Khái niệm hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã

Một phần của tài liệu Hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở Tỉnh Thanh Hóa (Trang 36 - 38)

- Đặc điểm nội dung giám sát của HĐND cấp xã

1.2.1.Khái niệm hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã

Thuật ngữ "Hiệu quả" được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Theo các nhà ngôn ngữ học thì hiệu quả là kết quả như yêu cầu của việc làm mang lại. Từ điển Lepetit Lasousse định nghĩa "Hiệu quả là kết quả đạt được trong việc thực hiện một nhiệm vụ nhất định" [41, tr. 57]. Trong lĩnh vực xã hội, hiệu quả là sự so sánh giữa kết quả trước và sau khi tiến hành một hoạt động, giữa kết quả đã có và kết quả dự định sẽ có; giữa kết quả đạt được và mục đích. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hiệu quả thường được đồng nhất với những kết quả đạt được về lợi nhuận, thương hiệu, mở rộng thị trường…nó thường được tính toán chi tiết, cụ thể thông qua việc trừ đi các chi phí về nguyên liệu, tài chính, lao động… Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, hiệu quả là kết quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trên các mặt công tác có sự đối chiếu, so sánh với các khoản kinh phí bỏ ra để đạt được các kết quả. Hiệu quả của pháp luật là kết quả thực tế đạt được do sự điều chỉnh, tác động của pháp luật mang lại trong những phạm vi và điều kiện nhất định, biểu hiện ở trạng thái của các quan hệ xã hội, phù hợp với những mục đích, yêu cầu và định hướng của pháp luật với mức chi phí thấp.

Các cách tiếp cận về hiệu quả thường lấy sự so sánh giữa "đầu vào" và "đầu ra" để đánh giá. Theo tác giả thì hiệu quả là sự so sánh giữa kết quả thu được sau khi chủ thể thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn với chi phí mà chủ thể bỏ ra để đạt được những kết quả đó trong những điều kiện cụ thể.

Việc xác định hiệu quả một hoạt động kinh tế thường cho chúng ta những con số chính xác và cụ thể nhưng với bất kì hoạt động chính trị - xã hội nào thì để xác định hiệu quả đạt được là rất khó khăn và phức tạp, bởi vì kết quả của hoạt động này nhiều khi được đánh giá chủ yếu trên cơ sở định tính, chứ không phải định lượng. Mặt khác, hoạt động này còn mang tính công quyền, nó không theo đuổi mục tiêu lợi nhuận mà trước hết nó phải đảm bảo các lợi ích công. Tuy nhiên việc xác định hiệu quả hoạt động chính trị - xã hội cũng cần phải chú ý đến việc so sánh chi phí bỏ ra và kết quả đạt được. Do đó, cách tính hiệu quả của hoạt động chính trị - xã hội chúng ta nên vận dụng phương pháp tính hiệu quả kinh tế đảm bảo kết hợp giữa định tính và định lượng. Theo cách tiếp cận này, "hiệu quả chính là chỉ số so sánh giữa kết quả thu về với chi phí, công sức bỏ ra" [23, tr. 56].

Hoạt động của HĐND cấp xã là hoạt động chính trị - xã hội, do đó việc xác định hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã phải dựa trên chỉ số đánh giá mang tính chất lưỡng tính (vừa định tính, vừa định lượng). Tính lưỡng tính không chỉ thể hiện ở kết quả thu về mà ngay cả trong yếu tố đầu tư chi phí bỏ ra. Trong đầu tư, chi phí bỏ ra, yếu tố có thể định lượng bao gồm: cơ sở vật chất, kinh phí, chi phí tổ chức kỳ họp, chi phí việc xây dựng chương trình, nội dung giám sát, tổ chức giám sát, số lượng thành viên tham gia…; yếu tố định tính như năng lực, trình độ, uy tín, kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động của đại biểu HĐND cấp xã. Ở kết quả thu về có thể định lượng như số lượng các kỳ họp, các Nghị quyết, các đoàn giám sát; chất vấn, các cuộc tiếp xúc cử tri… hoặc kết quả thu về có thể xác định bởi yếu tố định tính như thông qua giám sát của HĐND cấp xã, các chủ thể bị giám sát nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình hoạt động theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật; củng cố niềm tin của cử tri đối với cơ quan dân cử. HĐND giám sát hiệu quả, sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Như vậy, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã là chỉ số so sánh giữa kết quả thu được trong thực tế so với chi phí bỏ ra. Mặt khác, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã phải được xác định trên cơ sở thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã được biểu hiện ở khả năng tạo ra những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân địa phương. Điều đó phụ thuộc vào chất lượng các Nghị quyết của HĐND cấp xã về việc quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương, chất lượng hoạt động giám sát của HĐND cấp xã trong thực tế có đạt được kết quả cao hay không. Hoạt động của HĐND cấp xã sẽ không đạt hiệu quả nếu hoạt động đó không tạo ra được những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội của địa phương, không phản ánh và giải quyết được những vấn đề bức xúc của địa phương hoặc chi phí dành cho hoạt động của HĐND cấp xã quá nhiều.

Từ phân tích như trên, có thể xác định: Hiệu quả hoạt động của HĐND

cấp xã là kết quả thu được đảm bảo sự phù hợp giữa việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định so với những chi phí hợp lý về thời gian, trí lực, vật lực, nguồn lực lao động… phục vụ hoạt động của HĐND cấp xã.

Theo Điều 8, Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 thì hiệu quả hoạt động của HĐND được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp HĐND, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, các Ban của HĐND và các đại biểu HĐND.

Một phần của tài liệu Hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở Tỉnh Thanh Hóa (Trang 36 - 38)