Sự thành công của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam không thể không kể đến sự đóng góp và giúp đỡ của các nước trên thế giới, đặc biệt là Australia. Trong quá trình hơn 20 năm thu hút và sử dụng ODA của Australia, có thể nhận thấy rằng nguồn vốn này đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục và xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Với các chương trình viện trợ của mình, chính phủ Australia đã giúp Việt Nam tận dụng tối đa những cơ hội có được từ hội nhập kinh tế quốc tế. Thông qua các dự án trên nhiều lĩnh vực giao thông, nước sạch và y tế, viện trợ của Australia đã giúp cải thiện đời sống của hàng triệu người dân Việt Nam.
Nguồn ODA không hoàn lại của Australia đóng góp một phần không nhỏ trong tổng số ODA của các nước vào Việt Nam, tạo ra động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển. Hầu hết các lĩnh vực được ODA của
- 73 -
Australia cung cấp đều là những yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển bền vững.
Xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nông thôn là lĩnh vực Australia quan tâm nhiều nhất và đầu tư lớn nhất trong chương trình viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam. Các công trình như cầu Mỹ Thuận, các công trình giao thông tại đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành cầu nối quan trọng giữa dân cư tại nhiều tỉnh thành với các trung tâm kinh tế xã hội. Ngoài ra, các dự án về xây dựng trường học, trạm xá và hệ thống cung cấp nước sạch tạo điều kiện sống tốt hơn cho rất nhiều vùng dân cư, đặc biệt là các vùng nông thôn còn khó khăn và các khu vực đông người dân tộc thiểu số sinh sống. Ví dụ như trong giai đoạn 2009-2010, Australia đã giúp xây thêm 612 hệ thống cung cấp nước sạch (tăng 9,8% số người được sử dụng nước sạch so với năm 2008), đồng thời cũng cung cấp nhà tiêu hợp vệ sinh cho 1.134.600 hộ gia đình ở nông thôn (tăng 15% so với năm 2008). Chính vì vậy mà vào năm 2010, 75% dân số sống ở nông thôn đã có nước sạch và 52% các hộ gia đình ở nông thôn đã có điều kiện sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Về phát triển nguồn nhân lực, Australia không chỉ tạo điều kiện cho một số lượng không nhỏ sinh viên chưa tốt nghiệp, nghiên cứu sinh sau đại học, các quan chức Chính phủ học hỏi những kiến thức bổ ích ở Australia, góp phần bồi dưỡng, nâng cao kiến thức để phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước mà còn đóng góp một phần không nhỏ cho quá trình xóa mù chữ cho một số huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang... Các chương trình đào tạo Australia tài trợ cũng đã thu được những kết quả tốt đẹp, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu cho cán bộ đang công tác. Ngoài ra, Australia còn tài trợ cho lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực thông qua các
- 74 -
chương trình cung cấp trang thiết bị cho một số trường học góp phần nâng cao hiệu quả cho giáo dục Việt Nam... Năm 2011-2012, 245 suất học bổng sau đại học và 100 suất học bổng đào tạo và làm việc ngắn hạn tại các tổ chức của Australia.
Các chương trình viện trợ của Australia trong lĩnh vực y tế cũng có những đóng góp không nhỏ, cải thiện sức khỏe của người dân ở một số tỉnh của Việt Nam. Australia đã giúp Việt Nam trong việc nâng cấp sửa chữa trang thiết bị y tế, cung cấp thuốc men, đào tạo thêm kiến thức y tế cho y bác sĩ. Ngoài ra, các tổ chức phi Chính phủ của Australia còn giúp đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phòng chống các căn bệnh do thiếu Iôt gây ra. Bên cạnh đó, Australia còn giúp Việt Nam triển khai các dự án về phòng chống HIV/AIDS, chống mù lòa,… ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, điển hình là việc cộng tác với Tổ chức Clinton trong việc phòng chống HIV/AIDS, đã nâng số trẻ em nhận được điều trị HIV từ 245 em (giữa năm 2006) lên 3089 em (tháng 08/2011).
Các dự án kiểm soát lũ như dự án Bắc Vàm Nao (2010) và dự án bảo vệ môi trường sinh thái như dự án trồng hơn 5 ha rừng ngập mặn và xây 650 mét hàng rào bảo vệ để cải thiện sự sống còn và tăng trưởng của rừng ngập mặn tại vùng ven biển Kiên Giang hay như việc AusAID cùng Oxfam và CARE của Australia giúp 250.000 người dân ở đồng bằng sông Cửu Long giảm thiểu rủi ro do thiên tai thông qua việc cải thiện nhận thức, xây dựng nhà ở quy mô nhỏ và các chương trình diễn tập phòng chống thiên tai đã góp phần rất lớn trong công cuộc phòng chống thiên tai của Việt Nam. Australia đã giúp Việt Nam khi thiên tai bão lụt tàn phá cũng như góp phần giúp đỡ chúng ta trong chiến lược phát triển bền vững, kết quả của các
- 75 -
chương trình viện trợ của Australia thể hiện tương đối rõ và có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống của những người dân nơi chương trình được thực hiện. Trong số những thành quả đạt được từ nguồn ODA của Australia không thể không nhắc đến việc Australia ủng hộ chúng ta trong công cuộc cải cách kinh tế, củng cố năng lực của các cơ quan ban ngành nhà nước, nâng cao tính hiệu quả và minh bạch trong chính sách quản lý và thực thi thông qua nhiều dự án về quản lý, giám sát và đánh giá.
Tất cả các chương trình trên không chỉ là sự tương trợ của Australia cho quá trình hội nhập của Việt Nam mà còn thể hiện mối quan hệ hợp tác hữu nghị, gắn bó giữa chính phủ hai nước. Trong thời gian tới, Australia cam kết sẽ tiếp tục thực hiện viện trợ cho Việt Nam với định hướng giúp Việt Nam đạt được tất cả 8 Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs14) vào năm 2015 và trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.