- Các sản phẩm chế tạo công nghệ cao khác (HT2): dược phẩm, máy bay, thiết bị do lường chính xác, máy quay phim.
2.1.3. Lợi thế so sánh ở từng nước ASEAN-
2.1.3.1. Thái Lan
Vào thập kỷ 50, Thái Lan là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nguồn lực sẵn có của Thái Lan trong giai đoạn trước khi công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu được đánh giá là rất có tiềm năng. Bảng 2.4 cho thấy Thái Lan là một đất nước có tiềm năng dồi dào về tài nguyên tự nhiên và lao động. Do điều kiện đất đai trù phù, Thái Lan là một trong những nước có khả năng gieo trồng các loại cây nhiệt đới. Vào năm 1970, Thái Lan được đánh giá là nước có sự giàu có và dồi dào về tài nguyên nông nghiệp, diện tích đất canh tác, lực lượng lao động, dung lượng thị trường và những ngành sản xuất cần nhiều lao động (bảng 2.2.). Nhờ những tiềm năng sẵn có này, Thái Lan đã tập trung phát triển các ngành công nghiệp xuất khẩu có hàm lượng tài nguyên và lao động cao. Ba mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Thái Lan năm 1976 là gạo, bột sắn và
ngô. Trong cơ cấu xuất khẩu hàng hoá năm 1980, xuất khẩu hàng hoá nông nghiệp chiếm 46,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, khai khoáng chiếm 11,6% và hàng chế tạo tập trung nhiều lao động như dệt may, giày da, chế biến hoa quả, đồ trang sức… chiếm 32,3%. Bước sang thập kỷ 90, lợi thế so sánh về tài nguyên và lao động của Thái Lan đã giảm xuống tương đối. Thái Lan đứng trước các đối thủ mới xuất hiện có lợi thế so sánh về tài nguyên và lao động tốt hơn như Trung Quốc, Ấn Độ . Để thích ứng với tình hình mới, Thái Lan đã chuyển hướng đầu tư sang các ngành có hàm lượng vốn và công nghệ tốt hơn như máy tính, đồ điện gia dụng, linh kiện điện tử, máy móc…Nếu như năm 1985, chỉ số lợi thế so sánh tương đối (RCA) của Thái Lan trong những ngành tập trung nhiều tài nguyên (RB) là 1,124, trong các ngành tập trung nhiều công nghệ thấp (LT) là 1,336, và trong các ngành có hàm lượng công nghệ trung bình (MT) là 0,378, cao hơn RCA trung bình của các nước đang phát triển; thì đến năm 1998, lợi thế so sánh của Thái Lan trong các hàng hoá dựa vào nguồn tài nguyên mặc dù có giảm so với thập kỷ 80 nhưng vẫn chiếm ưu thế so với mức trung bình của các nước đang phát triển (RCA của Thái lan trong RB đạt 1,080) trong khi đó Thái Lan đang mất dần lợi thế trong các hàng hoá tập trung công nghệ thấp và trung bình. Tuy nhiên, điều đáng chú í là vào năm 1998, Thái Lan đã trở thành nước có lợi thế so sánh trong các ngành công nghệ cao trong nhóm nước đang phát triển, với RCA đạt 1,339 (bảng 2.4.) Về cơ bản, lợi thế so sánh của Thái Lan vẫn tập trung chủ yếu ở những ngành công nghiệp tập trung nhiều tài nguyên, nhưng cũng đã có dấu hiệu chuyển dần sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao hơn. Mặc dù lợi thế so sánh của Thái Lan trong trong hàng hoá tập trung nhiều công nghệ đã đạt tỷ lệ cao hơn, nhưng RCA trong HT vẫn thấp hơn nhiều so với Singapo Malaixia, Philippin. Xét cụ thể từng mặt hàng xuất khẩu, năm 1998 Thái Lan hiện đang đứng đầu ASEAN-5 trong các loại hàng hoá sau: thực phẩm chưa qua chế biến (RCA đạt 2,5), thực phẩm đã chế biến (1,5), cao su và chất dẻo (1,0), kính và sản phẩm phi kim loại (1,1), sản phẩm nông nghiệp (2,3). Các sản phẩm
xuất khẩu có lợi thế đứng thứ hai trong nhóm ASEAN-5 là dệt may (1,2), da và giày da (2,5), quần áo (1,9), hàng chế tạo hỗn hợp (1,4), nguyên liệu công nghiệp (1,1), thiết bị chính xác (0,8). Hiện nay, Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm 22,2% thị phần xuất khẩu thế giới năm 1998 (năm 1970 chiếm 12,7). Trong ba nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, Thái Lan đang bỏ xa Malaixia và Inđônêxia về năng suất sản lượng. Năng suất cao su hiện nay ở Thái Lan là 13.902kg/ ha, đưa xuất khẩu cao su của Thái Lan trong thị phần thế giới tăng từ 9,25% năm 1970 lên 34,5% năm 1998.