Phân tích các nhân tố tác động đến sự phát triển nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu phát triển nguồn nhân lực tại công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 4 (Trang 53)

2.2.1.1. Môi trường bên trong

a) Yếu tố công nghệ và hệ thống quản lý chất lượng

(1) Công nghệ: Trong những năm vừa qua, để nâng cao năng lực công tác tư vấn khảo sát, thiết kế, Công ty đã không ngừng đầu tư đổi mới, bổ sung nhiều thiết bị, máy móc chuyên dùng phục vụ công tác khảo sát địa chất, địa hình với công nghệ tiên tiến, các phần mềm tính toán chuyên ngành… Đảm bảo đáp ứng các yêu cầu hoạt động tư vấn đồng bộ phục vụ đầu tư xây dựng các lĩnh vực điện, giao thông, thủy lợi, công trình dân dụng, công nghệ, cơ sở hạ tầng...

(2) Hệ thống quản lý chất lượng: Công ty đã được tổ chức BVQI – Vương quốc Anh (nay là tổ chức BUREAU VERITAS CERTIFICATION) cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001: 2000 số 162509 ngày 01/10/2004 (của tổ chức BVQI) và số 221064 ngày 01/12/2007 (của tổ chức BUREAU VERITAS CERTIFICATION).

Nhân tố này ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch cũng như chiến lược phát triển nguồn nhân lực tại Công ty, và là một trong những cơ sở để Đối tác có thể tin tưởng về tính chuyên nghiệp của Công ty trong công tác tư vấn thiết kế. Vì để Nguồn nhân lực của Công ty trang bị đầy đủ kiến thức, trình độ kỷ thuật, ứng dụng công nghệ, cũng như có nhân lực là các đánh giá viên nội bộ có khả năng xây dựng, duy trì và áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000 phù hợp với thông lệ quốc tế, Công ty phải có kế hoạch phát triển nguồn nhân lực như đào tạo nguồn nhân lực một cách kịp thời để chứng tỏ khả năng cung cấp dịch vụ tư vấn xây dựng các công trình điện một cách ổn định, có khả năng đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và các yêu cầu chế định đòi hỏi.

b). Thương hiệu và văn hoá doanh nghiệp

(1) Thương hiệu:

Thương hiệu PECC4 hiện nay đã có được vị trí nhất định trên thị trường tư vấn xây dựng điện Việt Nam. Việc các đối tác nước ngoài, trong đó có nhiều đối tác có bề dày truyền thống trong lĩnh vực tư vấn – đầu tư điện năng đến đề nghị hợp tác trong các lĩnh vực tư vấn xây dựng các công trình nguồn và lưới điện, đã khẳng định được thương hiệu của PECC4, như các Công ty:

 COLENCO (Công ty Tư vấn Xây dựng Điện Thuỵ Sỹ)  ECIDI (Viện Khảo sát Thiết kế Hoa Đông Trung Quốc)  TEPSCO (Công ty Điện lực Tokyo - Nhật Bản)

 FICHTNER GmbH(Công ty Tư vấn Xây dựng Điện Fichtner-CHLB Đức)  KOPEC (Công ty Xây dựng Điện Hàn Quốc)

 NIPPON KOEI

 JPOWER (Electric Power Development Company LTD - Nhật Bản)  POYRY ENERGY Ltd (Thuỵ Sỹ)

 Tập đoàn SUMITOMO - Nhật Bản  EDF - Tổng công ty Điện lực Pháp

 Tập đoàn SUEZ - ENERGY INTERNATIONAL (BỈ)

Vì vậy thương hiệu của Công ty chính là lực hút đối với Nguồn nhân lực có chất lượng cao từ các nơi khác đến xin làm việc tại Công ty. Cũng chính vì PECC4 là thương hiệu mạnh nên việc duy trì, giữ chân Nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng chuyên môn cao, không để bị chảy máu “chất xám” là vấn đề rất quan trọng trong việc phát triển Nguồn nhân lực của PECC4.

