II. TÌM HIỂU LUẬT VIỆC LÀM
47. Tôi là người miền Trung, vào làm trong một công ty đóng giày ở tỉnh Bình Dương được 4 năm Do có tranh chấp với đốc công, tôi bị cho nghỉ việc.
Bình Dương được 4 năm. Do có tranh chấp với đốc công, tôi bị cho nghỉ việc. Sau đó, tôi cũng chưa xin được việc mới, vì các công ty hạn chế tuyển người. Sau khi làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian 06 tháng. Hàng tháng, tôi có thông báo về việc tìm kiếm
việc làm với Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, trong tháng 7 vừa qua, bố tôi ốm, tôi về quê thăm, đúng lúc có lũ lụt, tôi không trực tiếp báo với Trung tâm về việc tìm kiếm việc làm tháng đó được. Tôi có bị cắt trợ cấp thất nghiệp không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 52 Luật việc làm về việc thông báo về việc tìm kiếm việc làm thì:
1. Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động ốm đau, thai sản, tai nạn có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;
b) Trường hợp bất khả kháng.
2. Đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 nêu trên thì người lao động có trách nhiệm thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trường hợp của anh/chị thuộc trường hợp bất khả kháng nên anh/chị không cần phải trực tiếp thông báo việc tìm kiếm việc làm với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tháng đó. Tuy nhiên, anh chị phải báo với Trung tâm về trường hợp bất khả kháng mà mình gặp phải, để không bị ngừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.