
3. Ansel M. Sharp, Charles A.Register, Paul W.Grimes, (2005), Kinh tế học trong các vấn đề xã hội, NXB Lao động, Hà Nội.
4. Robert C.Guell (2009), Những chủ đề kinh tế học hiện đại, NXB Tổng hợp Đồng Nai, Đồng Nai.
*) Câu hỏi ôn tập, thảo luận
1. Điều gì quyết định đặc tính của tăng trưởng kinh tế? Ai có lợi từ tăng trưởng kinh tế?
2. Vì sao phát triển con người lại được coi là vấn đề trung tâm trong quá trình phát triển của mọi quốc gia.
3. Bất bình đẳng là cần thiết cho tăng trưởng kinh tế hay giảm bớt chênh lệch thu nhập sẽ góp phần làm cho tăng trưởng kinh tế cao hơn? Hãy giải thích vì sao?
4. A.Lewis dựa trên lập luận nào để cho rằng “bất bình đẳng vừa là kết quả, vừa là điều kiện cần thiết của tăng trưởng kinh tế?
5. Nghèo đói tuyệt đối là gì? Hãy nêu các đặc trưng của sự nghèo đói tuyệt đối. Tại sao chúng ta phải quan tâm đến việc đo lường sự nghèo đói tuyệt đối ở các nước đang phát triển?
6. Tăng trưởng kinh tế được coi là điều kiện cần nhưng chưa đủ để xóa đói giảm nghèo và giảm bất công? Vì sao?
7. Có số liệu sau đây về phân phối thu nhập của nước X và Y năm 2007 Nhóm 1:20% dân cư nghèo nhất Nhóm 2:20% dân cư nghèo Nhóm 3:20% dân cư có thu nhập trung bình Nhóm4:20 % dân cư có thu nhập khá Nhóm 5:20% dân cư giàu nhất Nước X 2,4% 5,7% 10,7% 18,6% 62,6% Nước Y 6,1% 11% 16,5% 23,7% 42,7%
a) Tính % tích lũy thu nhập tương ứng với % tích lũy dân cư của 2 nước b) Vẽ đường cong Lorenz của 2 nước X và Y
c) Nếu vùng A (vùng giữa đường chéo và đưởng cong Lorenz của nước Y tính bằng hình học là 0,172 thì vùng B (phần còn lại của nữa hình vuộng là bao nhiêu? Tính hệ số Gini
d) So sánh hình dạng đường cong Lorenz của nước X và nước Y cho biết phân phối thu nhập ở đâu bất bình đẳng hơn?
CHƯƠNG 5
Nguồn vốn với phát triển kinh tế
Số tiết: 04 tiết (Trong đó: 03 tiết lý thuyết và 01 tiết thảo luận)
*) Mục tiêu:
- Sinh viên nắm được các vấn đề về nguồn vốn với phát triển kinh tế. Nắm được các nhân tố tác động đến cầu vốn đầu tư, vận dụng vào phân tích thực trạng các nhân tố tác động đến cầu vốn đầu tư tại Việt Nam.
- Nắm rõ các nguồn hình thành vốn đầu tư gồm nguồn vốn trong nước và nguồn vốn ngoài nước (FDI, ODA, NGO, kiều hối…). Vận dụng vào tìm hiểu thực trạng các nguồn vốn này tại Việt Nam hiện nay.
- Có khả năng phân tích các chính sách kinh tế đối với việc huy động và sử dụng các nguồn vốn trong quá trình phát triển kinh tế.