Vị trí xuất hiện xâm nhập mặn do tác động mực nước biển dâng 0 cm (hình 4.12) ở khu vực huyện Long Mỹ, TP.Vị Thanh và một phần nhỏ của TX. Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp. Thông qua bảng màu nhận xét thấy huyện Long Mỹ là nơi duy nhất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang nằm ở 2 ngưỡng mặn của mức 2 và 3 (từ 2‰ đến 3‰), đây là điều hợp lý vì Long Mỹ nằm trong khu vực giáp nước.
Hình 4.12. Bản đồ xâm nhập mặn mực nước biển dâng 0 cm
Theo kịch bản nước biển dâng tỉnh Hậu Giang ở mức 30 cm, xâm nhập mặn lấn sâu hơn vào trung tâm tỉnh Hậu Giang và xuất hiện vùng bị nhiễm mặn mới ở huyện Châu Thành ở mức độ 2 (từ 1‰ đến 2‰). Vị trí mặn vùng 3 ở trường hợp này lan rộng ra vị trí tới phường 7, xã Tân Tiến, Hỏa Tiến. Riêng Long Mỹ độ mặn 3‰ chiếm hầu hết xã Lương Nghĩa và một phần xã Lương Tâm. Theo điều tra hộ gia đình tại 2 xã đã ghi nhận lại vấn đề sinh kế trong mùa nước bị ảnh hưởng mặn hầu như phải thay đổi công năng sử dụng đất, từ việc làm ruộng họ bỏ đất trống hoặc lên líp trồng mía; đan lát lục bình bị ngưng trệ vì độ mặn cao làm héo lá, lục bình không sinh trưởng và chết hàng loạt khi càng về gần vùng tam giác giáp 2 tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu. Hầu như 6 tháng mùa khô bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân chuyển đổi sang chăn nuôi nhiều hơn gieo trồng sản xuất.
Sản lượng lúa ở huyện Long Mỹ khi mực mước biển dâng 75 cm trong phân vùng nhiễm mặn thuộc vùng 4, được xét là năng suất giảm 25%. Và cũng là vùng duy nhất có đất trồng lúa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn nằm trọn trong vùng 4. Theo HTSDĐ 2010, sản lượng lúa giảm đi 1.191,98 tấn (vụ Đông Xuân) và 835,71 tấn (vụ Hè Thu).
Mực nước biển dâng đã đe dọa đến sinh kế của cộng đồng dân cư trong khu vực nghiên cứu ngày càng có tính chất nghiêm trọng. Nhiều biểu hiện đồng loạt cùng xảy ra như: Xâm nhập mặn đã lấn sâu vào trung tâm, nơi tập trung đông đúc dân cư sinh sống và canh tác nông nghiệp, hệ quả là người dân không có nước ngọt dùng trong sinh hoạt, tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, xâm nhập mặn đang có những tác động theo chiều hướng xấu đến năng suất sản lượng lúa đặc biệt là giảm chất lượng hạt gạo - đây là yếu tố quyết định giá cả và thu nhập của hộ nông dân trồng lúa ở địa phương.