3.1. Quan điểm trong thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực khai thác và phát triển quỹ đất ở tỉnh Hậu Giang đất ở tỉnh Hậu Giang
Mục tiêu đến năm 2030 đưa tỉnh Hậu Giang trở thành tỉnh có nền công nghiệp và dịch vụ phát triển.
Giai đoạn từ năm 2025 đến 2030 tỉnh Hậu Giang phát triển theo hướng đô thị hóa nông thôn. Cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp phát triển hài hòa. Đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm 90% GDP của tỉnh, nông nghiệp khoảng 10% , đến 2030 công nghiệp, dịch vụ chiếm 94 - 95% GDP, nông nghiệp chiếm khoảng 5 - 6%. Hình thành trung tâm dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trung tâm du lịch, trung tâm giao thương và phân phối hàng hóa, công – nông nghiệp công nghệ cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm khoảng 60 - 70%. Thu nhập bình quân/người đến năm 2025 đạt 4.600 – 4.700 USD. Đến năm 2030 từ 6.800 – 7.000 USD/người, các vấn đề xã hội được giải quyết cơ bản.
Quan điểm khai thác và sử dụng đất đai phải bảo đảm được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thỏa mãn nhu cầu lợi ích của xã hội và của người sử dụng đất trong mối quan hệ phát triển bền vững với môi trường sinh thái. Khai thác sử dụng triệt để tiềm năng đất đai của địa phương, theo quan điểm tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả quỹ đất đai.
Đảm bảo thực hiện chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030 và xa hơn, cụ thể là Nghị quyết tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2010 - 2015, chỉ ra việc bố trí sử dụng đất phải dựa trên 4 mục tiêu cơ bản:
+ Mục tiêu tăng trưởng và phát triển; + Mục tiêu hiệu quả an sinh xã hội;
+ Mục tiêu môi trường, phát triển bền vững; + Đảm bảo an ninh lương thực.
Bố trí sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt, ưu tiên bố trí đủ quỹ đất cho lĩnh vực kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng phúc lợi xã hội, đặc biệt là bố trí quỹ đất để quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Cân đối quỹ đất để đáp ứng nhu cầu xây dựng các đô thị,
khu, cụm tuyến công nghiệp, khu dân cư và tái định cư, nhất là các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp, các công trình dịch vụ thương mại, du lịch. Tăng cường khai thác các vị trí thuận lợi, đắc địa của các thửa đất, khu đất (nhất là đất đai thuộc diện Nhà nước quản lý, sử dụng), tái đầu tư xây dựng và thu hút đầu tư từ các nguồn lực khác bên ngoài. Xây dựng cơ chế chính sách hợp lý nhằm tạo quỹ đất dự trữ, đất sạch để chủ động đáp ứng nhu cầu đất đai, tạo thuận lợi để kêu gọi và thu hút đầu tư.