Hậu Giang nằm ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông, với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nối liền nhau với tổng chiều dài 2.300 km. Mật độ sông ngòi, kênh rạch khá lớn, khoảng 1,5 km/km2, riêng vùng ven sông Hậu thuộc huyện Châu Thành lên đến 2 km/km2.
Thủy văn tỉnh Hậu Giang bị chi phối bởi hai nguồn chính là sông Hậu và sông Cái Lớn. Do điều kiện địa lý nên chế độ thủy văn của tỉnh vừa chịu ảnh hưởng của nguồn sông Mê Kông và chế độ triều biển Đông thông qua sông Hậu, vừa chịu ảnh hưởng của triều biển Tây thông qua sông Cái Lớn. Là vùng nằm ở hạ nguồn sông Mê Kong nên Hậu Giang cũng chịu ảnh hưởng “tác động kép” (Nguyễn Gia Trân, 2011), một từ tác động nguồn nước đến, hai từ tác động mạnh lên từ phía biển, trong đó có mực nước biển dâng. Vào mùa khô, lưu lượng dòng nước trên sông giảm, nước biển lấn vào, mặn theo các con sông, kênh, rạch đi sâu vào nội đồng gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân ở đây. Chính đặc điểm hệ thống sông ngòi chằng chịt là một nguyên nhân khiến xâm nhập mặn đi sâu vào nội đồng tỉnh Hậu Giang. Hai đặc điểm nổi bật của chế độ thủy văn nước mặt trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là tình trạng ngập úng vào mùa mưa và xâm nhập mặn vào mùa khô.
2.1.4.1. Tình trạng ngập lũ
So với các tỉnh khác ở ĐBSCL, lũ ở Hậu Giang thường đến muộn và cường suất nhỏ. Tuy nhiên, do tỉnh Hậu Giang nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của hai chế độ thủy triều là triều biển Đông qua sông Hậu và triều biển Tây qua sông Cái Lớn, nên khả năng tiêu thoát lũ chậm, đặc biệt là phần diện tích phía nam huyện Châu Thành A và hầu hết diện tích của các huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ và TP. Vị Thanh.
Độ sâu ngập: với cao trình bình quân từ 0,6 m đến 0,8 m, cao nhất 1,2 m đến 1,5 m (ven sông Hậu), thấp nhất là 0 m đến 0,2 m (Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng).
Thời gian ngập: thường kéo dài 2 - 4 tháng, bắt đầu vào khoảng 15 - 30 tháng 7 và kết thúc vào khoảng 15 - 30 tháng 11 tùy từng khu vực, trong đó huyện Châu Thành và Châu Thành A ngập sớm và rút sớm hơn các huyện còn lại. Thời gian ngập rất quan trọng vì nó quyết định việc bố trí mùa vụ và độ an toàn của các mô hình sản xuất. Trên thực tế, vùng ngập trên 4 tháng chỉ có thể làm được 2 vụ/năm, vùng ngập 2 tháng có hệ thống bờ bao chống lũ, tiêu mặn khép kín sẽ luân canh 3 vụ lúa và 1 lúa - màu/năm.
Ngoài những thiệt hại gây ra cho sản xuất và đời sống, lũ lụt cũng có mặt lợi là góp phần bồi đắp thêm phù sa, rửa phèn, mặn và lượng dư thừa của các loại thuốc bảo vệ thực vật, tuy nhiên Hậu Giang là tỉnh nằm ở hạ lưu sông nên lượng phù sa từ sông Hậu, sông Cái Lớn vào đồng ruộng không lớn.
2.1.4.2. Chế độ thủy triều và tình trạng xâm nhập mặn
a. Chế độ thủy triều trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chịu ảnh hưởng của 2 chế độ triều với thời gian, biên độ khá khác nhau:
- Chế độ bán nhật triều biển Đông thông qua sông Hậu có biên độ lớn nhưng không đều, mỗi tháng có 2 kỳ triều cường vào các ngày 15 và 1 âm lịch, kéo dài 2 - 3 ngày; và 2 kỳ triều kém vào các ngày 7 và 23 âm lịch, kéo dài 2 - 3 ngày. Biên độ triều cường lớn (3 - 3,5 m), mực nước đỉnh triều dao động khá nhỏ (0,8 - 1 m) nhưng mực nước chân triều lại dao động rất lớn (1,6 - 3 m). Triều biển Đông truyền rất sâu vào sông Hậu và lan truyền vào các kênh rạch nội đồng ngay cả các tháng trong mùa mưa lũ, rất có lợi cho việc dẫn nước tưới trong mùa khô nhưng bất lợi cho việc tiêu lũ, đặc biệt là khi lũ lớn và kết thúc muộn.
- Chế độ nhật triều biển Tây thông qua hệ thống sông Cái Lớn có biên độ triều thấp, không rõ rệt (0,8 - 1,0 m), mực nước đỉnh triều dao động nhiều (0,6 - 0,8 m).
