Giai đoạn từ khi thống nhất đất nước đến trước khi có Pháp lệnh Thanh tra

Một phần của tài liệu Thanh tra và vấn đề phòng, chống tham nhũng (Trang 60)

lệnh Thanh tra (1975-1990).

Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước ta bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn quốc. Hàng loạt những vấn đề phức tạp trong công cuộc xây dựng đất nước đã nảy sinh, kéo theo đó là nạn tham ô, tiêu cực xảy ra ngày càng nhiều trong các cán bộ nhà nước: tình hình xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và vi phạm những nguyên tắc, chính sách, chế độ, thể lệ quản lý tài chính … có những diễn biến phức tạp. Những nguyên tắc, chính sách và chế độ quản lý chưa được thi hành nghiêm chỉnh, ý thức làm chủ tập thể của cán bộ, công nhân và nông dân xã viên chưa tiến kịp với chế độ chính trị và quan hệ sản xuất mới. Tình trạng trộm cắp, tham ô, lãng phí, để mất mát, hư hao tài sản của tập thể và của Nhà nước có nơi xảy ra rất nghiêm trọng.

Để đáp ứng được những yêu cầu nhiệm vụ, ngay từ những ngày đầu thống nhất đất nước, việc sắp xếp, kiện toàn một bước tổ chức ngành thanh tra được xác định là một nội dung quan trọng của Nhà nước. Đến cuối năm 1976, hệ thống các cơ quan thanh tra của Chính phủ từ Trung ương đến các tỉnh đã được thiết lập trong cả nước, tạo điều kiện cho ngành thanh tra nhanh chóng triển khai hệ thống tổ chức đến các cấp cơ sở địa phương.

Năm 1978, Chính phủ chính thức giao cho Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra giúp Trung ương và Chính phủ chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết 228. Như vậy, trọng tâm công tác của ngành, từ chỗ thực hiện các chức năng thanh tra thường xuyên và xét khiếu tố nói chung, nay được chuyển sang công tác thanh tra và xét khiếu tố nhằm góp phần vào mặt trận chống tiêu cực theo Nghị quyết 228 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, lúc đó ngành mới chỉ tập trung vào thanh tra một số vụ việc tham ô, bê bối qua đơn khiếu tố của dân. Trong

bối cảnh tình hình tiêu cực phát sinh ngày càng nghiêm trọng, ngày 26-9-1979 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ ra tính chất cấp bách và tầm quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề về phân phối lưu thông. Đặc biệt, Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ cấp bách phải làm là: Kiên quyết đấu tranh khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, nhất là tệ ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng.

Tầm quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra một lần nữa được khẳng định tại Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng. Theo đó, trong toàn bộ công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện mọi mặt công tác của Đảng và Nhà nước, ở bất cứ lĩnh vực hoạt động nào, đều phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra. Thanh tra và kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên, là công việc gắn với công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở từng cấp, từng ngành.

Thời kỳ 1979-1983 là thời kỳ có nhiều thử thách đối với cách mạng nước ta. Tình hình kinh tế-xã hội có những diễn biến phức tạp, đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhiều tiêu cực nảy sinh và phát triển, gây tác động xấu đến đời sống xã hội. Trước tình hình tiêu cực có nguy cơ phát triển, Đảng và Nhà nước đã ra nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm ngăn chặn, hạn chế và đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực. Từ cuối năm 1979, Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban 79 các cấp để chỉ đạo công tác đấu tranh chống tiêu cực tại tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên phạm vi cả nước. Ở cấp Trung ương, hầu hết các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ đã giao nhiệm vụ là thường trực của Ban 79. Với nhiệm vụ và vị trí này, Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ không những có thể triển khai công việc theo thể chế đã có của Nhà nước, mà còn có thể tác động trực tiếp đến các cấp uỷ, chính quyền và thủ trưởng các đơn vị, ban ngành nhằm tập trung vào nhiệm

vụ chống tiêu cực, tăng cường quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Với cương vị là thành viên thường trực Ban 79, Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ đã tham mưu cho Ban 79 Trung ương lập kế hoạch hướng dẫn các cấp, các ngành triển khai việc lập Ban 79 tại từng cơ quan, địa phương, đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện.

Trong thời gian 4 năm (1979-1983), các tổ công tác chống tiêu cực đã xử lý hàng nghìn vụ tiêu cực, hàng nghìn cán bộ có sai phạm bị kỷ luật với các hình thức khác nhau. Ngành thanh tra đã tiến hành hàng chục nghìn cuộc thanh tra thường xuyên hoặc đột xuất về việc chấp hành các chính sách, chế độ, nguyên tắc quản lý kinh tế, tài chính ở các ngành, các đơn vị, các địa bàn trọng điểm. Qua các cuộc thanh tra, ngoài những kiến nghị xử lý kịp thời các sai phạm, ngành thanh tra còn có những kiến nghị sát thực, kịp thời để các cấp chính quyền có sự sửa đổi, bổ sung về cơ chế, chính sách cho phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.

