Lý thuyết phát triển theo giai đoạn của W.Rostow

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG HỌC PHẦN KINH TẾ PHÁT TRIỂN (Dành cho sinh viên ngành kinh tế đầu tư) (Trang 50)

Phát triển với bản chất nêu trên phải là một quá trình lâu dài, diễn ra theo các nấc thang tuần tự và do các nhân tố nội tại của nền kinh tế quyết định. Trong cuốn “Các giai đoạn phát triển kinh tế” của Walter W.Rostow, một nhà lịch sử kinh tế nổi tiếng, đã đưa ra một cách tổng hợp theo lịch sử về những bước (giai đoạn) tuần tự mà mỗi quốc gia phải trải qua trong quá trình phát triển. Theo ông, quá trình phát triển kinh tế trải qua 5 giai đoạn. Mỗi giai đoạn được đặc trưng bởi cơ cấu ngành kinh tế, tỷ lệ tích lũy, những đặc trưng của sự phát triển các ngành và lĩnh vực kinh tế, xã hội. Việc xem xét các giai đoạn phát triển của Rostow tập trung làm rõ các vấn đề sau: Dưới tác động nào mà xã hội nông nghiệp truyền thống đã bắt đầu quá trình hiện đại hóa; Những lực lượng nào tác động đến mối quan hệ giữa các khu vực trong quá trình tăng trưởng. Cụ thể từng giai đoạn phát triển được phân tích như sau:

3.2.1. Giai đoạn 1 - Xã hội truyền thống

Giai đoạn này được định nghĩa là giai đoạn dựa trên khoa học, công nghệ tiền Newton với những đặc trưng cơ bản là:

- Nông nghiệp là ngành kinh tế thống trị, mang nặng tính tự cung, tự cấp; năng suất thấp.

- Kỹ thuật lạc hậu, thủ công là chính.

- Tích lũy nhỏ và không ổn định (gần như là con số không);

- Hoạt động xã hội kém linh hoạt, nhiều lề thói, tập tục lạc hậu đang đè nặng lên các hoạt động kinh tế xã hội.

Tuy vậy, kinh tế xã hội không hoàn toàn tĩnh tại, mức sản lượng có thể vẫn tăng liên tục do diện tích canh tác được mở rộng hoặc do áp dụng những cải tiến trong sản xuất như xây dựng hệ thống thủy lợi hay áp dụng giống cây trồng mới nhưng nhìn

chung nền kinh tế vẫn không có sự biến đổi mạnh. Cơ cấu ngành kinh tế trong thời kỳ này là cơ cấu nông nghiệp thuần túy.

3.2.2. Giai đoạn 2 - Chuẩn bị cất cánh

Đây được coi là thời kỳ quá độ giữa xã hội truyền thống và sự cất cánh với nội dung cơ bản là chuẩn bị những điều kiện tiên quyết để cất cánh. Những đặc trưng cơ bản của giai đoạn này là:

- Những hiểu biết về khoa học – kỹ thuật đã bắt đầu được ứng dụng vào trong các ngành

- Giáo dục được mở rộng và có những cải tiến phù hợp với sự phát triển

- Cầu đầu tư tăng lên thúc đẩy sự ra đời của hệ thống ngân hàng và các hình thức tín dụng

- Trao đổi hàng hóa nội địa và với bên ngoài đã thúc đẩy sự hình thành cơ sở hạ tầng về vận tải và thông tin liên lạc;…

Tuy vậy, tất cả các hoạt động này chưa vượt qua được phạm vi giới hạn của một nền kinh tế với những đặc trưng truyền thống, năng suất thấp. Cơ cấu ngành trong giai đoạn này là cơ cấu nông - công nghiệp.

3.2.3. Giai đoạn 3 - Cất cánh

Đây là giai đoạn trung tâm của sự phân tích các giai đoạn phát triển của Rostow. Thuật ngũ này hàm ý một đất nước bước vào giai đoạn phát triển hiện đại và ổn định. Cất cánh là giai đoạn mà lực cản của xã hội truyền thống và các thế lực chống đối sự phát triển bị đẩy lùi, các lực lượng tạo ra sự tiến bộ về kinh tế đang lớn mạnh và trở thành lực lượng thống trị xã hội.

Những yếu tố cơ bản (điều kiện) bảo đảm cho sự cất cánh là:

- Huy động được nguồn vốn đầu tư cần thiết làm cho tỷ lệ tiết kiệm vượt 10% thu nhập quốc dân thuần túy. Ngoài vốn đầu tư trong nước, nguồn vốn đầu tu nước ngoài đóng vai trò quan trọng.

- Khoa học, kỹ thuật tác động mạnh vào nông nghiệp và công nghiệp, công nghiệp giữ vai trò đầu tàu, tăng trưởng cao, ổn định; bắt đầu có hiệu quả; kéo theo sự thay đổi các ngành và các lĩnh vực khác,…kể cả nhận thức và lối sống của con người.

