Các nghiên cứu trong nước

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến sự gắn bó của nhân viên đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển và chuyển giao Phần mềm DTSOFT (Trang 31)

Tại Việt Nam, khi nói về các công trình nghiên cứu “sự gắn bó” (OC) thì học giả Trần Kim Dung là người chắc chắn sẽ phải được nhắc đến đầu tiên. Bởi cho tới thời điểm này, học giả là tác giả của một số lượng lớn những nghiên cứu có giá trị liên quan đến vấn đề OC. Với nghiên cứu : “Đánh giá trình độ quản trị nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” (Trần Kim Dung, 1999, Trích dẫn trong Bùi Thị Hồng Thủy, 2010) cho thấy nhân viên có mức độ hài lòng chung trong doanh nghiệp là trên trung bình (3,52/5). Với bốn nhóm yếu tố chính ảnh hưởng đến sự hài lòng là: (1) Công việc; (2) môi trường không khí làm việc; (3) cơ hội đào tạo thăng tiến và (4) thu nhập. Kết quả hồi quy cho thấy yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới sự hài lòng của nhân viên là môi trường không khí làm việc trong doanh nghiệp. Yếu tố ảnh hưởng ít nhất đến sự hài lòng của nhân viên là cơ hội đào tạo, thăng tiến. Ngoài ra, nhân viên có trình độ văn hoá, chức vụ và tuổi cao thường có mức độ hài lòng cao hơn.

Với cách tiếp cận từ một khía cạnh khác có liên quan đến OC là sự động viên, nghiên cứu: “Thang đo động viên nhân viên ” (Trần Kim Dung và Nguyễn, Ngọc Lan Vy 2011) đã chỉ ra rằng để động viên nhân viên làm việc tốt hơn, nỗ lực cống hiến cho doanh nghiệp nhiều hơn thì nhà quản lý phải giải quyết tốt vấn đề: (1) có một chính sách chế độ đãi ngộ hợp lý đối với nhân viên; (2) tạo dựng những mối quan hệ tốt trong công việc; (3) bố trí và thiết kế công việc phù hợp; và (4) tạo dựng một thương hiệu tốt cho công ty.

Trần Kim Dung và Morris Abraham (2005) với tác phẩm: “Đánh giá ý thức gắn kết với tổ chức và sự thỏa mãn công việc trong bối cảnh Việt Nam” đã cho thấy sự gắn kết của nhân viên với tổ chức bị ảnh hưởng bởi 5 khía cạnh thỏa mãn công việc đó là: Công việc; Trả lương; Đồng nghiệp; Giám sát và thăng tiến. Trong đó, ảnh hưởng của khía cạnh công việc lên thành phần ý thức nỗ lực và cố gắng, và ảnh hưởng của khía cạnh giám sát lên thành phần lòng tự hào, yêu mến tổ chức là mạnh nhất. Tác giả kết luận rằng: Mỗi cá nhân nỗ lực làm việc tích cực và họ tự hào, yêu mến tổ chức là vì họ yêu thích công việc và họ đã có được những mối quan hệ tốt đẹp ở nơi làm việc. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng : Những động cơ thúc đẩy nội tại ảnh hưởng đến ý thức gắn kết nhiều hơn động cơ tác động từ bên ngoài.

Năm 2009, tác giả Lê Hồng Lam với nghiên cứu: “Đo lường sự thỏa mãn của cán bộ công nhân viên đối với tổ chức tại công ty trách nhiệm hữu hạn Long Shin” (Lê Hồng Lam, 2009) cho thấy sự thỏa mãn của các công nhân chế biến thủy sản đối với tổ chức bị ảnh hưởng mạnh nhất chính là (1) mối quan hệ cấp trên-cấp dưới và (2) sự đồng cảm với những vấn đề cá nhân. Vấn đề lương bổng và các chế độ chính sách chỉ xếp thứ ba. Mức độ ảnh hưởng giảm đi ở yếu tố (4) sự tự thể hiện, phát triển nghề nghiệp. Theo sau là (5) triển vọng phát triển công ty, và (6) hiệu quả công tác đào tạo. Điều trái ngược hoàn toàn với kết quả nghiên cứu của Trần Kim Dung (1999), là (7) yếu tố môi trường, điều kiện làm việc là ít ảnh hưởng đến sự thỏa mãn của nhân viên đối với tổ chức nhất. Như vậy, với đối tượng và phạm vi nghiên cứu cụ thể khác nhau đã cho ra những kết quả không giống nhau, thậm chí là trái ngược nhau.

Liên quan đến lĩnh vực dịch vụ, Bùi Thị Hồng Thủy (2010) với nghiên cứu: “Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ gắn bó của nhân viên đối với công ty Bảo Việt Nhân Thọ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ”, đã khẳng định thêm kết quả của Lê Hồng Lam (2009) khi cho rằng yếu tố (1) mối quan hệ với cấp trên có ảnh hưởng quan trọng nhất đến sự hài lòng của nhân viên với tổ chức, tiếp theo là yếu tố (2) tiền lương và chế độ chính sách. Hai yếu tố sau là (3) ý nghĩa công việc và (4) môi trường, bầu không khí làm việc và triển vọng phát triển của công ty lại có mức độ ảnh hưởng yếu hơn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến sự gắn bó của nhân viên đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển và chuyển giao Phần mềm DTSOFT (Trang 31)