Hoạt động xem xét báo cáo của Thường trực HĐND và UBND cùng cấp

Một phần của tài liệu Hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở Tỉnh Thanh Hóa (Trang 57)

Tại kỳ họp, HĐND cấp xã xem xét, thảo luận báo cáo công tác của Thường trực HĐND và UBND cùng cấp.

Thông thường mỗi kỳ họp của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa có trung bình khoảng 6 báo cáo. Sau khi nghe báo cáo, đại biểu về các tổ để thảo luận. Kết thúc phiên thảo luận tổ, mỗi tổ cử 2 đại biểu phát biểu tại hội trường.

Phiên thảo luận tại hội trường, chủ tọa kỳ họp gợi ý cho các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề mà các tổ cùng quan tâm, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Không khí phiên thảo luận ngày càng sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, thiết thực hơn. Đặc biệt, các ý kiến thảo luận không chỉ do một số đại biểu có chức vụ phát biểu mà số đại biểu trẻ, quần chúng cũng tham gia ý kiến tại Hội trường.

Như vậy, hoạt động xem xét báo cáo tại kỳ họp đã có nhiều đổi mới. Số đại biểu tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận, tranh luận ngày càng nhiều. Chất lượng thảo luận cũng được nâng lên. Bước đầu khắc phục tình trạng qua loa, đại khái, hình thức, nể nang, né tránh.

Tuy nhiên, hoạt động xem xét các báo cáo tại kỳ họp cũng còn những hạn chế. Một số đại biểu chưa phát huy hết vai trò, quyền lực nhân dân giao phó. Thảo luận hời hợt, qua loa, hình thức, vì "chưa nắm vững để nói" hoặc "biết nhưng không nói" bởi những vấn đề "tế nhị". Có đại biểu không nghiên cứu trước tài liệu, chờ đến khi các cơ quan có trách nhiệm trình bày văn bản tại kỳ họp mới đọc theo kiểu "một người đọc mà hàng chục người dò lỗi chính tả" ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng kỳ họp. Nhiều đại biểu nắm không kỹ vấn đề nên khi tham gia thảo luận còn nhiều lúng túng; kỹ năng thảo luận, phương pháp thuyết trình vấn đề chưa thực sự lôi cuốn, thuyết phục người nghe. Do thiếu thông tin, không xâu chuỗi được vấn đề nên nhiều đại biểu thiếu tự tin trong việc tham gia thảo luận tại kỳ họp. Tổng hợp ý kiến thảo luận tại các tổ để phân công đại biểu thay mặt tổ phát biểu tại hội trường

còn chung chung, có lúc phản ánh chưa đầy đủ. Một số kỳ họp thảo luận vẫn chưa sôi nổi, chưa tạo được không khí đối thoại giữa đại biểu và các ban ngành chịu trách nhiệm trước những tồn tại khuyết điểm để làm rõ nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục.

- Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những nội dung quan trọng của các kỳ họp HĐND. Đây là một hình thức đối thoại trực tiếp vừa thể hiện quyền giám sát của các đại biểu tại kỳ họp, vừa thể hiện tính dân chủ trực tiếp của các đại biểu - người đại diện cho nhân dân địa phương.

Sơ đồ 2.1: Đối tượng chất vấn của HĐND cấp xã

Trong các kỳ họp vừa qua, HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa rất coi trọng việc thực hiện chất vấn và giám sát trả lời chất vấn của đại biểu HĐND. Thực sự coi đây là một công cụ giám sát trực tiếp, nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã.

HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa bình quân mỗi kỳ họp có khoảng 15% số đại biểu tham gia chất vấn. Qua thực tiễn hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND và trên cơ sở cơ cấu đại biểu như trình bày ở trên thì số lượng ý kiến chất vấn tăng lên qua các kỳ họp: Năm 2004 có 10585 ý kiến, năm 2005 có 11815 ý kiến, năm 2006 có 11896 ý kiến, năm 2007 có 11989 ý kiến, năm 2008 có 11996 ý kiến, năm 2009 có 11998 ý kiến, năm 2010 có 12023 ý kiến.

Đối tượng chất vấn

Chủ tịch HĐND các thành viên UBND, Chủ tịch UBND, cán bộ chuyên môn của UBND

Các ý kiến chất vấn đều trên tinh thần xây dựng và phản ánh đúng những vấn đề còn tồn tại của địa phương. Việc trả lời chất vấn của UBND cấp xã được chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc bằng văn bản. Một số vấn đề cần thời gian nghiên cứu được chủ tọa kỳ họp quyết định trả lời sau kỳ họp và đã trả lời cho đại biểu theo đúng quy định.

Có thể khẳng định rằng, hoạt động chất vấn của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa trong những năm gần đây đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Nội dung chất vấn ngày càng sắc sảo, câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, thể hiện được những vấn đề bức xúc của cử tri. Tại kỳ họp việc tiến hành chất vấn và việc trả lời chất vấn cũng được thực hiện khá đầy đủ, có tính khoa học. Nhiều xã còn phát thanh trực tiếp kỳ họp của HĐND cấp xã cho nhân dân toàn xã theo dõi để có thể đóng góp kịp thời khi phát hiện thấy những vấn đề của mình đưa ra chưa được kỳ họp HĐND giải quyết. Điều này đã góp phần không nhỏ giúp cho HĐND cấp xã có thể giải quyết kịp thời những bức xúc của quần chúng nhân dân.