Bảng 2.2. Diễn biến triều qua các tháng trong năm
Tháng 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 Đỉnh triều 130 110 119 112 107 104 121 132 150 161 158 144 Chân triều -11 -18 -46 -60 -62 -57 -32 4 40 57 54 20 Biên độ 141 128 165 172 169 161 153 128 110 104 104 124
Nguồn: Khí tượng thủy văn Hậu Giang
Phần lớn diện tích tỉnh Hậu Giang chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều không đều của biển Đông thông qua sông Hậu, chỉ một phần diện tích của huyện Long Mỹ và TP. Vị Thanh chịu sự ảnh hưởng của chế độ nhật triều biển Tây thông qua sông Cái Lớn và một phần của huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp, TP. Vị Thanh chịu ảnh hưởng của 2 chế độ triều, trong đó:
- Phần chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều có biên độ lớn (3 - 3,5 m), đỉnh triều cao hơn so với độ cao mặt ruộng 60 - 150 cm, diễn ra 2 lần trong 24 giờ, cường độ truyền triều mạnh, có thể lợi dụng tưới tiêu tự chảy trên quy mô diện tích đáng kể (dài khoảng 80 km và sâu 5 - 10 km) dọc sông Hậu, một số vùng thuộc các huyện Phụng Hiệp, Châu Thành và Châu Thành A có thể tưới tiêu tự chảy hoàn toàn.
- Phần chịu ảnh hưởng triều biển Tây, tuy chỉ cách biển 40 km, song do biên độ triều thấp 35 - 50 cm, đỉnh triều 70 - 90 cm, không thể lợi dụng triều để tưới tiêu tự chảy.
- Phần chịu ảnh hưởng của 2 chế độ triều đã hình thành các khu vực giáp nước ở khu vực của huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp và TP. Vị Thanh, nơi có nhiều đất phèn nên việc rửa mặn, phèn khó khăn.
b. Tình hình xâm nhập mặn
Xâm nhập mặn: mặn của biển Tây theo sông Cái Lớn vào địa phận tỉnh hiện nay chỉ xảy ra ở một phần diện tích phía Nam huyện Long Mỹ và TP. Vị Thanh. Trước đây, do điều kiện cống, đập và đê ngăn mặn chưa hoàn chỉnh nên tình trạng xâm nhập mặn kéo dài ở các tháng mùa khô. Trong những năm gần đây, do hệ thống ngăn mặn được tăng cường và cơ bản đã hoàn chỉnh, nên tình trạng xâm nhập mặn có giảm, tuy nhiên vẫn hoạt động mạnh vào các năm khô hạn kéo dài và các đợt triều cường. Thời gian xuất hiện mặn khoảng 1 - 2 tháng với nồng độ mặn dưới 0,4‰, có thể tận dụng nguồn nước mặn này để phát triển nuôi trồng thủy sản hoặc có thể khắc phục triệt để hiện tượng xâm nhập mặn khi có các dự án xây dựng hệ thống công trình đê bao ngăn mặn của hệ thống sông Cái Lớn.
Trong 5 năm trở lại đây, hàng nghìn người dân tỉnh Hậu Giang phải chịu cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt do hiện tượng xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng. Năm 2011, theo báo cáo của ngành Nông nghiệp Hậu Giang, xâm nhập mặn đã đi sâu vào TX. Ngã Bảy với độ mặn là 6‰. Năm nay, năm 2013, tình hình xâm nhập mặn ở Hậu Giang đến sớm hơn mọi năm và nồng độ mặn lên đến 9 - 11‰ tại một số nơi thuộc TP. Vị Thanh và huyện Long Mỹ (Hè Thu, 2013).
Tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2011 (tính đến tháng 5/2011) như được trình bày trong bảng 2.3.
Bảng 2.3. Tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2011. Độ mặn cao nhất (‰) Vị trí đo
II III IV V Cống Hóc Pó (xã Lương Nghĩa, Long Mỹ) 2,7 3,5 4,9 4,5 Phà Ngan Dừa (xã Lương Tâm, Long Mỹ) 0,1 0,8 1,1 1,5
Độ mặn cao nhất (‰) Vị trí đo
II III IV V
Cống Cái Rắn (xã Xà Phiên, Long Mỹ) 0,1 0,6 0,2 0,2 Cống Cái Đĩa (Trung tâm Giống Mía, Long Mỹ) 0,4 1,2 0,6 0,6 Vàm Cái Dứa (xã Vĩnh viễn, Long Mỹ) 0,1 0,4 0,4 0,4 Đầu kênh Mười Ba, sông Nước Trong (Vĩnh Viễn, Long Mỹ) 0,1 0,2 0,2 0,2 Đầu kênh Sóc Miên chống Mỹ (kênh Hậu Giang 3, Long Mỹ) 0,1 0,1 0,2 0,2 Phà Ngã Ba Nước Trong (xã Hoả Tiến, TP.Vị Thanh) 1,9 3,5 4,2 4,2 Cống Kênh Lầu (xã Hoả Tiến, TP.Vị Thanh) 2,2 3,5 4,2 4,2 Đầu Kênh Năm (xã Hoả Tiến, TP.Vị Thanh) 0,3 2,3 2,3 2,3 Cầu Phà Khu căn cứ Tỉnh Uỷ (Hoả Tiến, TP.Vị Thanh) 0,8 2,1 2,2 2,2 Cầu Cái Tư (xã Tân Tiến, TP.Vị Thanh) 0,1 0,1 0,2 0,2
Chợ Phường 7 (TP.Vị Thanh) 0,1 0,1 0,1 0,1
Cầu 30/4 (TP.Vị Thanh) 0,1 0,1 0,1 0,1
Cầu Ba Liên (xã Vị Đông, Vị Thủy) 0,1 0,1 0,1 0,1 Vàm Xẻo Xu (xã Vĩnh Thuận Tây, Vị Thủy) 0,1 0,1 0,1 0,1 Ngã Ba Vịnh Chèo (xã Vĩnh Thuận Tây, Vị Thủy) 0,1 0,1 0,1 0,1
Nguồn: Chi cục Thuỷ Lợi - Sở NN&PTNT Hậu Giang, năm 2011.