động phòng ngừa vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, trong đó phòng ngừa là chính.
Chúng ta cần nhận thức rằng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng dù gay go quyết liệt đến đâu cũng là một quá trình tự hoàn thiện của bản thân bộ máy nhà nước ta. Chống tham nhũng không chỉ nhằm vạch ra những kẻ lầm lỗi, có những hành vi vi phạm để trừng trị mà điều quan trọng hơn là chúng ta cần coi đó chính là khuyết tật của bộ máy nhà nước cần phải khắc phục, loại trừ. Quá trình đấu tranh chống tham nhũng cũng là quá trình phát hiện ra những sai sót của cơ chế chính sách, những sai lầm trong công tác bố trí, sử dụng, sắp xếp cán bộ để từ đó có biện pháp thích hợp xử lý trong từng trường hợp cụ thể, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của từng ngành, từng cấp. Xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức thực sự là công bộc của nhân dân, là chỗ dựa đáng tin cậy của Đảng và Nhà nước.
Trong quá trình phát hiện và xử lý những người có hành vi tham nhũng cũng cần có sự kết hợp giữa các biện pháp vừa đủ, vừa có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa, cần kết hợp hài hoà giữa biện pháp giáo dục chính trị tư tưởng với những biện pháp kỷ luật và pháp luật, điều cốt yếu là bảo đảm không để bất cứ hành vi tham nhũng nào xảy ra mà không bị xử lý.
Trong đấu tranh chống tham nhũng, cần đặc biệt coi trọng các biện pháp tích cực chủ động phòng ngừa những điều kiện, cơ hội phát sinh tệ tham nhũng. Cần tìm ra những lĩnh vực, những khâu, những yếu tố có thể nảy sinh tham nhũng trong hoạt động của các cơ quan đảng và nhà nước. Các cơ quan nhà nước phải kiểm soát cán bộ, nhân viên của mình trong việc chấp hành nghiêm chỉnh những điều mà người có chức vụ, quyền hạn không được làm theo quy định của Pháp lệnh cán bộ, công chức và Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong số các biện pháp phòng ngừa thì thanh tra, kiểm tra là công việc quan trọng hàng đầu, là phương thức chủ động tích cực nhất để đấu tranh chống những biểu hiện tham nhũng và nguy cơ lan tràn của tệ tham nhũng. Công tác thanh tra, kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và có trọng tâm, trọng điểm để phát hiện ra những khuyết tật của bộ máy, những sơ hở của cơ chế chính sách pháp luật, kịp thời có những giải pháp hiệu quả để khắc phục những thiếu sót trong quản lý, ngăn chặn ngay từ đầu nguy cơ tham nhũng xảy ra.