Tín dụng ngân hàng

Một phần của tài liệu Hoàn thiện cơ chế tín dụng của hệ thống Ngân hàng nông nghiệp Phát triển nông thôn (Qua khảo sát thực tiễn Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội) (Trang 25)

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ KINH NGHIỆM THỰC TIỄN VỀ HOÀN THIỆN CƠ CHẾ TÍN DỤNG CỦA NGÂN HÀNG

1.1.1.Tín dụng ngân hàng

1.1.1.1 Khái niệm tín dụng ngân hàng

Tín dụng ngân hàng ra đời và tồn tại xuất phát từ đòi hỏi khách quan của quá trình tuần hoàn vốn để giải quyết hiện tượng dư thừa, thiếu hụt vốn diễn ra thường xuyên giữa các chủ thể trong nền kinh tế.

Một cách khái quát, tín dụng là sự chuyển nhượng tạm thời một lượng giá trị (tài sản) từ người sở hữu sang người sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định; khi đến hạn, người sử dụng phải hoàn trả người sở hữu một lượng giá trị lớn hơn giá trị ban đầu gồm lượng giá trị vốn ban đầu và lãi suất.

Như vậy, phạm trù tín dụng có ba nội dung chính là tính chuyển nhượng tạm thời một lượng giá trị, tính thời hạn và tính hoàn trả và có lãi.

Tín dụng có nhiều loại như: tín dụng nhà nước, tín dụng doanh nghiệp, tín dụng cá nhân và tín dụng Ngân hàng. Trong đó, tín dụng ngân hàng là quan hệ chuyển nhượng tài sản (vốn) giữa ngân hàng với các chủ thể khác trong nền kinh tế; Trong mối quan hệ này, ngân hàng vừa giữ vai trò vừa là người đi vay (con nợ) và vai trò là người cho vay (chủ nợ). Đây là mối quan hệ gián tiếp mà người tiết kiệm, tổ chức kinh tế, định chế tài chính thông qua vai trò trung gian của ngân hàng, thực hiện vốn đầu tư vào các chủ thể có nhu cầu về vốn trong nền kinh tế.

Từ phân tích trên, người ta đi đến khái niệm như sau:

Tín dụng ngân hàng là việc ngân hàng thoả thuận để khách hàng sự dụng hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tài sản (bằng tiền, tài sản thực hay uy tín) với nguyên tắc có hoàn trả vốn và lãi.

Phân biệt tín dụng và cho vay: Bất kỳ sự chuyển giao sử dụng tạm thời (có hoàn trả) về tài sản đều phản ánh quan hệ tín dụng; mối quan hệ tín dụng này lại được thể hiện dưới các hình thức: cho vay, chiết khấu, bảo lãnh và cho thuê tài chính.

Khái niệm hoạt động cho vay: Hoạt động cho vay là việc ngân hàng thoả thuận với khách hàng để khách hàng sử dụng một tài sản bằng tiền với nguyên tắc có hoàn trả.

Như vậy, nội dung tín dụng rộng hơn nội dung cho vay, tuy nhiên trong hoạt động tín dụng thì cho vay (tín dụng bằng tiền) là hoạt động quan trọng nhất và chiếm tỷ trọng lớn nhất tại các NHTM. Chính vì vậy, chính vì vậy, thuật ngữ tín dụng và cho vay thường được dùng đan xen và thay thế cho nhau.

1.1.1.2 Sự ra đời và phát triển của tín dụng ngân hàng thương mại trong nền kinh tế thị trường

Tiền tệ và tín dụng gần như có lịch sử tồn tại và phát triển đồng thời. Cũng như tiền tệ, các quan hệ tín dụng phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp và từng bước đa dạng hoá theo sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

Quan hệ tín dụng phát triển thô sơ nhất ngay từ thời kỳ chế độ Cộng sản nguyên thuỷ tan rã. Khi chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất xuất hiện, thì đồng thời cũng xuất hiện quan hệ trao đổi hàng hoá. Bên cạnh đó, hiện tượng phân hoá giàu nghèo cũng hình thành và phát triển. Rất nhiều tư liệu sản xuất và vật phẩm tiêu dùng được tập trung vào một số ít người. Trong khi đó, đại bộ phận các gia đình khác không có hoặc có rất ít những tư liệu trên. Do đó, họ dễ rơi vào tình trạng túng thiếu bởi nhiều lý do khác nhau.

