Chống tham nhũng phải gắn với việc đổi mới công tác tổ chức cán bộ, xây

Một phần của tài liệu Thanh tra và vấn đề phòng, chống tham nhũng (Trang 90)

cán bộ, xây dựng rõ chế độ trách nhiệm của cán bộ, công chức, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức.

Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước. Hiện nay, chúng ta đang bước vào thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm, có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng, năng lực, trí tuệ và khả năng tổ chức thực hiện.

Qua nghiên cứu các tội phạm tham nhũng, tiêu cực và các tội phạm về chức vụ, quyền hạn cho thấy một trong những nguyên nhân quan trọng nảy sinh tham nhũng, tiêu cực là ở công tác tổ chức cán bộ. Đó là những sơ hở yếu kém trong việc đào tạo bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, khen thưởng kỷ luật, chế độ đãi ngộ..., việc đánh giá cán bộ nặng về lý lịch, xem nhẹ năng lực, trình độ chuyên môn, nhiều cán bộ sai lầm, khuyết điểm không được xử lý nghiêm minh, thậm chí còn được bổ nhiệm ở chức vụ công tác cao hơn, quy chế công chức, công vụ không rõ ràng nên dẫn đến việc thiếu cơ sở xử lý trách nhiệm cá nhân.

Để phòng ngừa và ngăn chặn tham nhũng, chúng ta không chỉ chú ý đến các giải pháp về kinh tế - xã hội, cơ chế quản lý mà chúng ta phải đặc biệt coi trọng chiến lược cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có tác phong, tư duy, lề lối làm việc với tinh thần và trách nhiệm cao, tôn trọng trật tự cộng đồng, lợi ích xã hội, có tinh thần đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, quan liêu, vô trách nhiệm, bè phái cục bộ, bản vị...

Nghị quyết Trung ương 3 khoá X chỉ rõ: “Sửa đổi, bổ sung quy định về bổ nhiệm, phân cấp quản lý cán bộ theo hướng tăng quyền hạn cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức gắn với trách nhiệm cá nhân trong việc lựa chọn, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cấp phó và cán bộ cấp dưới trực tiếp trên cơ sở thảo luận dân chủ trong tập thể lãnh đạo. Nghiên cứu cơ chế thủ trưởng cơ quan hành chính cấp trên bổ nhiệm thủ trưởng cơ quan hành chính cấp dưới”.

Người cán bộ phải có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối đổi mới của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hoá chuyên môn, đủ năng lực, sức khoẻ để làm việc có hiệu quả; cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, không tham nhũng và kiên

quyết đấu tranh chống tham nhũng, có ý thức tổ chức kỷ luật, trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Tăng cường giáo dục chính trị, phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Quản lý và kiểm tra chặt chẽ cán bộ, đảng viên tại nơi công tác và nơi cư trú. Đảng viên phải chấp hành Điều lệ Đảng, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đẩy mạnh phê bình và tự phê bình. Bảo đảm vai trò lãnh đạo và tăng cường sức chiến đấu của các tổ chức đảng, nhất là các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước.

Đẩy mạnh việc đào tạo, giáo dục cán bộ, đảng viên, kể cả đường lối, chính sách, quan điểm, lập trường, nâng cao năng lực công tác chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Lựa chọn, đề bạt, bố trí cán bộ phải có quy trình chặt chẽ, nhất là đối với cán bộ đang làm công tác quản lý tài chính, tiền tệ để tổ chức Đảng quản lý được đội ngũ cán bộ này. Cán bộ lãnh đạo và quản lý phải có phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh, năng lực tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao và phải có thái độ kiên quyết chống tham nhũng.

