7. Cấu trúc của luận văn
1.2.6 Tính truyền thống và cách tân
Theo Đỗ Hữu Châu: “Truyền thống và cách tân là hai phương diện biện chứng của THTM”[6, tr559]. Nói đến tính truyền thống là nói đến tính cố định, tính lặp lại, tính kế thừa, có sẵn của THTM trong kho tàng nghệ thuật của một dân tộc. Nói đến cách tân là nói đến sự đổi mới, sự sáng tạo trong việc sử dụng THTM của mỗi tác giả, thậm chí là trong từng tác phẩm.
Việc sử dụng THTM đều đặn, thường xuyên theo thói quen lâu dần sẽ trở thành chuẩn mực, những khuôn mẫu chuẩn mực phong cách riêng cho cả trào lưu, trường phái, giai đoạn, thời kỳ văn học...Những yếu tố truyền thống khi được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ sẽ tạo nên tính hàm súc và có sức khơi gợi thẩm mỹ lớn lao. Tính truyền thống cũng là điều kiện nhất định về mặt liên tưởng giúp cho việc lĩnh hội THTM trong tác phẩm, đồng thời là “bức phông nền” cho sự sáng tạo, phá cách.
Các tác giả sử dụng THTM theo chuẩn nhưng cũng cần phải đổi mới để tạo nên sự mới mẻ, hấp dẫn. Nếu không có sự cách tân thì THTM sẽ trở nên mài mòn, mất đi giá trị gợi hình tượng, gợi cảm xúc, không phản ánh đúng tư tưởng, tình cảm phong phú của con người.
Ví dụ như hình ảnh quả cau, miếng trầu là hình ảnh quen thuộc trong văn học dân gian nhưng dưới ngòi bút của Bà chúa thơ Nôm nó lại mang một nét riêng biệt khó trộn lẫn: Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi. Câu thơ không chỉ nói
về quả cau, miếng trầu nhỏ mọn, bình thường, kém thơm ngon mà còn khơi gợi đến hình ảnh về người mời trầu với thân phận bình thường, thậm chí nghèo hèn và có số phận hẩm hiu.
Như vậy, cái mới trong cách sử dụng THTM của tác giả có thể được thể hiện trong việc xây dựng một THTM hoàn toàn mới, nhưng chủ yếu vẫn là ở sự cách tân các THTM, ở việc đổi mới các THTM có sẵn trong truyền thống. Chính trong tương quan với truyền thống, những nét mới mẻ độc đáo ở các THTM mới được bộc lộ mang lại cho chúng những ý nghĩa thẩm mỹ mới.