Để duy trì cuộc sống bình thường trong xã hội, tất yếu phải diễn ra quá trình điều hoà sản phẩm từ nơi thừa đến nơi thiếu. Quá trình này được thực hiện dưới hình thức “vay mượn”. Việc cho vay lúc đầu mang tính trợ giúp phi kinh tế. Nhưng dần dần hoạt động này trở thành một nghề của một số ít người giàu có hoặc môi giới trung gian. Những người này sống bằng nghề cho vay. Do số lượng người cho vay ít mà số người cần vay thì nhiều, cho nên người cho vay thu lãi rất cao. Vì vậy, quan hệ Tín dụng này được gọi là “Tín dụng nặng lãi”.

Tín dụng nặng lãi phát triển và trở thành một hình thức cho vay phổ biến trong chế độ chiếm hữu nô lệ và phong kiến. Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử của xã hội loài người, nền sản xuất nhỏ của hai chế độ này là “mảnh đất” tốt để Tín dụng nặng lãi tồn tại và phát triển.

Trong thời gian đầu, Tín dụng nặng lãi được thực hiện bằng hiện vật- hàng hoá. Về sau nó dần dần được tiến hoá theo quá trình mở rộng của quan hệ hàng hoá –tiền tệ.

Mặc dù có lịch sử tồn tại và phát triển lâu dài, nhưng Tín dụng nặng lãi cũng chỉ là một hình thức tín dụng đơn điệu. Hơn thế nữa, do lãi suất quá cao, nên tiền vay chỉ được sử dụng vào mục đích tiêu dùng cấp bách, hoàn toàn không mang mục đích sản xuất. Mặt khác, cũng do lãi suất phải trả quá cao, cho nên những người đi vay đều rơi vào tình trạng phá sản. Vì vậy, tín dụng nặng lãi đã trở thành nhân tố làm suy giảm sức sản xuất xã hội.Nhưng đánh giá một cách công bằng, xét trên giác độ của sự phát triển các phương thức xã hội thì Tín dụng nặng lãi lại góp phần quan trọng vào quá trình tan rã kinh tế tự nhiên” mở rộng quan hệ hàng hoá-tiền tệ tạo tiền đề vật chất cho chủ nghĩa tư bản ra đời.

Khi phương thức chủ nghĩa tư bản chủ nghĩa hình thành và phát triển, thì nền sản xuất hàng hoá lớn cũng phát triển và mở rộng từng bước. Lúc này,

Tín dụng nặng lãi cũng không còn thích hợp với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa nữa. Giai cấp tư sản đã tạo lập cho mình hình thức Tín dụng mới- Tín dụng tư bản chủ nghĩa. Tín dụng tư bản chủ nghĩa từng bước đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế -xã hội. Suất lợi tức của loại hình thức tín dụng này thấp. Hơn nữa, nó lại biểu hiện sự phân chia quyền lợi kinh tế một cách bình đẳng giữa các bên tham gia vào quá trình thực hiện quan hệ tín dụng này, cho nên tín dụng tư bản chủ nghĩa không những mang tính chất sản xuất, mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tín dụng tư bản chủ nghĩa phát triển và mở rộng thì Tín dụng nặng lãi bị co hẹp lại. Vào nửa cuối thế kỷ XX, nền sản xuất hàng hoá được xác lập ở nhiều nước và ở đây Tín dụng nặng lãi gần như bị thủ tiêu hoàn toàn . Tuy nhiên, ở nhiều nước, do sản xuất hàng hoá nhỏ vẫn được duy trì, cho nên tín dụng nặng lãi vẫn còn tồn tại với những mức độ khác nhau.

Ngày nay, do sự phát triển và hiện đại hoá của nền kinh tế thị trường, đòi hỏi các quan hệ và các hình thức tín dụng cũng phát triển đa dạng và phong phú phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế quốc dân.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện cơ chế tín dụng của hệ thống Ngân hàng nông nghiệp Phát triển nông thôn (Qua khảo sát thực tiễn Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội) (Trang 25)