- Hợp tác hóa , thương mại hóa, đô thị hóa phát triển nhanh,..

Cơ cấu ngành của giai đoạn này là công nghiệp – nông nghiệp - dịch vụ. Theo tác giả giai đoạn này kéo dài khoảng 20 - 30 năm.

3.2.4. Giai đoạn 4 - Trưởng thành

Đặc trưng cơ bản của giai đoạn này là :

- Tỷ lệ đầu tư tăng liên tục, chiếm khoảng 20% thu nhập quốc dân thuần túy; - Khoa học công nghệ được sáng tạo, du nhập và chuyển hóa nhanh vào trong tất cả các ngành, lĩnh vực, của đời sống kinh tế - xã hội;

- Nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh, nền kinh tế hòa đồng có hiệu quả với kinh tế thế giới.

Tác giả dự đoán giai đoạn này kéo dài khoảng 60 năm. Cơ cấu ngành giai đoạn này là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp.

3.2.5. Giai đoạn 5 -Tiêu dùng cao

Trong giai đoạn này có hai xu hướng cơ bản về kinh tế: Thứ nhất, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, dân cư ngày càng giầu có kéo theo cầu hàng hóa dịch vụ chất lượng cao tăng lên. Thứ hai, nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao và dân cư tăng nhanh ở khu vực thành thị.

Về mặt xã hội các chính sách kinh tế hướng vào phúc lợi xã hội nhằm tạo ra nhu cầu cao về hàng tiêu dùng lâu bền và các dịch vụ xã hội của các nhóm dân cư.

Theo Rostow, đây là giai đoạn dài nhất và ông cho rằng người Mỹ cần khoảng 100 năm để chuyển từ giai đoạn trưởng thành tới mức cuối cùng này và cơ cấu ngành trong giai đoạn này có dạng dịch vụ - công nghiệp.

Lý thuyết này có những hạn chế như:

+ Chưa làm rõ cơ sở của sự phân chia và sự thống nhất trong việc đưa ra các đặc trưng mỗi giai đoạn;

+ Coi sự vận động là một quá trình tịnh tiến mà không có những “lỗ hổng”

hoặc thời cơ.

Nhưng đứng trên góc độ mối quan hệ giữa sự chuyển dịch cơ cấu với quá trình phát triển thì mô hình này đã chỉ ra một sự lựa chọn hợp lý về dạng cơ cấu ngành tương ứng với mỗi giai đoạn phát triển nhất định của mỗi quốc gia. Chúng ta nhấn mạnh đến sự vận dụng lý thuyết này trên một số khía cạnh như sau:

(1) Trong các giai đoạn phát triển, giai đoạn cất cánh được Rostow coi là giai đoạn then chốt. Điều kiện để giai đoạn cất cánh xuất hiện là: Tỷ lệ đầu tư chiếm trong tổng thu nhập quốc dân thuần túy là 20%; phải có ngành công nghiệp mũi nhọn tạo nên tác động dây chuyền đến sự phát triển các ngành kinh tế khác, phải có thể chế chính trị - xã hội phù hợp đảm bảo thúc đẩy sự phát triển khu vực kinh tế hiện đại, mở rộng kinh tế đối ngoại và huy động mạnh mẽ nguồn vốn trong nước. Các điều kiện của giai đoạn cất cánh có ý nghĩa quan trọng trong hoạch định chính sách của các nước đang phát triển như: tăng tỷ lệ đầu tư, hình thành các ngành công nghiệp mũi nhọn và cải cách hệ thống thể chế.

(2) Các quốc gia đang phát triển phải tuần tự thực hiện các giai đoạn của sự phát triển, phải qua giai đoạn chuẩn bị cất cánh mới có thể chuyển sang giai đoạn cất cánh, bởi vì các nước đang phát triển những điều kiện để chuyển ngay sang giai đoạn cất cánh là thực sự khó khăn, đó là: sự hạn chế về nguồn vốn tích lũy nội bộ và khả năng tiếp nhận, chuyển giao nguồn vốn nước ngoài, năng lực bộ máy quản lý kinh tế

còn yếu kém và sự tồn tại khá phổ biến tệ nạn tham nhũng, quan liêu và trình độ chuyên môn cũng như văn hóa rất thấp.

(3) Trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng đầy đủ hơn, các nước đang phát triển có thể rút ngắn thời gian thực hiện mỗi giai đoạn phát triển thông qua việc sử dụng sự liên kết kinh tế với các nước phát triển và sử dụng nguồn lực kinh tế sẵn có của các nước này trong quá trình trao đổi thương mại và hợp tác quốc tế.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG HỌC PHẦN KINH TẾ PHÁT TRIỂN (Dành cho sinh viên ngành kinh tế đầu tư) (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(123 trang)
w