Chính sách đào tạo nhân lực

Một phần của tài liệu Phát huy lợi thế so sánh trong quá trình phát triển kinh tế ở một số nước ASEAN và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 64)

- Các sản phẩm chế tạo công nghệ cao khác (HT2): dược phẩm, máy bay, thiết bị do lường chính xác, máy quay phim.

2.2.3.Chính sách đào tạo nhân lực

Giáo dục đào tạo là biện pháp rất quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cấp lợi thế so sánh về lao động ở các nước. Nhiều nghiên cứu cho rằng hơn 3 thập kỷ qua, các nước ASEAN đã có sự đầu tư vào nguồn nhân lực, tạo nên sự dịch chuyển cơ cấu hàng hoá xuất khẩu từ những sản phẩm chứa hàm lượng lao động không kỹ năng sang những sản phẩm chứa hàm lượng lao động

có kỹ năng cao hơn. Đánh giá của OECD năm 2002 [57] cho rằng những hàng hoá tập trung nhiều lao động và có công nghệ thấp bao gồm: hàng tơ lụa và dệt; găng tay, kính mắt và đồ gốm; đồ nội thấp; túi xách và hàng hoá du lịch; giày dép; đồ chơi trẻ em…Theo đánh giá trên ta thấy cơ cấu hàng xuất khẩu chủ lực của ba nước trên đã thoát khỏi trình độ công nghệ thấp và tập trung nhiều lao động phổ thông.

Tại Singapo, do nguồn tài nguyên hầu như không có gì ngoài dầu lửa và cao su, nên chính phủ đã tập trung đầu tư vào giáo dục nhằm hiện đại hoá nền kinh tế nhờ vào nguồn lực con người. Báo cáo của chính phủ năm 1979 ghi rõ “ hầu hết trẻ em đều đã thông thạo hai thứ tiếng: tiếng Anh và tiếng Mandarin… Hệ thống giáo dục của chúng ta phần lớn được áp dụng theo mô hình của Anh nhưng nền tảng xã hội và dân chủ đã đem lại những khác biệt cơ bản” (ASEAN Economic Bulletin, 12/1999). Báo cáo này phản ánh sự ảnh hưởng của hệ thống giáo dục của Anh đối với nền giáo dục Singapo, nó góp phần tạo nên một đội ngũ nhân lực được giáo dục bài bản và mang tính hiện đại hoá ngay từ thập kỷ 70. Đặc điểm của hệ thống giáo dục Singapo là chính phủ có quyền lực rất lớn trong việc đề ra các điều khoản giáo dục và tổ chức đào tạo nguồn nhân lực.Với mục tiêu xây dựng đất nước dựa trên nhân tố con người, vào cuối năm 1967 chính phủ Singapo đã tiến hành kiểm soát hệ thống giáo dục và bắt đầu đặt ra các nguyên tắc điều hành giáo dục nhằm tối đa hoá mục tiêu tăng truởng kinh tế và hạn chế thất nghiệp. Chính phủ đã theo đuổi hai chính sách chính: Thứ nhất, sự tiếp cận cơ hội giáo dục được thắt chặt thông qua hệ thống thi cử rất nghiêm túc. Vào giữa thập kỷ 80, hệ thống giáo dục vẫn không có sự mở rộng. Sự mở rộng giáo dục bậc cao chỉ được tiến hành trong thập kỷ 90, với tỷ lệ nhập học giáo dục bậc cao tăng nhanh. Mức chi tiêu của chính phủ để phát triển lực lượng lao động năm 1967 là 972 USD/người/năm, năm 1990 là 3202 USD/người/năm và năm 1997 là 10.841 USD/người/năm. Thứ hai, giáo dục trở thành một bộ phận quan trọng của chính sách công nghiệp. Kỹ năng của người công nhân được phát triển trong các

lĩnh vực khá đặc biệt, thường được kết hợp với các TNCs và thông qua các dự án FDI. Khía cạnh rộng hơn của chiến lược giáo dục này là hướng mạnh tới đào tạo kỹ năng, đặc biệt trong các ngành điện máy, điện tử. Mục tiêu chiến lược này bắt đầu từ thập kỷ 60, trong đó một nửa chi phí do chính phủ trả, và một nửa do công ty trả. Thành công của chính sách giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực của Singapo là giáo dục gắn liền với các chính sách khác nhằm thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp mục tiêu, đảm bảo chất lượng việc làm cao hơn, thu lợi ích cao hơn cho quá trình công nghiệp hoá.