(2) Văn hoá doanh nghiệp:

Bản sắc văn hóa doanh nghiệp là động lực quan trọng của doanh nghiệp trong quá trình tạo dựng niềm tin, uy tín đối với khách hàng và thị trường. Văn hóa doanh nghiệp sẽ làm gia tăng vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua việc tạo dựng dấu ấn của doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng và xã hội, là nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Hiểu được tầm quan trọng của của Văn hóa doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực, PECC4 chủ trương xây dựng công ty thành một tổ chức học hỏi, khuyến khích nhân viên trao đổi và làm việc theo nhóm, đây chính là phương pháp hữu hiệu để phát huy sáng kiến cũng là công cụ để tạo ra các sản phẩm tư vấn có chất lượng cao. Việc tổ chức hình thành các nhóm trong công ty trong thời gian qua đã chứng minh đây là một trong những phương pháp rất tích cực, giúp nhân viên năng động hơn, cải tiến để thoả mãn khách hàng tốt hơn với chi phí thấp hơn.

Tuy nhiên, việc xây dựng văn hoá ở PECC4 trong thời gian qua vẫn còn rất nhiều việc phải làm, chưa khẳng định được nét văn hoá riêng của PECC4.

(c). Đặc điểm sản xuất kinh doanh

Do đặc điểm ngành nghề kinh doanh chính trong lĩnh vực tư vấn xây dựng điện, do đó nhu cầu nguồn nhân lực đối với từng ngành nghề phục vụ cho công tác tư vấn thiết kế cũng khác nhau.

Đặc thù của loại hình kinh doanh này là thời gian thực hiện dự án từ lúc triển khai đến hoàn thành mất nhiều năm, nguồn kinh phí phục vụ quá trình thực hiện lớn, điều này đòi hỏi Lãnh đạo Công ty phải có kế hoạch về tài chính, thời gian triển khai thực hiện cùng với sự điều phối nguồn nhân lực sẽ thực hiện phải phù hợp mới có thể đảm bảo tiến độ, yêu cầu chất lượng của Chủ đầu tư và đồng thời đảm bảo được mục tiêu quan trọng về phát triển nguồn nhân lực của Công ty khi tham gia thực hiện tư vấn các dự án.

(d) Hoạt động Marketing và dịch vụ khách hàng

Hoạt động Marketing của PECC4 gắn liền với tốc độ tăng trưởng phụ tải, hay nhu cầu đầu tư phát triển nguồn và lưới điện đồng bộ với việc phát triển phụ tải. Sản phẩm của PECC4 là các hồ sơ đề án các dịch vụ về tư vấn lưới điện và nguồn điện. Do đó yêu cầu đặt ra trong việc phát triển nguồn nhân lực là xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực phải có đủ trình độ và kỹ năng để duy trì sự tín nhiệm của khách hàng cũ, đem lại những khách hàng mới (được tạo ra bởi sự thỏa mãn nhu cầu và sự kỳ vọng của họ).

2.2.1.2. Môi trường bên ngoài a) Môi trường vĩ mô

- Môi truờng chính trị, pháp luật

Việt Nam là một trong những quốc gia có nền chính trị ổn định trên thế giới. Theo đánh giá của Uỷ ban đánh giá những nguy cơ chính trị và kinh tế (có trụ sở tại Hongkong-PERC), hiện nay, Việt Nam được bầu chọn là nước an toàn nhất để kinh doanh tại Châu Á - Thái Bình Dương.

Những điều kiện thuận lợi của môi trường chính trị, pháp luật mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn nói riêng, đó là tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Từ đó thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Công ty.

- Môi truờng kinh tế

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước trong những năm qua đạt khá cao và Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc loại cao trong khu vực và trên thế giới. Môi trường xã hội của Việt Nam ổn định đã tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam.

Nhu cầu đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngày càng tăng cao. Đặc biệt là nhu cầu đầu tư xây dựng phát triển hệ thống nguồn và lưới điện để đảm bảo đáp ứng đầy đủ điện năng cho phát triển kinh tế xã hội và an ninh năng lượng của đất nước. Đây là tiềm năng về thị trường của các dịch vụ tư vấn đầu tư xây dựng điện.

Việc xây dựng Nguồn nhân lực có đủ khả năng tiếp cận và thực hiện với khối lượng công việc dự báo sắp đến là lớn đòi hỏi Công ty phải sớm xây dựng kế hoạch và chiến lược Nguồn nhân lực trong giai đoạn từ nay đến 2015, có tính đến năm 2020.

b) Môi trường vi mô

- Đối thủ cạnh tranh hiện có

Để thực hiện nhiệm vụ làm chủ đầu tư các dự án phát triển ngành điện do nhà nước giao cho, Tập Đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công thương đã thành lập các đơn vị tư vấn chính của ngành điện, bao gồm:

 04 Đơn vị tư vấn thuộc EVN:

oCông ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 tại TP Hồ Chí Minh

oCông ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 tại TP Hồ Chí Minh

oCông ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4 tại Nha Trang  01 Đơn vị tư vấn thuộc Bộ Công Thương:

o Viện Năng lượng tại Hà Nội

 Ngoài các Công ty tư vấn trên còn các trung tâm thiết kế trực thuộc các Tổng công ty điện lực miền, các công ty xây lắp…, các đơn vị này chủ yếu hiện nay, tập trung khảo sát thiết kế về lưới địên trung và hạ áp.

