Chính sách công nghiệp hoá

Một phần của tài liệu Phát huy lợi thế so sánh trong quá trình phát triển kinh tế ở một số nước ASEAN và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 58)

- Các sản phẩm chế tạo công nghệ cao khác (HT2): dược phẩm, máy bay, thiết bị do lường chính xác, máy quay phim.

2.2.1.Chính sách công nghiệp hoá

Chính sách công nghiệp hoá của các nước ASEAN-5 đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, tạo ra sự tăng trưởng và phát triển của ngành công nghiệp, gia tăng năng suất lao động. Tại ASEAN-5, công nghiệp hoá bắt đầu kể từ thập kỷ 60, khi các nước bắt đầu giành được độc lập. Tuy nhiên, trừ Singapo, chính sách công nghiệp hoá trong thập kỷ này của các nước ASEAN chủ yếu là thực hiện chiến lược công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu nhằm đảm bảo xây dựng một nền công nghiệp non trẻ trong nước, đảm bảo tiêu dùng trong nước tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Để thực hiện chiến lược thay thế nhập khẩu, chế độ bảo hộ sản xuất đã được hầu hết các nước áp dụng, chủ yếu là đánh thuế xuất nhập khẩu cao, lên đến 50-80% trung bình ở các nước. Với sự bảo hộ cao và thuế quan nặng nề, xuất khẩu của các nước ASEAN trừ Singapo không có sự mở rộng đáng kể. Đến thập kỷ 70, các nước ASEAN bắt đầu chuyển sang chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu, mở rộng và nâng cấp các cơ sở công nghiệp hiện có của mình nhờ thúc đẩy xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, do vậy tạo ra nhiều việc làm hơn và tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Kể từ đó đến nay, chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu của ASEAN-5 luôn được thế giới đánh giá là một chiến lược phát triển. Tại Thái Lan, chiến lược hướng về xuất khẩu được đánh dấu bằng việc xuất khẩu các sản phẩm chế biến bao gồm nguyên liệu đã chế biến như cao su, thiếc, thực phẩm chế biến truyền thống, hàng dệt may. Tại Malaixia, đẩy mạnh xuất khẩu từ thập kỷ 70 bắt đầu chủ yếu từ các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như điện máy, giày dép, dệt may. Chính sách khuyến khích thuế và thuế quan,

trợ cấp xuất khẩu đã được các nước ASEAN-5 thực hiện nhằm tạo ra sự tăng trưởng nhanh chóng của hàng hoá xuất khẩu.

Việc áp dụng chính sách công nghiệp hoá theo định hướng xuất khẩu của các nước ASEAN-5 luôn tuân thủ theo một phương thức nhất định: ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế tạo hướng về xuất khẩu; đưa ra những chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực xuất khẩu và thay thế nhập khẩu hàng chế tạo để đảm bảo các nguồn lực được phân bổ theo lợi thế so sánh; tạo ra các môi trường chính sách vĩ mô như hệ thống tài chính ngân hàng, chính sách tỷ giá… để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng hoá. Điểm nổi bật của chính sách công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu là: chính phủ các nước ASEAN-5 đã tiến hành thành lập các Khu chế xuất (EPZ), nhằm đưa ra những khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu, bao gồm chính sách như miễn thuế doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, miễn thuế doanh thu, trợ cấp xuất khẩu, ưu đãi nhiều hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu 100% sản phẩm, ưu đãi cho các ngành công nghiệp xuất khẩu mục tiêu…Mục đích chủ yếu của các chính phủ là thúc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá, thu ngoại tệ, tạo thêm nhiều việc làm và thu hút FDI bao gồm cả việc chuyển giao công nghệ và mở rộng thị trường. Nhờ việc thành lập các EPZ và chính sách thu hút FDI hấp dẫn, tỷ trọng của ngành chế tạo trong cơ cấu GDP của các nước ASEAN ngày càng lớn, song song với đó là tỷ trọng hàng chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các nước cũng được nâng cao.

Mặc dù vào thập niên 90, chính sách công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu của các nước ASEAN đã gặp rất nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng phụ thuộc nặng nề của các nước vào thương mại, do đó nền kinh tế dễ bị tổn thương khi có những cú sốc từ bên ngoài, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997 vừa qua. Tuy nhiên, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh chóng và những đóng góp của xuất khẩu đối với nền kinh tế có thể đưa đến kết luận:

Chiến lược công nghiệp hoá theo định hướng xuất khẩu vẫn có khả năng phản ứng hiệu quả hơn một nền kinh tế đóng cửa (tức là thực hiện chiến lược thay thế nhập khẩu) khi có những cú sốc bên ngoài. Lý do đơn giản là: một nền kinh tế khi thực hiện chiến lược thúc đẩy xuất khẩu đã có tác dụng khai thác hiệu quả hơn những lợi thế so sánh vốn có của từng nước, tạo ra quy mô sản xuất lớn hơn, mức cầu tăng cao hơn, khả năng chuyển dịch cơ cấu kinh tế tốt hơn, đầu tư có hiệu suất hơn, doanh nghiệp có năng lực hơn nhờ tiếp xúc trực tiếp với cạnh tranh và công nghệ mới, do vậy đã tạo ra sự tăng trưởng kinh tế cao hơn, thu nhập cao hơn, tiết kiệm nhiều hơn so với thời kỳ công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu.

Một phần của tài liệu Phát huy lợi thế so sánh trong quá trình phát triển kinh tế ở một số nước ASEAN và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Trang 58)