Tuy dân số ít hơn nhiều nước khác trong khu vực, và với đặc trưng là một xã hội có những rối ren xung đột chính trị - sắc tộc diễn ra thường xuyên trước khi thực hiện Chính sách kinh tế mới - NEP (1970), nhưng nền giáo dục của Malaixia đã vượt qua được những mâu thuẫn sắc tộc, tín ngưỡng trong trường học và đạt được những thành tích rất tốt. Đặc trưng của hệ thống giáo dục Malaixia là Tiếng Anh được đưa vào làm ngôn ngữ giảng dạy chủ yếu ở cấp đại học; tỷ lệ giữa các ngành khoa học công nghệ và nghệ thuật nhân văn được quy định là 80/20. Chi phí cho giáo dục cơ sở chiếm khoảng 75% ngân sách chính phủ, giáo dục bậc cao chiếm khoảng 14,6% vào năm 1983. Năm 1992, giáo dục bậc cao ở Malaixia chiếm khoảng 19,6% ngân sách giáo dục do những yêu cầu mới của thời đại. Malaixia chỉ đào tạo thạc sĩ ở trong nước, còn học vị tiến sĩ hầu hết được đào tạo ở nước ngoài nhằm tranh thủ trình độ công nghệ của thế giới và hướng tới một kết quả tối ưu cho giáo dục, làm động lực cho phát triển kinh tế.

Nhờ hệ thống giáo dục hiệu quả, lực lượng lao động ở Malaixia tương đối tốt so với khu vực. Tỷ lệ người biết đọc biết viết tăng từ 60,2% (1970) lên 89,3% (1996). Năm 1995, lực lượng lao động có trình độ tiểu học đã giảm xuống còn 54% so với 57% của năm 1985; lực lượng lao động đã qua trung học và đại học đang có chiều hướng gia tăng, đạt 36% vào năm 1995. Số lượng các nhà nghiên cứu khoa học và công nghệ giai đoạn 1988-1995 là 28,3/1000 người, thấp hơn ở Hàn Quốc và Nhật Bản nhưng cao hơn nhiều so với các nước ASEAN

khác. Chất lượng lao động ngày càng cao đang là một lợi thế của Malaixia trong quá trình đuổi bắt công nghệ hiện đại trên thế giới.

Bảng 2.6. Các chỉ số giáo dục ở ASEAN-5

Nước Số năm đến trường Giáo dục trung học Giáo dục bậc cao 1970 1997 1970 1997 1970 1997 Singapo 3,74 7,97 20,9 49,5 2,0 9,1 Inđônêxia 2,29 4,37 5,1 20,5 0,5 4,3 Malaixia 3,05 7,76 9,4 42,9 1,5 7,2 Philippin 4,81 7,48 14,2 30,2 9,6 21,3 Thái Lan 3,54 5,91 4,4 9,1 1,1 10,4 Nguồn:[57, tr. 64]

Tại Thái Lan, mặc dù không chịu ảnh hưởng của hệ thống giáo dục phương Tây, nhưng chính phủ cũng đã chú trọng phát triển giáo dục ngay từ thời kỳ đầu công nghiệp hoá. Tỷ lệ nhập học của học sinh bậc tiểu học và trung học không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, do đặc điểm kinh tế xã hội và do chính phủ chú trọng nguồn lợi tài nguyên tự nhiên và nông nghiệp làm động lực phát triển các ngành công nghiệp hướng về xuất khẩu, nên trong hơn ba thập kỷ qua, giáo dục bậc cao không được chú trọng như Singapo. Vào năm 1987, tỷ lệ nhập học trung học bậc thấp ở Thái Lan đạt 32,6%, năm 1996 đạt 66%, và tỷ lệ nhập học trung học bậc cao là 24,2% và 40,2% tương ứng. Các ngành công nghiệp chế tạo hướng về xuất khẩu có hàm lượng tài nguyên cao và công nghệ trung bình ở Thái Lan đã chịu ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo lực lượng lao động của đất nước này. Mặc dù có sự mở rộng nhanh chóng trong hệ thống giáo dục trong suốt mấy thập kỷ qua, nhưng chất lượng giáo dục vẫn là điều cần phải bàn tới và nó dẫn đến sự khai thác không hiệu quả các nguồn lực. Vào năm 1990, lực lượng lao động của Thái Lan chỉ đạt trình độ giáo dục tiểu học hoặc thấp hơn chiếm tới 83% tổng lao động của đất nước, trong khi tỷ lệ này ở Singapo và Philippin năm 1980 (trước Thái Lan một thập kỷ) chỉ là 62,7% và 56,5% tương ứng.