Để tăng cường hiệu lực quản lý và lãnh đạo đất nước, trước những nhiệm vụ to lớn và nặng nề trong tình hình mới, Trung ương Đảng và Chính phủ chủ trương chấn chỉnh, củng cố và đổi mới về tổ chức và hoạt động của ngành thanh tra. Ngày 15/2/1984, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị quyết số 26/HĐBT về việc tăng cường tổ chức thanh tra và nâng cao hiệu lực thanh tra, trong đó nêu rõ về hệ thống tổ chức Thanh tra Nhà nước và thanh tra nhân dân. Có thể coi đây là một bước ngặt quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình phát triển, trưởng thành của ngành thanh tra Việt Nam. Nghị quyết 26/HĐBT xác định rõ “Thanh tra là một khâu không thể thiếu trong công tác lãnh đạo”, “Tổ chức thanh tra phải là một công cụ có hiệu lực của Nhà nước chuyên chính vô sản, đồng thời là một hình thức tổ chức của quần chúng để thực hiện quyền làm chủ tập thể của mình trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động các cơ quan nhà nước”.

Từ sau khi có Nghị quyết số 26/HĐBT, các hoạt động thanh tra đã có những chuyển biến đáng kể về chất. Ngành thanh tra đã tăng cường tổ chức những cuộc thanh tra trên diện rộng bao gồm nhiều tỉnh, nhiều ngành và có những cuộc thanh tra có sự tham gia của toàn ngành thanh tra. Nhiều cuộc thanh tra được tổ chức chặt chẽ, chỉ đạo sát sao, tiến hành khẩn trương, xác minh kết luận rõ ràng, chính xác, kiến nghị nhiều biện pháp cụ thể, giúp cho đơn vị được thanh tra phát huy ưu điểm, sửa chữa và ngăn ngừa khuyết điểm, tích cực đấu tranh chống tiêu cực, tăng cường biện pháp quản lý, bảo vệ tài sản XHCN. Công tác thanh tra đã tập trung vào những lĩnh vực quan trọng và đang có những vấn đề khó khăn, cần có sự sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách cho phù hợp như kế hoạch sản xuất nông nghiệp, cung ứng vật tư, huy động lương thực; thực hiện kế hoạch trồng rừng, khai thác và giao nộp nông sản; kế hoạch đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản, cải tạo nghề cá; thanh tra nhiều nội dung trong lĩnh vực công nghiệp, trong khâu lưu thông phân phối…

Công tác xét khiếu tố trong giai đoạn này cũng đã được thực hiện khá tốt, nhiều vụ việc khiếu tố phức tạp, tồn đọng từ nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm. Thông qua giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra đã kiến nghị các cấp thẩm quyền xử lý kỷ luật nhiều trường hợp cán bộ có chức quyền tham ô, hối lộ, sa đoạ về phẩm chất đạo đức.

Năm 1986, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng ta đã đề xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó xác định đổi mới công tác tổ chức và công tác cán bộ, đổi mới phong cách làm việc là một nhiệm vụ hàng đầu. Để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, Đảng ta nhấn mạnh nhiệm vụ của các cơ quan Đảng và Nhà nước cũng như các cán bộ ở mọi cấp, mọi ngành phải thực sự tôn trọng luật pháp và bảo đảm quyền công dân. Các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có cơ quan thanh tra phải tăng cường hoạt động chống tiêu cực trên mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt về kinh tế. Ngay

năm đầu tiên của công cuộc đổi mới (1987), ngành thanh tra đã tăng cường thanh tra về quản lý kinh tế, thanh tra các vụ việc tiêu cực, đẩy mạnh công tác xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong năm 1987, Uỷ ban Thanh tra Nhà nước đã chủ trì nhiều cuộc thanh tra quan trọng như các cuộc thanh tra về quản lý và sử dụng ngoại tệ ở một số cơ sở thuộc Bộ Y tế, Tổng công ty Đại lý tàu biển thuộc Bộ Giao thông vận tải, Đài truyền hình Việt Nam…Trong năm 1988, toàn ngành thanh tra đã tiến hành trên 16 ngàn cuộc thanh tra, kiểm tra, nhận và xử lý trên 200 ngàn đơn khiếu nại, tố cáo. Qua thanh tra và xét khiếu tố, ngành thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm ở các địa phương, đơn vị và đã thu hồi về cho tập thể và Nhà nước trên 120 tỷ đồng, hàng chục triệu đô la. Trong năm 1989, ở 40 tỉnh, thành phố và 30 bộ, ngành trong cả nước đã thực hiện trên 9.000 cuộc kiểm tra, thanh tra, tập trung vào các đối tượng là hợp tác xã nông nghiệp, tập đoàn sản xuất, các đơn vị ngân sách… Qua thanh tra đã phát hiện số tiền phải nộp ngân sách trên 20 tỷ đồng, giúp thu hồi và điều chỉnh hàng ngàn hecta ruộng đất, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính hơn 900 cán bộ, công nhân viên chức, truy cứu trách nhiệm hình sự 57 người.

Qua những kết quả mà ngành thanh tra đạt được trong hơn 10 năm kể từ khi đất nước thống nhất (1975-1990) cho thấy, đây là giai đoạn chuyển mình của ngành trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn. Ngành thanh tra đã đảm nhận và hoàn thành những trọng trách lớn lao, nặng nề, đồng thời đây cũng là giai đoạn ngành thanh tra được đổi mới, củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức và lực lượng một cách mạnh mẽ. Những thành tích mà ngành Thanh tra đạt được trong giai đoạn 1975-1990 không chỉ có tác dụng quan trọng, góp phần trực tiếp đối với việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, giữ gìn pháp luật, tăng cường trách nhiệm quản lý kinh tế, quản lý xã hội của bộ máy nhà nước, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao

động, mà còn thông qua những báo cáo và kiến nghị cụ thể, đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình đổi mới tư duy và đã được cụ thể tại Đại hội VI của Đảng.

Một phần của tài liệu Thanh tra và vấn đề phòng, chống tham nhũng (Trang 60)