Nâng cao năng lực của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã

Một phần của tài liệu Hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở Tỉnh Thanh Hóa (Trang 87)

- Chỉ đạo các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri: Thường

3.3.3.Nâng cao năng lực của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã

Năng lực của đại biểu HĐND cấp xã là nhân tố quyết định chất lượng hoạt động của HĐND cùng cấp. Chính vì vậy, HĐND cấp xã cần thường xuyên quan tâm nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu và có những giải pháp thiết thực khắc phục những thiếu hụt về kiến thức, hạn chế về kỹ năng hoạt động của đại biểu, cụ thể:

- Phải đảm bảo hài hòa giữa cơ cấu và chất lượng của đại biểu HĐND cấp xã.

Để chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã ngày càng cao, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri và xu thế phát triển của xã hội thì đòi hỏi chất lượng đại biểu HĐND cấp xã phải được chú trọng hơn nữa, cơ cấu là cần thiết nhưng không quá nặng nề về cơ cấu, phải chọn được đại biểu có đức, có tài, công tâm với công việc. Mặt khác, cần lựa chọn cơ cấu đại biểu công tác

trong cơ quan, đơn vị, tổ chức ít chịu sự ảnh hưởng, tác động của UBND; đồng thời tăng số đại biểu HĐND cấp xã là người ngoài Đảng.

- Để nâng cao chất lượng hoạt động, mỗi đại biểu phải thường xuyên tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng và hiểu biết đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND; Năng động, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn. Các đại biểu kiêm nhiệm cũng cần phát huy hơn nữa tính chủ động, tinh thần trách nhiệm. Không thụ động chờ sự chỉ đạo của Thường trực HĐND.

- Phải kịp thời, thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng hoạt động, trình độ chuyên môn cho đại biểu HĐND cấp xã.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ tái cử trong HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa chỉ chiếm 40,38% (nhiệm kỳ 2004 - 20110) và 45,2% (nhiệm kỳ 2011 - 2016), còn lại là đại biểu tham gia lần đầu, chưa có kỹ năng hoạt động trong cơ quan dân cử. Mặt khác, cơ cấu đại biểu đa dạng, các đại biểu có trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, nhận thức khác nhau. Vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động, trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị cho đại biểu HĐND là việc làm cần đặc biệt quan tâm và phải làm tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất: ngay sau kỳ họp thứ nhất cần phải tổ chức ngay các lớp tập

huấn hoạt động cho đại biểu HĐND (tránh để tình trạng kéo dài, 1 - 2 năm sau mới tập huấn). Nhất là những kỹ năng có tính đặc thù và cần thiết đối với hoạt động của người đại biểu. Cụ thể:

+ Bồi dưỡng nâng cao kỹ năng phân tích các vấn đề thuộc nội dung, chương trình kỳ họp. Để các đại biểu có khả năng xem xét, đánh giá vấn đề một cách toàn diện, sâu sắc, đưa ra được ý kiến, kiến nghị chính xác, đóng góp vào những quyết sách của HĐND. Bồi dưỡng kỹ năng thu thập, xử lý và kiểm tra thông tin để chọn lọc thông tin. Kỹ năng trình bày ý kiến khi thảo luận trong cuộc họp; kỹ năng tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND...

+ Bồi dưỡng kỹ năng tự giám sát và tham gia đoàn giám sát; xác định cách tiếp cận để nghiên cứu vấn đề cần giám sát; kinh nghiệm nêu vấn đề, đặt câu hỏi hợp lý với cơ quan hữu quan để làm rõ các nội dung cần giám sát; thảo luận và đi đến kết luận giám sát; xây dựng kiến nghị giám sát và theo dõi kết quả thực hiện yêu cầu của đoàn giám sát.

+ Bồi dưỡng kỹ năng tiếp xúc cử tri, bao gồm các kỹ năng lắng nghe và tiếp nhận thông tin từ nhân dân; kỹ năng thu thập, tổng hợp, xử lý thông tin; kỹ năng báo cáo, giải trình và nói chuyện trước công chúng; kỹ năng tuyên truyền kết quả kỳ họp, giải thích chính sách pháp luật, giải thích những vấn đề liên quan đến khiếu nại, tố cáo…

+ Bồi dưỡng kỹ năng chất vấn và đối thoại gồm những nội dung về phương pháp thu thập tài liệu, chứng cứ; lựa chọn vấn đề đưa ra chất vấn; lựa chọn ngôn ngữ đối thoại trong chất vấn và trả lời chất vấn...

Cần trang bị những kiến thức cơ bản nhất để đại biểu có thể thực hiện tốt các hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát và các hoạt động khác tại kỳ họp HĐND. Nên dành thời gian khoảng trên dưới 1 tháng cho các lớp tập huấn kỹ năng hoạt động đầu nhiệm kỳ.

Thứ hai: Tăng cường đổi mới hình thức, nội dung tập huấn, bồi dưỡng

nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu HĐND. Cần tập trung bồi dưỡng những vấn đề cơ bản về nhà nước và pháp luật; về tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND; về vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, của đại biểu HĐND. Đồng thời, hàng năm cần phải tổ chức các lớp tập huấn theo chuyên đề, mang tính chuyên sâu, trang bị cho đại biểu các kiến thức về kinh tế - ngân sách, nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng cơ bản, thi hành pháp luật…Thường xuyên tổ chức giao ban, hội thảo trao đổi rút kinh nghiệm…

- Tạo không khí dân chủ trong các hoạt động của HĐND, để đại biểu HĐND phát huy khả năng, trí tuệ, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử.

Vấn đề này mang tính chất nguyên tắc trong hoạt động của HĐND. Chỉ khi hoạt động của HĐND thực sự dân chủ, thẳng thắn thì trí tuệ của đại biểu mới được phát huy và đại biểu mới tâm huyết cống hiến, nỗ lực cố gắng nâng cao hiệu quả hoạt động của mình. Để làm được điều này, tại các kỳ họp HĐND chủ tọa kỳ họp cần điều hành kỳ họp để đại biểu thấy việc tham gia ý kiến thảo luận cũng như chất vấn là quyền và trách nhiệm của đại biểu. Những ý kiến do đại biểu nêu ra phải được ghi nhận, tiếp thu và phân tích, tránh tình trạng không quan tâm tới ý kiến tham gia của đại biểu.

- Đổi mới và tăng cường công tác thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu. Thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cung cấp tài liệu, các văn bản có liên quan, nhất là tài liệu về chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và thông tin về đời sống kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở địa phương, tài liệu của kỳ họp HĐND, các báo cáo hoạt động của HĐND và UBND hàng tháng, hàng quý… phải được cung cấp đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi để đại biểu HĐND các cấp thực hiện tốt chức năng quyết định và chức năng giám sát tại địa phương, cơ sở.

- Đổi mới cơ chế hoạt động của đại biểu, Tổ đại biểu HĐND; nội dung sinh hoạt của đại biểu, Tổ đại biểu phải phong phú, chất lượng. Tổ chức kiểm điểm, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng cá nhân theo định kỳ 6 tháng và cả năm; đối với đại biểu HĐND là cán bộ, công chức thì phải gắn tiêu chí hoạt động của đại biểu vào việc đánh giá, xếp loại hàng năm.

Một phần của tài liệu Hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở Tỉnh Thanh Hóa (Trang 87)