Bất bình đẳng giới

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG HỌC PHẦN KINH TẾ PHÁT TRIỂN (Dành cho sinh viên ngành kinh tế đầu tư) (Trang 80)

4.4.1. Khái niệm bình đẳng giới

4.4.1.1. Phân biệt giới tính và giới

- Giới tính là thuật ngữ chỉ sự khác nhau giữa nam và nữ về mặt sinh học. Con người mới sinh ra đã có những đặc điểm về giới tính. Giới tính thể hiện tính ổn định, bất biến.

- Giới là mối quan hệ và tương quan giữa địa vị xã hội của nữ giới và nam giới trong một bối cảnh cụ thể. Nghĩa là giới nói lên vai trò, trách nhiệm và quyền lợi mà xã hội quy định cho nam và nữ; bao gồm việc phân công lao động và phân chia các nguồn lợi ích cá nhân. Do được quy định bởi các yếu tố xã hội nên giới và các quan hệ của giới không giống nhau và không mang tính bất biến.

* Vai trò của giới nữ trong xã hội + Tham gia công việc gia đình. + Tham gia công việc sản xuất. + Tham gia công việc cộng đồng.

* Những hạn chế và thiệt thòi của nữ giới trong xã hội

+ Bị chi phối bởi gánh nặng công việc gia đình, ít được nghỉ ngơi và hưởng thụ những lợi ích về vật chất và tinh thần, ít có cơ hội học tập, tiếp cận thông tin mới. Do vậy trình độ hạn chế → vị trí xã hội thấp.

+ Một số nơi, công việc của phụ nữ thường là lao động giản đơn, đòi hỏi kỹ thuật thấp, nên thu nhập thấp → địa vị kinh tế thấp.

+ Trong công việc cộng đồng, phụ nữ ít được tham gia quản lý, lãnh đạo → vị trí quyền lực thấp

* Những điểm mạnh của nữ giới:

Trí nhớ, khả năng ngôn ngữ, sự nhạy cảm và tinh tế trong ứng xử giao tiếp → phong cách làm việc của giới nữ mang tính mềm dẻo, ôn hòa, dịu dàng, ân cần,...Những đặc điểm này giúp cho giới nữ có ưu thế phát triển kỹ năng thương thuyết, tư vấn, khuyến khích động viên người khác làm việc vì mục đích cộng đồng. * Một số hạn chế gây cản trở đến hoạt động lãnh đạo, quản lý

+ Sức khỏe và đặc điểm tâm - sinh lý

+ Nhận thức của bản thân người phụ nữ còn nặng về thiên chức "làm mẹ, làm vợ" do đó đã hạn chế đến khả năng của chính mình.

+ Nhiều học sinh nữ còn mặc cảm, tự ti, thiếu tự tin vào chính bản thân mình.

4.4.1.2. Khái niệm bình đẳng giới

Bình đẳng giới là tình trạng (điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc…) mà trong đó phụ nữ và nam giới được hưởng vị trí như nhau, họ có cơ hội bình đẳng để tiếp cận, sử

dụng các nguồn lực để mang lại lợi ích cho mình, phát hiện và phát triển tiềm năng của mỗi giới nhằm cống hiến cho sự phát triển cả quốc gia và được hưởng lợi từ sự phát triển đó.

Bình đẳng giới không có nghĩa và không đòi hỏi số lượng phụ nữ và nam giới tham gia vào các hoạt động phải ngang bằng nhau mà bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai phải có cơ hội ngang nhau trong việc sử dụng các quyền của họ.

Như vậy, nội hàm của bình đẳng giới bao gồm ba khía cạnh liên quan đến ba loại quyền:

+ Một là bình đẳng về cơ hội tiếp cận các hoạt động kinh tế xã hội, tức là nam, nữ bình đẳng trong việc được trang bị các năng lực phát triển con người (trí lực, thể lực, tài chính).

+ Hai là, nam nữ được bình đẳng trong cơ hội sử dụng, tức là không có sự phân biệt nam hay nữ trong việc sử dụng họ vào trong các hoạt động kinh tế - xã hội.

+ Ba là, bình đẳng trong hưởng thụ các kết quả hay lợi ích xã hội, tức là không có sự phân biệt nam hay nữ trong quá trình phân chia các kết quả lao động.

4.4.2. Thước đo bất bình đẳng giới

Có hai chỉ số để đánh giá tình trạng bình đẳng giới

- Chỉ số phát triển giới (GDI – Gender related development index). Chỉ số này phản ánh những thành tựu trong các khía cạnh tương tự như HDI (tuổi thọ bình quân, giáo dục, thu nhập) nhưng lại điều chỉnh các kết quả đó theo sự bất bình đẳng về giới.

Như vậy, cũng giống HDI, GDI phản ánh các thành tựu đạt được trên ba lĩnh vực giống như HDI đó là: một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh được đo bằng tuổi thọ bình quân sau khi sinh; một cuộc sống giầu tri thức được đo bằng tỷ lệ người lớn biết chữ và tỷ lệ nhập học các cấp; một cuộc sống vật chất đầy đủ, được đo bằng thu nhập bình quân tính theo PPP. Tuy vậy, khác với HDI, nó phản ánh được mức độ chênh lệch giữa phụ nữ và nam giới thể hiện trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống.

