Hoàn thiện thể chế thanh tra

Một phần của tài liệu Thanh tra và vấn đề phòng, chống tham nhũng (Trang 97)

Luật Thanh tra 2004 quy định tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước. Các cơ quan thanh tra nhà nước bao gồm:

- Cơ quan thanh tra được thành lập theo cấp hành chính;

- Cơ quan thanh tra được thành lập ở cơ quan quan lý theo ngành, lĩnh vực.

Thanh tra nhà nước chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác, tổ chức và nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ; chịu sự hướng dẫn về công tác, nghiệp vụ của cơ quan thanh tra cấp trên.

Như vậy là theo qui định hiện hành, các tổ chức Thanh tra nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc song trùng lãnh đạo: vừa chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp, vừa chịu sự chỉ đạo về tổ chức, công tác, nghiệp vụ của tổ chức Thanh tra nhà nước cấp trên. Tuy nhiên trên thực tế, các tổ chức Thanh tra nhà nước ở các cấp, các ngành gần như lệ thuộc

hoàn toàn vào cơ quan hành chính cùng cấp về các phương diện: tổ chức, biên chế, chương trình, kế hoạch, kinh phí hoạt động, tuyển dụng, bổ nhiệm; Thanh tra Chính phủ chỉ đạo công tác chuyên môn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhưng vai trò chỉ đạo không được thể hiện rõ nét. Thực tế là việc tổ chức các cơ quan thanh tra từ trước tới nay không thành một hệ thống ngành dọc từ trung ương xuống địa phương, các cơ quan thanh tra chủ yếu bị chi phối bởi cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Chức năng, nhiệm vụ giữa thanh tra bộ và thanh tra hành chính còn chồng chéo.

Trong bối cảnh cải cách bộ máy nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hoạt động thanh tra nói chung và thanh tra chống tham nhũng nói riêng, muốn đạt hiệu quả cao cần phải làm rõ các quy định của pháp luật về các vấn đề sau đây:

- Về thanh tra hành chính: Cần sửa đổi quy định của Luật Thanh tra theo hướng tăng tính độc lập, chủ động của cơ quan thanh tra hành chính. Tăng cường tính hệ thống của các cơ quan thanh tra hành chính theo ngành dọc từ trung ương xuống địa phương, nâng cao vai trò của Thanh tra Chính phủ với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về công tác thanh tra.

- Về thanh tra chuyên ngành: Cần hoàn thiện pháp luật theo hướng nâng cao vai trò của Thanh tra bộ trong nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật phù hợp với từng lĩnh vực mà mỗi bộ quản lý nhằm xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng của thanh tra bộ trong công tác quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực nói chung và chức năng phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành mình nói riêng. Theo tinh thần trên, chúng ta cần hoàn thiện hệ thống các quy định về hoạt động thanh tra mà trước hết là Luật Thanh tra nhằm làm rõ các vấn đề sau:

- Sửa đổi Luật Thanh tra theo hướng tăng thẩm quyền cho thanh tra trong việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tham nhũng.

- Làm rõ mối quan hệ giữa Thủ trưởng cơ quan thanh tra và thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong việc bổ nhiệm thủ trưởng cơ quan thanh tra, ra quyết định thanh tra: Cần tăng tính chủ động, độc lập của cơ quan thanh tra đối với cơ quan quản lý Nhà nước.

- Quy đinh rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chuyên trách phòng, chống tham nhũng trong cơ quan Thanh tra Chính phủ, vai trò của đơn vị này trong việc phối hợp với các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng thuộc các Bộ ngành khác như: Bộ Công an, Bộ Nội vụ.

- Sửa đổi, mở rộng căn cứ ra quyết định thanh tra đột xuất; sửa đổi việc xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm thành hàng quí, đảm bảo tính bí mật, bất ngờ của kế hoạch thanh tra tránh tình trạng chuẩn bị trước để đối phó của đối tượng thanh tra.

Bên cạnh đó cần ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra như:

- Ban hành Nghị định về thanh tra công vụ trong đó xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức thanh tra nhà nước khi tiến hành thanh tra công vụ, các hình thức có thể được áp dụng trong quá trình tiến hành thanh tra công vụ nhằm đẩy mạnh công tác này, coi đây là lĩnh vực công tác quan trọng cần được tiến hành thường xuyên để phòng, chống tham nhũng trong Bộ máy nhà nước.

- Ban hành các Nghị định và các văn bản hướng dẫn cụ thể hoạt động thanh tra chuyên ngành tại từng bộ, ngành tương ứng, quy định thống nhất về trình tự, thủ tục thanh tra, phát huy vai trò của thanh tra chuyên ngành trong hoạt động thanh tra công vụ thuộc ngành, lĩnh vực đó.

- Ban hành quy định xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ trong việc phối hợp với Uỷ ban Mặt trận tổ quốc cùng tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác cho Ban Thanh tra nhân dân để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của tổ chức này trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Mặt khác, cần phải sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật về các lĩnh vực khác nhằm xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, chính quy, hiện đại phù hợp với đặc điểm tình hình hiện nay, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện và sâu sắc. Theo quan điểm của tác giả, quá trình hoàn thiện pháp luật cần theo ba nội dung sau:

- Nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng ngừa, tạo ra một cơ chế phòng ngừa tham nhũng hiệu quả như:

+ Các quy định về cải cách hành chính nhà nước đến năm 2010 theo hướng hoàn thiện thể chế hành chính: cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng của cơ chế “một cửa”;

+ Các quy định pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức;

+ Ban hành quy định xác định rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phối hợp phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc tham nhũng;

+ Sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng để đưa những nội dung qui định về tố cáo và giải quyết tố cáo vào thành một phần của Luật phòng, chống tham nhũng. Tất nhiên, trong Luật Phòng, chống tham nhũng chỉ qui định tố cáo đối với cán bộ, công chức hoặc người có chức vụ, quyền hạn khi thực thi nhiệm vụ, công vụ.

- Nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật trừng trị tội phạm

tham nhũng: Sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện. Trừng trị nghiêm khắc những đối tượng tham nhũng có tổ chức, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nhanh chóng bổ sung vào Bộ luật Hình sự các hành vi tham nhũng mới được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng. Ban hành những văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ luật hình sự để thống nhất đường lối xử lý đối với tội phạm, hành vi tham nhũng. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật tố tụng hình sự nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng tiến hành các hoạt động để phát hiện và xử lý kịp thời tội phạm tham nhũng.

Một phần của tài liệu Thanh tra và vấn đề phòng, chống tham nhũng (Trang 97)