Tuy nhiên hoạt động chất vấn vẫn còn một số mặt hạn chế, bất cập. Nội dung chất vấn có những vấn đề chưa thiết thực, có những câu hỏi chất vấn chưa sát với tình hình thực tế, chưa phản ánh được những bức xúc của cử tri. Có một số đại biểu trong suốt cả nhiệm kỳ chưa một lần thực hiện quyền chất vấn của mình, một phần do tâm lý nể nang, ngại va chạm hoặc ít thông tin do không nắm bắt được tình hình thực tế hoặc do trình độ năng lực hạn chế. Một số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, bận công tác chuyên môn, ít có thời gian tập trung nghiên cứu tài liệu nên thiếu sự chuẩn bị cho kỳ họp. Một số đại biểu còn hạn chế về kỹ năng chất vấn nên thiếu tự tin, cách chất vấn dông dài, không đủ thông tin để đi sâu và đi đến tận cùng của vụ việc. Bên cạnh đó một số đại biểu khi chất vấn lại có thái độ gay gắt, thiếu thuyết phục, làm cho người trả lời chất vấn bị ức chế và không khí phiên chất vấn trở nên căng thẳng không cần thiết. Một số đối tượng chịu trách nhiệm chất vấn tại diễn đàn HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa còn biểu hiện lúng túng khi giải trình, quanh co phân trần thiếu mạch lạc, viện dẫn nhiều lý do đổ lỗi cho khách quan…

Với đặc điểm, tính chất đại diện và tính chất quyền lực của HĐND cấp xã trong điều kiện hiện nay. Là cơ quan gần dân nhất, sát dân nhất, mọi hoạt động của HĐND cấp xã đều trực tiếp liên quan đến quyền và lợi ích thiết thực của người dân và tiếp nhận sự phản hồi cũng trực tiếp từ người dân. Do vậy, kỳ họp HĐND xã đáng lẽ phải diễn ra sôi nổi nhất, sinh động nhất; là diễn đàn của cư dân trong cộng đồng làng xã, là nơi thể hiện rõ rệt và sinh động nhất phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Nhưng thực tế đã cho thấy, đến nay các kỳ họp của HĐND cấp xã vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu cũng như nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân.

- Hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp

HĐND cấp xã giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp là xem xét tính hợp hiến và hợp pháp của văn bản đó. Qua khảo sát, điều tra cho thấy, hoạt động giám sát này của HĐND cấp xã hiện nay cũng chưa được chú trọng vì trình độ hiểu biết pháp luật của đại biểu HĐND cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

- Hoạt động giám sát thông qua hình thức bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu

Sơ đồ 2.2: Các chức vụ do HĐND cấp xã bầu Các chức vụ do HĐND cấp xã bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐND Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thành viên UBND cùng cấp Thư ký kỳ họp

Có thể nói, đây là một công cụ rất hữu hiệu giúp tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát. Bỏ phiếu tín nhiệm vừa là công cụ, hình thức giám sát, vừa là hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát. Nhưng mang đặc thù riêng là chỉ áp dụng đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, bởi hậu quả của bỏ phiếu tín nhiệm có thể dẫn tới việc miễn nhiệm, bãi nhiệm người không được tín nhiệm. Trong nhiệm kì 2004 - 2011, HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa 2 năm/ 1 lần tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm những người giữ chức vụ do HĐND xã bầu. Theo đề nghị của Ủy ban MTTQ cùng cấp, Chủ tịch HĐND cấp xã đã phối hợp với UBND đưa ra HĐND cấp xã xem xét tư cách, bãi nhiệm 5 đại biểu vì vi phạm tư cách đại biểu và có những sai lầm khuyết điểm không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.

Như vậy, hoạt động giám sát của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa tại kỳ họp chủ yếu được tiến hành dưới hai hình thức là xem xét báo cáo công tác và xem xét việc trả lời chất vấn. Những hoạt động này trong thời gian qua đã có nhiều đổi mới, giảm bớt tính hình thức, phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn của các đại biểu, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa.

2.2.1.2. Hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã

Thường trực HĐND cấp xã do HĐND cùng cấp bầu ra theo nhiệm kỳ của HĐND, là cơ quan hoạt động thường xuyên, giữ vai trò quan trọng trong việc điều hòa, phối hợp, duy trì các hoạt động của HĐND cấp xã. Trong điều kiện HĐND cấp xã hoạt động không thường xuyên (họp thường lệ mỗi năm 2 lần) thì vai trò của Thường trực HĐND cấp xã càng trở nên quan trọng và cần thiết.

Trong thời gian qua thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về việc nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của Thường trực HĐND các cấp trong tình hình mới. Thường trực HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa đã từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của mình, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, cụ thể:

- Công tác chuẩn bị chương trình, nội dung kỳ họp HĐND cấp xã:

Thường trực HĐND cấp xã đã tích cực phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ cùng cấp thống nhất về thời gian tổ chức kỳ họp, chuẩn bị nội dung, chương trình và các điều kiện cho kỳ họp. Công tác chuẩn bị được triển khai sớm, nội dung, chương trình, thời gian tổ chức kỳ họp được thông báo trên hệ thống truyền thanh trực tiếp của xã. Phân công nhiệm vụ và giao cho các cơ quan có liên quan chuẩn bị các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết gửi về Thường trực HĐND cấp xã để thẩm định. Các báo cáo, tờ trình đảm bảo nội dung, phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Một phần của tài liệu Hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở Tỉnh Thanh Hóa (Trang 57)