Mức độ phát triển không đều về giới tính được xem xét bằng sự chênh lệch giữa HDI và GDI. Nếu giá trị và thứ hạng GDI càng gần với HDI thì sự khác biệt theo giới càng ít, trường hợp hai chỉ số đều cao tương đương chứng tỏ ở các nước này không chỉ có trình độ phát triển con người cao mà còn phản ánh sự phát triển khá đều giữa nam và nữ. Nếu thứ hạng GDI thấp hơn thứ hạng HDI cho thấy sự phân phối không bình đẳng về phát triển con người giữa nam và nữ.

Tên nước HDI GDI

Giá trị Xếp hạng Giá trị Xếp hạng

Nauy 0,956 1 0,955 1

Singapo 0,902 25 0,884 28

Lucxembua 0,933 15 0,926 16

Ả rập xê út 0,786 77 0,739 72

Niger 0,292 176 0,278 143

Braxin 0,771 72 0,732 60

Việt Nam 0,691 112 0,689 87

Nguồn: Báo cáo phát triển con người 2004 – Xếp hạng HDI cho 177 nước, xếp hạng GDI cho 144 nước

- Thước đo vị thế của giới (GEM). Thước đo này tập trung xem xét cơ hội của phụ nữ chứ không phải là khả năng (năng lực) của họ. Nó chỉ ra sự bất bình đẳng giới trên 3 khía cạnh.

+ Tham gia hoạt động chính trị và có quyền quyết định – được đo bằng tỷ lệ có ghế trong quốc hội của phụ nữ và nam giới.

+ Tham gia hoạt động kinh tế và có quyền quyết định. + Quyền đối với các nguồn lực kinh tế.

Theo Báo cáo “Đánh giá Giới tại Việt Nam”, mới được Ngân hàng Thế giới công bố, phân tích và đánh giá các vấn đề giới ở Việt Nam trên ba bình diện: Nghèo đói và an sinh xã hội; Việc làm và sinh kế; Tham gia hoạt động chính trị. Ở mỗi bình diện, Việt Nam đều đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể:

1. Nghèo đói và an sinh xã hội

- Chênh lệch giới tính trong tình trạng nghèo đói là nhỏ, nhưng phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, lại chiếm đa số trong người nghèo.

- Khoảng cách về giới tại cấp giáo dục tiểu học đã được xóa bỏ và nữ giới đã bắt kịp, thậm chí còn vượt qua nam giới trong giáo dục sau phổ thông, trừ ở một số nhóm dân tộc thiểu số. Nhưng vẫn còn sự phân biệt lớn về giới về các ngành học.

- Các chỉ số sức khỏe của phụ nữ đã được cải thiện đáng kể, nhưng những vấn đề về HIV và AIDS và bạo lực trên cơ sở giới vẫn ở mức cao.

- Tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh đã tăng từ 106 bé trai/100 bé gái năm 1999 lên đến 111 bé trai/100 bé gái năm 2009.

2. Việc làm và sinh kế

- Chênh lệch giới về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và thu nhập đã được cải thiện đáng kể. Thù lao của phụ nữ hiện bằng 75% của nam giới – chênh lệch này thấp hơn nhều nước Đông Á khác. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khác biệt về giới và có thể gây rủi ro cho phụ nữ.

- Phụ nữ thường làm các công việc dễ bị tổn thương hơn, như công việc tự do và việc gia đình không được trả lương – hai loại công việc được xem là “không phải việc làm tử tế”.

- Mặc dù tỷ lệ đại diện của nữ giới trong Quốc hội khá cao so với chuẩn khu vực và có một ủy viên nữ trong Bộ Chính trị, nhưng có những dấu hiệu cho thấy phụ nữ không có tiếng nói ngang bằng trong các diễn đàn xã hội. Thực tế, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội giảm từ 27,3% nhiệm kỳ 2002-2007 xuống 24,4% trong nhiệm kỳ hiện tại.

- Không chỉ nhiều nam giới có thái độ phản đối khi phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo mà ngay cả nữ giới cũng có thái độ này.

- Cam kết bình đăng giới chỉ được thể hiện bằng lời nói nhưng không bằng biện pháp cụ thể. Quy định tuổi về hưu của nữ giới là 55 so với 60 của nam giới không chỉ buộc phụ nữ phải chấp dứt sự nghiệp sớm hơn nam giới mà còn có tác dụng dây chuyền đến các phương diện khác của nghề nghiệp.

Từ những phân tích thực tế trên, báo cáo đưa ra một loạt khuyến nghị nhằm giúp Việt Nam tiếp tục hướng tới bình đẳng giới:

- Tăng cường thực hiện Luật Bình đẳng Giới và Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng Giới - Tăng cường sự tham gia của nam giới khi giải quyết các vấn đề về giới - Tăng cường cả số lượng lẫn chất lượng nghiên cứu dữ liệu phục vụ cho công tác theo dõi và phân tích các vấn đề giới - Sửa lại chương trình giáo dục, tài liệu, sách giáo khoa để thúc đẩy bình đẳng giới -Thúc đẩy sự đáp ứng toàn diện, đa ngành để giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới - Tăng cường hoạt động đào tạo và các cơ chế khuyến khích phụ nữ tham gia vào nhiều ngành nghề khác nhau

- Giải quyết vấn đề gánh nặng công việc gấp đôi đối với phụ nữ thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng và hỗ trợ chính sách

- Quy định tuổi nghỉ hưu bắt buộc cho nam giới và nữ giới như nhau

- Xây dựng năng lực để phụ nữ được trao quyền và tham gia vào đời sống xã hội

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG HỌC PHẦN KINH TẾ PHÁT TRIỂN (Dành cho sinh viên ngành kinh tế đầu tư) (Trang 80)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(123 trang)
w