* Nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư:
Một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến sự khai thác và phát triển quỹ đất, là một tiêu chí đánh giá sự thành công của một địa phương, đó là kết quả của công tác xúc tiến đầu tư. Xúc tiến đầu tư là kết quả tổng hợp của chính sách vĩ mô (môi trường tổng quát) và chính sách vi mô (thuộc vùng, địa phương và của Nhà đầu tư). Để thành công trong việc kêu gọi đầu tư khai thác và phát triển quỹ đất phải xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư, trong đó xây dựng môi trường đầu tư có tính cạnh tranh công bằng là phương tiện để đạt mục tiêu thu hút đầu tư vào các dự án với giá trị gia tăng lớn.
Sau khi tạo ra được môi trường đầu tư thật sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư thì tỉnh cũng cần chú ý đến công tác vận động, xúc tiến đầu tư. Bởi vì, một môi trường đầu tư dù có nhiều thuận lợi, thông thoáng… nhưng ít được các nhà đầu tư biết đến hoặc hiểu không đầy đủ, sai lệch thì cũng không thu hút được nhiều nhà đầu tư. Vì vậy, đẩy mạnh việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng cáo môi trường đầu tư rộng rãi ra
bên ngoài nhất là đối với các đối tác lớn, các đối tác chính, các tập đoàn kinh tế mạnh trong và ngoài nước…là rất cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Không cần bàn cải, đối với một tỉnh có 14,28% doanh nghiệp cho là rất khó khăn và 67,85% doanh nghiệp cho là khó khăn trong việc đăng ký kinh doanh thì việc các doanh nghiệp cho một tỷ lệ thấp trong xúc tiến đầu tư là lẽ đương nhiên. Lại thêm một hồi chuông báo động để cảnh tỉnh các nhà hoạch định chính sách của Hậu Giang trong việc tiếp tục cải cách hành chính và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tìm đối tác nếu Hậu Giang không muốn bị các nhà đầu tư quay lưng lại với mình.
Hiện công tác xúc tiến, vận động đầu tư của tỉnh có thể nói là chưa được quan tâm đúng mức, kinh phí bố trí cho hoạt động xúc tiến đầu tư từ ngân sách hàng năm của tỉnh cũng còn khá khiêm tốn và hầu như chưa có. Công tác tổ chức thực hiện chưa được bài bản, nội dung và phương thức vận động còn khá đơn giản, chưa mang tính chủ động, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan đơn vị nên đã hạn chế công tác vận động, xúc tiến đầu tư. Phần lớn các dự án đầu tư được cấp phép đều do bên ngoài chủ động tiếp xúc và thực hiện. Do đó, trong thời gian tới tỉnh cần quan tâm nhiều hơn nữa và dành một phần kinh phí thỏa đáng trong tổng chi thường xuyên của ngân sách địa phương hàng năm cho công tác này. Trên cơ sở các danh mục kêu gọi vốn đầu tư bên ngoài và các biện pháp khuyến khích đầu tư, tỉnh cần chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức xúc tiến đầu tư, các tỉnh, thành phố như: thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Dương…và các cơ quan có liên quan khác xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình vận động, xúc tiến đầu tư hàng năm; tổ chức tốt việc tuyên truyền về đầu tư trực tiếp nước ngoài, trước hết là đối với các đối tác đầu tư chính, các tập đoàn và các công ty lớn trong và ngoài nước.
Mở rộng công tác vận động thu hút đầu tư, quan hệ chặt chẽ với các đối tác nước ngoài chính đã đầu tư vào tỉnh và Việt Nam, các nước phát triển, các tập đoàn kinh tế, các tổ chức xúc tiến, tư vấn đầu tư ở trong và ngoài nước, cũng như các tổ chức quốc tế khác để giới thiệu về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, các chính sách thu hút đầu tư và các dự án kêu gọi đầu tư cùng với những ưu đãi, khuyến khích đầu tư của tỉnh.
Xây dựng hoàn thiện hệ thống thông tin và thực hiện có hiệu quả chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành hoạt động đầu tư nước ngoài, xúc tiến trao đổi trên mạng thông tin của tỉnh với các doanh nghiệp đầu tư
nước ngoài, với địa phương khác trong và ngoài nước. Hoàn chỉnh trang website của tỉnh cả về nội dung lẫn hình thức trên Internet nhằm giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh của các nơi hấp dẫn đầu tư và thân thiện, có lợi cho nhà đầu tư.
Liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong công tác thu hút đầu tư và phân bố ngành nghề hợp lý căn cứ trên lợi thế cạnh tranh của từng địa phương.
Tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề, hội nghị về đầu tư. UBND tỉnh cần tổ chức các cuộc tiếp xúc định kỳ hàng năm (quý) để lắng nghe những ý kiến đề xuất, tạo cơ sở cho việc cải thiện môi trường đầu tư sát thực, có hiệu quả cao; đồng thời còn là hình thức nâng cao uy tín của Hậu Giang trước các nhà đầu tư.
* Nâng cao chất lượng công tác dịch vụ hỗ trợ đầu tư:
Tăng cường công tác tổ chức thẩm định dự án đầu tư, đảm bảo việc thẩm định dự án phải đúng quy trình đã được xây dựng để lựa chọn những phương án đầu tư tốt nhất, đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội, sử dụng hợp lý nguồn lực và thúc đẩy nhịp độ tăng trưởng kinh tế để đạt mục tiêu đề ra.
Phải thành lập bộ phận tư vấn đầu tư để hướng dẫn các doanh nghiệp lựa chọn những ngành nghề đầu tư có triển vọng trong tương lai nhưng đồng thời phải theo đúng quy định hướng dẫn đã đề ra và đúng quy hoạch phát triển của tỉnh trong từng thời kỳ.
Để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm hiểu các thông tin ưu đãi, điều kiện kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực, vốn vay, kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống thông tin liên lạc,.. Từ đó giúp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiết kiệm được thời gian, công sức để tổng hợp các tài liệu, chính sách, nghiên cứu mà chỉ thực hiện, nó gián tiếp giúp các nhà đầu tư mới có thể tận dụng các cơ hội kinh doanh nhanh nhất.
Minh bạch các thông tin về các chủ trương, chính sách, ưu đãi cũng là một trong những biện pháp quan trọng để làm môi trường đầu tư được lành mạnh. Việc minh bạch, công khai hóa các thông tin này không chỉ dừng lại ở chỗ cung cấp các nội dung mà còn phải công bố đúng lúc, kịp thời, công khai trên nhiều phương tiện truyền thông. Kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp sách nhiễu, tiêu cực, cửa quyền và vô trách nhiệm của các cơ quan công quyền.
Ngoài ra việc hỗ trợ các doanh nghiệp tìm đối tác cũng là vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm. Theo khảo sát thì có đến 25% cho là rất kém, 50% cho rằng kém và
25% cho là trung bình, tỷ lệ doanh nghiệp không hài lòng đối với việc hỗ trợ tìm đối tác là rất cao, việc hỗ trợ tìm đối tác có thể giúp cho doanh nghiệp dễ thâm nhập thị trường, đặc biệt là lĩnh vực khai thác và phát triển quỹ đất, giúp các doanh nghiệp giảm thời gian nghiên cứu thị trường, giảm chi phí quảng cáo, đẩy nhanh tiến độ khai thác từ đó tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Hậu Giang có thể đứng ra bao tiêu số nền nhà do các doanh nghiệp khai thác với giá hợp lý để bán lại bố trí cho các hộ được tái định cư, các hộ ở ven các tuyến đê, tuyến kênh rạch hoặc dùng để bố trí cho việc giản dân ở ven các khu bảo tồn, khu du lịch sinh thái…. Thời gian qua Hậu Giang đã có thí điểm việc ký hợp đồng với nhà đầu tư để làm trung gian cho việc tiêu thụ lô nền của một số dự án đầu tư khai thác quỹ đất trên địa bàn, nhưng kết quả không khả quan do chưa khảo sát kỹ thị trường để phân khúc khách hàng từ đó số lô nền có giá bán trung bình phù hợp với thu nhập người có nhu cầu không đủ, sô lô nền dùng xây dựng biệt thự dôi dư.
Hiện nay, trong hệ thống quản lý hành chính của tỉnh Hậu Giang chưa có một cơ quan chuyên trách và cũng chưa có đội ngũ cán bộ đủ năng lực để thực hiện. Đây là yếu tố thúc đẩy thu hút đầu tư và giữ chân nhà đầu tư, thực tế cho thấy Hậu Giang đang hụt hơi trong việc cạnh tranh thu hút đầu tư với các tỉnh, thành lân cận. Chỉ số năng lực cạnh tranh CPI của Hậu Giang năm 2012 xếp thứ 11/63 tỉnh, thành trong cả nước, nhưng đến năm 2013 xếp 20/63 tỉnh, thành trong cả nước. Rõ ràng sau thời gian ưu đãi đầu tư đối với tỉnh nghèo mới chia tách thì Hậu Giang không còn là điểm ưu tiên đầu tư của các nhà đầu tư. Nếu Hậu Giang xác định đúng hướng và quyết liệt thực hiện thì hy vọng trong thời gian tới Hậu Giang có thể cải thiện được thứ hạn trên bảng tổng sắp CPI trong cả nước.