Khái quát tình hình phát triển xã hội

Một phần của tài liệu thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực khai thác và phát triển quỹ đất trên địa bàn tỉnh hậu giang (Trang 49)

2.1.3.1. Tình hình văn hóa, giáo dục, y tế

- Về văn hóa:

Các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá kết hợp đẩy mạnh theo hướng xã hội hóa, đa dạng hóa được thực hiện có hiệu quả, nâng cao chất lượng các loại hình văn hóa; cơ sở vật chất văn hóa từ tỉnh đến các huyện, thị xã được đầu tư, nâng cấp; thực hiện trùng tu, tôn tạo Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy, Di tích chiến thắng 75 tiểu đoàn địch, Đền thờ Bác Hồ..., từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu học tập và tạo điều kiện nâng cao mức hưởng thụ văn hoá nghệ thuật cho mọi tầng lớp dân cư.

Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá được triển khai sâu rộng và đi vào thực chất. Đến năm 2013, toàn tỉnh xây dựng được 54/73 đơn vị xã, phường, thị trấn văn hoá (năm 2005 là 22 xã),

Tổ chức phát động Phong trào thi đua “Cả nước Chung sức xây dựng nông thôn mới” của Chính phủ; Các sở, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, các xã đều đã triển khai phát động, đã nâng cao được hiểu biết, nhận thức của cán bộ và quần chúng nhân dân về Chương trình. Năm 2010 toàn tỉnh bắt đầu phát động xây dựng xã nông thôn mới, đến năm 2013 có 03 xã được công nhận và 11 xã điểm nông thôn mới đạt từ 9 - 17 tiêu chí và 37 xã còn lại đạt từ 6 - 7 tiêu chí.

- Giáo dục và đào tạo:

Phát triển cả về qui mô, chất lượng, loại hình đào tạo, cơ sở vật chất. Chủ trương xã hội hóa giáo dục đã và đang phát huy hiệu quả, chất lượng giáo dục được chuyển biến, giáo dục vùng sâu, vùng xa có những tiến bộ, trình độ dân trí được nâng lên.

Thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo, tiếp tục triển khai chương trình kiên cố trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2009 - 2013, đẩy mạnh xã hội hoá trong giáo dục, đến năm 2013 có 54/309 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 17,5% tổng số trường trên toàn tỉnh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành đã được cải thiện, đầu tư cho sự nghiệp giáo dục được tăng hàng năm với việc huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn. Thành lập mới trên 70 trường, trong đó có trường Đại học Võ Trường Toản, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề đã đi vào hoạt động; nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông từng bước đáp ứng được nhu cầu học tập.

Hệ thống giáo dục tiếp tục đổi mới theo hướng đa dạng, linh hoạt tạo thuận lợi cho học sinh, sinh viên; các loại hình giáo dục không chính quy phát triển nhanh; mạng lưới trường lớp theo hướng kiên cố hóa được mở rộng đến vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc. Các địa phương và nhà trường đã có nhiều biện pháp trợ giúp, tạo điều kiện học tập các đối tượng thuộc diện chính sách, đồng bào dân tộc và học sinh nghèo vượt khó.

Tỷ lệ huy động học sinh ở các cấp học đến trường được duy trì ổn định với chiều hướng tăng hàng năm và đạt kế hoạch 5 năm đề ra. Đến năm 2013 huy động trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ 10,5%, trẻ trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi đi mẫu giáo 88%. Huy động học sinh tiểu học trong độ tuổi từ 6 - 10 tuổi đến trường 99%, học sinh trung học cơ sở trong độ tuổi từ 11 - 14 tuổi 87%; học sinh trung học phổ thông trong độ tuổi từ 15 - 17 tuổi 56%; ngành đã khắc phục tình trạng học sinh ngồi nhằm lớp, từng bước giảm dần tỷ lệ học sinh bỏ học.

- Y tế:

Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nâng lên, y tế cơ sở từng bước được củng cố phát triển, các trạm y tế xã đều đạt chuẩn quốc gia (đến 2013 đã có 73/73 trạm y tế 100%), nâng cao năng lực điều trị, chỉ số thu hút bệnh nhân về tuyến y tế cơ sở ngày càng tăng, giải tỏa được một phần áp lực bệnh nhân về tuyến tỉnh và huyện.

Đưa vào sử dụng bệnh viện đa khoa tỉnh Hậu Giang với qui mô 500 giường, cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị y tế được hiện đại hóa, đội ngũ nhân viên được đào tạo cơ bản đảm bảo nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học ứng dụng và phát triển nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, phục vụ nhân dân trong toàn tỉnh và khu vực, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới một số bệnh viện ở tuyến huyện. Tổng số cơ sở y tế tính đến 2013 có 95 tăng 17 cơ sở so với năm 2005, trong đó có 9 bệnh viện đa khoa, 13 phòng khám đa khoa khu vực và 73 trạm y tế xã phường, 1.860 giường bệnh, tăng 1060 giường so với năm 2005 chỉ 800 giường. Cán bộ y tế trong tỉnh đến 2013 là 2.514 người, tăng so với năm 2005 là 1.130 người, đến 2013 đạt 90% trạm y tế có bác sĩ (năm 2005 chỉ đạt 27,5%).

2.1.3.2. Công cuộc xóa đói giảm nghèo

Bằng nhiều biện pháp như tổ chức dạy nghề, cho vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm..., tạo điều kiện cho người lao động sản xuất kinh doanh, đã giải quyết việc làm cho lượng lớn người lao động trong những năm qua, riêng năm 2013 Hậu Giang đã giải quyết việc làm cho 24.500 lao động

Với sự xác định và thực hiện đúng hướng nên tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 của tỉnh Hậu Giang trên 14%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; nông nghiệp tăng trưởng 4,01%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ thực hiện tăng 2,2%... Công tác đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng dần mức sống dân cư ở các xã nghèo, các vùng khó khăn. Tạo điều kiện thuận lợi để người thất nghiệp, người thiếu việc làm và người nghèo tiếp cận được các dịch vụ công, được trợ giúp hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, giúp người nghèo tăng thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện Hậu Giang có tỷ lệ hộ nghèo thấp thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Long An là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất (5,76%), kế đến là Cần Thơ (6,62%), Hậu Giang (19,4%), Sóc Trăng (22,68%), Trà Vinh (20,13%). Năm 2013, Hậu Giang phấn đấu tăng thu nhập bình quân đầu người đạt 36

triệu đồng/người; giải quyết việc làm cho 30.000 lao động (theo báo cáo tổng kết năm 2013 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang).

Một phần của tài liệu thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực khai thác và phát triển quỹ đất trên địa bàn tỉnh hậu giang (Trang 49)