Giai đoạn kháng chiến, kiến quốc (1945 1954)

Một phần của tài liệu Thanh tra và vấn đề phòng, chống tham nhũng (Trang 47)

Có thể nói nhiệm vụ chống tham nhũng luôn gắn bó chặt chẽ với công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Mặc dù hoạt động thanh tra nói chung và thanh tra trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng từng giai đoạn có lúc thăng, lúc trầm, nhưng cho đến nay vai trò to lớn của thanh tra trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng luôn được khẳng định và ghi nhận. Tham nhũng là căn bệnh cố hữu của quyền lực, của bộ máy nhà nước. Tham nhũng theo cách nói của Hồ Chủ tịch là tham ô, lãng phí đó là : “tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội”; “là lấy của công làm của tư. Là gian lận tham

lam”, “tham ô là trộm cướp”[27, 488]

.

Thắng lợi vĩ đại của cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đưa nước ta sang trang lịch sử mới: nước ta đã được độc lập, tự do, nhân dân ta trở thành người làm chủ vận mệnh của mình. Ngay từ những ngày đầu lập nước, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã phải đương đầu với những khó khăn, thử thách nặng nề: thù trong, giặc ngoài, kinh tế đất nước kiệt quệ, trình độ dân trí thấp, thiếu cán bộ và kinh nghiệm quản lý về mọi mặt trong công tác xây dựng đất nước …

Một trong những khó khăn lớn của việc xây dựng chính quyền mới, thể chế mới là chưa có một hệ thống luật pháp, quy chế, quy định. Từ lý do này, cộng thêm sự hạn chế trong việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội nên nhiều cán bộ trong bộ máy nhà nước đã có những vi phạm quyền tự do, dân chủ của

nhân dân; một số người cố tình lợi dụng địa vị của mình trong bộ máy chính quyền để mưu đồ lợi ích cá nhân, cưỡng bức quần chúng và tham ô, lãng phí. Những hiện tượng tiêu cực này đã được các tầng lớp nhân dân gửi thư từ, đơn kiện hoặc gặp gỡ trực tiếp phản ánh với các cấp lãnh đạo trong bộ máy chính quyền.

Xuất phát từ những đòi hỏi hết sức cấp bách của thực tế cuộc sống, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt có uỷ nhiệm là giám sát hoạt động của các cơ quan chính quyền nhà nước, nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm, bảo đảm cho sự trong sạch của chính quyền nhân dân. Ban Thanh tra đặc biệt có chức năng giám sát, kiểm soát hoạt động của các cơ quan nhà nước và các nhân viên của bộ máy nhà nước “Chính phủ sẽ lập ngay ra một Ban thanh tra đặc biệt có uỷ nhiệm là đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của Uỷ

ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ…” (Sắc Lệnh số 64 năm 1946).

Có thể thấy quan niệm và thái độ của Đảng và Nhà nước ta về tham nhũng là rất rõ ràng, coi tham nhũng là hành vi không thể chấp nhận được đối với bất kỳ một nhân viên nào trong bộ máy nhà nước, đồng thời cũng xác định đây là một nguy cơ làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào chính quyền non trẻ của chúng ta. Do vậy, cần kiên quyết bài trừ tệ tham nhũng bằng cách đưa ra những cơ chế đặc biệt để kiểm soát hành vi của nhân viên nhà nước và xử phạt nghiêm minh đối với người thực hiện hành vi này. Tuy quan niệm về hành vi tham nhũng thời kỳ này đã có sự khái quát hoá cao nhưng mới chỉ dừng lại ở việc xác định dấu hiệu chung là nhận hối lộ và phu lạm, biển thủ công quỹ (đây thực chất là những biểu hiện cụ thể của hành vi tham ô). Chủ thể thực hiện các hành vi tham nhũng này được hiểu “gồm nhân viên Chính phủ, trong các Uỷ ban hành chính các cấp, các cơ quan do nhân dân bầu lên,

do nhận thức đúng đắn về bản chất và mục đích của hành vi tham nhũng là việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình nhằm tìm kiếm lợi ích vật chất, nên trong việc xử lý, ngoài hình thức phạt tù còn chú trọng đến việc thu hồi tài sản cho Nhà nước và phạt nặng về kinh tế. Điều này đã thể hiện một định hướng đúng đắn cho cuộc đấu tranh chống loại tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước để tìm kiếm lợi ích cá nhân.

