Dựa vào lý thuyết của Keynes, Chính phủ nhiều nước đã linh hoạt trong sử dụng các chính sách để hạn chế lạm phát, thất nghiệp, làm tăng sản lượng thực tế. Sau một thời kỳ, do quá nhấn mạnh vai trò của chính sách, vai trò tự điều tiết của thị trường bị xem nhẹ. Nhiều trở ngại mới cho tăng trưởng đã xuất hiện.
Trong bối cảnh đó, một trường phái kinh tế mới đã ra đời mà người đại diện là P.A.Samuelson với tác phẩm “Kinh tế học”-1948. Ngày nay, hầu hết các nền kinh tế đều vận động theo cơ chế hỗn hợp với nội hàm là nền kinh tế vừa chịu tác động của chính sách và công cụ quản lý vừa chịu tác động của các lực của thị trường. Liều lượng “pha trộn” hai lực này do hoàn cảnh kinh tế, xã hội của từng nước, từng thời kỳ và nhận thức, vận dụng của Chính phủ. Vì vậy học thuyết của Samuelson được coi là cơ sở của lý thuyết tăng trưởng hiện đại.
Nội dung cơ bản của lý thuyết này là:
2.5.1. Các yếu tố tăng trưởng kinh tế
- Lý thuyết tăng trưởng hiện đại cũng thống nhất với trường phái tân cổ điển về các yếu tố tác động đến sản xuất là K,L,R,T và đồng ý cách phân tích tăng trường của Cobb-Douglas. Họ coi các yếu tốnày là nguồn gốc của sự tăng trưởng.
- Lý thuyết này cũng đồng ý với lý thuyết tân cổ điển về quan hệ giữa các yếu tố là các nhà sản xuất, kinh doanh có thể lựa chọn kỹ thuật và tỷ lệ kết hợp giữa các yếu tố; vai trò của đầu tư với tăng trưởng. Samuelson nhấn mạnh: kỹ thuật công nghiệp tiên tiến, hiện đại dựa vào sử dụng vốn lớn vốn là cơ sở để sử dụng các yếu tố khác.
- Các lực lượng hướng dẫn tổng cầu bao gồm các nhân tố mức giá, thu nhập, dự kiến về tương lai cùng với các biến số về chính sách như thuế khóa, chi tiêu của chính phủ, lượng cung tiền,…
2.5.2. Sự cân bằng
- Các nhà kinh tế hiện đại thống nhất với Keynes: nền kinh tế chỉ có thể hoạt động dưới mức sản lượng tiềm năng. Trong điều kiện hoạt động bình thường nền kinh tế vẫn có thất nghiệp tự nhiên và mức lạm phát có thể chấp nhận được.
- Sự cân bằng của nền kinh tế được xác định tại giao điểm của tổng cung và tổng cầu.
2.5.3. Vai trò của Chính phủ trong tăng trưởng kinh tế
Theo Samuelson, trong nền kinh tế vận động theo cơ chế hỗn hợp, Chính phủ có bốn chức năng cơ bản:
- Thiết lập khuôn khổ pháp luật;
- Xác lập chính sách ổn định kinh tế vĩ mô;
- Tác động vào việc phân bổ tài nguyên để cải thiện hiệu quả kinh tế; - Thiết lập các chương trình tác động tới phân phối thu nhập.
Vì vậy Chính phủ cần:
- Tạo môi trường ổn định để các tác nhân kinh tế kinh doanh thuận lợi.
- Đưa ra những định hướng cơ bản về phát triển kinh tế với những hướng ưu tiên cần thiết cho từng phân kỳ.
- Sử dụng các công cụ quản lý, các chương trình để hướng dẫn các ngành, các doanh nghiệp hoạt động.
- Tìm cách duy trì công việc làm ở mức cao thông qua chính sách thuế, tiền tệ và chi tiêu hợp lý.
- Khuyến khích đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế vững chắc, chống ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
- Điều tiết, phân phối lại thu nhập.
- Thực hiện các chương trình phúc lợi công cộng và phúc lợi xã hội.
*) Tài liệu học tập:
1.
GS. Vũ Thị Ngọc Phùng, (2005), Giáo trình Kinh tế phát triển, NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội.
2. E.Wayne Nafziger, (1998), Kinh tế học của các nước đang phát triển, NXB Thống kê, Hà Nội
3. Ansel M. Sharp, Charles A.Register, Paul W.Grimes, (2005), Kinh tế học trong các vấn đề xã hội, NXB Lao động, Hà Nội.
4. Robert C.Guell (2009), Những chủ đề kinh tế học hiện đại, NXB Tổng hợp Đồng Nai, Cổ điển (1817)
Tân cổ điển (1890) Marx (1867)
Keynes (1936)
Việt Nam, Trung Quốc
*) Câu hỏi ôn tập, thảo luận:
1. So sánh sự khác nhau của các mô hình tăng trưởng kinh tế khi phân tích sự vận động cung – cầu và điểm cân bằng của nền kinh tế.
2. So sánh sự khác nhau của các mô hình tăng trưởng kinh tế khi xem xét vai trò của chính phủ đối với quá trình tăng trưởng kinh tế. Mô hình cổ điển và tân cổ điển giống nhau ở chỗ đều không coi trọng vai trò của Nhà nước đối với tăng trưởng kinh tế. Đúng hay sai?
