7. Cấu trúc của luận văn
1.2.7 Tính hệ thống
Có thể nói đây là đặc tính quan trọng nhất của THTM. Vì mang bản chất là TH nên THTM bao giờ cũng thuộc về một hệ thống nhất định, chịu sự chi phối của các yếu tố khác và xác lập giá trị của mình trong mối quan hệ với các yếu tố cùng hệ thống.
F.de Sausure cho rằng “ Người ta không nói bằng tín hiệu riêng lẻ mà bằng từng nhóm TH, từng khối có tổ chức vốn cũng là TH”[64, tr107]. Có nghĩa là tính hệ thống là một đặc tính đã làm nên bản chất tín hiệu của ngôn ngữ, do đó ta chỉ hiểu được một THTM khi đặt nó vào hệ thống mà nó đang hành chức.
Theo Nguyễn Lai, khi nói đến tính hệ thống của ngôn ngữ thì phải nhìn nó cả theo hai hướng lịch đại và đồng đại. Đối lập với bản thân nó và đối lập với cái xung quanh nó [31, tr 35-36]. Trong ngôn ngữ, đó chính là tính hình tuyến của tín hiệu. Do áp lực của các nhân tố xung quanh (tính hình tuyến) mà nghĩa của từ có thể có những biến đổi nhất định.
Ví dụ hai câu thơ sau:
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
(Đây mùa thu tới- Xuân Diệu).
Từ “nghe” vốn là để nói về một hoạt động tiếp nhận âm thanh bằng thính giác, nhưng ở đây nó lại được dùng để nói về những chuyển đổi tinh vi của thời tiết trong lúc giao mùa. Cái rét rất vô hình mà ta chỉ cảm nhận được nay trở nên rất hữu hình sống động. Nghĩa của từ “nghe” có sự biến đổi so với ngữ nghĩa thông thường là do tác giả đã sáng tạo đặt nó trong kết hợp với rét mướt. Nếu
thay thế rét mướt bằng loại sự vật, hiện tượng như nhạc, tiếng mưa thì không
thể có cách hiểu như trên. Thực chất là nghĩa của từ đã chịu sự chi phối của những yếu tố trong hệ thống. Có thể suy ra là nghĩa cụ thể của ngôn ngữ chỉ có thể được xác định thông qua một tập hợp nhiều từ. Điều đó đòi hỏi không chỉ đối với người sử dụng ngôn ngữ với tư cách như là tín hiệu mà ngay cả với người tiếp nhận thì cũng đòi hỏi phải nhận ra tập hợp có tính hệ thống trên.
Chính tính hệ thống là cơ sở của tính sáng tạo trong sử dụng ngôn ngữ, tạo ra được sự cộng hưởng ngữ nghĩa giữa các yếu tố ngôn ngữ, mang lại những giá trị mới cho tín hiệu ngôn ngữ. Ví dụ, cùng một màu xanh mà với những kết hợp khác nhau lại đem đến những sắc thái cảm xúc riêng biệt. Đó là màu xanh đầy sức sống của tiết trời xuân trong thơ Nguyễn Du “Cỏ non xanh rợn chân trời”, một màu xanh của nỗi đau đớn khi mất nước trong thơ Tú Mỡ: “Đứng trông làn nước vẩn xanh ngầu”, màu xanh bát ngát của bầu trời nơi giáp tuyến mang nỗi nhức nhối của sự chia cắt: “Trời vẫn xanh một màu Quảng Trị”- một màu xanh vô hình, trừu tượng nhưng lại được chấp nhận trong lôgíc liên tưởng... Và màu xanh kỳ lạ trong thơ Chế Lan Viên “Cỏ bên trời xanh một sắc Đạm Tiên” vừa hư vừa thực, có cái gì mơ hồ và cũng có một chút gì đó linh thiêng, huyền bí...
Tính hệ thống của THTM được xem xét từ hai khía cạnh: khía cạnh nội tại (cấu trúc), với những quy luật thuộc cấu trúc tác phẩm và khía cạnh ngoại tại
(chức năng) với những quy luật về sự hoạt động thực hiện các chức năng giao tiếp của sáng tạo nghệ thuật. Ở khía cạnh cấu trúc tác phẩm, cần phân biệt hai bình diện: bình diện trừu tượng và bình diện cụ thể của hệ thống. Thuộc bình diện trừu tượng là những hằng thể (nguyên mẫu, định dạng, mẫu gốc). Thuộc bình diện cụ thể là những biến thể (hiện dạng).