Theo nhiều nhà nghiên cứu, ảnh hưởng của truyền miệng lên thái độ và hành vi của khách hàng có sức lan tỏa và đạt hiệu quả hơn so với các phương tiện quảng cáo khác như tivi, đài, báo và tạp chí (Katz và Lazarsfeld, 1995; Gelb và Johnson, 1995; Herr và cộng sự, 1991). Đồng thời, giao tiếp thông qua truyền miệng thường mạnh và đáng tin cậy hơn các thông điệp quảng cáo khác (Johnson và cộng sự, 1991). Điển hình như cuộc khảo sát với hơn 10.000 người tiêu dùng do Công ty tư vấn CIA thực hiện (2004) cho thấy, 76% người tiêu dùng xem phương pháp truyền miệng là nhân tố ảnh hưởng chính đến quyết định mua hàng của họ, trong khi chỉ có 15% người tiêu
dùng thích phương thức quảng cáo truyền thống. Còn theo Công ty quảng cáo RSCG của Châu Âu, phương pháp truyền miệng đạt hiệu quả gấp 10 lần so với quảng cáo trên tivi hay báo in trong việc kích thích sự yêu thích về sản phẩm. Do vậy, nhiều khách hàng chịu ảnh hưởng từ niềm tin cá nhân hoặc truyền miệng trong các quyết định lựa chọn tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ. Quan điểm này cũng phù hợp với cách tiếp cận của Gelb và Johnson (1995) khi các ông cho rằng niềm tin của khách hàng dựa trên quan điểm của người khác còn mạnh hơn một thông điệp quảng cáo. Để lý giải điều này, cần hiểu rằng thông qua truyền miệng, việc quảng cáo sản phẩm và thương hiệu thực chất không phải do chính doanh nghiệp mà là người thân, bạn bè, người quen và đặc biệt là chính khách hàng thực hiện. Theo thống kê của những người làm marketing, có tới 46% người tiêu dùng lựa chọn từ 4 -7 sản phẩm trước khi quyết định mua hàng. Vì thế, nếu sản phẩm và dịch vụ của bạn khiến cho khách hàng tự giới thiệu cho người khác, thì đó là sự thành công ngoài mong đợi mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng mong ước. Do vậy, có thể thấy, truyền miệng là hình thức thực sự đạt hiệu quả hơn so với quảng cáo, đặc biệt đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ (Gelb và Johnson, 1995)
Ngày nay, với sự bùng nổi của công nghệ thông tin và truyền thông, năng lực của truyền miệng cũng trở nên mạnh mẽ hơn. Thêm vào đó, so với thông điệp quảng cáo phổ biến hiện nay được tạo ra bới những người làm marketing, truyền miệng có độ tin cậy lớn hơn (File và cộng sự, 1994). Theo Andy Sernovitz, Giám đốc điều hành của tổ chức Tiếp thị Truyền miệng, “đối với khách hàng, không có một sức mạnh tiếp thị nào có thể lớn hơn sự giới thiệu từ một nguồn đáng tin cậy”. Vì thế, có thể nói rằng, truyền miệng hoàn toàn tốt hơn so với các phương tiện thông tin đại chúng khác (Feick và cộng sự, 1987)
Trên góc độ chi phí, truyền miệng rẻ hơn rất nhiều so với việc sử dụng các phương tiện quảng cáo khác như tivi, đài, báo, tạp chí. Đặc biệt là, nếu không tính đến hình thức truyền miệng qua internet với việc chỉ phải mất chi phí rất nhỏ liên quan đến gửi email, hội thoải ở phòng chát room, thảo luận trên MSN,...thì rõ ràng, việc sử dụng hình thức truyền miệng cho hoạt động quảng bá không phải tốn kém một khoản phí nào, trong khi hiệu quả của nói nhiều lúc đạt được tương đối cao.