Xây dựng rõ chế độ trách nhiệm của cán bộ, thủ trưởng cơ quan, tổ chức: xác định rõ chức danh tiêu chuẩn cán bộ, công chức; chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ của mỗi cán bộ trong tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế để mọi người thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, tránh tình trạng lộng quyền, lạm quyền để thực hiện hành vi tham nhũng. Quy định rõ trách nhiệm trực tiếp, gián tiếp, trách nhiệm liên đới trong việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống và xử lý tham nhũng, nhất là khi tham nhũng xảy ra trong cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình phụ trách. Cần làm rõ chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân

phụ trách; xác định rõ ranh giới trách nhiệm tập thể, cá nhân; bổ sung các quy định về xử lý vật chất đối với hành vi tham nhũng, quy định về việc xử lý kỷ luật hành chính, kỷ luật đảng. Phải xử lý kỷ luật hành chính, kỷ luật đảng trước khi xử lý hình sự.

Tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ giữ cương vị quan trọng trong các cơ quan nhà nước; có quy chế tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt rõ ràng; có chế độ công chức, công vụ cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của từng loại cán bộ, công chức; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hoạt động của cán bộ, công chức; áp dụng chế độ khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; công khai hoá việc xử lý cán bộ, công chức, nhất là khi xử lý về các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Nghiêm chỉnh thực hiện quy định về kê khai tài sản. Trường hợp không kê khai đầy đủ, giải thích không rõ nguồn gốc, giấu giếm, có nguồn thu không minh bạch phải được kiểm tra, kịp thời làm rõ. Trường hợp có tài sản bất minh thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị chỉ đạo làm rõ về nguồn gốc, số lượng và có biện pháp xử lý về người, tài sản bất minh đó.

3.1.5. Chống tham nhũng phải gắn liền với mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân trong xây dựng và quản lý nhà nước, kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân dộc, chú trọng tổng kết thực tiễn và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài.

Để phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, chống tệ quan liêu, lãng phí sách nhiễu nhân dân cũng như tình trạng phân tán, cục bộ, kỷ luật lỏng lẻo, chúng ta phải tiếp tục xây dựng và kiện toàn Nhà nước, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân trong xây dựng và quản lý nhà nước. Để thực hiện được mục tiêu, phương hướng đó, điều

quan trọng hàng đầu là nâng cao chất lượng chế độ đại diện, mở rộng cơ chế từng bước thực hiện chế độ dân chủ trực tiếp, chúng ta cần phải:

- Tiếp tục cải tiến chế độ bầu cử ở các cơ quan, khu dân cư, bảo đảm lựa chọn và bầu cử các đại biểu của mình thực sự dân chủ.

- Nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân) để các cơ quan này thực sự là đại diện của nhân dân và là cơ quan quyền lực của Nhà nước trong việc xem xét và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương.

- Đẩy mạnh cải cách thể chế về thủ tục hành chính trong các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến đời sống nhân dân. Xóa bỏ triệt để các thủ tục phiền hà tạo sơ hở cho tham nhũng, tiêu cực phát triển.

- Xác định rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tạo điều kiện để người dân thực hiện đầy đủ quyền khiếu nại, tố cáo của mình trong việc kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước, công chức nhà nước. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp tục kiện toàn cơ quan xét xử hành chính các cấp.

- Các cơ quan có thẩm quyền lập pháp, lập quy cần sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các văn bản pháp luật với các chế định cụ thể, rõ ràng về quyền giám sát, kiểm tra của nhân dân với sản xuất, phân phối, thu chi ngân sách tài chính.

- Nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính sự nghiệp để thực sự trở thành công cụ sắc bén của nhân dân trong việc phát hiện, ngăn chặn đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Cần nghiên cứu thực hiện từng bước chế độ dân chủ trực tiếp.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tạo ra sức mạnh của cộng đồng quốc tế tham gia phòng, chống tham nhũng. Mặt khác, thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, chúng ta sẽ tiếp thu, học tập những kinh nghiệm quý báu của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, phân tích bối cảnh lịch sử của Việt nam để áp dụng có hiệu quả và thực tế nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Một phần của tài liệu Thanh tra và vấn đề phòng, chống tham nhũng (Trang 90)