Ban Thanh tra đặc biệt trong giai đoạn này có vai trò như một cơ quan điều tra, truy tố tội phạm tham nhũng như hiện nay với các quyền hạn như:

- Điều tra, hỏi chứng, xem xét các giấy tờ tài liệu… cần thiết cho công

tác giám sát;

- Đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong Uỷ ban nhân dân hay Chính phủ;

- Tịch biên hoặc niêm phong các tang vật

- Dùng mọi cách điều tra để lập hồ sơ mang một phạm nhân ra Toà án đặc biệt.

Thậm chí, theo Sắc lệnh số 64, Ban thanh tra còn có thể truy tố cả các

việc đã xẩy ra trước ngày ban bố Sắc lệnh này. Việc quy định nhiều quyền

hạn như vậy cho Ban thanh tra đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc chấn chỉnh lề lối làm việc, xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch. Vì thế, ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, Ban Thanh tra đặc biệt đã phát huy được vai trò của mình, giải quyết nhiều vụ việc phức tạp như quyết định trả lại tự do cho hàng chục người bị bắt tại Hà Nam; giải quyết vụ việc tham ô của một Chủ tịch tỉnh. Ban Thanh tra đặc biệt đã quyết định cách chức Chủ tịch tỉnh có sai phạm nhưng dưới hình thức cho viết đơn xin từ chức; thanh tra vụ lạm dụng quyền lực để uy hiếp quần chúng ở một số địa phương… Những vụ việc đã giải quyết của Ban Thanh tra đặc biệt có tính chất điển hình, liên quan đến

nhiều mặt của đời sống xã hội, từ việc giải quyết vấn đề tham ô, cửa quyền đến việc bảo vệ quyền tự do, dân chủ cho nhân dân. Qua các hoạt động thanh tra, lòng tin của nhân dân vào Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được củng cố vững chắc, kỷ cương, phép nước được đề cao, mang lại niềm tin của nhân dân vào chế độ mới.

Ngày 19/12/1946, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, đất nước bước vào thời kỳ vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Để đảm bảo nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo kháng chiến, bộ máy chính quyền các cấp được tổ chức lại cho phù hợp với tình hình mới. Trong quá trình củng cố kiện toàn bộ máy chính quyền, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên nhà nước và mối liên hệ chặt chẽ giữa lãnh đạo với dân chúng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn có mối liên hệ tốt giữa lãnh đạo và dân chúng thì cần phải tổ chức tốt công tác kiểm tra, kiểm soát. Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát là một công việc thường xuyên của chính quyền, góp phần quan trọng vào việc tạo ra mối liên hệ giữa trên và dưới, giữa lãnh đạo và quần chúng nhằm đảm bảo tính chất là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Cùng với việc tạo ra mối liên hệ nói trên, công tác thanh tra còn góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn các tệ nạn thường xuyên có khả năng xảy ra như quan liêu, lãng phí, tham ô.

Thực hiện việc tổ chức lại bộ máy chính quyền, Đảng và Chính phủ đã thành lập các Đặc uỷ Đoàn và các Đặc phái viên hoạt động có tính cách như một cơ quan thanh tra của Chính phủ với những nhiệm vụ rất to lớn: Động viên kháng chiến và tăng gia sản xuất; thu lượm ý kiến và nguyện vọng của cán bộ và nhân dân; xem xét các mặt hoạt động của các cơ quan Nhà nước, kiểm tra các cơ quan này trong việc lãnh đạo kháng chiến và sản xuất.

Với việc thành lập các tổ chức và quy định chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của các cơ quan nói trên, công tác thanh tra trong những năm đầu kháng chiến toàn quốc tiếp tục được đẩy mạnh và có sự chuyển hướng phù hợp với tình hình và yêu cầu của cuộc kháng chiến. Các Đặc phái viên và Đặc uỷ Đoàn Chính phủ luôn đi sát các cấp chính quyền, các đơn vị bộ đội và nhân dân; động viên nhân dân vừa kháng chiến vừa sản xuất, thu lượm ý kiến và giải quyết các yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, kiểm tra và chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng bộ đội, dân quân, tổ chức giao thông liên lạc, tăng gia sản xuất… Kết quả công tác thanh tra trong giai đoạn 1946-1948 cho thấy, ngay trong hoàn cảnh chiến tranh, yêu cầu về thanh tra, kiểm tra cũng hết sức to lớn, công tác thanh tra đã góp phần quan trọng vào việc tạo ra mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân, giữa lãnh đạo với quần chúng, ổn định chính trị, tư tưởng của quần chúng, động viên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc nhằm thực hiện mục tiêu chung là kháng chiến thắng lợi.

Ngày 18/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 138B-SL thành lập Ban Thanh tra Chính phủ. Sắc lệnh trên đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho công việc thanh tra, khẳng định rõ hơn vai trò của thanh tra trong công cuộc bảo vệ, giải phóng và xây dựng đất nước.