- Khả năng gia nhập của đối thủ cạnh tranh mới

Hiện nay, đã xuất hiện các tổ chức tư vấn quốc tế đang nghiên cứu vào thị trường Việt Nam, một số công ty tư vấn nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam theo hình thức EPC đối với các dự án lớn - do các tổ chức tín dụng quốc tế tài trợ tín dụng (chủ yếu là các dự án nhiệt điện và sắp tới là các dự án Điện hạt nhân); một số công ty tư vấn nước ngoài tham gia tư vấn dưới hình thức hỗ trợ cho tư vấn trong nước ở một số dự án có quy mô lớn, công nghệ phức tạp, đòi hỏi những chuyên gia hàng đầu có kinh nghiệm quốc tế mới đáp ứng được yêu cầu. Nhìn chung, chi phí phải trả cho chi phí tư vấn nước ngoài cao hơn nhiều so với tư vấn trong nước.

Ngoài những tổ chức tư vấn quốc tế sắp tới sẽ tham gia nói trên. Hiện nay, các Tập đoàn, Tổng Công ty lớn cũng đang thành lập các đơn vị tư vấn của mình để hoạt động trong lĩnh vực tư vấn xây dựng điện như Tập đoàn Dầu khí (tư vấn chủ yếu trong lĩnh vực nhiệt điện), Tổng Công ty Sông Đà (tư vấn chủ yếu trong lĩnh vực thuỷ điện)… Tuy nhiên, các công ty này chủ yếu thực hiện công tác tư vấn đối với các dự án do Tập đoàn và Tổng Công ty của họ làm chủ đầu tư (tư vấn một phần công việc, một giai đoạn nào đó … hoặc phải liên kết với các công ty tư vấn khác). Các công ty tư vấn này hiện nay, chưa có khả năng cạnh tranh ra thị trường ngoài ngành, nhất là các dự án thuộc ngành điện đầu tư và quản lý.

- Thị trường nhân lực:

Thị trường nguồn nhân lực có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh của Công ty nói chung và công tác phát triển Nguồn nhân lực nói riêng. Hiện nay ngành nghề kinh doanh chính của Công ty vẫn là Tư vấn xây dựng điện, việc kịp thời đáp ứng yêu cầu về phát triển Nguồn nhân lực có chuyên môn về điện công nghiệp - xây dựng – kiến trúc – nhiệt điện – điện hạt nhân ... để tham gia thực hiện các dự án nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng doanh thu, đảm bảo các chỉ tiêu về tài chính là một thách thức.

Với vị trí đóng trên địa bàn Thành phố Nha Trang, nguồn nhân lực cần tuyển được đào tạo và có khả năng đáp ứng yêu cầu chuyên môn tại Công ty ở Tỉnh Khánh Hòa là rất thấp (chủ yếu là một số ít kỹ sư khoa cơ khí chế tạo Trường Đại học Nha Trang về làm việc tại Trung Tâm tư vấn xây dựng Thủy điện), trong khi nguồn cung cấp nhân lực chủ yếu từ các trường Đại học và Cao đẳng kỹ thuật lại nằm ở các tỉnh xa như Đà Nẵng (Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng), TP Hồ Chí Minh (Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Kiến trúc), Hà Nội (Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội, Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Bách Khoa, Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc..). Tuy nhiên, tại các địa bàn này cũng tập trung rất nhiều đơn vị Ngành điện hoạt động, kể cả các đơn vị cạnh tranh cùng ngành, vì vậy việc thu hút, duy trì nguồn nhân lực từ các tỉnh xa về làm việc tại Công ty là khó khăn và đương nhiên việc thu hút - duy trì nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm chấp nhận vào làm việc và cống hiến lâu dài lại càng khó khăn gấp bội. Qua đó cho thấy thị trường nhân lực cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực tại PECC4.

Một phần của tài liệu phát triển nguồn nhân lực tại công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 4 (Trang 53)