3. So sánh sự khác nhau của các mô hình tăng trưởng kinh tế về quan điểm xác định các nhân tố tác động đến tăng trưởng kinh tế của đất nước và nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất.
4. Nội dung của mô hình Harrod – Domar. Sự vận dụng mô hình trong việc xác định các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiết kiệm, đầu tư.
5. Sự khác nhau giữa mô hình cổ điển và tân cổ điển vầ quan điểm kết hợp vốn và lao động trong quá trình tạo ra sản phẩm đầu ra của nền kinh tế? Giải thích về dáng của đường đồng sản lượng theo hai mô hình trên.
6. Sự phê phán của trường phái tân cổ điển đối với mô hình Harrod – Domar trong quan niệm về yếu tố quan trọng nhất tác động tới tăng trưởng kinh tế.
7. Mô hình Solow lập luận về các nhân tố tác động đến tăng trưởng kinh tế như thế nào? Điều kiện để các nước đang phát triển có thể đuổi kịp các nước phát triển?
8. Trường phái tăng trưởng kinh tế hiện đại đã xác định cụ thể chức năng điều tiết và quản lý vĩ mô nền nền kinh tế như thế nào?
9. Trường phái tăng trưởng hiện đại có những ý tưởng giống các mô hình tăng trưởng kinh tế cổ điển, mô hình tăng trưởng kinh tế của Keynes như thế nào?
10. Đánh giá các nhân tố tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua. Tác động của nhân tố khoa học công nghệ đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay.
11. Trong suốt thập niên 70, hệ số ICOR của Indonesia là 2,5
a) Tính tỷ lệ tích lũy cần thiết để Indonesia đạt tốc độ tăng trưởng 8%/năm b) Nếu tỷ lệ tích lũy là 27% thì tốc độ tăng trưởng đạt được là bao nhiêu?
12. Chính phủ các nước nghèo lo ngại rằng bất ổn chính trị sẽ xảy ra nếu tỷ lệ tăng trưởng dưới 4%.
a) Nếu hệ số ICOR là 5 , tính tỷ lệ tích lũy là 14% thì mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 4% có đạt được không?
b) Nếu tỷ lệ tích lũy là 14%, hệ số ICOR phải bằng bao nhiêu để đạt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 4%?
c) Nên thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nào để đạt hệ số ICOR cần thiết như trên? 12. Ta có công thức sau giải thích nguồn gốc của tăng trưởng: g = a + rk.k + rl.l
g: tốc độ tăng trưởng GDP
rk,rl: tốc độ tăng trưởng vốn và lực lượng lao động k,l: tỷ trọng của vốn và giá trị lao động trong GDP a: tác động tổng hợp của các nhân tố sản xuất
a) Một nước có tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động và vốn là 2,7% và 4%, tỷ trọng của giá trị lao động và vốn trong GDP là 55% và 45%, nếu a=0 thì tốc độ tăng trưởng GDP là bao nhiêu?
b) Nếu tốc độ tăng GDP là 4,5%, tính giá trị a
c) Xem xét một nước khác có tỷ trọng giá trị lao động trong GDP là 60%, tỷ trọng vốn 45%, tốc độ tăng của vốn và lực lượng lao động là 5% và 3% trong khi GDP thực chỉ tăng 1%, tính giá trị a
d) Từ năm 1970 đến 1989 tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm của Singapore là 8,4%, giá trị a là 1,2%/năm, tỷ trọng giá trị lao dộng và vốn trong GDP là 33% và 67%. Lực lượng lao động tăng 2,6%/năm trong suốt thời kỳ trên, tính tốc độ tăng bình quân hàng năm của nhân tố vốn. Tính sự đóng góp của nhân tố vốn và nhân tố lao động đối với tốc độ tăng trưởng 8,4%
CHƯƠNG 3
Cơ cấu kinh tế và các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Số tiết: 04 tiết (Trong đó: 02 tiết lý thuyết, 1 tiết thảo luận, 1 tiết kiểm tra)
*) Mục tiêu:
- Sinh viên nắm được các vấn đề chung về cơ cấu kinh tế, nội dung của quy luật tiêu dùng của Engel và quy luật năng suất lao động của A.Fisher.
- Nắm được nội dung của lý thuyết về các giai đoạn phát triển của Rostow, vận dụng vào phân tích các giai đoạn phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
- Nắm được nội dung của các mô hình hai khu vực: Mô hình của A.Lewis, mô hình của tân cổ điển và mô hình của H.Oshima về chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Có khả năng so sánh giữa các mô hình và vận dụng vào phân tích quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở Việt Nam.
Trong ba tiêu thức đánh giá phát triển, cơ cấu kinh tế được coi là tiêu thức phản ánh sự thay đổi về chất, là dấu hiệu cơ bản để đánh giá các giai đoạn phát triển kinh tế. Cơ cấu kinh tế được thể hiện (và nghiên cứu quản lý) dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó cơ cấu ngành là quan trọng nhất. Vì nó phản ánh phân công lao động (của mỗi quốc gia và cả quốc tế) và sự phát triển của lực lượng sản xuất, thể hiện rõ nhất ba vấn đề cơ bản của tổ chức kinh tế. (cái gì?, như thế nào?, cho ai? )
Chỗ khác nhau căn bản giữa các lý thuyết, mô hình tăng trưởng với các lý thuyết, mô hình phát triển là các lý thuyết, mô hình phát triển đề cập đến nội dung và phương thức chuyển dịch cơ cấu kinh tế.