Công tác thanh tra được tiến hành thường xuyên trong những năm 1949-1953, các đoàn thanh tra chú trọng thanh tra việc chấp hành Sắc lệnh tổng động viên; thanh tra việc thực hiện chính sách ruộng đất, chính sách thuế nông nghiệp; thanh tra về tình hình chi tiêu tài chính, thống nhất quản lý ngân sách… Một ví dụ điển hình về những đóng góp to lớn của công tác thanh tra là việc thanh tra các mặt hoạt động của chính quyền địa phương các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đoàn thanh tra của Ban Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều việc làm sai của các cấp chính quyền các tỉnh này như: huy động đóng góp quá sức dân, có nơi vi phạm quyền tự do dân chủ của nhân

dân, một số nơi cán bộ có những hành vi quân phiệt, doạ dẫm, truy bức quần chúng. Đoàn thanh tra đã trực tiếp khuyến cáo và đề nghị các cấp uỷ Đảng và Chính quyền ở các tỉnh này chỉnh đốn ngay việc lãnh đạo. Mặt khác, Đoàn thanh tra báo cáo lên trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Hồ Chủ tịch. Sau khi nhận được báo cáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy những sai lầm, khuyết điểm ở một số địa phương là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với lòng tin của quần chúng nhân dân. Một mặt, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo việc sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm; mặt khác, Người trực tiếp viết thư cho đồng bào liên khu IV, nhân danh Chủ tịch Chính phủ nhận lỗi trước đồng bào. Việc làm của Đoàn thanh tra, đặc biệt là những cử chỉ của Hồ Chủ tịch đã củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân vào Đảng và Chính phủ, củng cố khối đoàn kết toàn dân.

Song song với công tác thanh tra việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Ban Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Ban Kiểm tra Trung ương và Ban Thanh tra các bộ làm rõ một số vụ tham ô lớn trong và ngoài quân đội như vụ tham ô công quỹ ở Công trình kiến trúc giao thông Liên khu III, vụ lạm dụng số thóc của dân đóng góp cho kháng chiến ở xã Toàn Thắng, Hiệp Hoà, Bắc Giang…. Đặc biệt, qua đơn thư tố giác của một đại biểu quốc hội, Ban Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Ban kiểm tra Trung ương và Cục Tổng Thanh tra quân đội thành lập Đoàn thanh tra, làm rõ tội trạng tham ô, biển thủ công quỹ của Trần Dụ Châu, Đại tá, Giám đốc Nha quân nhu lúc bấy giờ. Kết quả thanh tra và xử lý hành vi vi phạm của một người vốn giữ cương vị cao trong quân đội đã chứng minh một cách sinh động rằng Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch luôn luôn đề cao kỷ cương phép nước, trừng trị thích đáng những kẻ làm tổn hại đến quyền tự do, dân chủ của nhân dân, lợi dụng địa vị để mưu đồ lợi ích cá nhân. Kết quả nói

trên còn cho thấy vai trò quan trọng của lực lượng thanh tra khi được đặt đúng vị trí với những chức năng, quyền hạn đầy đủ, rõ ràng.

Không những đạt được nhiều kết quả to lớn trong việc xem xét việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, chống tham ô, tiêu cực trong bộ máy chính quyền, công tác thanh tra trong giai đoạn này còn có những kết quả đáng kể trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân như đã minh oan cho nhiều cán bộ và chiến sỹ trong vụ H122, điều tra, xem xét để giải oan cho đồng chí Võ Quý Huân, một kỹ sư yêu nước từ Pháp về tham gia kháng chiến.

Có thể nói, ngay từ thời kỳ hình thành và bắt đầu hoạt động của lực lượng thanh tra Việt Nam, tuy phải hoạt động trong những điều kiện khó khăn, thiếu thốn mọi bề, nhưng lực lượng thanh tra đã góp phần tích cực, xứng đáng vào công cuộc vừa kháng chiến, vừa kiến quốc của dân tộc ta trong thời kỳ 1945-1954. Qua những hoạt động cụ thể, công tác thanh tra đã góp phần củng cố và giữ vững niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch. Công tác thanh tra trong thời kỳ này cũng góp phần tích cực vào việc đề cao kỷ cương phép nước, chống tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy chính quyền; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Đó là những kết quả hết sức to lớn của công tác thanh tra thời kỳ 1945-1954 và cũng là bài học lịch sử cho việc xây dựng và củng cố lực lượng thanh tra trong các giai đoạn sau này của cách mạng Việt Nam.

Một phần của tài liệu Thanh tra và vấn đề phòng, chống tham nhũng (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)