Trên cơ sở ba cuộc FGDs cũng như tham khảo bảng câu hỏi điều tra hộ gia đình được thiết kế bởi Worldfish (2011), tác giả đã hoàn thiện bảng câu hỏi cho phù hợp với khu vực nghiên cứu và tiến hành điều tra thử 25 hộ gia đình tại 4 xã Lương Tâm, Lương Nghĩa, Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A thuộc huyện Long Mỹ và 5 hộ gia đình tại xã Tân Tiến, Hỏa Tiến thuộc TP. Vị Thanh vào đầu tháng 3/2013. Kết quả của cuộc điều tra ban đầu khả quan và tác giả tiếp tục hoàn thiện bảng câu hỏi để tiến hành điều tra chính thức (bảng câu hỏi xem phụ lục).
Cuộc phỏng vấn được xem như cuộc trò chuyện thân mật với các hộ gia đình được tập trung thành từng nhóm. Cơ cấu bảng câu hỏi bao gồm 5 phần và được thực hiện thông qua phỏng vấn từng cá nhân. Phần thứ nhất hỏi người trả lời về những thông tin cơ bản của cá nhân, gia đình, giáo dục, nơi ở, nguồn nước sử dụng, tài sản, thu nhập và chi tiêu hộ gia đình. Phần thứ hai nhận dạng thiệt hại trong hoạt động sản
xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tài sản và nguồn nước sinh hoạt do thay đổi khí hậu. Phần thứ ba của bảng câu hỏi tập trung hỏi vào lược sử, những tác động và sự thích ứng với các hiện tượng: bão/lũ lụt, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Phần này tập trung vào lượng giá những tổn thất cũng như đánh giá các chi phí mà hộ gia đình đã bỏ ra để ứng phó với những hiện tượng nêu trên. Phần thứ tư hỏi về nhận thức/kiến thức của người nông dân về BĐKH. Và phần thứ năm tập trung đánh giá những đề xuất những chiến lược cấp thiết để cộng đồng địa phương ứng phó với những tác động của BĐKH trong tương lai.
Huyện Long Mỹ được chọn làm địa điểm nghiên cứu vì đây là những nơi chịu tác động rõ nét và nặng nề nhất của BĐKH. Trong huyện có hai xã Lương Tâm, Lương Nghĩa được chọn ra để tiến hành điều tra hộ gia đình. Việc lựa chọn xã dựa vào ba tiêu chí. Tiêu chí thứ nhất và quan trọng nhất là xã được chọn phải chịu tác động rõ rệt của BĐKH. Tiêu chí thứ hai là mức độ hợp tác của chính quyền địa phương. Tiêu chí thứ ba là khả năng tài chính, thời gian và nguồn nhân lực để đánh giá sâu về vấn đề nghiên cứu.
Tác giả đã làm việc với Lãnh đạo UBND xã Lương Tâm và Lương Nghĩa trong hai ngày để tìm hiểu đặc điểm sinh hoạt hằng ngày của khu vực thực hiện cuộc điều tra. Phỏng vấn được tập trung thực hiện cả ngày và các trưởng ấp đã có sự thông báo trước để đảm bảo không gây khó khăn về giờ giấc sinh hoạt của người trả lời phỏng vấn, đảm bảo yếu tố người trả lời phỏng vấn là chủ hộ (ngoại trừ trường hợp chủ hộ đi ăn làm xa và các trường hợp bất khả kháng khác).
Nghiên cứu sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Tại mỗi xã được chọn nghiên cứu, việc điều tra bao phủ hết tất cả các ấp với mong muốn mẫu thu được sẽ có thể đại diện cho cộng đồng dân cư khu vực. Những hộ gia đình được chọn dựa vào cơ cấu nghề nghiệp của xã chủ yếu là nông nghiệp. Thời gian phỏng vấn cho mỗi hộ gia đình là từ 1 đến 2 giờ.
Từ ngày 05 đến ngày 25/3/2013 tác giả đã tiến hành điều tra được 75 hộ gia đình tại xã Lương Tâm. Từ ngày 26/3/2013 đến ngày 20/5/2013 tiếp tục thực hiện điều tra tại xã Lương Nghĩa với 137 hộ gia đình.
Dữ liệu được mã hóa bởi phần mềm Microsoft Access 2010 và được phân tích bằng phần mềm Microsoft Excel 2010.