Tại Inđônêxia, do dân số đông nhất khu vực Đông Nam Á và diện tích lãnh thổ rộng lớn, nên giáo dục tiểu học rất được chú trọng. Trong ngân sách chính phủ dành cho giáo dục năm 1985, 89% ngân sách là dành cho giáo dục phổ thông và chỉ 9% là dành cho giáo dục bậc cao. Năm 1992, giáo dục đại học bắt đầu được chú trọng hơn, chiếm 9,8% ngân sách chính phủ. Để đáp ứng mục tiêu giáo dục phổ cập, đội ngũ giáo viên cho hệ thống giáo dục cơ sở cũng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Nếu năm 1980, tỷ lệ giáo viên so với học sinh cấp tiểu học là 1/32 thì đến năm 1993 đã tăng lên là 1/23. Chính sách phổ cập giáo dục đã nâng tỷ lệ người dân biết chữ lên 84,4% vào năm 1997 và xoá bỏ được nạn mù chữ ở các vùng sâu vùng xa ở Inđônêxia. Tỷ lệ nhập học tiểu học ở Inđônêxia đã tăng từ 29% lên 56,1% trong giai đoạn 1980-1997. Tuy nhiên, do chú trọng đến chính sách phổ cập giáo dục, trong quá trình công nghiệp hoá Inđônêxia cũng gặp phải những vấn đề về chất lượng giáo dục và trình độ phát triển nguồn nhân lực. Bảng 2.1 cho thấy chỉ số HDI của Inđônêxia thấp nhất trong ASEAN-5 và tỷ lệ các nhà khoa học liên quan đến R&D ở Inđônêxia là 1/1000 người trong khi ở Malaixia là 28,3/1000 người. Những giới hạn về sắc tộc, giới tính cũng là những trở ngại để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Inđônêxia. Trong cơ cấu lực lượng lao động năm 1995, lực lượng lao động có giáo dục trung học và đại học ở Inđônêxia chiếm 22% tổng lực lượng lao động, trong khi tỷ lệ này ở Malaixia là 36%, Philipin là 44%.

Do chính sách giáo dục đào tạo còn gặp nhiều bất cập, các nước như Thái Lan, Inđônêxia và Philippin đang thiếu nguồn nhân lực có chất lượng và hiệu quả với những kỹ năng trong các lĩnh vực khoa học công nghệ cao, và đó chính là lý do khiến các nước này khó cạnh tranh với Trung Quốc. Ngay tại các nước dẫn đầu trong lĩnh vực điện tử như Singapo và Malaixia, lực lượng kỹ sư có bằng cấp cũng đang có hiện tượng thiếu thốn, trong khi ở Philippin và Inđônêxia lại có một lực lượng kỹ sư dư thừa. Năm 1995, số lượng sinh viên có giáo dục đại học ở Inđônêxia là 2,3 triệu người, Philippin là 2 triệu người, Thái Lan 1,2

triệu người, Việt Nam 300.000 người, Malaixia 200.000 người và Trung Quốc là 5,621 triệu người. Chi tiêu chính phủ cho giáo dục trong giai đoạn 1991-1995 ở Singapo chiếm 21% tổng chi tiêu của chính phủ, Thái Lan chiếm 21,3% và Philippin chiếm 15,7%. Tuy nhiên, để chiến lược phát triển giáo dục đi vào hiệu quả, Thái Lan và Philippin cần phải chú trọng hơn nữa đến các chương trình đào tạo kỹ năng cho lực lượng lao động, cả vùng nông thôn và thành thị, cả trong các ngành không chính thức, các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, cả nam giới và nữ giới, nhằm nâng cấp lực lượng lao động thích ứng với thời kỳ phát triển mới.

Một phần của tài liệu Phát huy lợi thế so sánh trong quá trình phát triển kinh tế ở một số nước ASEAN và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 64)